Thiếu vitamin D đã trở thành một mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Hậu quả rõ ràng do thiếu vitamin D ở trẻ em là bệnh còi xương, và tỷ lệ mắc bệnh còi xương ngày càng tăng đã được nhiều nghiên cứu cho thấy ở các nước phát triển 1.
Vitamin D cần thiết để chuyển hóa canxi và thúc đẩy sự hấp thụ canxi ở ruột 2, do đó cần thiết cho sự phát triển của xương. Nồng độ 25-OH-D huyết thanh thấp dưới 30 nmol/l có liên quan đến việc giảm mật độ xương ở trẻ lớn và thanh thiếu niên, tăng nguy cơ còi xương và co giật hạ canxi máu ở trẻ nhỏ, tăng nguy cơ nhuyễn xương ở thanh niên và trung niên, loãng xương và gãy xương ở người lớn tuổi 3,4,5. Ngoài ra, thiếu vitamin D là một trong những yếu tố nguy cơ góp phần đến các bệnh tim mạch, tiểu đường và các bệnh tự miễn6. Vitamin D chủ yếu được cơ thể sản xuất trong quá trình tiếp xúc với tia UVB của ánh sáng mặt trời và được bổ sung qua các thực phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay, việc bổ sung vitamin D còn nhiều hạn chế và sai lầm dẫn đến 40-50% dân số trên toàn thế giới, kể cả các nước nhiệt đới bị thiếu vitamin D. Theo các nghiên cứu cho thấy, ở Thái Lan cứ 100 người thì có 50 người thiếu vitamin D; ở Nhật Bản và Hàn Quốc, tỷ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90% 7. Năm 2019, Day và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu trên 194 phụ huynh có con dưới 2 tuổi về việc bổ sung vitamin D cho trẻ cho thấy 57% cha mẹ cho biết họ nhận được thông tin về vitamin D nhưng mức độ hài lòng về thông tin còn thấp; 26% cha mẹ đã cho con bổ sung vitamin D đúng cách 8.Việt Nam là một đất nước nhiệt đới nhiều ánh nắng măt trời nhưng tỷ lệ thiếu vitamin D ở trẻ tương đối cao. Theo điều tra ở trẻ em dưới 5 tuổi đến khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện MEDLATEC năm 2012 có 73,5% trẻ bị thiếu vitamin D với 100% thuộc nhóm trẻ từ 0-12 tháng tuổi. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015 trên 19 tỉnh thành có 62,1% trẻ em ở thành thị và 53,7% trẻ em nông thôn thiếu vitamin D 9.
Theo khuyến cáo của Cục quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)1,10 và nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam của Viện dinh dưỡng quốc gia; trẻ sơ sinh đến dưới 1 tuổi cần bổ sung thêm 400IU vitamin D/ngày ngoài việc tắm nắng và qua thực phẩm. Các cuộc điều tra gần đây cho thấy, tỷ lệ trẻ em còi xương dưới 3 tuổi là 26,4% và tăng lên đến 35% ở trẻ dưới 1 tuổi9 và chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi kiến thức, thái độ và thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ. Hiện nay, các bậc phụ huynh đã rất quan tâm đến việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ, trong đó có vitamin D. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là bệnh viện hạng đặc biệt, hàng năm khám và điều trị cho một số lượng lớn trẻ thuộc các tỉnh phía Bắc. Góp phần khảo sát để nâng cao hiệu quả can thiệp bổ sung vitamin D cho trẻ, chúng tôi tiến hành nghiên cứu.
Mục tiêu nghiên cứu là mô tả thực trạng kiến thức, thái độ và thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ có con từ 0-12 tháng tuổi tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên năm 2021 và Xác định một số yếu tố liên quan tới kiến thức, thái độ và thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ có con từ 0-12 tháng tuổi tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
2.1. Đối tượng, địa điểm, thời gian
2.1.1. Đối tượng nghiên cứu
Bà mẹ có con từ 0-12 tháng tuổi đang khám, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
* Tiêu chuẩn chọn:
- Bà mẹ có con từ 0-12 tháng tuổi khám hoặc điều trị tại 03 đơn vị: Phòng khám Nhi; Phòng khám yêu cầu; Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
- Bà mẹ đã từng cho trẻ bổ sung vitamin D: tắm nắng, bổ sung thực phẩm, uống vitamin D.
- Đồng ý tham gia vào nghiên cứu.
- Có khả năng đọc và hiểu tiếng Việt.
* Tiêu chuẩn loại trừ:
- Bà mẹ không đủ khả năng trả lời.
- Bà mẹ có con đang trong tình trạng nặng, cần chăm sóc đặc biệt (NICU, PICU)
- Bà mẹ có con dưới 7 ngày tuổi.
2.1.2. Địa điểm và thời gian: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 02 năm 2022.
2.2. Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang
2.3. Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu
2.3.1. Cỡ mẫu
Chọn toàn bộ; Trong khoảng thời gian trên, nhóm nghiên cứu lựa chọn được 269 bà mẹ đáp ứng tiêu chuẩn chọn mẫu nghiên cứu.
2.3.2. Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện có chủ đích
2.4. Chỉ tiêu nghiên cứu
- Đặc điểm nhân khẩu học của bà mẹ
- Kiến thức, thái độ và thực hành về bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ
- Một số yếu tố liên quan: nhóm tuổi, kiểu gia đình, trình độ văn hóa, đã từng nhận thông tin, nơi sống, số con hiện tại của bà mẹ và nơi trẻ đang được điều trị.
2.5. Tiêu chuẩn và cách đánh giá
* Xây dựng bộ câu hỏi: Bộ câu hỏi được dựa trên “Knowledge, attitude and practice of Iraqi mothers towards Vitamin D supplementation to their infants in Baghdad Al -Rusafa” của tác giả Rasheed (2017)11; “Knowledge, Attitude and Practice towards Vitamin D Importance and Supplementation among Mothers of under Five Children in a Primary Health Care Center in Cairo” của Soliman (2020) 12 và được điều chỉnh phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Sau khi xây dựng, bộ câu hỏi được thử nghiệm trên 30 bà mẹ có con đang điều trị tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
* Bộ câu hỏi soạn sẵn gồm 2 phần: Phần I (Thông tin nhân khẩu học của đối tượng nghiên cứu) và Phần II: Bộ công cụ bao gồm 41 câu hỏi (Kiến thức về vitamin D (25 câu), Thái độ về việc bổ sung vitamin D cho trẻ (6 câu), Thực hành về bổ sung vitamin D cho trẻ (10 câu))
- Cách đánh giá: Mỗi câu trả lời đúng sẽ được 1 điểm, sai là 0 điểm. Sau đó, sẽ tính tổng điểm của mỗi phần
+ Kiến thức: 0-13 điểm -> Kiến thức không đạt; Trên 13 điểm -> Kiến thức đạt.
+ Thái độ: ≤ 4 điểm-> Thái độ không đạt; > 4 điểm -> Thái độ tích cực.
+ Thực hành: < 5 điểm -> Thực hành không đạt; ≥ 5 điểm -> Thực hành đạt.
2.6. Phương pháp thu thập số liệu: - Đối tượng nghiên cứu được giải thích và phát bộ câu hỏi đã soạn sẵn dưới sự giám sát và hỗ trợ của nhóm nghiên cứu.
- Nhóm nghiên cứu nhận lại bộ câu hỏi đã trả lời, kiểm tra và thu thập thêm thông tin trong phạm vi của nghiên cứu (nếu cần thiết).
2.7. Xử lý số liệu: Sử dụng phương pháp thống kê mô tả để tóm tắt đặc điểm thông tin chung của đối tượng nghiên cứu. Sử dụng Chi – square test để mô tả sự khác biệt ý nghĩa về mức độ kiến thức, thái độ, thực hành; So sánh sự tương quan giữa kiến thức, thái độ, thực hành của bà mẹ: sử dụng hệ số tương quan Pearson hoặc Spearman.
3.1. Thực trạng kiến thức, thái độ và thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ có con từ 0-12 tháng tuổi
Bảng 1. Kiến thức, thái độ và thực hành của bà mẹ về bổ sung vitamin D
STT | Nội dung | Mean ± SD | n | % | |
1 | Kiến thức | Không đạt (≤13 điểm) | 12,4 ± 0,4 | 48 | 17,8 |
Đạt (>13 điểm) | 17,9 ± 2,9 | 221 | 82,2 | ||
2 | Thái độ | Không đạt (<5 điểm) | 3,3 ± 0,4 | 196 | 72,9 |
Tích cực (≥ 5 điểm) | 5,3 ± 0,4 | 73 | 27,1 | ||
3 | Thực hành | Không đạt (<5 điểm) | 3,0 ±0,8 | 200 | 74,3 |
Đạt (≥5 điểm) | 5,0 ± 0 | 69 | 25,7 |
Nhận xét: Trong tổng số 269 bà mẹ, có 82,8% bà mẹ có kiến thức bổ sung vitamin D cho trẻ ở mức độ đạt; 72,9% bà mẹ có thái độ không đạt về bổ sung vitamin D cho trẻ và 74,3% bà mẹ có thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ ở mức không đạt.
Hình 1. Mức độ kiến thức, thái độ, thực hành bổ sung vitamin D của bà mẹ
Nhận xét: Trong 269 bà mẹ tham gia nghiên cứu với kiến thức trung bình ở mức độ đạt; thái độ và thực hành ở mức không đạt.
3.2. Yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ, thực hành bổ sung vitamin D của bà mẹ
Bảng 2. Các yếu tố liên quan đến kiến thức bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ
STT | Các yếu tố (n=269) | Đạt (n) | Không đạt (n) | p | |
1 | Nhóm tuổi | ≤ 25 tuổi | 42 | 48 | 0,000 |
26-30 tuổi | 117 | 0 | |||
Trên 30 tuổi | 62 | 0 | |||
2 | Kiểu gia đình | Hạt nhân | 169 | 0 | 0,001 |
Đa thế hệ | 32 | 48 | |||
Đơn thân | 20 | 0 | |||
3 | TĐVH | Đại học, Chuyên nghiệp | 128 | 18 | 0,000 |
THPT | 33 | 30 | |||
Sau đại học | 30 | 0 | |||
4 | Đã từng nhận thông tin | Chưa | 0 | 20 | 0,000 |
Có | 221 | 28 | |||
5 | Trẻ đang điều trị | hòng khám Nhi | 63 | 11 | 0,157 |
hòng khám yêu cầu Nhi | 97 | 17 | |||
Trung tâm Nhi khoa | 61 | 20 | |||
6 | Nơi sống | Thành thị | 117 | 0 | 0,000 |
Nông thôn | 221 | 48 | |||
7 | Số con | Lần đầu | 45 | 28 | 0,000 |
Con thứ 2 | 119 | 20 | |||
Trên 2 con | 57 | 0 |
Nhận xét: Tỷ lệ bà mẹ giữa nhóm từ 26 tuổi trở lên có kiến thức đạt cao hơn nhóm dưới 26 tuổi; Tỷ lệ bà mẹ thuộc gia đình hạt nhân có kiến thức đạt cao hơn nhóm gia đình khác; Bà mẹ có TĐVH sau ĐH có kiến thức đạt cao hơn các nhóm khác; Nhóm bà mẹ đã từng nhận thông tin có kiến thức đạt cao hơn nhóm chưa được nhận thông tin; Tỷ lệ bà mẹ sống ở thành thị có kiến thức đạt cao hơn ở nông thôn; Nhóm bà mẹ có con lần đầu có kiến thức ở mức đạt thấp hơn so với có từ 2 con trở lên (p<0,05).
Bảng 3. Các yếu tố liên quan đến thái độ bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ
STT | Các yếu tố (n=269) | Đạt (n) | Không đạt (n) | p | |
1 | Nhóm tuổi | ≤ 25 tuổi | 0 | 90 | 0,000 |
26-30 tuổi | 31 | 86 | |||
Trên 30 tuổi | 42 | 20 | |||
2 | Kiểu gia đình | Hạt nhân | 63 | 106 | 0,006 |
Đa thế hệ | 0 | 80 | |||
Đơn thân | 10 | 10 | |||
3 | TĐVH | Đại học, Chuyên nghiệp | 42 | 134 | 0,252 |
THPT | 21 | 42 | |||
SauĐại học | 10 | 20 | |||
4 | Đã từng nhận thông tin | Chưa | 0 | 20 | 0,003 |
Có | 73 | 176 | |||
5 | Trẻ đang điều trị | Phòng khám Nhi | 21 | 53 | 0,707 |
Phòng khám yêu cầu Nhi | 28 | 86 | |||
Trung tâm Nhi khoa | 24 | 57 | |||
Nơi sống | Thành thị | 31 | 86 | 0,89 | |
Nông thôn | 42 | 110 | |||
7 | Số con | Lần đầu | 12 | 61 | 0,055 |
Con thứ 2 | 43 | 96 | |||
Trên 2 con | 18 | 39 |
Nhận xét: Tỷ lệ bà mẹ nhóm dưới 26 tuổi có thái độ đạt thấp hơn nhóm từ 26 tuổi trở lên; Tỷ lệ bà mẹ thuộc gia đình đa thế hệ có thái độ đạt thấp hơn nhóm gia đình khác; Nhóm bà mẹ đã từng nhận thông tin có thái độ đạt cao hơn nhóm chưa được nhận thông tin (p<0,05).
Bảng 4. Các yếu tố liên quan đến thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ
STT | Các yếu tố (n=269) | Đạt (n) | Không đạt (n) | p | ||
1 | Nhóm tuổi | ≤ 25 tuổi | 28 | 62 | 0,000 | |
26-30 tuổi | 0 | 117 | ||||
Trên 30 tuổi | 41 | 21 | ||||
2 | Kiểu gia đình | Hạt nhân | 41 | 128 | 0,005 | |
Đa thế hệ | 28 | 52 | ||||
Đơn thân | 0 | 20 | ||||
3 | TĐVH | SauĐại học | 49 | 127 | 0,000 | |
THPT | 0 | 63 | ||||
Sau ĐH | 20 | 10 | ||||
4 | Đã từng nhận thông tin | Chưa | 0 | 20 | 0,006 | |
Có | 69 | 180 | ||||
5 | Trẻ đang được điều trị | Phòng khám Nhi | 11 | 63 | 0,042 | |
Phòng khám yêu cầu Nhi | 33 | 81 | ||||
TT Nhi khoa | 25 | 56 | ||||
6 | Nơi sống | Thành thị | 0 | 117 | 0,000 | |
Nông thôn | 69 | 83 | ||||
7 | Số con | Lần đầu | 33 | 40 | 0,000 | |
Con thứ 2 | 134 | 5 | ||||
Trên 2 con | 26 | 31 |
Nhận xét: Tỷ lệ bà mẹ giữa nhóm trên 30 tuổi có thực hành đạt cao hơn nhóm dưới 30 tuổi; Tỷ lệ bà mẹ thuộc gia đình đa thế hệ có thực hành đạt cao hơn nhóm gia đình khác; Bà mẹ có TĐVH sau ĐH có thực hành đạt cao hơn các nhóm khác; Nhóm bà mẹ đã từng nhận thông tin có thực hành đạt cao hơn nhóm chưa được nhận thông tin; Nhóm bà mẹ có con đang điều trị tại TT Nhi khoa có thực hành đạt cao hơn các nhóm còn lại; Tỷ lệ bà mẹ sống ở nông thôn có thực hành đạt cao hơn ở thành thị; Nhóm bà mẹ có con lần thứ 2 có thực hành ở mức đạt cao hơn so với các nhóm khác (p<0,05).
4.1. Thực trạng kiến thức, thái độ và thực hành của bà mẹ về bổ sung vitamin D cho trẻ
Thiếu vitamin D đã và đang là một mối quan tâm về sức khỏe ở trẻ em. Hậu quả rõ ràng do thiếu vitamin D ở trẻ em là bệnh còi xương, và tỷ lệ mắc bệnh còi xương ngày càng tăng đã được nhiều nghiên cứu cho thấy ở các nước phát triển 1
Trong 269 bà mẹ, có 82,8% bà mẹ có kiến thức bổ sung vitamin D cho trẻ ở mức độ đạt; 72,9% bà mẹ có thái độ không tích cực về bổ sung vitamin D cho trẻ và 74,3% bà mẹ có thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ ở mức không đạt. Kết quả của chúng tôi có tỷ lệ bà mẹ có kiến thức ở mức độ đạt cao hơn so với kết quả nghiên cứu của tác giả Rasheed năm 2017 11 với 41,5% bà mẹ có kiến thức ở mức độ đạt. Nghiên cứu của chúng tôi phần lớn các bà mẹ đều có trình độ văn hóa ở mức THCN, ĐH và sau ĐH; cùng với 81% bà mẹ là CBVC và công nhân; với 51,7% bà mẹ đã có 2 con và 92,6% bà mẹ đã từng nhận thông tin này là những căn cứ phù hợp để bà mẹ có điều kiện được tiếp cận và thu nhận kiến thức về bổ sung vitamin D cho trẻ em. Thực tế rằng, những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về chất lượng cuộc sống của người dân và sự quan tâm mọi mặt đối với trẻ nhỏ, vấn đề bổ sung vi chất cho trẻ luôn được các bậc phụ huynh chú trọng, trong đó có vitamin D.
Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ có thái độ tích cực, thực hành mức độ đạt ở nghiên cứu của tác giả Rasheed 11 cao hơn so với kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương ứng với 43,5% và 23,5%. Tuy rằng, các bà mẹ có những kiến thức cơ bản về vitamin D đối với trẻ em nhưng còn chưa được đầy đủ, điều kiện hoàn cảnh... đã dẫn đến việc thái độ và thực hành còn chưa đúng. Trong quá trình nghiên cứu, các bà mẹ thường phản ánh rằng họ không biết để xác định có thiếu vitamin D hay không thì phải xét nghiệm máu cho trẻ; hoặc có những bà mẹ vì biết thông tin này nhưng do không muốn trẻ phải can thiệp thủ thuật. Bên cạnh đó, việc bổ sung vitamin D hàng ngày cho trẻ còn gặp nhiều trở ngại như do mẹ bận các công việc khác mà quên cho trẻ uống vitamin D hàng ngày; mẹ trẻ phải quay trở lại công việc nên không thể cho trẻ tắm nắng, uống vitamin D đúng thời điểm. Nhiều bà mẹ phản ánh rằng tuy họ biết nên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời càng sớm càng tốt; tuy nhiên, vẫn còn rào cản lo sợ khi cho trẻ ra ngoài nắng sẽ làm cho trẻ dễ bị hoặc nguyên nhân bởi người thân trong gia đình. Ngoài ra, vấn đề sử dụng các sản phẩm bổ sung vitam D có nguồn gốc tin cậy cũng luôn được bố mẹ trẻ băn khoăn. Do trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm, tuy nhiên, họ lo ngại về sự đồng bộ và có kiểm định của hệ thống dược phẩm ngày nay.
4.2. Các yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ và thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ
Về nhóm tuổi, hầu hết các bà mẹ sau sinh trong nghiên cứu thuộc nhóm tuổi trên 25 tuổi, đây là nhóm tuổi mà bà mẹ có đủ sức khỏe và trí tuệ khỏe mạnh để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé tốt nhất. Nhóm tuổi này thường xuyên được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trước sinh cũng như chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, có khả năng nhạy bén trong nắm bắt thông tin mới, kiến thức y khoa nói chung và kiến thức chăm sóc trẻ nhũ nhi nói riêng. Do vậy, nhóm tuổi này có kiến thức và thái độ tích cực hơn so với nhóm dưới 25 tuổi. Về thực hành, nhóm bà mẹ trên 30 tuổi thực hành ở mức đạt cao hơn các nhóm tuổi còn lại. Các bà mẹthuộc nhóm dưới 30 tuổi thường bị chi phối bởi thời gian cho công việc và gia đình đồng thời nhóm tuổi này thường bị “chênh vênh” và dễ xáo trộn, chưa biết sắp xếp công việc và chăm sóc con cái nên tỷ lệ thực hành mức độ đạt còn chưa cao.
Kết quả của chúng tôi cho thấy nhóm bà mẹ thuộc gia đình hạt nhân có kiến thức đạt cao hơn các nhóm khác; bà mẹ thuộc gia đình đa thế hệ có thái độ đạt thấp hơn nhóm gia đình khác và bà mẹ thuộc gia đình đa thế hệ có thực hành đạt cao hơn nhóm gia đình khác (p<0,05). Có thể do người phụ nữ thường bị chi phối bởi những hiểu biết hay thói quen được truyền lại từ thế hệ trước, đặc biệt là khi chung sống trong gia đình nhiêu thế hệ. Tuy nhiên, những người thế hệ trước thường có quan điểm hay kinh nghiệm được tích lũy hoặc truyền miệng từ dân gian nên còn có rất nhiều sai lầm, hạn chế. Như việc tắm nắng cho trẻ, thực tế cho thấy rất nhiều ông, bà “xót cháu”, không cho cháu ra ngoài; nếu phải tắm nắng thì cũng chỉ ngồi ngoài ban công, sau cửa kính... Hay như việc bổ sung viatmin D qua thực phẩm, họ thường chú trọng đến cân nặng của trẻ nhiều hơn là vi chất; với quan niệm “béo là khỏe”, bữa ăn của trẻ thường có tỷ lệ tinh bột và đạm cao hơn nhiều so với nhu cầu. Đây là quan niệm, hành động sai lầm không những không có lợi mà còn có thể gây giảm hấp thu vitamin và các dưỡng chất khác cho cơ thể của trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ sống trong gia đình đa thế hệ có mức thực hành tốt hơn do bà mẹ có thời gian chăm sóc con nhiều hơn cũng như chia sẻ công việc chăm sóc trẻ với các thành viên khác trong gia đình.
Về TĐVH, bà mẹ có TĐVH sau ĐH có kiến thức và thực hành ở mức đạt cao hơn các nhóm khác. Nhóm bà mẹ này thường có cơ hội để tiếp cận, lĩnh hội những kiến thức mới cũng như có kỹ năng để thực hiện chăm sóc trẻ.
Nhóm bà mẹ đã từng nhận thông tin có kiến thức đạt cao hơn, thái độ tích cực hơn và thực hành ở mức độ đạt cao hơn nhóm chưa được nhận thông tin (p<0,05). Sự khác biệt này cho thấy việc cung cấp kiến thức cho các bà mẹ trước, trong và sau khi sinh về chăm sóc sức khỏe trẻ em là rất quan trọng. Đặc biệt, thực tế cho thấy sự tin tưởng đối với nhân viên y tế của các bà mẹ và cho phép chúng tôi hy vọng vào một kết quả tốt của chương trình truyền thông, giáo dục sức khỏe cho các bà mẹ.
Về nơi sống, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ bà mẹ sống ở thành thị có kiến thức đạt cao hơn nhưng thực hành ở mức độ đạt thấp hơn so với nhóm bà mẹ ở nông thôn. Nhóm bà mẹ ở thành thị thường có cơ hội tiếp cận với kiến thức nhiều hơn, phương tiện thông tin đại chúng phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, đây cũng là một nhược điểm khi bà mẹ nghe quá nhiều thông tin mà không biết chọn lọc, dễ xao động dẫn đến việc thực hành kém hiệu quả. Ngoài ra, trẻ ở nông thôn thì điều kiện tiếp cận với ánh sáng mặt trời hay thực phẩm đảm bảo nhiều hơn so với trẻ em ở thành thị.
Nhóm bà mẹ có con lần đầu có kiến thức ở mức đạt thấp hơn so với bà mẹ có từ 2 con trở lên; Nhóm bà mẹ có con lần thứ 2 có thực hành ở mức đạt cao hơn so với các nhóm khác (p<0,05). Rõ ràng rằng, kiến thức hay thực hành thì đều có khả năng tích lũy, điều chỉnh theo thời gian và kinh nghiệm. Những bà mẹ có con lần đầu thường còn nhiều bỡ ngỡ, hoang mang nên chưa được trang bị nhiều kiến thức về bổ sung vitamin D. Bên cạnh đó, nhóm bà mẹ có trên 2 con cũng là một rào cản về thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ do bà mẹ có phần chủ quan hoặc thiếu thời gian chăm sóc trẻ. Đây cũng là những phản hồi của các bà mẹ trên thực tế khi chúng tôi thực hiện nghiên cứu. Có thể thấy hiện nay đời sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển, các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến rộng rãi và hệ thống dược phẩm đang được quan tâm. Đây là nền tảng để cung cấp và nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.
* Thực trạng kiến thức, thái độ và thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ
Nghiên cứu trên 269 bà mẹ về kiến thức, thái độ, thực hành về bổ sung vitamin D cho trẻ từ 0-12 tháng có 82,8% bà mẹ có kiến thức bổ sung vitamin D cho trẻ ở mức độ đạt; 27,1% bà mẹ có thái độ tích cực về bổ sung vitamin D cho trẻ và 25,7% bà mẹ có thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ ở mức đạt.
*Các yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ, thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ
Nhóm tuổi; kiểu gia đình; TĐVH; đã từng nhận thông tin; nơi sống và số con hiện tại của bà mẹ là các yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ và thực hành bổ sung vitamin D cho trẻ của bà mẹ (p<0,05).