ĐẶT VẤN ĐỀ

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của mỗi cá nhân, không chỉ về sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần (SKTT). Một nghiên cứu được thực hiện qua khảo sát 1139 sinh viên (SV) Y khoa Mỹ trong đại dịch COVID-19 cho thấy 61% SV được hỏi cho biết đã trải qua một số triệu chứng trầm cảm, 58% SV có một số triệu chứng lo âu1. Tại Việt Nam, nghiên cứu cắt ngang mô tả thực trạng chất lượng cuộc sống (CLCS) và SKTT trên của 529 SV Y đa khoa Trường Đại học Y - Dược Hải Phòng thực hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 năm 2022 cho kết quả: Điểm trung bình Chất lượng cuộc sống (CLCS) của SV là 65,60 ± 18,59, trong đó 39,89% có CLCS trung bình, 37,81% ở mức cao, 21,17% ở mức thấp và 1,13% ở mức rất thấp. Tỉ lệ SV có dấu hiệu stress, trầm cảm, lo âu lần lượt là 32,33%, 35,35% và 42,16%. Các yếu tố liên quan đến CLCS bao gồm: Mắc COVID-19, dấu hiệu stress, dấu hiệu lo âu2. Vậy đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến nhóm SV Y khoa Trường đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên. Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu với mục tiêu: Mô tả ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe tâm thần của SV Y khoa Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên năm 2022.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành với sự tham gia của 633 SV ngành Y khoa hệ đào tạo chính quy Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên.

Thời gian nghiên cứu: Nghiên cứu tiền hành từ tháng 05/2022 đến tháng 03/2023.

Địa điểm nghiên cứu: Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

Cỡ mẫu

Tính cỡ mẫu nghiên cứu:

Trong đó:

- n: Cỡ mẫu tối thiểu cần có;

- α = 0,05;

- p = 0,57 (Tỉ lệ SV có nguy cơ mắc trầm cảm là 57% nghiên cứu của Phan Nguyệt Hà và Trần Nhị Thơ)3;

- : Hệ số tin cậy ở mức 95%; = 1,96;

- d = 0,04.

Từ công thức tính được n = 589. Trên thực tế điều tra là 633 SV.

Phương pháp chọn mẫu

Chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng, cụ thể:

Bước 1: Chia quần thể SV Y khoa Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên thành 06 tầng, mỗi tầng tương ứng với một khóa học: SV năm nhất (Y.K55); SV năm thứ 2 (Y.K54); SV năm thứ 3 (Y.K53); SV năm thứ 4 (Y.K52); SV năm thứ 5 (Y.K51); SV năm thứ 6 (Y.K50).

Bước 2: Lập danh sách các lớp trong mỗi khóa, chọn ngẫu nhiên 02 lớp trong từng khóa.

Bước 3: Tiến hành thu thập số liệu từ tất cả SV trong lớp đã được chọn đồng ý tham gia nghiên cứu.

Công cụ nghiên cứu

Sử dụng bộ công cụ là bảng phỏng vấn soạn theo yêu cầu của mục tiêu nghiên cứu và thang đánh giá trầm cảm - lo âu - căng thẳng với 21 câu hỏi (Depression Anxiety and Stress Scales – DASS-21).

Phương pháp thu thập thông tin

Thu thập thông tin, sử dụng bộ câu hỏi bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp.

Chỉ số nghiên cứu

Đặc điểm chung của đối tượng tham gia nghiên cứu: Tỉ lệ SV nam, nữ; Tuổi; Tỉ lệ SV là người dân tộc Kinh, Tày, Nùng và dân tộc khác; Tỉ lệ SV mắc bệnh mạn tính;...

Những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến SKTT, học tập và cuộc sống của SV.

Tỉ lệ SV có các dấu hiệu stress, lo âu, trầm cảm và rối loạn kết hợp qua kết quả khảo sát từ thang DASS-21.

Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0 bằng sử dụng các thuật toán thống kê: Tính tỉ lệ %, tính giá trị trung bình.

Đạo đức nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành sau khi có chấp thuận của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên theo công văn số 343/ĐHYD-HĐĐĐ ban hành ngày 29 tháng 4 năm 2022.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu (n=633)

Đặc điểm chung

n

%

Giới

Nam

219

34,6

Nữ

414

65,4

Tuổi (TB ĐLC)

21,9 1,9

Dân tộc

Kinh

430

67,9

Tày

86

13,6

Nùng

38

6,0

Khác

79

12,5

Mắc bệnh mạn tính

87

13,7

Không

546

86,3

Tình trạng mắc bệnh COVID-19

Đã từng

442

69,8

Chưa từng

191

30,2

Nguồn tài chính cho việc học

Gia đình chu cấp hoàn toàn

538

85,0

Gia đình chu cấp một phần

77

12,2

Quỹ hỗ trợ SV

17

2,7

Tự chi trả qua việc đi làm thêm

20

3,2

Khác

2

0,3

Kết quả Bảng 1 cho thấy: Đối tượng nghiên cứu là SV nữ chiếm 65,4%. Độ tuổi trung bình là 21,9 1,9 tuổi, thấp nhất là 18 tuổi, cao nhất là 29 tuổi. Có tới 69,8% SV đã từng mắc bệnh COVID-19. Hầu hết SV phụ thuộc hoàn toàn tài chính vào gia đình (85%).

Hình 1. Thực trạng đi khám, kiểm tra SKTT của sinh viên (n=633)

Kết quả Hình 1 cho thấy: Gần như toàn bộ SV tham gia nghiên cứu chưa từng đi khám sức khỏe tâm thần (97,5%). Chỉ có 2,5% SV đã từng đi khám sức khỏe tâm thần, tương ứng với số lượng là 16 SV.

Bảng 2. Các bệnh đã được chẩn đoán ở nhóm SV đã từng đi khám SKTT (n=633)

Bệnh đã được chẩn đoán

n

%

Rối loạn lo âu

4

26,7

Trầm cảm

3

20,0

Mất ngủ

2

13,3

Stress

2

13,3

Mắc các rối loạn tâm thần khác

4

26,7

Kết quả Bảng 2 cho thấy: Trong số 16 SV đã từng đi khám SKTT có 1 sinh viên không mắc bệnh. Trong tổng số 15 SV đã được chẩn đoán mắc bệnh có 4 SV (26,7%) là mắc rối loạn lo âu và có 3 SV bị trầm cảm (20,0%).

Bảng 3. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến SKTT của sinh viên (n=633)

Vấn đề với SKTT

Hoàn toàn không (%)

Một chút (%)

Vừa phải (%)

Khá nhiều (%)

Vô cùng nhiều (%)

Khoảng thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19 đã làm tôi lo lắng, sợ hãi

26,2

38,7

23,2

10,4

1,4

Bất cứ gợi nhắc nào về COVID-19 đều mang lại cho tôi cảm giác lo lắng, bất an

39,5

36,7

20,7

1,7

1,4

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của tôi

40,0

36,7

18,3

4,3

0,8

Tôi vẫn luôn thường nghĩ về đại dịch COVID-19 kể cả khi không có chủ đích

59,1

26,7

11,8

1,4

0,9

Gợi nhắc về COVID-19 làm tôi có những phản ứng như đổ mồ hôi, khó thở, buồn nôn hay tim đập nhanh

79,5

12,8

6,3

0,9

0,5

Kết quả Bảng 3 cho thấy: Đại dịch COVID-19 có sự ảnh hưởng tiêu cực đến SKTT của đa số các bạn SV, chỉ có 40% trả lời là hoàn toàn không ảnh hưởng. Bất cứ gợi nhắc nào về COVID-19 đều mang lại cho 60,5% SV cảm giác lo lắng, bất an. Khoảng thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19 làm ảnh hưởng đến tinh thần của nhiều SV nhất. Cụ thể, có đến 74,8% SV thấy lo lắng, sợ hãi vì khoảng thời gian giãn cách xã hội.

Bảng 4. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến hoạt động học tập và cuộc sống của SV (n=633)

Hoạt động học tập, cuộc sống

Hoàn toàn không (%)

Một chút (%)

Vừa phải (%)

Khá nhiều (%)

Vô cùng nhiều (%)

Thấy khó thích ứng khi chuyển từ học trực tuyến sang học trực tiếp

32,7

35,9

22,3

6,8

2,4

Lo lắng vì đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc học

16,6

32,9

22,6

23,7

4,3

Lo lắng vì đại dịch COVID-19 đã là giảm thời gian và chất lượng học lâm sàng

16,7

25,4

27,2

24,2

6,5

Lo lắng sẽ bị nhiễm COVID-19 khi đi học lâm sàng tại bệnh viện và/hoặc học tại trường

16,1

33,5

24,2

19,4

6,8

Đại dịch COVID-19 đã phá hỏng những kế hoạch quan trọng trong cuộc sống của tôi

15,2

27,5

26,7

19,0

11,7

Đại dịch COVID-19 đã khiến nguồn thu nhập của gia đình tôi giảm đi

13,1

25,6

23,2

24,2

13,9

Lo lắng không đủ chi phí cho học tập, sinh hoạt sau đại dịch COVID-19

21,0

29,9

22,6

17,2

9,3

Kết quả Bảng 4 cho thấy: Hầu hết SV đánh giá đại dịch COVID-19 đã làm họ lo lắng vì bị gián đoạn việc học (83,4%); Làm giảm thời gian và chất lượng học lâm sàng (83,3%). Đại dịch COVID-19 làm thu nhập của 87,9% gia đình SV giảm đi, khiến cho 79% SV lo lắng không đủ chi phí cho học tập, sinh hoạt sau đại dịch COVID-19.

Bảng 5. Tỉ lệ SV có dấu hiệu mắc rối loạn stress, lo âu, trầm cảm và rối loạn kết hợp qua khảo sát (n=633)

Đặc điểm

n

%

Bình thường

275

43,4

Stress

242

38,2

Lo âu

311

49,1

Trầm cảm

258

40,8

Stress và lo âu

200

31,6

Stress và trầm cảm

193

30,5

Lo âu và trầm cảm

215

34,0

Stress, lo âu và trầm cảm

169

26,7

Kết quả Bảng 5 cho thấy: Lo âu là rối loạn có tỉ lệ gặp cao nhất ở nhóm SV tham gia nghiên cứu (49,1%). Tỉ lệ SV có biểu hiện mắc rối loạn trầm cảm là 40,8% và stress là 38,2%. Tỉ lệ SV có dấu hiệu mắc đồng thời các rối loạn khá cao, trong đó có 26,7% SV có dấu hiệu mắc đồng thời cả ba rối loạn stress, lo âu và trầm cảm.

BÀN LUẬN

Khảo sát sàng lọc SKTT trên 633 SV Y khoa Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên qua thang đo DASS-21 cho thấy tỷ lệ SV có dấu hiệu mắc rối loạn trầm cảm, lo âu và stress lần lượt là 40,8%, 49,1% và 38,2%. Tỉ lệ mắc các rối loạn SKTT trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn khi so với nghiên cứu của tác giả Hoàng Minh Nam trên nhóm đối tượng là người dân tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên4. Sự khác biệt này có thể được giải thích bởi nhóm đối tượng SV Y khoa có thể sẽ có nhiều áp lực về học tập hơn các đối tượng khác trong cộng đồng khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Đồng thời, sinh viên Y khoa phải thực tập lâm sàng tại bệnh viện nên khi dịch bệnh xảy ra, nhóm đối tượng này sẽ đối mặt với nhiều nỗi lo lắng và căng thẳng hơn.

Khi so sánh với các nghiên cứu thực hiện trên SV khối ngành sức khỏe, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy SV Y khoa Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên có tỉ lệ mắc rối loạn về SKTT cao hơn SV Điều dưỡng Trường Đại học Đông Á. Tỷ lệ SV Điều dưỡng có dấu hiệu mắc trầm cảm, lo âu và stress lần lượt là 23,1%, 36,1% và 22,2%5. Một nghiên cứu khác được thực hiện trên 877 SV tại một số trường đại học khoa học sức khỏe ở Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh trong làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ nhất cũng cho kết quả SV mắc rối loạn tâm thần thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi6. Tuy nhiên, một nghiên cứu được tiến hành trên SV Y khoa tại Đại học Y Hà Nội vào năm học 2020-2021 đã cho kết quả tỷ lệ SV có nguy cơ trầm cảm ở mức cao hơn nghiên cứu của chúng tôi3. Sự khác biệt về các kết quả kể trên có thể được giải thích bởi sự khác biệt về ngành học và vùng miền. SV ngành Y đa khoa có thể có những áp lực về học tập cao hơn SV ngành khác như Điều dưỡng. SV ở thành phố lớn như Hà Nội có thể phải chịu nhiều áp lực trong cuộc sống hơn.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra lo âu là rối loạn tâm thần có tỉ lệ SV mắc phải cao nhất trong số ba rối loạn được khảo sát: Trầm cảm (40,8%), lo âu (49,1%) và stress (38,2%). Kết quả này khá tương đồng với một số nghiên cứu trên SV ở một số nước trên thế giới trong đại dịch COVID-19, như: SV Đại học Osijek ở Croatia với tỉ lệ lo âu (50,9%) cao hơn trầm cảm (50,8%) và căng thẳng (49,9%)7; SV Đại học Giáo dục Sultan Idris (UPSI) Perak, Malaysia với tỉ lệ SV có triệu chứng lo âu là 47% cao hơn tỉ lệ trầm cảm là 34% và stress là 14%8. Tình trạng gia tăng tỉ lệ mắc các rối loạn lo âu có thể là kết quả của những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đến các mặt trong đời sống sinh hoạt và học tập của SV như: Phá hỏng những kế hoạch quan trọng trong cuộc sống (84,8%); Khiến nguồn thu nhập của gia đình giảm đi (86,9%) và thấy khó khăn khi thay đổi phương thức học tập từ trực tuyến sang trực tiếp khi đi học trực tiếp trở lại (68,3%).

Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy những nỗi lo lắng phổ biến ở SV trong bối cảnh đại dịch COVID-19 là: Lo lắng vì đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn việc học (83,4%); Lo lắng sẽ bị nhiễm COVID-19 khi đi học lâm sàng tại bệnh viện và/hoặc học tại trường (83,3%). Số liệu trên có sự tương đồng khi so sánh với nghiên cứu trên SV khối ngành sức khỏe tại Đại học Nguyễn Tất Thành của Đỗ Trọng Thành (2022)9. Ngoài ra, kinh tế cũng là một vấn đề khiến không ít SV lo lắng khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Đa số sinh viên Y khoa Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tài chính từ gia đình dành cho sinh hoạt, học tập (85%). Khi đại dịch COVID-19 xảy đến đã làm nguồn thu nhập của nhiều gia đình giảm đi (86,9%), khiến nhiều SV lo lắng không đủ chi phí cho việc học tập, sinh hoạt sau đại dịch COVID-19 (79,9%).

Trong khi khảo sát 633 SV, có đến hơn một nửa SV có dấu hiệu mắc ít nhất một trong các rối loạn lo âu, trầm cảm, stress (56,6%) nhưng chỉ có 16 SV (2,4%) trả lời đã từng đi khám sức khỏe tâm thần. Tỉ lệ sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKTT của SV Y khoa Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên thấp hơn nhiều so với sinh viên Mỹ (42,1%)1. Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ rất thấp SV đã từng đi khám SKTT có thể do SV chưa có hiểu biết và nhận thức đúng về các vấn đề SKTT.

Nghiên cứu của chúng tôi còn hạn chế như thang đo DASS-21 chỉ có giá trị sàng lọc các rối loạn về SKTT trong cộng đồng mà không có giá trị chẩn đoán. Vì vậy, cần có những nghiên cứu sâu hơn, có giá trị chẩn đoán xác định thực trạng sức khỏe tâm thần của sinh viên y khoa. Tuy nhiên, những số liệu mà nghiên cứu chúng tôi đưa ra cũng có thể góp phần quan trọng vào việc xem xét cung cấp các dịch vụ phù hợp nhằm hỗ trợ SV nâng cao, cải thiện SKTT của bản thân để đảm bảo sinh hoạt và học tập, đặc biệt trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

KẾT LUẬN

Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khoẻ tâm thần và ảnh hưởng đến các mặt trong đời sống sinh hoạt và học tập của sinh viên. Dấu hiệu lo âu có tỉ lệ gặp cao nhất là 49,1%, tỉ lệ sinh viên có dấu hiệu trầm cảm là 40,8% và stress là 38,2%. Tỷ lệ rất cao sinh viên chưa từng đi khám sức khỏe tâm thần (97,5%).