Từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, đến nay dịch COVID-19 đã lan rộng khắp thế giới với gần 191 triệu người mắc và hơn 4 triệu người chết 1. Tại Việt Nam, tính đến hết ngày 21/7/2021 có 57.566 ca nhiễm và tử vong 245 người 2. Việt Nam đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn toàn quốc hoặc tại các địa phương có xuất hiện dịch theo các chỉ thị số 15/CT-TTg; 16/CT-TTg; 19/CT-TTg. Việc lo lắng hay sợ hãi về một điều chúng ta chưa chắc chắn hay sợ hãi là điều dễ hiểu. Bên cạnh sự lo lắng, sợ hãi về sự bùng nổ và nguy cơ mắc bệnh khi đại dịch COVID-19 bùng phát thì những vấn đề đi kèm như việc bị hạn chế đi lại, sự thay đổi tiêu cực của việc làm, thu nhập… cũng là những vấn đề tác động đến sức khỏe tâm thần (SKTT) của mọi người. Nghiên cứu tổng hợp của Firoj al Mamun và cộng sự (2021) cho thấy: Tỷ lệ phổ biến của các triệu chứng trầm cảm, lo âu và căng thẳng từ nhẹ đến nặng lần lượt dao động từ 46,92% đến 82,4%, 26,6% đến 96,82% và 28,5% đến 70,1% 3. Nghiên cứu của Ru Jia và cộng sự (2020) chỉ ra rằng có mối liên quan giữa một số yếu tố như: Trẻ hơn, giới nữ và trong nhóm nguy cơ COVID-19 với tăng sự căng thẳng, lo lắng và trầm cảm4.
Cuối tháng 4 năm 2020 là thời điểm Việt Nam vừa trải qua đợt giãn cách xã hội lớn nhất. Các nghiên cứu về đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến SKTT còn rất hạn chế nên chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mô tả sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới SKTT của người dân Cao Bằng.
Đối tượng nghiên cứu: Người dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có thể tiếp cận được bảng khảo sát trực tuyến và tự nguyện trả lời các câu hỏi của cuộc điều tra.
Địa điểm, thời gian nghiên cứu: Khảo sát diễn ra trực tuyến từ ngày 25 tháng 4 năm 2020 đến ngày 5 tháng 5 năm 2020.
Phương pháp và thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang
Cỡ mẫu nghiên cứu: Tổng số có 1913 người dân tham gia nghiên cứu này.
Phương pháp chọn mẫu
Đây là khảo sát trực tuyến. Tất cả người dân có thể tiếp cận với bảng khảo sát trực tuyến và sẵn sàng tham gia trả lời câu hỏi đều được mời tham gia nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu gửi biểu mẫu khảo sát đến cán bộ y tế là lãnh đạo của các huyện thuộc tỉnh Cao Bằng, từ huyện đã chia sẻ đến các trạm y tế xã. Cán bộ y tế xã chia sẻ đến y tế thôn bản và họ đã tiếp tục chia sẻ đến người dân trong thôn, xã.
Biến số nghiên cứu
Các biến số về đặc điểm của đối tượng nghiên cứu: Tuổi, giới, dân tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi sống, tình trạng kinh tế hộ gia đình, thay đổi thu nhập/công việc trong thời gian có dịch so với trước khi có dịch (tăng lên, giảm đi, không thay đổi).
Các biến số về ảnh hưởng của COVID-19 đối với kinh tế và đời sống: Sự thay đổi thu nhập cá nhân do tác động của COVID-19, ảnh hưởng của sự thay đổi thu nhập đến đời sống hộ gia đình. Tình trạng SKTT được thu thập bằng cách sử dụng bảng câu hỏi tự đánh giá về tình trạng trầm cảm, lo âu và căng thẳng (DASS-21) gồm 21 câu hỏi. Mức độ ảnh hưởng SKTT của đối tượng nghiên cứu của được chia theo bảng Bảng 1.
Bảng 1. Phân loại tình trạng trầm cảm, lo âu, căng thẳng (DASS-21)
Trầm cảm | Lo âu | Căng thẳng tâm lý | |
Bình thường | 0 - 9 | 0 - 7 | 0 - 14 |
Nhẹ | 10 - 13 | 8 - 9 | 15 - 18 |
Vừa | 14 - 20 | 10 - 14 | 19 - 25 |
Nặng | 21 - 27 | 15 - 19 | 26 - 33 |
Rất nặng | > 27 | > 19 | > 33 |
Phương pháp thu thập thông tin
Chiến lược hòn tuyết lăn đã được áp dụng nhằm đưa bảng khảo sát trực tuyến tiếp cận đến người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nhiều nhất có thể.
Xử lý và phân tích số liệu
Số liệu được xử lý trên SPSS 20. Phân tích mô tả được sử dụng để quan sát các biến về đặc điểm chung, ảnh hưởng của COVID-19 đến kinh tế và đời sống…; giá trị trung bình được sử dụng cho DASS-21; Hồi quy tuyến tính được sử dụng để xác định mối liên quan giữa các yếu tố với tình trạng SKTT.
Đạo đức nghiên cứu
Nghiên cứu này đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên thông qua. Mọi thông tin của đối tượng nghiên cứu được giữ bí mật và chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu.
Bảng 2. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm | CBYT | Người dân | YTTB | Tổng số | |||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
n | % | n | % | n | % | n | % | ||||||
Khu vực sống | Thành thị | 80 | 15,5 | 251 | 24,1 | 45 | 12,6 | 376 | 19,7 | ||||
Nông thôn | 436 | 84,5 | 790 | 75,9 | 311 | 87,4 | 1537 | 80,3 | |||||
Dân tộc | Kinh | 6 | 1,2 | 20 | 1,9 | 9 | 2,5 | 35 | 1,8 | ||||
Tày | 370 | 71,7 | 672 | 64,6 | 152 | 42,7 | 1194 | 62,5 | |||||
Nùng | 131 | 25,4 | 283 | 27,2 | 143 | 40,2 | 557 | 29,1 | |||||
Khác | 9 | 1,7 | 66 | 6,3 | 52 | 14,6 | 127 | 6,6 | |||||
Giới tính | Nam | 107 | 20,7 | 328 | 31,5 | 70 | 19,7 | 505 | 26,4 | ||||
Nữ | 409 | 79,3 | 713 | 68,5 | 286 | 80,3 | 1408 | 73,6 | |||||
Trình độ học vấn | Biết đọc biết viết | 0 | 0 | 22 | 2,1 | 2 | 0,6 | 24 | 1,2 | ||||
Tiểu học | 0 | 0 | 39 | 3,7 | 12 | 3,4 | 51 | 2,7 | |||||
THCS | 0 | 0 | 119 | 11,4 | 110 | 30,9 | 229 | 12,0 | |||||
THPT | 0 | 0 | 157 | 15,1 | 147 | 41,3 | 309 | 16,1 | |||||
Trên THPT | 516 | 100 | 704 | 67,6 | 85 | 23,9 | 1300 | 68,0 | |||||
Tình trạng kinh tế | Hộ nghèo | 2 | 0,4 | 58 | 5,6 | 50 | 14,0 | 110 | 5,7 | ||||
Hộ cận nghèo | 16 | 3,1 | 103 | 9,9 | 79 | 22,2 | 198 | 10,4 | |||||
Bình thường | 498 | 96,5 | 880 | 84,5 | 227 | 63,8 | 1605 | 83,9 | |||||
Độ tuổi | < 30 | 45 | 8,7 | 219 | 21,0 | 67 | 18,8 | 331 | 17,3 | ||||
30 - 39 | 220 | 42,6 | 497 | 47,7 | 152 | 42,7 | 869 | 45,4 | |||||
40 - 49 | 151 | 29,3 | 182 | 17,5 | 69 | 19,4 | 402 | 21,0 | |||||
50 - 59 | 100 | 19,4 | 97 | 9,3 | 55 | 15,4 | 252 | 13,2 | |||||
> 59 | 0 | 0 | 46 | 4,4 | 13 | 3,7 | 59 | 3,1 | |||||
Thu nhập do COVID- 19 | Giảm | 131 | 25,4 | 433 | 41,6 | 252 | 70,8 | 816 | 42,7 | ||||
Không thay đổi | 384 | 74,4 | 602 | 57,8 | 104 | 29,2 | 1090 | 57,0 | |||||
Tăng | 1 | 0,2 | 6 | 0,6 | 7 | 0,3 | |||||||
Đi qua nơi có dịch | Không | 515 | 99,8 | 1025 | 98,5 | 355 | 99,7 | 1895 | 99,1 | ||||
Có | 1 | 0,2 | 16 | 1,5 | 1 | 0,3 | 18 | 0,9 | |||||
Tổng số | 516 | 100 | 1041 | 100 | 356 | 100 | 1913 | 100 |
THCS: Trung học cơ sở; THPT: Trung học phổ thông
Kết quả bảng 1 cho thấy, đối tượng nghiên cứu có các đặc điểm sau: 19,7% sống ở khu vực thành thị; Người dân tộc Kinh chiếm 1,8%; Chủ yếu là nữ giới (73,6%); Tỷ lệ có trình độ học vấn trên trung học phổ thông chiếm cao nhất 68%; 83,9% có điều kiện kinh tế hộ gia đình bình thường; Độ tuổi 30 - 39 chiếm tỷ lệ cao nhất (45,4%); 42,7% bị giảm thu nhập trong thời gian xuất hiện COVID-19 và 0,9% đã từng đi qua vùng dịch.
Bảng 3. Ảnh hưởng COVID-19 tới việc làm, cuộc sống
CBYT | Người dân | YTTB | Tổng số | ||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
n | % | n | % | n | % | n | % | ||
Ảnh hưởng tới công việc | Bình thường | 277 | 53,7 | 471 | 45,2 | 140 | 39,3 | 888 | 46,4 |
Ảnh hưởng tiêu cực | 239 | 46,3 | 570 | 54,8 | 216 | 60,7 | 1025 | ||
Ảnh hưởng tới cuộc sống | Cuộc sống bình thường | 339 | 65,7 | 549 | 52,7 | 118 | 33,1 | 1006 | 52,6 |
Cắt giảm chi tiêu | 170 | 32,9 | 476 | 45,7 | 231 | 64,9 | 877 | ||
Nhận sự trợ giúp | 7 | 1,4 | 16 | 1,5 | 7 | 2,0 | 30 | 1,6 | |
Tổng số | 516 | 100 | 1041 | 100 | 356 | 100 | 1913 | 100 |
CBYT: Cán bộ y tế; YTTB: Y tế thôn bản
Kết quả bảng 2 cho thấy, 53,6% đối tượng nghiên cứu chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19; 47,4% đối tượng phải cắt giảm chi tiêu hoặc nhận sự trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân.
Bảng 4. Sức khỏe tâm thần của đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm | CBYT | Người dân | YTTB | Tổng số | |||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
n | % | n | % | n | % | n | % | ||
Lo âu | Bình thường | 476 | 92,2 | 913 | 87,7 | 304 | 85,4 | 1693 | 88,4 |
Nhẹ | 7 | 1,4 | 23 | 2,2 | 12 | 3,4 | 42 | 2,2 | |
Vừa | 21 | 4,1 | 73 | 7,0 | 26 | 7,3 | 120 | 6,3 | |
Nặng | 3 | 0,6 | 14 | 1,3 | 5 | 1,4 | 22 | 1,2 | |
Rất nặng | 9 | 1,7 | 18 | 1,7 | 9 | 2,5 | 36 | 1,9 | |
Trầm cảm | Bình thường | 439 | 85,1 | 872 | 83,8 | 284 | 79,8 | 1595 | 83,3 |
Nhẹ | 40 | 7,8 | 57 | 5,5 | 29 | 8,1 | 126 | 6,6 | |
Vừa | 23 | 4,5 | 87 | 8,4 | 28 | 7,9 | 138 | 7,2 | |
Nặng | 6 | 1,2 | 14 | 1,3 | 8 | 2,2 | 28 | 1,5 | |
Rất nặng | 8 | 1,6 | 11 | 1,1 | 7 | 2,0 | 26 | 1,4 | |
Căng thẳng tâm lý | Bình thường | 474 | 91,9 | 959 | 92,1 | 323 | 90,7 | 1756 | 91,8 |
Nhẹ | 16 | 3,1 | 38 | 3,7 | 16 | 4,5 | 70 | 3,7 | |
Vừa | 14 | 2,7 | 29 | 2,8 | 11 | 3,1 | 54 | 2,8 | |
Nặng | 10 | 1,9 | 8 | 0,8 | 2 | 0,6 | 20 | 1,0 | |
Rất nặng | 2 | 0,4 | 7 | 0,7 | 4 | 1,1 | 13 | 0,7 | |
Tổng số | 516 | 100 | 1041 | 100 | 356 | 100 | 1913 | 100 |
Kết quả bảng 3 cho thấy, 11,6% đối tượng nghiên cứu có triệu chứng lo âu, 16,7% trầm cảm và 8,2% bị căng thẳng tâm lý. Trong đó, nhóm đối tượng chịu tác động nhiều nhất là nhân viên YTTB với các biểu hiện: Lo âu (14,6%); Trầm cảm (20,2%), Căng thẳng tâm lý (9,3%).
Bảng 5. Phân tích đa biến các yếu tố liên quan tới sức khỏe tâm thần
Trầm cảm | Lo âu | Căng thẳng tâm lý | |||||
---|---|---|---|---|---|---|---|
OR (95%CI) | p | OR (95%CI) | p | OR (95%CI) | p | ||
Khu vực sống | Thành thị | ||||||
Nông thôn | 1,62 (1,12 - 2,34) | 0,011 | 1,55 (0,97 - 2,46) | 0,066 | 1,77 (1,05 - 2,98) | 0,032 | |
Độ tuổi | < 30 | ||||||
30 - 39 | 0,83 (0,59 - 1,18) | 0,303 | 0,801 (0,53 - 1,21) | 0,288 | 1,09 (0,67 - 1,77) | 0,729 | |
40 - 49 | 1,524 (1,04 - 2,23) | 0,031 | 1,40 (0,90 - 2,18) | 0,136 | 1,486 (0,86 - 2,55) | 0,152 | |
50 - 59 | 1,157 (0,74 - 1,81) | 0,523 | 1,011 (0,60 - 1,70) | 0,967 | 1,856 (1,03 - 3,35) | 0,040 | |
> 59 | 0,748 (0,30 - 1,88) | 0,537 | 0,534 (0,18 - 1,61) | 0,265 | 1,118 (0,31 - 3,99) | 0,863 | |
Dân tộc | Kinh | ||||||
DTTS | 2,963 (0,70 - 12,64 | 0,142 | 1,725 (0,40 - 7,43) | 0,465 | 1,201 (0,28 - 5,19) | 0,806 | |
Giới tính | Nam | ||||||
Nữ | 1,348 (1,00 - 1,81) | 0,048 | 1,032 (0,75 - 1,43) | 0,848 | 1,516 (1,01 - 2,29) | 0,047 | |
Trình độ học vấn | Dưới THPT | ||||||
THPT | 0,690 (0,45 - 1,06) | 0,089 | 0,673 (0,43 - 1,05) | 0,080 | 0,873 (0,49 - 1,57) | 0,653 | |
Trên THPT | 0,880 (0,60 - 1,28) | 0,505 | 0,515 (0,34 - 0,78) | 0,002 | 1,469 (0,86 - 2,50) | 0,156 | |
Kinh tế HGĐ | Bình thường | ||||||
Nghèo/ cận nghèo | 1,301 (0,91- 1,87) | 0,156 | 1,491 (1,01 - 2,20) | 0,045 | 2,098 (1,31 - 3,37) | 0,002 | |
Thay đổi thu nhập | Bình thường | ||||||
Giảm thu nhập | 1,568 | 0,001 | 1,207 (0,87 - 1,67) | 0,260 | 1,679 | 0,007 | |
Đi qua lưu hành dịch | Không có | ||||||
Có | 4,249 | 0,004 | 2,940 (0,99 - 8,71) | 0,052 | 4,373 | 0,009 | |
Ảnh hưởng việc làm | Bình thường | ||||||
Thay đổi | 1,327) | 0,037 | 1,359 (0,99 - 1,86) | 0,055 | 1,380 (0,96 - 1,99) | 0,083 |
DTTS: Dân tộc thiểu số; THPT: Trung học phổ thông; HGĐ: Hộ gia đình
Kết quả bảng 4 cho thấy, nhóm đối tượng sống ở khu vực nông thôn có triệu chứng trầm cảm và sang chấn tinh thần cao hơn từ 1,62 - 1,77 lần so với nhóm sống ở thành thị; Nhóm đối tượng có độ tuổi từ 40 - 49 có triệu chứng trầm cảm cao hơn 1,52 lần và nhóm tuổi 50 - 59 có triệu chứng sang chấn tinh thần cao hơn 1,86 lần so với các độ tuổi < 30; giới tính nữ có triệu chứng trầm cảm và căng thẳng tâm lý cao hơn lần lượt 1,35 lần và 1,52 lần so với đối tượng nam giới; nhóm đối tượng có trình độ học vấn trên THPT có triệu chứng lo âu chỉ bằng 0,52 lần so với nhóm có trình độ dưới THPT; nhóm có điều kiện kinh tế hộ gia đình xếp loại nghèo, cận nghèo có tỷ lệ lo âu và căng thẳng tâm lý lần lượt bằng 1,49 lần và 2,1 lần so với nhóm có điều kiện kinh tế bình thường; nhóm đối tượng bị giảm thu nhập do ảnh hưởng dịch COVID-19 có tỷ lệ trầm cảm và căng thẳng tâm lý cao gấp 1,57 lần và 1,68 lần so với nhóm đối tượng không bị thay đổi thu nhập do dịch COVID-19; nhóm đối tượng có đi qua vùng dịch có tỷ lệ trầm cảm và căng thẳng tâm lý bằng 4,25 lần và 4,37 lần so với nhóm không đi qua vùng dịch; Nhóm đối tượng bị thay đổi việc làm có triệu chứng trầm cảm cao hơn 1,33 lần so với nhóm đối tượng không bị thay đổi. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
Tác động của đại dịch COVID-19 tới lĩnh vực kinh tế là vô cùng rõ rệt, khi mà các nhà máy phải ngừng hoạt động, hàng hóa ngừng lưu thông... Suy thoái toàn cầu COVID-19 là sâu nhất kể từ khi Thế chiến II kết thúc 6. Nhóm đối tượng nghiên cứu của chúng tôi cũng không tránh khỏi những tác động về kinh tế của đại dịch khi có đến 42,7% bị giảm thu nhập trong thời điểm diễn ra dịch. Điều này cũng được thể hiện ở bảng 2 khi 53,6% đối tượng nghiên cứu chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 (mất việc, tăng thời gian làm việc, giảm thời gian làm việc hay bị giảm thu nhập…); 47,4% đối tượng phải cắt giảm chi tiêu hoặc nhận sự trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân do bị sụt giảm về thu nhập hàng tháng. Kết quả nghiên cứu về SKTT cho thấy: 8,2% đến 16,7% đối tượng nghiên cứu có triệu chứng lo âu, trầm cảm và căng thẳng tâm lý. Kết quả này thấp hơn so với tổng hợp của Firoj al Mamun và cộng sự khi tỷ lệ các triệu chứng trầm cảm, lo âu và căng thẳng từ nhẹ đến nặng lần lượt dao động từ 46,92% đến 82,4%, 26,6% đến 96,82% và 28,5% đến 70,1% 3. Nhóm đối tượng chịu tác động nhiều nhất là nhân viên y tế thôn bản (YTTB) với các biểu hiện: Lo âu (14,6%); trầm cảm (20,2%), căng thẳng tâm lý (9,3%) sau đó đến người dân và cán bộ y tế (CBYT) (lần lượt 12,3%; 16,2%; 7,9% và 7,8%; 14,9%; 8,1%). Điều này hoàn toàn phù hợp khi nhân viên YTTB là những người trực tiếp phải tham gia vào các hoạt động sàng lọc, giám sát những đối tượng có nguy cơ trên địa bàn. Ngoài sự mệt mỏi khi phải thực hiện quá nhiều công việc hơn bình thường thì việc tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cũng khiến cho họ cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Đặc biệt trong bối cảnh chưa hiểu rõ về dịch bệnh. Điều này cũng được thể hiện trong nghiên cứu của Abdulmajeed A.Alkhamees tại Saudi Arabia (2020): Những người tham gia làm việc trong lĩnh vực y tế, họ có điểm số cao hơn về căng thẳng (OR = 4,33; 95%CI: 2,35 - 6,31) và trầm cảm (OR = 2,77%; 95CI: 0,88 - 4,67) 5. Kết quả phân tích đa biến cho thấy nhóm đối tượng sống ở khu vực nông thôn có triệu chứng trầm cảm và sang chấn tinh thần cao hơn từ 1,62 (95%CI: 1,12 - 2,34) đến 1,77 (95%CI: 1,05 - 2,98) lần so với nhóm sống ở thành thị. Điều này có thể do ở các vùng nông thôn của tỉnh Cao Bằng còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những thông tin liên quan đến dịch bệnh: nguyên nhân, đường lây truyền, cách phòng tránh dịch bệnh… còn nhiều khó khăn, đồng thời Cao Bằng có sự thông thương với Trung Quốc là nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên qua hệ thống đường biên giới trải dài khiến cho người dân có nhiều lo lắng hơn so với những người sinh sống ở khu vực thành thị có điều kiện kinh tế tốt hơn, kiến thức tốt hơn. Điều này cũng được thể hiện khi nhóm đối tượng có trình độ học vấn trên THPT có triệu chứng lo âu chỉ bằng 0,52 lần (95%CI: 0,34 - 0,78) so với nhóm có trình độ dưới THPT. Nhóm có điều kiện kinh tế hộ gia đình xếp loại nghèo, cận nghèo có tỷ lệ lo âu và căng thẳng tâm lý lần lượt bằng 1,49 lần (95%CI: 1,01 - 2,20) và 2,1 lần (95%CI: 1,31 - 3,37) so với nhóm có điều kiện kinh tế bình
thường; nhóm đối tượng bị giảm thu nhập do ảnh hưởng dịch COVID-19 có tỷ lệ trầm cảm và căng thẳng tâm lý cao gấp 1,57 (95%CI: 1,19 - 2,07) lần và 1,68 lần (95%CI: 1,15 - 2,44) so với
nhóm đối tượng không bị thay đổi thu nhập do dịch COVID-19; và nhóm đối tượng bị thay đổi việc làm có triệu chứng trầm cảm cao hơn 1,33 lần (95%CI: 1,02 - 1,73) so với nhóm đối tượng không bị thay đổi. Điều này cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu của Abdulmajeed A.Alkhamees (2020): Những người có điều kiện kinh tế nghèo/rất nghèo có tỷ lệ lo lắng, trầm cảm, căng thẳng tâm lý cao hơn lần lượt 12,18 lần; 13,83 lần và 14,95 lần so với nhóm còn lại (p < 0,001) 5. Giới tính nữ có triệu chứng trầm cảm và căng thẳng tâm lý cao hơn lần lượt 1,35 lần (95%CI: 1,00 - 1,81) và 1,52 lần (95%CI: 1,01 - 2,29) so với đối tượng nam giới; nhóm đối tượng có đi qua vùng dịch có tỷ lệ trầm cảm và căng thẳng tâm lý bằng 4,25 lần (95%CI: 1,59 - 11,32) và 4,37 lần (95%CI: 1,46 - 13,14) so với nhóm không đi qua vùng dịch. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Ru Jia và cộng sự (2020) khi chỉ ra rằng có mối liên quan giữa một số yếu tố như: trẻ hơn, giới nữ và trong nhóm nguy cơ COVID-19 với tăng căng thẳng, lo lắng và trầm cảm 4.
Đây là nghiên cứu thu thập số liệu thông qua việc điền phiếu trực tuyến. Do vậy, những đối tượng nghiên cứu không đại diện được toàn thể người dân ở Cao Bằng.
Tác động của dịch COVID-19 tới đối tượng nghiên cứu gây mất/giảm việc làm là 53,6%, bị cắt giảm chi tiêu là 45,8% và thay đổi tâm lý (lo âu là 11,6%, trầm cảm là 16,7% và căng thẳng tâm lý là 8,2%). Nhóm đối tượng chịu tác động nhiều nhất là nhân viên YTTB. Một số yếu tố liên quan đến SKTT của người dân tỉnh Cao Bằng: Khu vực sống, độ tuổi, giới tính, điều kiện kinh tế hộ gia đình, bị thay đổi công việc, thay đổi thu nhập hay đi qua vùng lưu hành dịch. Vì vậy, Nhà nước và ngành Y tế cần có các biện pháp để giảm thiểu tác động đến cuộc sống và SKTT của cán bộ y tế và người dân khi có dịch xảy ra.