Theo thống kê của WHO và UNICEF, năm 2016 trên toàn thế giới có khoảng 2,6 triệu trẻ sơ sinh tử vong, và trung bình có 7000 trẻ tử vong mỗi ngày, chiếm 75% số trường hợp tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi, trong đó nguyên nhân chủ yếu là suy hô hấp 1, 2. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng thở máy trong điều trị sơ sinh từ năm 1995. Cho đến nay đây vẫn là phương pháp điều trị cuối cùng áp dụng cho những trẻ suy hô hấp nặng và nguy kịch. Tuy nhiên tỉ lệ tử vong sơ sinh vẫn còn ở mức cao 3, 4. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thành Nam (2018), tỉ lệ sơ sinh tử vong sau khi điều trị bằng thở máy là 15,1% 5. Hiện nay ở các bệnh viện có khoa nhi cũng như các bệnh viện Sản – Nhi, tỉ lệ sơ sinh suy hô hấp ngày càng tăng lên, trong khi đó chưa có thống kê hay nghiên cứu nào cụ thể, đầy đủ về bệnh lý của mẹ ảnh hưởng đến thở máy ở trẻ sơ sinh. Vậy kết quả điều trị thở máy tại Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2019-2020 ra sao? Yếu tố từ phía bà mẹ có liên quan tới tỉ lệ thở máy thành công ở trẻ sơ sinh hay không? Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện đề tài này với mục tiêu: Đánh giá kết quả điều trị thở máy xâm nhập ở trẻ sơ sinh và xác định yếu tố liên quan từ mẹ tại Bệnh viện Bạch Mai.
Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng là trẻ sơ sinh bị suy hô hấp có chỉ định điều trị thở máy xâm nhập tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai từ 01/6/2019 đến 31/5/2020.
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang.
Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu
Nghiên cứu lựa chọn toàn bộ trẻ sơ sinh suy hô hấp nặng có chỉ định thở máy xâm nhập tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trong vòng 01 năm đủ tiêu chuẩn (sinh tại Khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai; nhập viện điều trị tại Khoa Nhi) và đồng ý tham gia nghiên cứu.
Biến số nghiên cứu
Các chỉ số nghiên cứu gồm có: tuổi thai, cân nặng hiện tại, giới tính, tiền sử bệnh lý của mẹ, thời gian thở máy trung bình và kết quả điều trị thở máy. Trong đó, kết quả điều trị thở máy bao gồm:
- Nhóm thở thành công: Bệnh nhi cai được máy thở và/hoặc ra viện
- Nhóm thở máy thất bại: Sau thở máy trên 2 giờ trẻ không có đáp ứng tốt (vẫn thở nhanh, hoặc có cơn ngừng thở, tím tái, SpO2<85%), trẻ tiến triển bệnh nặng hơn (cả lâm sàng và khí máu) dẫn đến trẻ tử vong hoặc xin về.
Phương pháp thu thập và xử lý số liệu
Các thông tin cần cho nghiên cứu thu thập thông tin bằng một bệnh án nghiên cứu riêng, thống nhất. Nghiên cứu viên phỏng vấn trực tiếp gia đình về thông tin hành chính và tiền sử bệnh lý của bà mẹ và kết hợp tham khảo hồ sơ bệnh án và theo dõi trong quá trình điều trị bệnh nhi tại khoa.
Số liệu được thu thập từ bệnh án nghiên cứu với các số liệu được mã hóa, sau đó được nhập và phân tích bằng phần mềm SPSS 23.0. Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả, trong đó biến số định lượng được trình bày dưới dạng trung bình và độ lệch chuẩn, và biến số định tính được trình bày dưới dạng tỉ lệ và phần trăm.
Nghiên cứu được tiến hành trên 51 trẻ sơ sinh có chỉ định thở máy xâm nhập, chiếm 15,1% trong tổng số 337 trẻ sơ sinh nhập khoa vì suy hô hấp.
Bảng 1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm | n | % | |
Giới tính | Trai | 34 | 66,7 |
Gái | 17 | 33,3 | |
Tuổi thai (tuần) | <28 tuần | 8 | 15,7 |
28 -<32 tuần | 24 | 47,1 | |
32 -<37 tuần | 15 | 29,4 | |
37-42 tuần | 4 | 7,8 | |
Cân nặng lúc sinh (gram) | ≥ 2500gr | 8 | 15,7 |
1500 -2499gr | 12 | 23,5 | |
1000 -<1500gr | 23 | 45,1 | |
<1000gr | 8 | 15,7 | |
Bệnh lý từ phía mẹ | Mẹ có bệnh | 35 | 68,6 |
Mẹ không có bệnh | 16 | 31,4 |
Bảng 1 cho thấy trẻ trai phải thở máy xâm nhập là 66,7%, tỉ lệ trai/gái:2/1. Tỉ lệ tuổi thai phải thở máy lần lượt là: < 28 tuần là 15,7%, từ 28 đến 32 tuần là 47,1%, từ 32 đến 37 tuần là 29,4% và từ 37 đến 42 tuần là 7,8%. Cân nặng lúc sinh cao nhất ở nhóm 1000gr -< 500gr là 45,1%, nhóm 1500gr - 2499gr là 23,5%, nhóm ≥ 2500gr và nhóm <1000gr bằng nhau là 15,7%. Tỉ lệ trẻ thở máy ở nhóm bà mẹ có bệnh là 68,6%, cao hơn nhóm bà mẹ không có bệnh là 31,4%.
Bảng 2. Kết quả điều trị thở máy có xâm nhập
Kết quả thở máy | n | % |
Điều trị thành công (sống) | 46 | 90,2 |
Tử vong | 5 | 9,8 |
Tổng | 51 | 100 |
Kết quả được trình bày ở bảng 2 cho thấy rằng kết quả điều trị chung trên 51 trẻ sơ sinh phải thở máy có 90,2% trẻ điều trị thành công. Tuy nhiên vẫn còn 9,8% trẻ điều trị thất bại - tử vong.
Bảng 3. Mối liên quan tình trạng sức khỏe của mẹ với kết quả thở máy
Điều trị thành công (sống) | Tử vong | |||
n | % | n | % | |
Mẹ có bệnh (n=35) | 31 | 88,6 | 4 | 11,4 |
Mẹ không có bệnh (n=16) | 15 | 93,4 | 1 | 6,6 |
Tổng | 46 | 90,2 | 5 | 9,8 |
P | > 0,05 |
Theo bảng 3, điều trị thành công ở nhóm trẻ mẹ không có bệnh cao hơn nhóm mẹ có bệnh (93,4% so với 88,6%). Tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ trẻ trai phải thở máy xâm nhập là 66,7%, cao hơn trẻ gái 33,3%. Theo nghiên cứu của Gomella và cộng sự nghiên cứu tại một số bệnh viện của Mỹ cho nhận xét tương tự, trẻ trai có hội chứng suy hô hấp (SHH) cao hơn trẻ gái. Tuy nhiên, các nghiên cứu về SHH ở trẻ sơ sinh không đề cập đến ảnh hưởng của giới đến tình trạng SHH 2.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, sơ sinh có tỉ lệ SHH tập trung nhiều ở nhóm trẻ 28 -<32 tuần, chiếm 47,1%, sau đó là nhóm từ 32 –< 37 tuần, chiếm 29,4%, nhóm trẻ < 28 tuần chiếm 15,7%, thấp nhất là nhóm trẻ 37-42 tuần, chiếm 7,8%. Kết quả này tương đương với kết quả của các nghiên cứu khác như Nguyễn Thành Nam (2017), trẻ non tháng chiếm 70,5% 5; và Nguyễn Thị Hoàng Yến tỉ lệ trẻ đẻ non phải thở máy xâm nhập là 71,6% 6. Tuy nhiên kết quả của chúng tôi lại cao hơn kết quả của Vũ Thị Thu Nga (2018) tại Bệnh viện Nhi Trung ương và nghiên cứu của Iqbal (2015), trong đó trẻ đẻ non có cùng tỉ lệ là 55,2% 3, 7. Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do tại Bệnh viện chúng tôi, đa số trẻ được sinh ra từ các bà mẹ đang điều trị bệnh lý nội khoa và chuyển từ Khoa Sản sang, trong khi các nghiên cứu trên lại được thực hiện ở các trung tâm chỉ có chuyên khoa nhi (trẻ sinh non sẽ điều trị ban đầu tại bênh viện có khoa sản).
Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi, cân nặng lúc sinh cao nhất ở nhóm 1000-<1500gr là 45,1%, nhóm 1500-2499gr là 23,5%, nhóm >2500gr và nhóm <1000gr bằng nhau là 15,7%. Kết quả này tương tự như nghiên cứu của Vũ Thu Nga, tỉ lệ thở máy ở nhóm trẻ <1000gr là 87,5%7, nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoàng Yến, tỉ lệ trẻ thở máy ở nhóm có cân nặng lúc sinh <1500gr là 71,6% 6, nghiên cứu của Iqbal, nhóm trẻ <1500g là 57% 3 và nghiên cứu của Nidhi, trẻ < 1500gr là 56,7% 4. Sự khác biệt này có thể do các tác giả chia khoảng cân nặng khác nhau trong các nghiên cứu nên kết quả có sự chênh lệnh về tỉ lệ. Như vậy sơ sinh cân nặng thấp thực sự cũng là một vấn đề cần được quan tâm, cần kiểm soát tốt bằng các biện pháp quản lý thai nghén, dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai đầy đủ, kiểm soát pháp này đều thực hiện được khi có sự tư vấn, phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa trong một bệnh viện đa khoa.
Tỉ lệ trẻ thở máy thành công – trẻ sống là 90,2% và tỉ lệ tử vong trong nghiên cứu của chúng tôi là 9,8%. Trong đó điều trị thành công ở nhóm trẻ mẹ không có bệnh cao hơn nhóm mẹ có bệnh (93,4% so với 88,6%). Tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Kết quả thở máy thành công của chúng tôi cao hơn so với các nghiên cứu trước đó như nghiên cứu của Nguyễn Thành Nam với tỉ lệ trẻ sơ sinh thở máy thành công là 84,9%, tử vong là 15,1% 5, nghiên cứu của Nayana Prabha với tỉ lệ thở máy thành công là 75,0%8, nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoàng Yến với tỉ lệ trẻ sơ sinh thở máy thành công là 42,9% 6, nghiên cứu của Vũ Thị Thu Nga với tỉ lệ là 70,9% 7, nghiên cứu của Iqbal với tỉ lệ trẻ sơ sinh thở máy thành công là 57% 3 và nghiên cứu của Nidhi với tỉ lệ thành công là 56,7% 4. Kết quả này cao hơn có thể do Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến trung ương hàng đầu về điều trị nội khoa, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị máy thở hiện đại, các thuốc điều trị hỗ trợ đầy đủ như liệu pháp điều trị surfactant thay thế cho trẻ đẻ non, điều trị tăng áp lực phổi, đóng ống động mạch, điều trị chống nhiễm khuẩn, chống nhiễm toan, nuôi dưỡng, đảm bảo thân nhiệt.
Tỉ lệ trẻ sơ sinh thở máy thành công (trẻ sống) là 90,2%, trong khi tỉ lệ tử vong trong nghiên cứu của chúng tôi là 9,8%. Trẻ sơ sinh ở nhóm mẹ không có bệnh có tỉ lệ điều trị thở máy thành công cao hơn so với trẻ sơ sinh ở nhóm mẹ có bệnh (93,4% so với 88,6%). Tuy vậy, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).