Thai chậm phát triển trong tử cung được định nghĩa khi có ước lượng cân nặng thai nhi trên siêu âm dưới bách phân vị thứ 10 so với tuổi thai 1. Thai chậm phát triển được coi là nguyên nhân chính gây ra thai chết lưu trong tử cung và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ sơ sinh 2. Thai chậm phát triển trong tử cung thể nặng khi ước trọng lượng thai thấp hơn đường bách phân vị thứ 3 theo tuổi thai 1. Đây là một bệnh lý gây nhiều hậu quả vì những ảnh hưởng của nó lên sự gia tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở giai đoạn chu sinh, để lại nhiều hậu quả cho sự phát triển của trẻ sau này. Thai chậm phát triển trong tử cung thường gặp nhiều vấn đề sau sinh như ngạt chu sinh, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, đa hồng cầu, suy giảm miễn dịch…3. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không có sự nhất trí nào về cách theo dõi tốt nhất và khi nào thì chấm dứt thai kì ở các bà mẹ có thai chậm phát triển trong tử cung 4. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Kết quả xử trí thai chậm phát triển trong tử cung tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên với mục tiêu: “Nhận xét kết quả xử trí thai chậm phát triển trong tử cung tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên từ tháng 5/2016 –5/2021”.
Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu
Nghiên cứu này tiến hành trên 319 sản phụ có thai chậm phát triển trong tử cung đẻ tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên.
Tiêu chuẩn chọn mẫu
- Tuổi thai ≥ 28 tuần (tính theo ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng nếu kinh nguyệt đều, hoặc dự kiến sinh lúc thai 9-12 tuần).
- Có một thai, thai sống.
- Cân nặng sau đẻ nằm dưới đường bách phân vị (BPV) thứ 10 theo tuổi thai (theo biểu đồ phân bố bách phân vị cân nặng theo tuổi thai của Ngô Thị Uyên (2014)5.
- Đầy đủ thông tin trong hồ sơ lưu trữ.
Tiêu chuẩn loại trừ
- Thai chết lưu, thai chết trong chuyển dạ.
- Thai có dị tật bẩm sinh, đa thai.
- Đẻ ở tuyến trước chuyển đến.
- Không xác định được chính xác tuổi thai.
Nghiên cứu tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên thời gian từ 05/2016 tới tháng 5/2021.
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang.
Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu
Cỡ mẫu thuận tiện: Tất cả các sản phụ có thai chậm phát triển trong tử cung đẻ tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên từ tháng 05/2016 tới tháng 5/2021 thỏa mãn tiêu chuẩn lựa chọn.
Biến số nghiên cứu
Tuổi mẹ chia thành 4 nhóm: < 20; 20-29; 30-39; ≥ 40, tuổi trung bình, tuổi mẹ lớn nhất – nhỏ nhất (tính theo dương lịch).
Số lần đẻ: 1 lần; 2 lần; ≥ 3 lần.
Tuổi thai khi sinh chia thành 2 nhóm: non tháng <37 tuần, đủ tháng ≥ 37 tuần, bao gồm tuổi thai trung bình, tuổi thai lớn nhất - nhỏ nhất, trọng lượng sơ sinh, trọng lượng trung bình, trọng lượng lớn
nhất – nhỏ nhất của mỗi nhóm (tính theo ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng nếu kinh nguyệt đều, hoặc dự kiến sinh lúc thai 9-12 tuần).
Tuổi thai trung bình, trọng lượng trung bình chung.
Phương pháp chấm dứt thai kì: Mổ lấy thai, đẻ đường âm đạo Chỉ định mổ lấy thai: Thai chậm phát triển trong tử cung đơn thuần, thiểu ối, thai suy, tiền sản giật, sẹo mổ cũ, bệnh lý mẹ, chỉ định khác và từ 2 chỉ định trở lên.
Tỷ lệ tử vong sơ sinh theo mức độ thai chậm phát triển trong tử cung: Tử vong sơ sinh sớm trong 7 ngày đầu sau sinh.
Phương pháp thu thập và xử lý số liệu
Hồi cứu bệnh án của sản phụ theo phiếu thu thập số liệu đã chuẩn bị trước. Số liệu được quản lý và phân tích bằng phần mềm SPSS 18.0. Tính giá trị trung bình, tỷ lệ phần trăm.
Đạo đức trong nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện sau khi được hội đồng đạo đức trong nghiên cứu Y Sinh học Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên thông qua. Được sự đồng ý của phòng kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên.
Bảng 1. Đặc điểm về độ tuổi, số lần đẻ của đối tượng nghiên cứu
n | % | |
Tuổi | ||
< 20 | 22 | 6,9 |
20-29 | 200 | 62,7 |
30-39 | 84 | 26,3 |
≥ 40 | 13 | 4,1 |
Số lần đẻ | ||
1 lần | 162 | 50,8 |
2 lần | 76 | 23,8 |
≥ 3 lần | 81 | 25,4 |
Độ tuổi trung bình của nhóm thai phụ là 27,07 ± 5,79 tuổi. Độ tuổi 20-29 chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 62,7%. Nhóm thai phụ đẻ lần đầu chiếm tỷ lệ cao nhất 50,8%, nhóm thai phụ đẻ lần thứ 2 chiếm tỷ lệ thấp nhất (23,8%).
Bảng 2: Tuổi thai khi sinh và trọng lượng trung bình sau sinh theo nhóm tuổi thai
Non Tháng | Đủ tháng | |
34,12 ± 2,15 | 38,59 ± 1,11 | |
Nhỏ nhất – Lớn nhất | 28 - 36 | 37 - 42 |
Trung bình | 1643,14 ± 428,14 | 2422,01 ± 244,34 |
Nhỏ nhất – Lớn nhất | 600 - 2100 | 1500 - 2700 |
Tuổi thai trung bình (tuần) | 37,87 ± 2,11 | |
Trọng lượng trung bình (g) | 2297,49 ± 400,86 |
Tuổi thai trung bình khi sinh là 37,87 ± 2,11 tuần. Trọng lượng trung bình 2297,49 ± 400,86g.
Bảng 3. Phương pháp chấm dứt thai kì
Phương pháp chấm dứt thai kì | n | % |
Đẻ đường âm đạo | 128 | 40,1 |
Mổ lấy thai | 191 | 59,9 |
Tổng | 319 | 100 |
Tỷ lệ thai phụ có thai chậm phát triển trong tử cung được chấm dứt thai kì bằng phương pháp mổ lấy thai (59,9%); phương pháp đẻ đường âm đạo (40,1%).
Bảng 4. Phân bố chỉ định mổ trên nhóm sản phụ chấm dứt thai kì bằng mổ lấy thai
Chỉ định mổ lấy thai | n | % |
---|---|---|
Thai chậm phát triển trong tử cung đơn thuần | 17 | 8,9 |
Thiểu ối | 48 | 25,1 |
Thai suy | 38 | 19,9 |
Tiền sản giật | 15 | 7,9 |
Sẹo mổ cũ | 11 | 5,8 |
Bệnh lý mẹ | 11 | 5,8 |
Chỉ định khác | 14 | 7,3 |
Từ 2 chỉ định trở lên | 37 | 19,4 |
Tổng | 191 | 100 |
Chỉ định mổ lấy thai do thiếu ối và thai suy chiếm tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 25,1%; 19,9%.
Chỉ định mổ lấy thai do bệnh lý của mẹ và do sẹo mổ cũ chiếm tỷ lệ thấp nhất cùng là 5,8%.
Bảng 5. Phân bố tỷ lệ tử vong sơ sinh theo mức độ thai chậm phát triển trong tử cung
Mức độ thai chậm phát triển | Tử vong | Sống | Tổng | p | ||||
n | % | n | % | n | % | |||
Dưới BPV 3 | 8 | 5,97 | 126 | 94,03 | 134 | 100 | 0,001 | |
Từ BPV 3 - 10 | 0 | 0 | 185 | 100 | 185 | 100 |
Trong nhóm thai chậm phát triển trong tử cung dưới BPV 3 có 8 trường hợp tử vong (5,97%), 126 trường hợp trẻ sơ sinh sống chiếm 94,03%.
Trong nhóm thai chậm phát triển trong tử cung từ BPV 3 – 10 không có trường hợp tử vong (0%), 185 trường hợp trẻ sơ sinh sống chiếm 100%.
Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
Tuổi thai chấm dứt thai kỳ trong nghiên cứu của chúng tôi là 37,87 ± 2,11 tuần. So với những nghiên cứu khác, trung bình tuần thai chấm dứt thai kỳ của nhóm thai chậm phát triển trong tử cung trong nghiên cứu của tác giả Unterscheider Julia và cs 8 là 37,8 ± 3,0, tác giả Nguyễn Trần Thảo Nguyên và cộng sự là 38,28 ± 2,06 tuần. Không có nhiều sự khác biệt về tuổi thai trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi với những nghiên cứu khác trong nước và ngoài nước. Do nghiên cứu của chúng tôi và của hai tác giả trên đều thực hiện nghiên cứu tại khoa sản chung, đối tượng nghiên cứu gồm tất cả các thai phụ đơn thai nhập viện, tuổi thai trong nghiên cứu của chúng tôi và nghiên cứu của Nguyễn Trần Thảo Nguyên là giống nhau.
Trọng lượng trung bình trẻ sau sinh trong nghiên cứu của chúng tôi là 2297,49 ± 400,86g. So với các nghiên cứu trong nước khác, không có sự khác biệt so với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Trần Thảo Nguyên và cộng sự 7 trọng lượng trung bình trẻ sau sinh của nhóm chậm phát triển trong tử cung là 2212,73 ± 391,68g. Tuy nhiên theo nghiên cứu của tác giả Đào Thị Hoa và cộng sự 6 trọng lượng trung bình trẻ sau sinh của nhóm chậm phát triển trong tử cung là 1606 ± 486g thì nghiên cứu của chúng tôi có trọng lượng trung bình sau sinh cao hơn. Bởi nghiên cứu của Đào Thị Hoa có 50,9% trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung có tuổi thai dưới 34 tuần, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thai non tháng dưới 34 tuần trong nghiên cứu của chúng tôi do nghiên cứu của Đào Thị Hoa thực hiện nghiên cứu tại Khoa sản bệnh lý. Trọng lượng sơ sinh trong nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đương với kết quả trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Trần Thảo Nguyên do tuổi thai chấm dứt thai kì trung bình của chúng tôi không có nhiều sự khác biệt với nghiên cứu của Nguyễn Trần Thảo Nguyên và cùng nghiên cứu tại khoa sản chung.
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ thai chậm phát triển trong tử cung được sinh bằng phương pháp mổ lấy thai cao hơn so với phương pháp đẻ đường âm đạo. Tỷ lệ mổ lấy thai trong nghiên cứu của chúng tôi gần như tương đương với tỷ lệ mổ lấy thai trong nghiên cứu của Nguyễn Trần Thảo Nguyên là 57,3% 7. Tuy nhiên thấp hơn
nhiều so với nghiên cứu của Đào Thị Hoa có tỷ lệ mổ lấy thai tới 89,3% 6. Do nghiên cứu của chúng tôi nghiên cứu thực hiện tại khoa sản chung, việc chẩn đoán được thai chậm phát triển trong tử cung trước sinh còn thấp, còn nghiên cứu của Đào Thị Hoa nghiên cứu tại trung tâm sản khoa lớn, nơi có tỷ lệ bệnh lý mẹ và bệnh lý thai nặng và nhiều hơn và tất cả các trường hợp thai phụ đều được chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung trước sinh, được theo dõi sát diễn biến của bệnh mẹ - thai, siêu âm Doppler các động mạch thai và được chấm dứt thai kì một cách chủ động bằng mổ lấy thai khi có chỉ định
Trong nghiên cứu của chúng tôi, các trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung chẩn đoán được trước khi sinh còn thấp, do đó chỉ định mổ do thai chậm phát triển trong tử cung đơn thuần thấp chiếm 8,9%.
Các chỉ định mổ lấy thai khác chủ yếu là do thiểu ối và thai suy chiếm tỷ lệ lần lượt là 25,1% và 19,9%. Điều này có thể giải thích do trong thai kỳ chậm phát triển trong tử cung do có tình trạng suy dinh dưỡng rau thai dẫn tới suy thai mãn tính trong buồng tử cung và thiểu ối là thông số thay đổi mạn tính hay gặp đối với thai kỳ chậm phát triển trong tử cung. Khi có sự giảm đồng bộ các dưỡng chất qua nhau thai dẫn đến sự tăng trưởng của thai nhi bắt đầu suy giảm theo trình tự từ các mô dưới da đến hệ cơ xương và cuối cùng là các cơ quan như thận, gan, não, tim. Điều này dẫn đến sự giảm tưới máu thận thai nhi và biểu hiện trên lâm sàng là dấu hiệu thiểu ối, cạn ối. Nghiên cứu của Nguyễn Trần Thảo Nguyên và cộng sự có kết quả thiểu ối, cạn ối ở nhóm thai chậm phát triển trong tử cung
chiếm tỷ lệ 69,1%, cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm thai phát triển bình thường là 0,9% (p < 0,05) 7.
Theo nghiên cứu của chúng tôi trong nhóm thai chậm phát triển trong tử cung dưới BPV 3 có 8 trường hợp tử vong sơ sinh sớm xảy ra trong 7 ngày đầu sau sinh chiếm 5,97%. Tỷ lệ tử vong chung trong nhóm nghiên cứu là 2,5%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với nghiên cứu của Nguyễn Trần Thảo Nguyên 3,3% 7. Nghiên cứu của Lees, C. C 4 trên 503 trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung có tỷ lệ tử vong sơ sinh là 6%. Tỷ lệ tử vong trong nghiên cứu của Lees, C. C cao hơn trong nghiên cứu của chúng tôi do tác giả nghiên cứu trên cỡ mẫu lớn hơn và tuổi thai từ 26 đến 32 tuần thấp hơn tuổi thai trong nghiên cứu của chúng tôi.
Tỷ lệ mổ lấy thai là 59,9% cao hơn tỷ lệ đẻ đường âm đạo (40,1%). Chỉ định mổ do thiểu ối (25,1%) và thai suy (19,9%) chiếm tỷ lệ cao nhất, chỉ định mổ do thai chậm phát triển trong tử cung đơn thuần chiếm tỷ lệ thấp hơn (8,9%). Trong 134 trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung dưới BPV 3 có 8 trường hợp tử vong sơ sinh sớm chiếm tỷ lệ 5,97%; trong 185 trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung từ BPV 3-10 không có trường hợp trẻ sơ sinh tử vong (0%).
Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05 và tỷ lệ tử vong sơ sinh chung trong nhóm nghiên cứu là 2,5%.
Tỷ lệ mổ lấy thai trong thai chậm phát triển trong tử cung tại Khoa sản của Bệnh viện còn cao, chỉ định mổ chủ yếu do thiểu ối, thai suy do tỷ lệ chẩn đoán được thai chậm phát triển trong tử cung trước sinh còn thấp, do đó các bác sĩ lâm sàng cần nâng cao năng lực, chẩn đoán sớm thai chậm phát triển trong tử cung trước sinh để đưa ra phương pháp và thời điểm chấm dứt thai kì một cách hợp lý để tăng tỷ lệ đẻ đường âm đạo và làm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh sau sinh.