U buồng trứng (UBT) là một khối u phát triển bất thường trên buồng trứng, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp trong độ tuổi sinh sản, ước tính có khoảng 15–20% phụ nữ có u buồng trứng. U buồng trứng lành tính chiếm khoảng 90% các khối u buồng trứng. Bệnh thường diễn biến một cách âm thầm, nhưng khi có biến chứng (xoắn nang, vỡ nang…) nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tùy theo tính chất và biến chứng của khối u mà có phương pháp điều trị thích hợp nhằm mục đích bảo tồn chức năng sinh sản của người phụ nữ cũng như điều hòa các hormon sinh dục nữ nhưng không bỏ sót những tổn thương ác tính để đảm bảo tính mạng cho người bệnh. Tại Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên trong nhiều năm trở lại đây thái độ xử trí u buồng trứng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Để đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện về kết quả điều trị u buồng trứng tại Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên nhằm có thêm những bằng chứng khoa học cho các bác sĩ điều trị và nâng cao chất lượng điều trị, tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Kết quả phẫu thuật u buồng trứng thực thể lành tính tại Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên” với mục tiêu: Nhận xét kết quả phẫu thuật u buồng trứng thực thể lành tính tại Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên từ năm 2018 đến năm 2020.
Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là tất cả những bệnh nhân được chẩn đoán u buồng trứng thực thể lành tính, được điều trị phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ 01/01/2018 đến 31/12/2020.
Tiêu chuẩn lựa chọn
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định u buồng trứng thực thể và được điều trị bằng phẫu thuật. Có kết quả giải phẫu mô bệnh học sau phẫu thuật là UBT thực thể lành tính.
Tiêu chuẩn loại trừ:
Bệnh nhân có UBT cơ năng, u giáp biên, UBT trên bệnh nhân có thai. Những trường hợp chẩn đoán trước mổ là UBT và sau mổ không phải là UBT. Bệnh nhân được phẫu thuật UBT từ nơi khác chuyển. Hồ sơ bệnh án không đầy đủ các thông tin cần thiết cho nghiên cứu.
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang.
Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu
Kỹ thuật chọn mẫu thuận tiện có chủ đích: Toàn bộ bệnh nhân bị u buồng trứng thực thể lành tính được điều trị bằng phẫu thuật tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ ngày 01/01/2018 - 31/12/2020 có đủ tiêu chuẩn lựa chọn để nghiên cứu. Trong thời gian nghiên cứu có 210 hồ sơ bệnh án đủ tiêu chuẩn đề ra.
Biến số nghiên cứu
Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu: Tuổi (tính theo năm dương lịch); Bệnh nhân được phân chia thành 5 nhóm tuổi: <20 tuổi, 20 - 29 tuổi, 30 - 39 tuổi, 40 - 49 tuổi, ≥ 50 tuổi. Số con: chia làm 3 nhóm: Chưa có con; 1 con; ≥ 2 con.
Hoàn cảnh chỉ định phẫu thuật: chia làm phẫu thuật cấp cứu, phẫu thuật kế hoạch.
Phương pháp phẫu thuật: Gồm phẫu thuật mở (PTM), phẫu thuật nội soi (PTNS) và PTNS chuyển PTM.
Phương pháp xử trí trong phẫu thuật: Bóc u là bóc khối u bảo tồn buồng trứng. Cắt buồng trứng: cắt toàn bộ buồng trứng. Cắt phần phụ: cắt toàn bộ buồng trứng và vòi tử cung.
Kết quả giải phẫu bệnh UBT: u nang thanh dịch, u nang nhầy, u lạc nội mạc tử cung, u nang bì, u hỗn hợp.
Biến chứng sau mổ: sốt, tụ máu thành bụng, nhiễm trùng vết mổ, tắc ruột… Thời gian nằm viện sau mổ: được tính từ ngày phẫu thuật đến ngày ra viện tính theo ngày. Chia làm 3 nhóm: 3-5 ngày; 6 -7 ngày; > 7 ngày.
Phương pháp thu thập và xử lý số liệu
Hồi cứu bệnh án của bệnh nhân theo phiếu thu thập số liệu đã chuẩn bị trước.
Các số liệu thu thập được xử lý, làm sạch, mã hóa, quản lý và phân tích bằng phần mềm SPSS 16.0. Tính giá trị trung bình các biến định lượng, tính tỷ lệ phần trăm các biến định tính.
Đạo đức trong nghiên cứu
Nghiên cứu này đã được phê duyệt bởi Hội đồng y đức Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên.
Bảng 1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Nhóm tuổi | n | % |
< 20 | 10 | 4,8 |
20- 29 | 46 | 21,9 |
30- 39 | 68 | 32,4 |
40- 49 | 52 | 24,8 |
≥ 50 | 34 | 16,2 |
Tổng | 210 | 100 |
Tuổi trung bình Min – Max | 38,06 ± 12,554 12 – 77 | |
Số con | n | % |
Chưa có con | 40 | 19,0 |
Có 1 con | 50 | 23,8 |
≥ 2 con | 120 | 57,1 |
Tổng | 210 | 100 |
Độ tuổi trung bình của nhóm đối tượng nghiên cứu là 38,06 ± 12,554 tuổi. Nhóm tuổi từ 30 - 39 chiếm tỷ lệ cao nhất 32,4% và nhóm tuổi nhỏ hơn 20 tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất là 4,8%. Tỷ lệ bệnh nhân chưa có con là thấp nhất chiếm 19,0%. Tỷ lệ bệnh nhân có từ 2 con trở lên là cao nhất chiếm 57,1%.
Bảng 2. Hoàn cảnh chỉ định phẫu thuật
Hoàn cảnh chỉ định phẫu thuật | n | % |
Phẫu thuật cấp cứu | 73 | 34,8 |
Phẫu thuật kế hoạch | 137 | 65,2 |
Tổng | 210 | 100 |
Tỷ lệ phẫu thuật cấp cứu thấp hơn tỷ lệ phẫu thuật kế hoạch, chiếm tỷ lệ lần lượt là 34,8% và 65,2%.
Bảng 3. Phương pháp phẫu thuật
2018 | 2019 | 2020 | Tổng | |||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
n | % | n | % | n | % | n | % | |
Phẫu thuật mở | 43 | 62,3 | 37 | 45,1 | 27 | 45,8 | 107 | 51,0 |
Phẫu thuật nội soi | 24 | 34,8 | 41 | 50,0 | 31 | 52,5 | 96 | 45,7 |
PTNS chuyển PTM | 2 | 2,9 | 4 | 4,9 | 1 | 1.7 | 7 | 3,3 |
Tổng | 69 | 100 | 82 | 100 | 59 | 100 | 210 | 100 |
Tỷ lệ phẫu thuật mở cao hơn tỷ lệ phẫu thuật nội soi, chiếm tỷ lệ lần lượt là 51,0% và 45,7%. Có 07 trường hợp phẫu thuật nội soi chuyển sang phẫu thuật mở chiếm tỷ lệ 3,3%. Tỷ lệ PTNS tăng dần trong giai đoạn 2018-2020 (tăng từ 34,8% lên 52,5%) cho thấy sự tiến bộ trong việc áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị khối u buồng trứng.
Bảng 4. Phương pháp xử trí trong phẫu thuật
Phương pháp xử trí trong phẫu thuật | n | % |
Cắt buồng trứng | 110 | 52,4 |
Bóc u | 64 | 30,5 |
Cắt phần phụ/ cắt 2 phần phụ | 36 | 17,1 |
Tổng | 210 | 100 |
Phương pháp phẫu thuật chủ yếu là cắt buồng trứng chiếm 52,4%, tỷ lệ phẫu thuật bóc u nang để lại phần BT lành và cắt phần phụ/ cắt 2 phần phụ chiếm tỷ lệ lần lượt là 30,5% và 17,1%.
Bảng 5. Kết quả giải phẫu bệnh
Kết quả giải phẫu bệnh | n | % |
U nang thanh dịch | 100 | 47,6 |
U nang bì | 77 | 36,7 |
Lạc nội mạc tử cung | 19 | 9,0 |
U nang nhầy | 11 | 5,2 |
U hỗn hợp | 3 | 1,4 |
Tổng | 210 | 100 |
U nang thanh dịch buồng trứng hay gặp nhất chiếm 47,6%, tiếp đến là u nang bì chiếm 36,7%, u dạng lạc nội mạc chiếm 9,0%, u nang dạng nhầy chiếm 5,2% và u hỗn hợp chiếm tỷ lệ 1,4%.
Bảng 6. Tỷ lệ biến chứng sau mổ
Phẫu thuật mở | Phẫu thuật nội soi | Tổng | ||||
n | % | n | % | n | % | |
Nhiễm trùng sau mổ | 4 | 3,5 | 2 | 2,1 | 6 | 2,9 |
Tụ máu thành bụng | 1 | 0,9 | 0 | 0 | 1 | 0,5 |
Liệt ruột | 1 | 0,9 | 0 | 0 | 1 | 0,5 |
Không biến chứng | 108 | 94,7 | 94 | 97,9 | 202 | 96,2 |
114 | 100 | 96 | 100 | 210 | 100 |
Tỷ lệ biến chứng chung của các bệnh nhân sau mổ là 3,9%, đều là biến chứng nhẹ; không có biến chứng nặng, trong đó có 6 bệnh nhân nhiễm trùng sau mổ chiếm 2,9%, có 1 bệnh nhân tụ máu thành bụng và 1 bệnh nhân liệt ruột chiếm 0,5%. Không có bệnh nhân nào có kết hợp các loại biến chứng.
Bảng 7. Thời gian nằm viện sau mổ
Thời gian nằm viện (ngày) | Phẫu thuật mở | Phẫu thuật nội soi | Tổng số | |||
n | % | n | % | n | % | |
3 - 5 | 15 | 13,2 | 44 | 45,8 | 59 | 28,1 |
6 - 7 | 79 | 69,3 | 42 | 43,8 | 121 | 57,6 |
> 7 | 20 | 17,5 | 10 | 10,4 | 30 | 14,3 |
Tổng | 114 | 100 | 96 | 100 | 210 | 100 |
Ngày điều trị TB Min - Max | 6,89 ± 1,292 | 5,85 ± 1,399 | 6,42 ± 1,436 3- 15 |
Thời gian nằm viện sau mổ trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu là: 6,42 ± 1,436. Số ngày điều trị tối thiểu là 3 ngày. Số ngày điều trị tối đa là 15 ngày. Thời gian nằm viện sau mổ trung bình của bệnh nhân PTM là 6,89 ± 1,292 cao hơn so với thời gian nằm viện sau mổ trung bình của bệnh nhân PTNS là 5,85 ± 1,399.
Khối u buồng trứng chỉ trở thành bệnh cảnh cấp cứu khi có các biến chứng như xoắn, vỡ u…vì vậy tỷ lệ chỉ định cấp cứu sẽ thấp hơn so với phẫu thuật kế hoạch. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có 73 bệnh nhân phẫu thuật cấp cứu (chiếm tỷ lệ 34,8%) thấp hơn so với số lượng bệnh nhân phẫu thuật kế hoạch là 137 (65,2%). Theo tác giả Trần Thị Len (2016), tỷ lệ phẫu thuật cấp cứu là 16,5% 1. Kết quả nghiên cứu của Đặng Thị Hướng (2020) tỷ lệ phẫu thuật cấp cứu là 10,7% 2. Tỷ lệ phẫu thuật cấp cứu của chúng tôi cao hơn so với các nghiên cứu khác vì tỷ lệ bệnh nhân có biến chứng khi nhập viện của chúng tôi chiếm 36,7% cao hơn so với nghiên cứu của Trần Thị Len (2016) là 16,5% 1. nghiên cứu của Đặng Thị Hướng (2020) là 10,7% 2. Để tránh các biến chứng, giảm tỷ lệ phẫu thuật cấp cứu, nên tuyên truyền cho mọi người đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.
Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ phẫu thuật nội soi chiếm tỷ lệ thấp hơn so với phẫu thuật mở, tỷ lệ lần lượt là 45,7% và 51,0%. Có 07 trường hợp chuyển phẫu thuật nội soi sang phẫu thuật mở với tỷ lệ 3,3% (4 trường hợp do dính nhiều; 2 trường hợp do khối u quá to và 1 trường hợp do chảy máu nhiều). Tỷ lệ PTNS trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của Trần Thị Len (2016) tỷ lệ PTNS là 39,5%, tỷ lệ PTMM 60,5% 1 nhưng thấp hơn so với nghiên cứu khác: Theo nghiên cứu của Đàm Thị Tanh (2020) 3, PTNS có 49 trường hợp chiếm 65,3%; PTMM có 26 trường hợp chiếm 34,7%. Theo nghiên cứu Đặng Thị Hướng (2020) 2 tỷ lệ phẫu thuật nội soi chiếm đa số (81,1%). Có sự khác biệt này là do tỷ lệ phẫu thuật cấp cứu của chúng tôi cao hơn ngoài ra còn do khối u to và dính chặt trong tiểu khung gây khó khăn cho PTNS. Bên cạnh đó, trình độ phẫu thuật viên chưa phát triển đồng đều nên tỷ lệ bệnh nhân được phẫu thuật nội soi chưa cao. Tuy vậy, tỷ lệ phẫu thuật nội soi của chúng tôi tăng dần trong 3 năm từ 34,8% (năm 2018) lên 52,5% (năm 2020) chứng tỏ các kỹ thuật hiện đại ngày càng được áp dụng nhiều hơn, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Phương pháp xử trí chủ yếu là cắt buồng trứng (52,4%), tỷ lệ phẫu thuật bóc u nang để lại phần buồng trứng lành và cắt phần phụ/ cắt 2 phần phụ chiếm tỷ lệ lần lượt là 30,5% và 17,1%. Có sự khác biệt trong nghiên cứu của chúng tôi với nghiên cứu của Trần Thị Len (2016) bóc u chiếm tỷ lệ cao nhất 42% 1. Nghiên cứu của Phạm Huy Hiền Hào và cộng sự (2018) tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cũng cho thấy tỷ lệ bóc UBT là 70,73% 4. Theo Sridhar, M., et al (2018) phương pháp xử trí thường gặp nhất là bóc u nang (85,3%), 10,9% cắt u buồng trứng và 3,8% cắt phần phụ 5. Nguyên nhân là do bệnh nhân vào viện muộn, khi đã có biến chứng, khi đó tổn thương tại buồng trứng không còn khả năng bảo tồn (u buồng trứng xoắn hoại tử hoặc các khối u quá lớn chiếm toàn bộ buồng trứng không có phần buồng trứng lành…) nên được chỉ định cắt buồng trứng. Đồng thời còn do tuổi trung bình nghiên cứu của chúng tôi cao (38,06 ± 12,554
tuổi) trong đó 41% bệnh nhân có độ tuổi trên 40 tuổi và tỷ lệ bệnh nhân có từ 2 con trở lên là nhiều nhất (57,1%). Đối với các trường hợp bệnh nhân đã mãn kinh có kèm theo bệnh lý buồng trứng, vòi tử cung, u xơ tử cung, hoặc kèm theo ổ bụng dính nhiều ở bệnh nhân đã có tiền sử phẫu thuật chúng tôi thường lựa chọn cắt phần phụ hoặc cắt 2 phần phụ.
Trong các UBT thực thể lành tính thì u nang thanh dịch chiếm tỷ lệ cao nhất 47,6%, tiếp đến là u nang bì 36,7%, u dạng lạc nội mạc 9,0%, u nang nhầy chiếm 5,2%. Theo tác giả Chanu S.M., et al u quái trưởng thành thường gặp nhất (20,8%), u nang thanh dịch (19,8%) 6. Theo nghiên cứu của Grammatikakis I., et al (2015) 80,6% là u lạc nội mạc tử cung, 3,3% u nang thanh dịch, 2,9% u nang bì 7. Có sự khác biệt là do bệnh lý buồng trứng khác nhau theo từng nghiên cứu, thay đổi theo từng khu vực.
Tỷ lệ tai biến biến chứng sau phẫu thuật là 3,9%. Nghiên cứu của tác giả Đặng Thị Hướng (2020), tỷ lệ biến chứng 1,1% 2. Theo tác giả Sridhar, M., et al (2018), tỷ lệ biến chứng là 1,3% 5. Những tai biến trong nghiên cứu của chúng tôi tuy không phải là biến chứng nặng nề nhưng để hạn chế biến chứng không đáng có sau mổ cần chăm sóc vết mổ tốt, lựa chọn kháng sinh phù hợp, hướng dẫn bệnh nhân vận động sớm sau mổ, đồng thời theo dõi sát bệnh nhân nhằm phát hiện sớm biến chứng để xử lý kịp thời.
Thời gian nằm viện sau mổ trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu là: 6,42 ± 1,436 ngày cao hơn so với nghiên cứu của tác giả Phan Thị Ngọc Bích (2018) 8, ngày điều trị trung bình chung sau phẫu thuật là: 4,3± 0,7 ngày. Theo tác giả Đàm Thị Tanh (2020) là 5,48 ± 0,72 ngày 3. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với tác giả khác do chủ yếu các bệnh nhân được sử dụng kháng sinh điều trị (dùng kháng sinh theo phương pháp cổ điển 7 ngày), một số trường hợp cần theo dõi thêm, có biến chứng hoặc có bệnh kết hợp giữ lại điều trị >7 ngày. Trong nghiên cứu của chúng tôi, PTNS sử dụng kháng sinh ít, hồi phục nhanh, ít biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện sau mổ. Đây là một ưu điểm lớn của PTNS.
Tỷ lệ phẫu thuật cấp cứu còn cao. Mặc dù tỷ lệ phẫu thuật mở cao hơn so với phẫu thuật nội soi nhưng tỷ lệ PTNS tăng dần trong giai đoạn 2018-2020. Phương pháp phẫu thuật chủ yếu là cắt buồng trứng. Theo kết quả giải phẫu bệnh, u nang thanh dịch buồng trứng hay gặp nhất. Sau mổ có tỷ lệ biến chứng thấp. Thời gian nằm viện phẫu thuật nội soi ngắn hơn so với phẫu thuật mở.