Đại dịch COVID-19 vẫn là một thách thức trên toàn thế giới, tỷ lệ nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng trên toàn cầu và lan truyền nhanh chóng1. Kiến thức, thái độ và thực hành của các cá nhân đối với đại dịch COVID-19 có thể đóng một vai trò quan trọng trong cách họ chấp nhận các biện pháp được áp dụng để kiểm soát sự lây lan của bệnh và sẵn sàng tìm kiếm cũng như tuân thủ các biện pháp phòng bệnh2. Theo Quỳnh Giao và cộng sự (2020) nghiên cứu trên 327 nhân viên y tế cho thấy đa số (88,4%) có kiến thức tốt về COVID-194. Nghiên cứu của Kiều Thị Hoa và Cộng sự (2020) trên 354 sinh viên hệ Bác sĩ Đại học Y Hà Nội cho thấy phần lớn sinh viên Đại học Y Hà Nội đều có kiến thức đúng về dịch bệnh COVID-195. Đối với sinh viên các trường y, việc có các kiến thức tốt và có thái độ tốt về dịch bệnh COVID- 19 sẽ giúp ích cho việc thực hành phòng bệnh tốt trong cuộc sống hàng ngày, trong học tập lâm sàng và khi được huy động chống dịch. Với đặc thù như thế chúng tôi đặt ra câu hỏi vậy kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống bệnh COVID–19 của sinh viên ngành Y khoa tại Trường Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên như thế nào? Khi thời gian qua đã có nhiều đợt sinh viên tình nguyện tham gia phòng chống dịch bệnh COVID – 19 ở các tỉnh miền Bắc cũng như miền Nam. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài với 2 mục tiêu:
1. Mô tả thực trạng kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống dịch bệnh COVID-19 của sinh viên ngành Y khoa Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên.
2. Phân tích một số yếu tố liên quan đến thực hành phòng chống dịch bệnh COVID-19 của sinh viên.
Đối tượng nghiên cứu
Sinh viên ngành Y khoa Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên.
Tiêu chuẩn lựa chọn: Sinh viên ngành y khoa hệ chính quy đang học tại Trường Đại học Y Dược.
Tiêu chuẩn loại trừ: Sinh viên ngành y khoa năm thứ 6 (vì đối tượng này sẽ đi thực tế tốt nghiệp nên khó khăn trong thu thập số liệu). Sinh viên ngành y khoa hệ chuyên tu.
Thời gian, địa điểm nghiên cứu:Từ Tháng 4/2021 – 4/2022 Tại Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên.
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang.
Cỡ mẫu:
Sử dụng công thức tính cỡ mẫu ước lượng một tỷ lệ:
Trong đó:
n: cỡ mẫu cần thiết cho nghiên cứu.
Z1-α/2 là hệ số tin cậy = 1,96 với độ tin cậy 95% (α= 0,05).
P=0,14: Tỷ lệ sinh viên có kiến thức chưa tốt về COVID-19 theo nghiên cứu của Kiều Thị Hoa5.
D = 0,03
Thay vào công thức ta tính được cỡ mẫu là n= 514 sinh viên, trên thực tế chúng tôi điều tra 661 sinh viên.
Phương pháp chọn mẫu
Chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng theo tỷ lệ. Dựa vào tỷ lệ sinh viên các khóa y khoa theo thống kê của Phòng Công tác học sinh và sinh viên Trường Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên đến thời điểm 25/01/2021, tính được số sinh viên tham gia vào nghiên cứu theo từng khóa như sau:
Năm thứ | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | Tổng số |
Số lượng sinh viên hiện có | 605 | 310 | 415 | 367 | 469 | 2166 |
Số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu | 185 | 94 | 127 | 112 | 143 | 661 |
Chọn ngẫu nhiên các lớp trong mỗi khóa. Năm thứ 1 có 9 lớp, chọn 3 lớp. Năm 2 có 8 lớp, chọn 2 lớp. Năm 3 có 5 lớp, chọn 2
lớp. Năm 4 có 6 lớp, chọn 2 lớp. Năm 5 có 4 lớp, chọn 3 lớp. Lấy đủ số sinh viên cho nghiên cứu trong các lớp được chọn.
Biến số/chỉ số nghiên cứu
Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu: Tỷ lệ sinh viên nam, nữ; Tỷ lệ sinh viên đã tập huấn về COVID-19; Tỷ lệ sinh viên đã tham gia phòng chống COVID-19; Tỷ lệ dân tộc kinh, dân tộc khác.
Kiến thức, thái độ, thực hành: Tỷ lệ sinh viên có kiến thức tốt, chưa tốt về phòng chống COVID-19; Tỷ lệ sinh viên có thái độ tốt, chưa tốt về phòng chống COVID-19; Tỷ lệ sinh viên có thực hành tốt, chưa tốt về phòng chống COVID-19.
Phân tích một số yếu tố liên đến thực hành phòng chống dịch bệnh COVID-19:
Mối liên quan giữa giới tính, được tham gia các lớp tập huấn với
thực hành phòng chống COVID-19.
Mối liên quan giữa kiến thức, thái độ với thực hành phòng chống COVID-19.
Các tiêu chuẩn đánh giá
Bộ câu hỏi gồm 8 câu hỏi về kiến thức, 7 câu hỏi về thái độ, 8 câu hỏi về thực hành.
Để đánh giá kiến thức, thái độ, thực hành chung về COVID-19 mỗi đáp án đúng cho mỗi câu hỏi được 1 điểm. Sử dụng Bảng phân loại của Bloom, tỷ lệ trả lời đúng đạt ≥80% là mức tốt. Như vậy tổng điểm kiến thức chung và thực hành chung tốt khi đạt ≥7 điểm, thái độ chung tốt khi đạt ≥6 điểm.
Phương pháp xử lý số liệu
Sử dụng phần mềm Epidata 3.1 để nhập số liệu và phần mềm SPSS 25.0 để phân tích số liệu.
Đạo đức nghiên cứu
Nghiên cứu đã được thông qua Hội đồng đạo đức của Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên. Số quyết định là 537/QĐ- ĐHYD ngày 30/3/2021. Nghiên cứu không có xung đột về lợi ích. Các thông tin thu thập được chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu.
Nghiên cứu thực hiện trên 661 đối tượng là sinh viên ngành y khoa Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên. Trong đó, nữ giới chiếm 70%, có 56,9% đối tượng nghiên cứu là dân tộc Kinh và 17,9% là dân tộc Tày còn lại là các dân tộc khác. Tỉ lệ sinh viên đã được tập huấn về COVID-19 là 49,3%. Có 21% đối tượng nghiên cứu đã từng tham gia tình nguyện chống dịch COVID-19.
Bảng 1. Kiến thức về phòng chống COVID-19 của đối tượng nghiên cứu
Kết quả Bảng 1 cho thấy: Sinh viên có kiến thức chung tốt đạt tỉ lệ 84,1%. Trong đó kiến thức về các biện pháp phòng chống COVID- 19 như rửa tay đúng cách, cách ly và điều trị người nghi nhiễm bệnh, tránh nơi đông đúc, tránh đi các phương tiện công cộng và biết tiêu chuẩn khẳng định chẩn đoán mắc COVID-19 chiếm tỉ lệ cao (>90%).
Bảng 2. Thái độ về phòng chống COVID-19 của đối tượng nghiên cứu
Kết quả Bảng 2 cho thấy: Sinh viên có thái độ chung tốt về phòng chống COVID-19 chiếm tỉ lệ cao (93,8%). Đặc biệt thái độ về đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách, khai báo y tế trung thực, cách ly
đúng quy định và tránh tập trung đông người có tỉ lệ tốt trên 98%. Đa số sinh viên đều cho rằng tiêm vaccin phòng bệnh là rất cần thiết (94%). Tuy nhiên còn một số sinh viên thái độ còn chưa tốt cho là không cần thiết cài đặt và sử dụng các phần mềm khai báo và phòng chống COVID-19, chiếm 12,9%.
Bảng 3. Thực hành về phòng chống COVID-19 của đối tượng nghiên cứu
Thực hành về phòng chống COVID – 19 | Thực hành tốt | ||
n | % | ||
Rửa tay sát khuẩn thường xuyên | 489 | 74,0 | |
Đeo khẩu trang khi ra ngoài | 548 | 82,9 | |
Giữ khoảng cách an toàn 2m | 354 | 53,6 | |
Đến siêu thị đám cưới, đám giỗ, hoặc nơi đông người | 175 | 26,5 | |
Tiêm vaccine đủ 2 mũi trở lên | 652 | 98,6 | |
Thay khẩu trang 1-2 lần/ngày | 566 | 85,6 | |
Dùng dung dịch khử khuẩn để vệ sinh nhà cửa | 144 | 21,8 | |
Cài đặt phần mềm phòng chống COVID-19 trên điện thoại | 620 | 93,8 | |
Thực hành chung | Tốt | 305 | 46,1 |
Chưa tốt | 356 | 53,9 |
Kết quả Bảng 3 cho thấy: Tỷ lệ sinh viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccin trở lên và đã cài đặt phần mềm phòng chống COVID – 19 trên điện thoại đạt tỉ lệ cao lần lượt là 98,6% và 93,8%. Thực hành tốt về đeo khẩu trang khi ra ngoài và thay khẩu trang 1-2 lần /ngày cũng chiếm tỉ lệ tương đối cao với 82,9% và 85,6%. Tuy nhiên, việc thực hành tránh đến nơi tụ tập đông người, và dùng dung dịch khử khuẩn để vệ sinh nhà cửa thì tỉ lệ thực hành tốt còn thấp (26,5% và 21,8%).
Bảng 4. Mối liên quan giữa đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu với thực hành về phòng chống COVID–19
Kết quả Bảng 4 cho thấy: Có mối liên quan giữa được tập huấn và tham gia chống dịch COVID-19 với thực hành tốt về COVID- 19 (p<0,05). Những sinh viên đã được tập huấn hoặc đã tham gia phòng chống COVID-19 thì thực hành phòng chống COVID-19 tốt hơn.
Bảng 5. Mối liên quan giữa kiến thức, thái độ của đối tượng nghiên cứu với thực hành về phòng chống COVID-19
Thực hành | ||||
Chưa tốt n (%) | Tốt n (%) | p | ||
Chưa tốt | 57 (54,3) | 48 (45,7) | >0,05 | |
Kiến thức | ||||
Tốt | 299 (53,8) | 257 (46,2) | ||
Thái độ | Chưa tốt | 30 (73,2) | 11 (26,8) | <0,05 |
Tốt | 326 (52,6) | 294 (46,1) |
Kết quả Bảng 5 cho thấy: Có mối liên quan giữa thái độ với thực hành về phòng chống COVID-19 (p<0,05). Nhóm sinh viên có thái độ tốt có tỉ lệ thực hành tốt cao hơn nhóm sinh viên có thái độ chưa tốt.
Nghiên cứu thực hiện trên 661 sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ năm của sinh viên Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên kết quả nghiên cứu cho thấy:
Mức độ hiểu biết chung đạt mức tốt của sinh viên Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên là 84,1% cao hơn kết quả 43,1% sinh viên có hiểu biết tốt trong nghiên cứu của Đào Thị Ngọc Huyền khảo sát sinh viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) và nghiên cứu của Kiều Thị Hoa ở sinh viên Đại học Y Hà Nội với 70% sinh viên có kiến thức tốt5-6 và tương đương với nghiên cứu của Mohammad Hossein Taghrir ở sinh viên Iran với 86,3% sinh viên có mức độ hiểu biết từ khá trở lên7. Có sự khác biệt trên có thể là do hầu hết sinh viên Trường Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên đã được Nhà trường tổ chức tập huấn về COVID-19 nhiều lần, kỹ lưỡng theo cả hình thức online và trực tiếp và có tới 21% sinh viên đã từng đi chống dịch.
Thái độ tốt chung của sinh viên Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên về phòng chống COVID-19 khá cao là 93,8%. Tỉ lệ này cao hơn nghiên cứu của Đào Thị Ngọc Huyền cho kết quả 67,6% sinh viên Y Dược TP HCM có thái độ tích cực6. So với nghiên cứu của Ranald Olum cũng cho thấy 74% sinh viên Uganda có thái độ tích cực thì kết quả của chúng tôi cao hơn8. Trong đối tượng nghiên cứu của chúng tôi một số sinh viên đã từng tham gia công tác tình nguyên phòng chống dịch tại TP HCM, Bắc Giang... và đã được tập huấn trước khi đi chống dịch do vậy có thể là lý do dẫn tới tỷ lệ sinh viên có kiến thức và thực hành tốt về phòng chống dịch cao hơn so với một số nghiên cứu khác.
Tỷ lệ thực hành tốt của sinh viên Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên là 46,1%, kết quả của chúng tôi thấp hơn so với kết quả của mốt số nghiên cứu khác. Nghiên cứu của Kiều Thị Hoa tại Đại học Y Hà Nội tỷ lệ thực hành tốt đạt 70%5. Nghiên cứu trên 377 nhân viên y tế tại Parkistan của tác giả M. Saqlain, 88,7% đối tượng có mức độ thực hành tốt. Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ thực hành đạt thấp chủ yếu là ở hành vi giữ khoảng cách trên 2m và không đến nơi đông người. Trên thực tế khi các sinh viên đi chống dịch phải lấy mẫu xét nghiệm nên vẫn phải tiếp xúc gần, vẫn phải đến những địa điểm tập trung lấy mẫu do vậy tỷ lệ thực hành chung tốt sẽ thấp hơn.
Kết quả bảng 4 cho thấy có mối liên quan giữa được tập huấn về COVID-19 và tham gia chống dịch với có thực hành tốt về COVID-19. Việc tổ chức tập huấn cho sinh viên về COVID-19 của Trường Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên là có hiệu quả tốt, qua tập huấn đã nâng cao kiến thức về phòng chống dịch cho sinh viên.
Bảng 5 cho thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa thái độ tốt với thực hành tốt về phòng chống COVID-19 của sinh viên Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên. Kết quả của chúng tôi tương đồng với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Như Khuê ở người dân trên 18 tuổi tại tỉnh Đắk Lắk năm 202110. Cũng theo Ashraf I Khasawneh và cộng sự cho thấy mối tương quan có ý nghĩa thống kê giữa hành vi phòng ngừa và nhận thức rủi ro của sinh viên y khoa tại Jordan năm 202011.
Tỉ lệ sinh viên có kiến thức, thái độ tốt khá cao lần lượt là 84,1% và 93,8%, tỉ lệ sinh viên có thực hành chưa tốt chiếm tỉ lệ 53,9%, trong đó tỷ lệ sinh viên thực hành tránh đến nơi tụ tập đông người, và dùng dung dịch khử khuẩn để vệ sinh nhà cửa còn thấp (26,5% và 21,8%).
Có mối liên quan giữa đã từng tham gia tập huấn, tham gia tình nguyện chống dịch COVID-19 và thực hành tốt phòng chống COVID-19 với p< 0,05. Có mối liên quan giữa thái độ và thực hành phòng chống COVID-19 với p<0,05. Sinh viên có thái độ tốt thì có thực hành tốt chiếm tỷ lệ cao hơn so với những sinh viên có thái độ chưa tốt về phòng chống COVID-19.
Nhà trường tăng cường tổ chức các buổi tập huấn về phòng chống COVID-19 nhiều hơn nữa cho các bạn sinh viên trong Trường. Các sinh viên cần thực hành tốt hơn nữa các biện pháp phòng chống COVID-19.