Suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em là vấn đề sức khoẻ cộng đồng luôn được các quốc gia quan tâm, đặc biệt là các nước đang phát triển. Theo báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2019, gánh nặng của SDD có xu hướng giảm nhưng vẫn có tới 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi và gần 50 triệu trẻ em bị gầy còm 1. Năm 2018, tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc là 19,6% được xếp vào mức trung bình theo phân loại của tổ chức Y tế thế giới 2.
Viêm phổi là bệnh lý thường gặp và là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Mặc dù đạt được nhiều tiến triển tốt trong thời gian gần đây, gánh nặng bệnh tật của VP trẻ em tại Việt Nam vẫn cao gần gấp 10 lần các nước phát triển như Úc, Nhật. Năm 2015, WHO ước tính nhiễm trùng hô hấp cấp tính chiếm 11% số ca tử vong dưới 5 tuổi tại Việt Nam 3.
SDD và bệnh nhiễm trùng có mối liên quan chặt chẽ, nhiễm trùng làm tăng nguy cơ gây SDD và SDD làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, trong đó có bệnh viêm phổi (VP). Nghiên cứu của Nguyễn Thể Tần tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (2010) cho thấy trẻ VP nằm viện trên 2 tuần có tỷ lệ suy dinh dưỡng rất cao (77,3%) 4. Nghiên cứu của Hồ Đỗ Vinh (2014) tại Bệnh viện Trung ương Huế cũng cho kết quả tỷ lệ SDD thể nhẹ cân là 11,7% trong tổng số trẻ VP 5. Tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, tỷ lệ trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi mắc VP trong tổng số trẻ được chẩn đoán nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính năm 2012 là 15,99% 6. Việc xác định tình trạng dinh dưỡng của trẻ VP có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị và dự phòng viêm phổi ở trẻ em. Vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi bị viêm phổi điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên năm 2020 - 2021.
Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu
Đối tượng của nghiên cứu là trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi được chẩn đoán xác định VP điều trị tại Trung tâm Nhi khoa, bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và cha/mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021.
Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm phổi: Theo tiêu chuẩn của WHO 2014 7:
Viêm phổi (VP): Ho hoặc khó thở cộng với ít nhất một trong những dấu hiệu sau: Thở nhanh: ≥ 50 nhịp/phút đối với trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng. ≥ 40 nhịp/phút đối với trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi; rút lõm lồng ngực hoặc nghe phổi có ran: ran ẩm nhỏ hạt, ran nổ, ran phế quản, giảm thông khí khu trú.
Viêm phổi nặng (VPN): Trẻ có dấu hiệu của VP kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: Không thể bú hoặc uống, nôn tất cả mọi thứ, li bì hoặc khó đánh thức, co giật. Có dấu hiệu suy hô hấp nặng: Độ bão hòa oxy (SpO2) < 90%, tím tái, thở rên, rút lõm lồng ngực rất nặng.
Tiêu chuẩn loại trừ: Gia đình trẻ không đồng ý tham gia nghiên cứu.
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
Phân loại TTDD theo WHO 2006 8:
Phân loại TTDD dựa vào cân nặng theo tuổi (CN/T): SDD thể nhẹ cân mức độ nặng CN/T < - 3SD; SDD thể nhẹ cân mức độ vừa CN/T nằm trong khoảng dưới -2SD đến ≤ - 3SD; Bình thường CN/T nằm trong khoảng từ - 2SD đến ≤ 2SD; Thừa cân CN/T >2SD; Béo phì CN/T >3SD.
Phân loại TTDD dựa vào chiều cao theo tuổi (CC/T): SDD thể thấp còi mức độ nặng CC/T < - 3SD; SDD thể thấp còi mức độ vừa CC/T nằm trong khoảng dưới -2SD đến ≤ - 3SD; Bình thường CC/T nằm trong khoảng từ - 2SD đến ≤ 2SD.
Phân loại TTDD dựa vào cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao (CN/CC): SDD thể gầy còm mức độ nặng CN/CC < -3 SD; SDD thể gầy còm mức độ vừa CN/CC nằm trong khoảng dưới -2SD đến ≤ - 3SD; Bình thường CN/CC nằm trong khoảng từ - 2SD đến ≤ 2SD; Thừa cân CN/CC > 2SD; Béo phì CN/CC > 3SD.
Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu
Áp dụng công thức tính cỡ mẫu ước lượng một tỷ lệ:
Trong đó: n là cỡ mẫu tối thiểu
α= 0,05 : Mức ý nghĩa thống kê
Z(1- α/2) = 1,96: Hệ số giới hạn tin cậy
d= 0,04: Độ chính xác mong muốn
p = 0,117 (tỷ lệ SDD ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi mắc viêm phổi theo nghiên cứu của Hồ Đỗ Vinh) 5.
Thay số vào công thức: n = 248. Thực tế chúng tôi lựa chọn được 259 trẻ đủ tiêu chuẩn vào nghiên cứu.
Biến số nghiên cứu
Tỷ lệ trẻ có TTDD bình thường, SDD, thừa cân, béo phì theo các chỉ số cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao.
Tỷ lệ trẻ có TTDD bình thường, SDD, thừa cân, béo phì theo nhóm tuổi, giới, địa dư và theo mức độ nặng của VP.
Phương pháp thu thập và xử lý số liệu
Phỏng vấn trực tiếp cha/mẹ/người nuôi dưỡng bệnh nhân theo mẫu bệnh án thống nhất.
Đo các chỉ số nhân trắc (cân nặng, chiều dài/chiều cao) tại thời điểm trẻ nhập viện: Sử dụng cân lòng máng SECA với độ chính xác 0,1 kg để cân trẻ nhỏ. Cân trẻ lớn bằng cân sức khoẻ TZ-120 với độ chính xác 0,1 kg, tiến hành cân 2 lần và lấy chỉ số trung bình. Đo chiều dài nằm (trẻ ≤ 2 tuổi) /chiều cao (trẻ > 2 tuổi) bằng thước SECA/UNICEFF có chặn ở đầu và chân, độ sai lệch ± 1 mm, tiến hành đo 2 lần và lấy chỉ số trung bình.
Khám lâm sàng phát hiện các dấu hiệu để chẩn đoán viêm phổi và phân loại mức độ viêm phổi.
Số liệu nghiên cứu được xử lý bằng các thuật toán thống kê y học dựa trên phần mềm SPSS 20.0. So sánh sự khác biệt giữa hai tỷ lệ - xét mối tương quan giữa hai biến định tính bằng test khi bình phương (x2). Trong trường hợp điều kiện (x2) không thỏa mãn (trên 20% số ô có tần số mong đợi nhỏ hơn 5), sử dụng test Fissher’s Exact cho bảng 2x2 hoặc test Phi and Cramer’s V cho bảng lớn hơn 2x2. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.
Đạo đức trong nhiên cứu
Đề tài nghiên cứu được được sự chấp thuận của lãnh đạo Trung tâm Nhi khoa và được thông qua Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Trong thời gian nghiên cứu, 259 trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi có chẩn đoán VP được thu thập và kết quả như sau:
Bảng 1: Tình trạng dinh dưỡng chung của trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi bị VP
Chỉ số | CN/T | CC/T | CN/CC | ||||
n | % | n | % | n | % | ||
SDD | Mức độ nặng | 6 | 2,3 | 6 | 2,3 | 6 | 2,3 |
Mức độ vừa | 21 | 8,1 | 20 | 7,7 | 10 | 3,9 | |
Chung | 27 | 10,4 | 26 | 10 | 16 | 6,2 | |
Bình thường | 221 | 85,3 | 233 | 90 | 232 | 89,6 | |
Thừa cân | 9 | 3,5 | 0 | 0 | 9 | 3,5 | |
Béo phì | 2 | 0,8 | 0 | 0 | 2 | 0,8 | |
Tổng | 259 | 100 | 259 | 100 | 259 | 100 |
Kết quả bảng 1 cho thấy, tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân chiếm tỷ lệ 10,4% (mức độ nặng 2,3%, mức độ vừa 8,1%), SDD thể gầy 6,2%, SDD thể thấp còi 10%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì lần lượt là 3,5% và 0,8%. Trong số 259 trẻ được chọn vào nghiên cứu, có tổng cộng 36 trẻ có suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân hoặc thấp còi hoặc gầy còm hoặc kết hợp cả 2 hoặc 3 thể) chiếm tỷ lệ 13,9%.
Bảng 2: Tình trạng dinh dưỡng của trẻ VP theo nhóm tuổi
TTDD | Bình thường | SDD | Thừa cân | Béo phì | Tổng | p | |||||
n | % | n | % | n | % | n | % | n | % | ||
72 | 79,1 | 13 | 14,3 | 6 | 6,6 | 0 | 0 | 91 | 100 | > 0,05 | |
67 | 81,7 | 13 | 15,9 | 1 | 1,2 | 1 | 1,2 | 82 | 100 | > 0,05 | |
73 | 84,9 | 10 | 11,6 | 2 | 2,3 | 1 | 1,2 | 86 | 100 | > 0,05 | |
Tổng | 212 | 81,9 | 36 | 13,9 | 9 | 3,5 | 2 | 0,8 | 259 | 100 |
Kết quả bảng 2 cho thấy, tỷ lệ SDD cao nhất ở nhóm tuổi 12 - < 24 tháng (15,9%), từ 2- < 12 tháng có tỷ lệ 14,3% và nhóm tuổi 24 - 60 tháng có tỷ lệ 11,6%. Tỷ lệ thừa cân ở nhóm trẻ 2 - < 12 tháng là cao nhất (6,6%). Tuy nhiên, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05
Bảng 3: Tình trạng dinh dưỡng của trẻ VP theo giới
TTDD | Bình thường | SDD | Thừa cân | Béo phì | Tổng | p | |||||
n | % | n | % | n | % | n | % | n | % | ||
Nam | 137 | 80,6 | 24 | 14,1 | 8 | 4,7 | 1 | 0,6 | 170 | 100 | > 0,05 |
Nữ | 75 | 84,3 | 12 | 13,5 | 1 | 1,1 | 1 | 1,1 | 89 | 100 | > 0,05 |
Tổng | 212 | 81,9 | 36 | 13,9 | 9 | 3,5 | 2 | 0,8 | 259 | 100 |
Kết quả bảng 3 cho thấy, tỷ lệ SDD ở trẻ nam tương đương trẻ nữ (14,1% và 13,5%) với p > 0,05.
Bảng 4: Tình trạng dinh dưỡng của trẻ VP theo địa dư
TTDD | Bình thường | SDD | Thừa cân | Béo phì | Tổng | p | |||||
n | % | n | % | n | % | n | % | n | % | ||
Thành thị | 100 | 88,5 | 10 | 8,8 | 3 | 2,7 | 0 | 0 | 113 | 100 | > 0,05 |
Nông thôn | 112 | 76,7 | 26 | 17,8 | 6 | 4,1 | 2 | 1,4 | 146 | 100 | > 0,05 |
Tổng | 212 | 81,9 | 36 | 13,9 | 9 | 3,5 | 2 | 0,8 | 259 | 100 |
Kết quả bảng 4 cho thấy, tỷ lệ SDD ở nông thôn (17,8%) cao hơn ở thành thị (8,8%), tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.
Bảng 5: Tình trạng dinh dưỡng của trẻ VP theo mức độ VP
TTDD | Bình thường | SDD | Thừa cân | Béo phì | Tổng | p | |||||
n | % | n | % | n | % | n | % | n | % | ||
VP | 196 | 84,1 | 26 | 11,2 | 9 | 3,9 | 2 | 0,9 | 233 | 100 | < 0,05 |
VPN | 16 | 61,5 | 10 | 38,5 | 0 | 0 | 0 | 0 | 26 | 100 | < 0,05 |
Tổng | 212 | 81,9 | 36 | 13,9 | 9 | 3,5 | 0 | 0 | 259 | 100 |
Kết quả bảng 5 cho thấy, trong số trẻ viêm phổi, có 11,2% trẻ suy dinh dưỡng. Trong số trẻ VPN thì có 38,5% trẻ suy dinh dưỡng, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
Trong số 259 trẻ mắc viêm phổi từ 2 tháng đến 5 tuổi được chọn vào nghiên cứu có 10,4% trẻ SDD thể nhẹ cân (8,1% SDD thể nhẹ cân mức độ vừa, 2,3% mức độ nặng). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Hồ Đỗ Vinh tại Bệnh viện Trung ương Huế tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ VP từ 2 tháng đến 5 tuổi là 11,7% 5. SDD thể nhẹ cân phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài cũng như tình trạng thiếu dinh dưỡng tại thời điểm đánh giá. Nguyên nhân có thể do thiếu cung cấp do trẻ biếng ăn, chế độ ăn không đủ nhu cầu hoặc do trẻ bị tăng tiêu hao năng lượng khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn kéo dài.
Tỷ lệ trẻ mắc VP có SDD thể thấp còi trong nghiên cứu của chúng tôi là 10%. Nghiên cứu của tác giả Võ Minh Tân cũng ghi nhận có 10,7% trẻ viêm phổi có SDD thể thấp còi không có sự khác biệt đáng kể so với nghiên cứu của chúng tôi 9. SDD thể thấp còi phản ánh tình trạng chậm phát triển mạn tính, kéo dài từ trong quá khứ, có thể bắt đầu sớm từ giai đoạn bào thai do mẹ bị thiếu dinh dưỡng do đó SDD thể thấp còi chiếm tỷ lệ còn cao.
SDD thể gầy còm phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính do tình trạng không lên cân hoặc đang tụt cân. Khi trẻ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn gây tiêu hao năng lượng tăng có thể do rối loạn hấp thu, tiêu hao năng lượng do phản ứng sốt. Mặt khác khi trẻ mắc bệnh có thể dẫn tới thiếu cung cấp năng lượng do trẻ mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn dẫn tới biếng ăn. Qua phân tích kết quả nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận có 6,2% trẻ SDD thể gầy còm. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không có sự chênh lệch đáng kể so với tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm chung của tỉnh Thái Nguyên là 8,0% theo thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia năm 2018 10. Bên cạnh suy dinh dưỡng, thừa cân và béo phì cũng là những mối đe doạ sức khoẻ nghiêm trọng. Chúng tôi ghi nhận 4,3% trẻ bị viêm phổi có tình trạng thừa cân và béo phì. Kết quả này gần tương đương với tỷ lệ thừa cân, béo phì chung của tỉnh Thái Nguyên là 3,6% 10.
Tỷ lệ SDD chung của trẻ VP trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi chiếm tỷ lệ 13,9%. Kết quả này tương đồng nghiên cứu của Quách Ngọc Ngân về VP cộng đồng ở trẻ 2 tháng đến 5 tuổi ghi nhận có 11,7% trẻ VP có SDD 11. Khi phân tích riêng từng nhóm tuổi, chúng tôi nhận thấy nhóm trẻ từ 12 - < 24 tháng có tỷ lệ SDD cao nhất trong khi đó SDD thể nhẹ cân chiếm tỷ lệ cao (10,4%) điều đó phản ánh trẻ có tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài từ trước đó do trẻ nhận được chế độ ăn dặm bổ sung không đúng cách khi trẻ được từ trên 6 tháng tuổi. Tỷ lệ này giảm dần ở nhóm trẻ từ 24 - < 60 tháng còn 11,6%. Có thể do lứa tuổi này trẻ đã có khả năng tự ăn theo nhu cầu, nguồn thức ăn đa dang hơn và trẻ đã đi học được tiếp cận chế độ ăn cân đối và hợp lý tại trường.
Theo kết quả bảng 3 cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc VP có SDD ở trẻ nam là 14,1% và trẻ nữ là 13,5%, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Nghiên cứu của Võ Minh Tân cũng cho thấy tỷ lệ trẻ nam và nữ mắc viêm phổi có SDD không có sự khác biệt đáng kể với 51,1% trẻ nam và 48,9% trẻ nữ 9. Qua đây có thể thấy giới tính không phải là yếu tố liên quan đến tình trạng mắc VP ở trẻ SDD.
Ở nước ta, sự đói nghèo là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng SDD và bệnh tật ở trẻ em. Tỷ lệ đói nghèo ở khu vực nông thôn, miền núi cao hơn nhiều so với khu vực thành thị. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những trẻ sống ở nông thôn tỷ lệ VP có SDD là 17,8% cao hơn đáng kể những trẻ sống ở thành thị là 8,8%, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Nguyên nhân có thể do vùng nông thôn có điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, khả năng chăm sóc trẻ của các bà mẹ còn nhiều hạn chế về kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ và khả năng cung cấp đa dạng nguồn thức ăn cho trẻ. Một số nghiên cứu về viêm phổi trẻ em nói chung cũng ghi nhận tỷ lệ trẻ mắc viêm phổi sống ở nông thôn cao hơn nhiều so với thành thị, nghiên cứu của Lưu Thị Thuỳ Dương tại Thái Nguyên tần suất mắc bệnh ở nông thôn 58,6% cao hơn ở thành thị 41,4% 12.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong số trẻ viêm phổi, có 11,2% trẻ suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong số trẻ viêm phổi mức độ nặng thì tỷ lệ trẻ có SDD là 38,5% cao gấp 3 lần, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với nghiên cứu của Lưu Thị Thuỳ Dương tỷ lệ trẻ có SDD trong nhóm VP là 5,8% trong khi đó tỷ lệ này trong nhóm VPN là 21,6% 12. Nguyên nhân do SDD và bệnh nhiễm trùng là một vòng xoắn luẩn quẩn, trẻ mắc bệnh nhiễm trùng làm tăng nguy cơ SDD và SDD làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, trong đó có bệnh viêm phổi.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ viêm phổi là 13,9%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi và gầy còm tương ứng là 10,4%; 10% và 6,2%. Tỷ lệ thừa cân, béo phì là 4,3%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ mắc viêm phổi nặng cao gấp 3 lần trẻ mắc viêm phổi (38,5% so với 11,2%).