ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới hiện nay khoảng ¼ dân số thế giới đang đối mặt với gánh nặng tăng huyết áp (THA), các biến chứng thường gặp hàng đầu là tai biến mạch máu não ngoài ra còn có suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim... vì thế còn gọi THA là “kẻ giết người thầm lặng1. Ở Việt Nam theo thống kê của Bộ Y tế tỷ lệ THA hiện nay khoảng 20,0%. Như vậy, với dân số theo kết quả tổng điều tra 2019 ước tính 100 triệu sẽ có khoảng 8 triệu người bị THA, nếu không có các biện pháp dự phòng hữu hiệu thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 10 triệu người bị THA. Theo Viện Tim mạch Việt Nam có các yếu tố nguy cơ THA như: Tuổi, giới, chỉ số khối cơ thể tăng, béo bụng, chỉ số vòng bụng/vòng mông tăng, rối loạn đường máu, rối loạn mỡ máu, uống nhiều rượu, tiền sử gia đình huyết thống trực hệ có người THA2. Trong khi tỷ lệ người dân hiểu biết đúng tất cả các yếu tố nguy cơ THA chỉ có 23% và người ta cho rằng yếu tố hành vi phòng chống THA là hết sức quan trọng3.

Tại Tuyên Quang, kết quả nghiên cứu tại một số cộng đồng của Nguyễn Thị Hà ở Yên Sơn, Bùi Thị Hoàn ở Na Hang (2014) cho thấy tỷ lệ THA khá cao và tỷ lệ người dân có hành vi tốt trong phòng chống THA còn khá thấp4,5. Vậy thực trạng hành vi phòng chống THA của các đối tượng nguy cơ hiện nay ở Tuyên Quang ra sao? Yếu tố nào liên quan đến hành vi phòng chống THA? … Xuất phát từ các giả thuyết và câu hỏi nghiên cứu trên chúng tôi tiến hành thực hiện nghiên cứu này với các mục tiêu sau:

1. Đánh giá thực trạng kiến thức thái độ thực hành phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng 40 tuổi trở lên tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2020.

2. Phân tích một số yếu tố liên quan thực hành phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng nghiên cứu tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang hiện nay.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên.

Tiêu chuẩn lựa chọn: Có khả năng giao tiếp và đồng ý cho phỏng vấn và thăm khám.

Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 01 đến tháng 10 năm 2021.

Địa điểm nghiên cứu: Tại 5 huyện 10 xã của tỉnh Tuyên Quang.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang.

Cỡ mẫu và kỹ thuật chọn mẫu:

Cỡ mẫu: Áp dụng công thức tính cỡ mẫu cho một tỷ lệ:

C:\Users\HK\Desktop\a1.png

Trong đó:

- n: cỡ mẫu tối thiểu.

- Z2(1-α/2): với độ tin cậy 95% thì Z2(1-α/2): = 1,96.

- p = 0,18 là tỷ lệ THA ở người cao tuổi từ nghiên cứu của Lại Đức Trường – Văn phòng WHO Việt Nam6).

- d: Độ chính xác mong muốn (0,02). Thay vào công thức ta có: n = 1.417, thực tế chúng tôi chọn 1.500 mẫu.

Kỹ thuật chọn mẫu: Chọn chủ đích 5 huyện thành phố đại diện cho các vùng tại tỉnh Tuyên Quang, gồm: thành phố Tuyên Quang, huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa và huyện Na Hang. Chọn xã: Mỗi huyện thành phố chọn ngẫu nhiên 2 xã/phường. Chọn ngẫu nhiên người trưởng thành (≥40 tuổi) ở 1 xã, đây chính là đơn vị mẫu theo khuyến cáo của WHO, chọn theo khoảng cách mẫu dựa trên danh sách các đối tượng ở xã.

Các chỉ số và biến số nghiên cứu

Hành vi về phòng chống THA:

- Kiến thức về phòng chống THA: Tốt, Chưa tốt.

- Thái độ về về phòng chống THA: Tốt, Chưa tốt.

- Thực hành về phòng chống THA: Tốt, Chưa tốt.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi phòng chống THA:

- Yếu tố về bản thân (Tuổi, giới, nghề nghiệp, trịnh độ học vấn…).

- Yếu tố kiến thức, thái độ về phòng chống THA của đối tượng và nguồn truyền thông.

Phương pháp thu thập và xử lý số liệu

Phỏng vấn các đối tượng tại hộ gia đình theo phiếu điều tra KAP. Phỏng vấn trực tiếp kết hợp quan sát để thu thông tin.

Thông kê y học bằng phần mềm SPSS 16.0.

Đạo đức trong nghiên cứu Nghiên cứu chỉ tiến hành khi được phép của Hội đồng khoa học của UBND tỉnh Tuyên Quang và được Sở y tế tỉnh cho phép thực hiện nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Hành vi của đối tượng nghiên cứu

Về kiến thức mới có 28.0% đối tượng nghiên cứu có kiến thức tốt về phòng chống THA, tốt nhất là biết những biện pháp giúp phát hiện THA (74,1%), tiếp đến là biết yếu tố nguy cơ THA (66,1%), yếu nhất là kiến thức về các biến chứng hay gặp của THA (3,9%), về biểu hiện THA (7,1%).

Về thái độ các đối tượng tham gia nghiên cứu có thái độ tốt dự phòng THA chiếm khá cao ( 83.5%), trong đó tốt nhất là thái độ về đột quị (83.9%), về kiểm tra HA (82,9%)... Yếu nhất lại là thái độ quan tâm thường xuyên đến THA của cá nhân (55,4%). Kiến thức thái độ chung của các đối tượng như sau:

Bảng 1. Kiến thức thái độ chung về phòng chống THA của các đối tượng (n = 1500)

Kiến thức, thái độ

n

%

Kiến thức tốt

420

28,0

Kiến thức chưa tốt

1080

72,0

Thái độ tốt

1252

83,5

Thái độ chưa tốt

248

16,7

Tổng số điều tra

1500

100

Kết quả Bảng 1 cho thấy: Nhìn chung kiến thức của các đối tượng chưa tốt, còn thái độ thì khá hơn.

Bảng 2. Hành vi về dự phòng THA (n = 1500)

Hành vi tốt

n

%

Đo HA định kỳ

809

53,9

Không uống rượu, bia

1336

89,1

Không hút thuốc lá, lào

1415

94,3

Vận động thường xuyên

609

40,6

Thường xuyên dùng dầu ăn

364

24,3

Không dùng nhiều nước mắm, muối, gia vị, xì dầu...

1182

78,8

Hành vi tốt

733

48,9

Hành vi chưa tốt

767

51,1

Kết quả Bảng 2 cho thấy: Có 48.9% đối tượng hành vi dự phòng THA tốt, tốt nhất là hành vi không hút thuốc (94,3%), tiếp theo là không uống rượu bia (89,1%). Yếu nhất là dùng dầu ăn (24,3%) và 1 tháng qua có được đo HA (53,9%).

Các yếu tố liên quan đến hành vi phòng chống THA

Bảng 3. Mối liên quan giữa đặc điểm cá nhân tới hành vi phòng chống THA

HAChỉ số

Biến số

Hành vi tốt

Hành vi chưa tốt

OR

(CI95%)

p

n

%

n

%

Nhóm tuổi

≥60

384

57,3

259

42,7

OR=1,773

(1.439-2,184)

<0,05

<60

385

43,1

508

56,6

Giới

Nữ

534

54,4

447

45,6

OR= 1,921

(1,546-2.387)

<0,05

Nam

199

38,3

320

61,7

Nghề nghiệp

Làm ruộng

444

46,3

515

53,7

OR=0,752

(0,609-0,929)

<0,05

Khác

289

53,4

252

46,6

Học vấn

≥THPT

330

55,7

262

44,3

OR=1,578

(1,281-1,944)

<0,05

≤THCS

403

44,4

505

55,6

Kinh tế gia đình

Nghèo,

Cận nghèo

49

45,6

59

54,6

OR=0,861

(0,581-1,284)

>0,05

Đủ ăn

683

49,1

708

50,9

Kết quả Bảng 3 cho thấy: Các yếu tố như nhóm tuổi, giới, nghề nghiệp và trình độ học vấn liên quan chặt chẽ đến hành vi dự phòng THA (p<0,05).

Bảng 4. Mối liên quan kiến thức, thái độ với hành vi phòng chống THA

HA

Chỉ số

Biến số

Hành vi tốt

Hành vi chưa tốt

OR

(CI95%)

p

n

%

n

%

Kiến thức

Tốt

295

70,2

125

29,8

OR=3,459

(2,716-4,406)

<0,05

Chưa tốt

438

10,6

642

59,4

Thái độ

Tốt

642

51,2

610

28,8

OR= 2,219

(1,927-2,602)

<0,05

Chưa tốt

91

36,7

157

53,3

Kết quả Bảng 4 cho thấy:

- Về kiến thức dự phòng THA: Có mối liên quan giữa kiến thức với thực hành. Người có kiến thức tốt thì thực hành dự phòng THA tốt cao hơn hơn người có kiến thức không tốt OR=3,459 (2.716-4.406), p<0,05.

- Về thái độ dự phòng THA: Có mối liên quan giữa thái độ với thực hành (p<0.05).

Bảng 5. Mối liên quan giữa nguồn truyền thông với hành vi phòng chống THA

HA

Chỉ số

Biến số

Hành vi tốt

Hành vi chưa tốt

OR

(CI95%)

p

n

%

n

%

Nguồn TT

CBYT

195

70,4

82

29,6

OR=3,025

(2,285-4,013)

<0,05

Nguồn TT khác

538

44,0

685

56,0

Kết quả Bảng 5 cho thấy: Những người được cán bộ y tế truyền thông thì thực hành dự phòng THA tốt cao hơn so với những người tiếp cận các nguồn truyền thông khác OR=3,025 (2.285-4.013), p< 0,05.

BÀN LUẬN

Thực trạng kiến thức thái độ thực hành phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng nguy cơ tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2021

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mới có 28.0% đối tượng nghiên cứu có kiến thức tốt về phòng chống THA, tốt nhất là biết những biện pháp giúp phát hiện THA (74,1%), tiếp đến là biết yếu tố làm cho dễ bị THA (66,1%), yếu nhất là biết các biến chứng hay gặp của THA (3,9%), biết biểu hiện THA (7,1%). So với kết quả nghiên cứu của Chu Hồng Thắng ở Thái Nguyên 2015 cho thấy kiến thức của người Nùng trưởng thành về phòng chống THA còn thấp (21,1%)7 thấp hơn kiến thức người dân Tuyên Quang trong nghiên cứu của chúng tôi (28%). Kết quả nghiên cứu cho thấy các đối tượng tham gia nghiên cứu có thái độ tốt dự phòng THA khá cao chiếm tỷ lệ 83.5%, trong đó tốt nhất là thái độ về đột quỵ (83.9%), về kiểm tra HA (82,9%)... Yếu nhất lại là thái độ về quan tâm thường xuyên đến THA của cá nhân (55,4%). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn kết quả thái độ chung của người Nùng về phòng chống tăng huyết áp của Chu Hồng Thắng: Tỷ lệ người Nùng có thái độ tốt còn thấp (47,0%)7. Kết quả của chúng tôi cao hơn vì đối tượng của chúng tôi có nhiều dân tộc trong đó có nhiều người kinh và là nghiên cứu sau 6 năm (2021), khi đời sống kinh tế văn hoá xã hội của nhân dân đã thay đổi tốt lên nhiều so với 2015.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mới có 48.9% đối tượng có hành vi dự phòng THA tốt, tốt nhất là hành vi không hút thuốc (94,3%), tiếp theo là không uống rượu bia (89,1%). Yếu nhất là hành vi dùng dầu ăn (24,3%), 1 tháng qua có được đo HA (53,9%). Còn theo Nguyễn Duy Phong có tới 13% bệnh nhân THA cho rằng hút thuốc lá không ảnh hưởng tới tim mạch và 22% bệnh nhân không biết rằng hút thuốc là ảnh hưởng tới tim mạch. Tỷ lệ bệnh nhân cho rằng ăn mặn không ảnh hưởng tới huyết áp chiếm 11,5% và có 29,5% bệnh nhân không biết rằng ăn mặn liên quan đến huyết áp. Có 28% bệnh nhân cho rằng uống rượu bia không ảnh hưởng hoặc không biết uống rượu bia ảnh hưởng đến huyết áp. Bên cạnh đó, kiến thức về điều trị THA của bệnh nhân còn hạn chế: Chỉ có 36% bệnh nhân cho rằng tăng huyết áp cần điều trị thường xuyên, còn 38,5% bệnh nhân cho rằng tăng huyết áp không cần điều trị thường xuyên và 25,5% bệnh nhân không biết về vấn đề này8. Như vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi đều cao hơn các kết quả các nghiên cứu các tác giả trên.

Một số yếu tố liên quan thực hành phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng nguy cơ tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang hiện nay

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên thực hành dự phòng THA tốt cao hơn nhóm tuổi dưới 60 tuổi với OR=1.773 (1.439-2.184), p<0.05.

Giới nữ có thực hành dự phòng THA tốt cao hơn so với nam giới rõ rệt với OR=1.921 (1.546-2.387), p<0.05.

Các đối tượng tham gia nghiên cứu làm ruộng thực hành dự phòng THA tốt thấp hơn so với các đối tượng khác với OR=0.752 (0.609-0.929), p<0.05.

Những người có học vấn từ THPT trở lên dự phòng THA tốt cao hơn so với những người có trình độ học vấn từ THCS, và tiểu học với OR=1.578 (1.281-1.944), p<0.05.

Về kiến thức dự phòng THA: Có mối liên quan giữa kiến thức với thực hành, người có kiến thức tốt thì hành vi dự phòng THA tốt cao hơn người có kiến thức không tốt OR=3.459 (2.716-4.406), p<0,05.

Về thái độ dự phòng THA: Có mối liên quan giữa thái độ với thực hành (p<0.05). Người có thái độ tốt thì hành vi dự phòng THA tốt cao hơn người có thái độ không tốt OR= 2.219 (1.927-2.602), p<0,05.

Những người được cán bộ y tế truyền thông thì thực hành dự phòng THA tốt cao hơn so với những người tiếp cận các nguồn truyền thông khác OR=3.025 (2.285-4.013), p< 0.05.

Năm 2002, Phạm Gia Khải và cộng sự điều tra 5012 người từ tuổi 25 trở lên ở 4 tỉnh miền Bắc (Nghệ An, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội) có 23% số người biết đúng YTNC của THA. Trong 818 người THA chỉ có 94 người dùng thuốc và tỷ lệ khống chế là 19,1%3. Theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh, thành phố cho thấy: Tỷ lệ THA của những người dân từ 25 tuổi trở lên là 25,1%, nghĩa là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị THA; Trong đó có 52% không biết mình bị THA, 30% số người biết bị THA nhưng không điều trị; 64% số người biết bị THA đã được điều trị nhưng không đạt huyết áp mục tiêu3. Kết quả của chúng tôi tốt hơn vì nghiên cứu của chúng tôi thực hiện năm 2021 còn của các tác giả trên đã tiến hành từ năm 2002.

KẾT LUẬN

1. Thực trạng hành vi phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng nguy cơ tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2021 như sau: 48.9% đối tượng có hành vi dự phòng tăng huyết áp tốt, tốt nhất là hành vi không hút thuốc (94,3%), tiếp theo là không uống rượu bia (89,1%). Yếu nhất là hành vi dùng dầu ăn (24,3%), 1 tháng qua có được đo huyết áp (53,9%).

2. Một số yếu tố liên quan thực hành phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang hiện nay đó là: Giới, nhóm tuổi ≥ 60, người có đo huyết áp trong 1 tháng và kiến thức thái độ phòng chống tăng huyết áp.

KHUYẾN NGHỊ

Cán bộ y tế cơ sở cần tăng cường hoạt động truyền thông trong các hoạt động phòng chống tăng huyết áp cho các đối tượng nguy cơ ở cộng đồng.