Mục lục
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Hội chứng ống cổ tay tuy không gây tử vong nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhất là tay thuận của bệnh nhân. Mục tiêu: Nhận xét kết quả can thiệp bằng Phương pháp Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng trên bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay sau 1 tháng điều trị tại Khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện Trường đại học Y – Dược Thái Nguyên năm 2021. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả can thiệp so sánh trước và sau điều trị. Kết quả: Tỉ lệ mắc hay gặp ở nhóm tuổi 50-54 chiếm 32%, nữ chiếm tỷ lệ 76%. Trước điều trị, tình trạng đau vừa chiếm 70%. Sau điều trị 1 tháng tỉ lệ không đau và đau nhẹ chiếm đến 90%. Tầm vận động khớp cổ tay gia tăng hơn sau điều trị. Kết luận: Chương trình vật lý trị liệu bao gồm nhiều phương thức trị liệu cụ thể là siêu âm, parafin, tập vận động đem lại hiệu quả cho người bệnh bị hội chứng ống cổ tay ở mức độ nhẹ, trung bình
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay hoặc hội chứng chèn ép thần kinh giữa. Hội chứng ống cổ tay gây ra những rối loạn gây đau, tê ở cổ tay và bàn tay, nếu để muộn sẽ gây teo cơ mô bàn tay, người bệnh cầm nắm đồ vật trong lòng bàn tay bị yếu, không chắc chắn, dễ bị rơi đồ, nếu tình trạng chèn ép kéo dài sẽ làm tổn thương thần kinh không hồi phục. Do đó, hội chứng ống cổ tay tuy không gây tử vong nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhất là khi bệnh nhân bị mắc hội chứng ống cổ tay tại bên tay thuận. Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên hiện nay tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân đến điều trị tại khoa về căn bệnh này, song vẫn chưa có một nghiên cứu liên quan được tiến hành nên chúng tôi tiến hành đề tài này nhằm mục tiêu: Nhận xét kết quả can thiệp bằng Phương pháp Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng trên bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay sau 1 tháng điều trị tại Khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên năm 2021.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu
50 bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay được khám, đánh giá và phục hồi chức năng tại Khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Thái Nguyên từ tháng 01/2021 đến 10/2021.
Tiêu chuẩn lựa chọn: Bệnh nhân có những triệu chứng đau, tê nhiều ở bàn tay, có thể có teo cơ mô bàn tay, kết quả đo điện cơ có hội chứng ống cổ tay ở các mức độ, tự nguyện tham gia nghiên cứu.
Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân đang mang thai, suy tim, xơ gan, tiểu đường.
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả can thiệp so sánh trước và sau điều trị.
Cỡ mẫu: Toàn bộ
Kỹ thuật chọn mẫu: Chọn chủ đích 50 bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay được khám, đánh giá và phục hồi chức năng tại Khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 01/2021 đến 10/2021.
Phương pháp can thiệp
Bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay được khám và sàng lọc đủ tiêu chuẩn nghiên cứu. Bệnh nhân được điều trị các phương pháp:
- Parafin đắp vùng cổ tay trong 20 phút.
- Siêu âm liều 0,5 – 0,8W/Cm² tại khớp cổ tay 10 phút.
- Vận động trị liệu theo tầm vận động của khớp cổ tay, bàn ngón tay. Bài tập di động khớp cổ tay ngày 1 lần.
- Đánh giá lúc vào và sau khi điều trị 1 tháng.
Các chỉ số nghiên cứu
Tên, tuổi, giới, nghề nghiệp, vị trí tổn thương.
Các triệu chứng chủ quan thường gặp: Teo cơ, hạn chế vận động, rối loạn cảm giác, đau.
Nghiệm pháp Tinel.
Mức độ tê bì, mất cảm giác.
Mức độ khó khăn trong sinh hoạt.
Mức độ đau của bệnh nhân: Mức độ đau được đánh giá theo thang nhìn VAS từ 1 đến 10 bằng thước đo độ của hãng Astra- Zeneca. Đánh giá chia làm các mức độ: Không đau, đau nhẹ, đau vừa, đau nặng.
Cách cho điểm: Coi a là điểm mức độ đau được đánh dấu:
- Không đau (4 điểm): với 0 ≤ a < 10.
- Đau nhẹ (3 điểm): với 10 ≤ a < 40.
- Đau vừa (2 điểm): với 40 ≤ a < 80
- Đau nặng (1 điểm): với 80 ≤ a ≤ 100
Tầm vận động khớp cổ tay: Đánh giá 4 tầm: Gập, duỗi, nghiêng trụ, nghiêng quay.
- Gấp: Giá trị bình thường là > 70º. Cách đánh giá: Tốt ≥ 70º, Khá ≥ 60º, Trung bình ≥ 40º, Kém < 40º.
- Duỗi: Giá trị bình thường là 35º. Cách đánh giá: Tốt ≥ 25º, Khá ≥ 20º, Trung bình ≥ 15º, Kém < 15º.
- Nghiêng trụ: Giá trị bình thường là > 45º. Cách đánh giá: Tốt ≥ 30º, Khá ≥ 20º, Trung bình ≥ 10º, Kém < 10º.
- Nghiêng quay: Giá trị bình thường là > 45º. Cách đánh giá: Tốt ≥ 30º, Khá ≥ 20º. Trung bình ≥ 10º, Kém < 10º.
Xử lý số liệu: Số liệu được xử lý và phân tích theo chương trình SPSS 16.0.
Đạo đức trong nghiên cứu
Các bệnh nhân đồng ý tham gia nghiên cứu một cách tự nguyện bằng giấy cam đoan tự nguyện tham gia vào nghiên cứu của đề tài. Tất cả bệnh nhân không tham gia nghiên cứu đều không bị phân biệt đối xử trong quá trình khám bệnh và điều trị. Mọi thông tin liên quan đến bệnh nhân đều được giữ bí mật. Các số liệu được thu thập trung thực, các kết quả được xử lý và phân tích đúng theo phương pháp khoa học.
Nghiên cứu đã được thông qua Hội đồng Y-Đức Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Một số đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Bảng 1. Đặc điểm về tuổi của đối tượng nghiên cứu
Nhóm tuổi | n | % |
20-30 | 3 | 6 |
31-40 | 12 | 24 |
41-50 | 28 | 56 |
51-60 | 7 | 14 |
>60 | 2 | 4 |
Tổng cộng | 50 | 100 |
Kết quả Bảng 1 cho thấy: 50 bệnh nhân mắc bệnh lý hội chứng ống cổ tay thì tỉ lệ mắc hay gặp ở nhóm tuổi 41-50 chiếm 56%
Bảng 2. Đặc điểm về giới của đối tượng nghiên cứu
Giới | n | % |
Nữ | 38 | 76 |
Nam | 12 | 24 |
Tổng | 50 | 100 |
Kết quả Bảng 2 cho thấy: Trong 50 bệnh nhân nghiên cứu, có 38 bệnh nhân nữ chiếm tỷ lệ 76% cao hơn so với số bệnh nhân nam là 12 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 24%.
Bảng 3. Phân bố bệnh nhân theo nghề nghiệp
n | % | |
Sử dụng cổ tay nhiều | 39 | 78 |
Sử dụng cổ tay ít | 11 | 22 |
Kết quả Bảng 3 cho thấy: Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm sử dụng cổ tay nhiều chiếm 78%.
Bảng 4. Vị trí tổn thương
Vị trí tổn thương | n | % |
Tay phải | 28 | 56 |
Tay trái | 11 | 22 |
Hai tay | 11 | 22 |
Tổng cộng | 50 | 100 |
Kết quả Bảng 4 cho thấy: Tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay hay gặp ở tay phải là 56%; Tay trái là 22% và cả 2 tay là 22%.
Bảng 5. Teo cơ mô cái
Teo cơ mô cái | n | % |
Có | 22 | 44 |
Không | 28 | 56 |
Tổng cộng | 50 | 100 |
Kết quả Bảng 5 cho thấy: Phần lớn bệnh nhân đến điều trị chưa có biểu hiện teo cơ mô cái chiếm 56% và 44% có teo cơ.
Bảng 6. Dấu hiệu Tinel
Dấu hiệu Tinel | n | % |
Có | 32 | 64 |
Không | 18 | 36 |
Tổng cộng | 50 | 100 |
Kết quả Bảng 6 cho thấy: Dấu hiệu Tinel dương tính chiếm 64% và 36% là không dương tính.
Bảng 7. Mức độ tê, mất cảm giác
Mức độ | n | % |
Nhẹ | 15 | 30 |
Vừa | 29 | 58 |
Nặng | 6 | 12 |
Tổng cộng | 50 | 100 |
Kết quả Bảng 7 cho thấy: 58% bệnh nhân có mức độ tê và mất cảm giác mức độ vừa, còn mức độ nhẹ là 30%, mức độ nặng chỉ 12%.
Bảng 8. Mức độ khó khăn sinh hoạt
Mức độ | n | % |
Nhẹ | 13 | 26 |
Vừa | 31 | 62 |
Nặng | 6 | 12 |
Tổng cộng | 50 | 100 |
Kết quả Bảng 8 cho thấy: Mức độ gặp khó khăn trong sinh hoạt cầm nắm, viết… đa số ở mức độ vừa (62%), số mức độ nặng là 12%, còn mức độ nhẹ chỉ 26%.
Bảng 9. Kết quả điện cơ
Mức độ | n | % |
Nhẹ | 16 | 32 |
Vừa | 33 | 66 |
Nặng | 1 | 2 |
Tổng cộng | 50 | 100 |
Kết quả Bảng 9 cho thấy: Kết quả điện cơ mức độ vừa chiếm tỷ lệ cao nhất (66%), kế đến là mức độ nhẹ (32%) và mức độ nặng (2%).
Cải thiện về mức độ đau
Bảng 10. Cải thiện về mức độ đau
Mức độ | Trước điều trị | Sau điều trị | p | ||
n | % | n | % | ||
Không đau | 1 | 2 | 25 | 50 | < 0,05 |
Đau nhẹ | 9 | 18 | 20 | 40 | < 0,05 |
Đau vưà | 35 | 70 | 4 | 8 | < 0,05 |
Đau nặng | 5 | 10 | 1 | 2 | < 0,05 |
Tổng | 50 | 100 | 50 | 100 |
Kết quả Bảng 10 cho thấy: Mức độ đau sau điều trị giảm rất rõ rệt sau điều trị 1 tháng, tỷ lệ không đau 50%, đau nhẹ 40% và đau vừa và nặng 10%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
Cải thiện tầm vận động khớp cổ tay
Bảng 11. Tầm vận động khớp cổ tay trước và sau 1 tháng điều trị
Động tác | Mức độ | Trước điều trị | Sau điều trị | p | ||
n | % | n | % | |||
Gập | Tôt | 1 | 2 | 26 | 52 | < 0,05 |
Khá | 2 | 4 | 20 | 40 | < 0,05 | |
Trung bình | 23 | 46 | 4 | 8 | < 0,05 | |
Kém | 24 | 48 | 0 | 0 | < 0,05 | |
Tổng | 50 | 100 | 50 | 100 | ||
Duỗi | Tôt | 0 | 0 | 27 | 54 | < 0,05 |
Khá | 3 | 6 | 19 | 38 | < 0,05 | |
Trung bình | 25 | 50 | 3 | 6 | < 0,05 | |
Kém | 22 | 44 | 1 | 2 | < 0,05 | |
Tổng | 50 | 100 | 50 | 100 | ||
Nghiêng trái | Tôt | 2 | 4 | 23 | 46 | < 0,05 |
Khá | 4 | 8 | 21 | 42 | < 0,05 | |
Trung bình | 25 | 50 | 5 | 10 | < 0,05 | |
Kém | 19 | 38 | 1 | 2 | < 0,05 | |
Tổng | 50 | 100 | 50 | 100 | ||
Nghiêng phải | Tôt | 1 | 2 | 29 | 58 | < 0,05 |
Khá | 5 | 10 | 17 | 34 | < 0,05 | |
Trung bình | 27 | 54 | 4 | 8 | < 0,05 | |
Kém | 17 | 34 | 0 | 0 | < 0,05 | |
Tổng | 50 | 100 | 50 | 100 |
Kết quả Bảng 11 cho thấy: Sau điều trị các tầm vận động của khớp cổ tay so với trước điều trị có sự cải thiện rõ. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
BÀN LUẬN
Đặc điểm chung
Giới: Trong 50 bệnh nhân nghiên cứu, có 38 bệnh nhân nữ chiếm tỷ lệ 76% cao hơn so với số bệnh nhân nam là 12 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 24%. Kết quả này phù hợp với kết quả của nhiều nghiên cứu khác. Hầu hết các nghiên cứu khác cũng đều cho rằng hội chứng ống cổ tay gặp ở nữ nhiều hơn ở nam. Kết quả nghiên cứu của Phan Hồng Minh năm 2011 cho thấy tỷ số Nữ / Nam là 9,8/12. Đa số các tác giả giải thích việc nữ giới bị hội chứng ống cổ tay nhiều hơn nam giới là do tính chất công việc của nữ phải sử dụng cổ tay nhiều hơn.
Tuổi: 50 bệnh nhân mắc bệnh lý hội chứng ống cổ tay thì tỉ lệ mắc hay gặp ở nhóm tuổi 41-50 chiếm 56%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả của nhiều tác giả khác. Nghiên cứu dịch tễ học về hội chứng ống cổ tay tại Minnesota Mỹ năm 1961 đến 1980 cho thấy lứa tuổi hay bị hội chứng này ở nữ giới là từ 45 đến 544. Lai WC (2018): Bệnh ảnh hưởng 1 - 3% dân số mỗi năm và chủ yếu gặp ở người 40 – 50 tuổi3.
Nghề nghiệp: Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm sử dụng cổ tay nhiều chiếm 78%.
Trong đó cao nhất là những người làm ruộng, nội trợ, giáo viên, công nhân, thợ may. Các tác giả đều nhất trí rằng nghề nghiệp là một yếu tố nguy cơ đối với hội chứng ống cổ tay, nhất là những công việc phải cầm giữ các máy có độ rung mạnh, phải gấp và ngửa cổ tay thường xuyên và kéo dài. Ở những tư thế này áp lực trong ống cổ tay sẽ tăng lên tác động tới dây thần kinh giữa, nếu kéo dài có thể làm cho dây thần kinh bị tổn thương dẫn đến những rối loạn về cấu trúc và chức năng của các sợi thần kinh vi biểu hiện bên ngoài là hội chứng ống cổ tay.
Vị trí tổn thương: Tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay hay gặp ở tay phải là 56%; Tay trái là 22% và cả 2 tay là 22%. Bệnh nhân thuận tay phải chiếm tỉ lệ lớn trong 50 bệnh nhân. Những người bị hội chứng ống cổ tay là những người thường xuyên lao động sử dụng bên tay thuận. Vì vậy mà tỉ lệ mắc bên tay phải thường cao hơn bên trái. 22% bệnh nhân bị cả hai tay, trong nghiên cứu của chúng tôi đó là những đối tượng lao động nặng như làm nông dân, công nhân bốc vác, hoặc nhân viên văn phòng sử dụng máy tính nhiều.
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp trên bệnh nhân: Theo kết quả Bảng 6,7,8 thì phần lớn bệnh nhân đến điều trị chưa có biểu hiện teo cơ ô mô cái chiếm 56% và 44% có teo cơ. Dấu hiệu Tinel dương tính chiếm 64% và 36% là không dương tính. 58% bệnh nhân có mức độ tê và mất cảm giác mức độ vừa, còn mức độ nhẹ là 30%, mức độ nặng chỉ 12%. 100% bệnh nhân khởi đầu có cảm giác tê đau vào ban đêm, sau đó tê đau cả vào ban ngay. Số lần tê đau ngày càng nhiều và sau đó tê đau cả ngày lẩn đêm, vận động cầm nắm ngày một khó khăn hơn. Kết quả nghiên cứu này cũng phù hợp với kết quả của nhiều nghiên cứu khác trên thế giới. Công trình của Nora nghiên cứu về biểu hiện lâm sàng trong hội chứng ống cổ tay ở 1039 bệnh nhân cho thấy có tới 92,5 có rối loạn cảm giác và thường tăng về đêm3. Đa số các tác giả đều cho rằng những rối loạn cảm giác và tính chất tăng về đêm hoặc khi đi xe, tỳ đè là những biểu hiện sớm, hay gặp và có vai trò quan trọng trong chẩn đoán hội chứng ống cổ tay.
Mức độ khó khăn trong sinh hoạt của bàn tay bị bệnh: Mức độ gặp khó khăn trong sinh hoạt cầm nắm, viết… đa số ở mức độ vừa (62%), số mức độ nặng là 12%, còn mức độ nhẹ chỉ 26%. Mức độ diễn biến khó khăn trong sinh hoạt của bàn tay theo thời gian mắc bệnh, bệnh tê đau càng lâu thì việc cầm nắm đồ vật càng dễ bị rớt, bàn tay mất cảm giác dần.
Điện cơ: Trong 50 bệnh nhân đều được đo điện cơ trước mổ, 100% kết quả điện cơ bệnh nhân có mức độ vừa chiếm tỷ lệ cao nhất (64%), kế đến là mức độ nhẹ (32%) và mức độ nặng (4%). Số bệnh nhân có kết quả điện cơ nặng và vừa thường có thời gian mắc bệnh lâu, có thể có teo cơ mô cái và hạn chế vận động cầm nắm của bàn tay.
Cải thiện về mức độ đau sau điều trị
Trước điều trị, phần lớn bệnh nhân đến điều trị với tình trạng đau vừa chiếm 70%, có 1 bệnh nhân không đau, đây là bệnh nhân mặc dù không đau nhưng những triệu chứng khác như teo cơ, tê bì nhiều, thời gian mắc bệnh kéo dài nên bệnh nhân vẫn tham gia điều trị phục hồi chức năng. Sau điều trị 1 tháng bằng các Phương pháp Vật lý trị liệu thì các bệnh nhân có sự cải thiện rõ rệt. Tỉ lệ không đau và đau nhẹ chiếm đến 90%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có một bệnh nhân không có sự cải thiện sau 1 tháng điều trị. Đó là bệnh nhân lúc vào ở mức độ nặng. Chỉ định điều trị phẫu thuật là phù hợp. Tuy nhiên trên bệnh nhân này do điều kiện kinh tế nên bệnh nhân xin điều trị bảo tồn bằng phương pháp vật lý. Tuy nhiên kết quả điều trị cho thấy có sự cải thiện rất ít. Theo nghiên cứu của nhiều tác giả khác cũng khuyến cáo nên sử dụng phương pháp phẫu thuật mổ mở hoặc nội soi. Việc chẩn đoán sớm bệnh ngay ở giai đoạn 1 và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tốt đến kết quả điều trị cũng như thời gian hồi phục của thần kinh giữa5.
Cải thiện tầm vận động khớp cổ tay
Sau điều trị 1 tháng bệnh nhân có sự cải thiện các tầm vận động của khớp cổ tay rõ. Tầm gập khớp cổ tay ở mức độ gập tốt và khá chiếm 92%. Tầm duỗi ở mức độ tốt chiếm 54%. Tầm nghiêng trái mức tốt và khá chiếm 88%. Tầm nghiêng phải mức tốt và khá chiếm 92%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
Hội chứng ống cổ tay gây ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng cầm nắm và khả năng vận động của bàn tay. Điều trị bằng các phương pháp vật lý siêu âm có tác dụng vi xoa bóp nội tế bào đồng thời có tác dụng nhiệt và chống viêm. Bên cạnh đó các bài tập phục hồi chức năng bàn tay cũng tác động nhiều làm gia tăng khả năng vận động của bàn tay.
KẾT LUẬN
Có sự cải thiện về mức độ đau và tầm vận động của bàn tay sau can thiệp 1 tháng bằng các Phương pháp Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng trên những bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay. Điều này cho thấy chương trình vật lý trị liệu bao gồm nhiều phương thức trị liệu cụ thể là siêu âm, parafin, tập vận động đem lại hiệu quả cho người bệnh bị hội chứng ống cổ tay ở mức độ nhẹ, trung bình. Và chương trình vật lý trị liệu có thể là một lựa chọn điều trị mới và an toàn cho việc điều trị.
Tài liệu tham khảo
1. Norra DB, Becker J,& Ehlers JA. Clinical features of 1039 patients with neurophysiological diagnosis carpal tunnel syndrome. Clinical Neurology and Neurosurgery 107, 1011-1018 (2004)
2. Phan Hồng Minh. Đặc điểm lâm sàng và điện sinh lý của hội chứng ống cổ tay. Tạp chí Y học Lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) Số chuyên đề nghiên cứu khoa học lâm sàng lần thứ 28: 127 – 131. 64-69. (2011)
3. Lai WC. Chronic lateral epicondylitis: challenges and solutions. OAJSM. S160974, Volume 9:243-251 (2018)
4. Stevens JC, Sun S & Beard CM. Carpal tunnel syndrome in Rochester, Minnesota, 1961 to 1980. Neurology 38. 134 -138. (1988)
5. Đỗ Phước Hùng. Phẫu thuật thần kinh. Hội chứng ống cổ tay. Nhà xuất bản y học. 40, 561-578 (2013)

công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-phi thương mại-NoDerivatives 4.0 License International . p>
Bản quyền (c) 2024 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược