KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ, THỰC HÀNH VỀ PHÒNG CHỐNG HÚT THUỐC LÁ THỤ ĐỘNG CỦA CHA MẸ CÓ TRẺ BỊ MẮC NHIỄM KHUẨN HÔ HẤP CẤP TÍNH TẠI TRUNG TÂM NHI KHOA, BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN NĂM 2021
Nghiên cứu | Tập 2 Số 2 (2023)
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược, Tập 2 Số 2 (2023)
Nghiên cứu

KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ, THỰC HÀNH VỀ PHÒNG CHỐNG HÚT THUỐC LÁ THỤ ĐỘNG CỦA CHA MẸ CÓ TRẺ BỊ MẮC NHIỄM KHUẨN HÔ HẤP CẤP TÍNH TẠI TRUNG TÂM NHI KHOA, BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN NĂM 2021

Tải xuống

Dữ liệu tải xuống chưa có sẵn.

Toàn văn

HTML | 1 | 64
PDF | 13 | 64
1.
Nguyễn , T. T. N., Nguyễn, H. Y. & Trần, L. T. KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ, THỰC HÀNH VỀ PHÒNG CHỐNG HÚT THUỐC LÁ THỤ ĐỘNG CỦA CHA MẸ CÓ TRẺ BỊ MẮC NHIỄM KHUẨN HÔ HẤP CẤP TÍNH TẠI TRUNG TÂM NHI KHOA, BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN NĂM 2021. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược 2, 19–28 (2023).
HTML | 1 | 64
PDF | 13 | 64
DOI: 10.19982/jstmp.2023.2.2
10.19982/jstmp.2023.2.2
Nguyễn Thị Tú Ngọc
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên
Nguyễn Hải Yến
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên
Trần Lệ Thu
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Khói thuốc lá được coi là một yếu tố gây ra các bệnh tật và tử vong, đặc biệt ở sơ sinh và trẻ nhỏ. Mục tiêu: Mô tả kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống hút thuốc lá thụ động của cha mẹ trẻmắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện trên 195 cha mẹ trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 06 năm 2021 đến tháng 9 năm 2021. Kết quả: Tỷ lệ trẻ có tiếp xúc với khói thuốc lá trong vòng 30 ngày qua là 51,3%. Có 95,9% đối tượng nghiên cứu cho rằng hút thuốc lá thụ động (HTLTĐ) có thể gây ra các bệnh nguy hiểm ở trẻ. 86,2% cho rằng HTLTĐ nguy hại với cơ thể như hút thuốc lá trực tiếp. 6,2% không biết các bệnh lý có thể gây ra do trẻ HTLTĐ. 36,9% cha mẹ có hành vi mua thuốc lá giúp người thân trong gia đình. Tỷ lệ cha mẹ không có hành động gì để ngăn chặn hành vi hút thuốc lá tại nhà là 11,3% và tại cộng đồng là 17,4%. Kết luận: Nghiên cứu cho thấy phần lớn cha mẹ trẻ có kiến thức đúng và thái độ đúng về mức độ nguy hiểm và tác hại của hút thuốc lá thụ động ở trẻ. Tuy nhiên thực hành về phòng chống hút thuốc lá chưa thực sự tốt.

Từ khóa:  Hút thuốc lá thụ động; Kiến thức; Thái độ; Thực hành; Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính

ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2018) trên toàn thế giới có khoảng 1,091 tỷ người hút thuốc lá, trong số đó có 43 triệu trẻ em từ 13-15 tuổi và 244 triệu phụ nữ. Cũng theo báo cáo này, mỗi năm có hơn 8 triệu ca tử vong do thuốc lá, hơn 7 triệu trường hợp do hút thuốc lá trực tiếp trong khi 1,2 triệu trường hợp tử vong do hút thuốc lá thụ động [1].

Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, theo ước tính của cuộc điều tra ở người trưởng thành (từ 15 tuổi trở lên) năm 2015 (GATS 2015), tỷ lệ nam hút thuốc lá 45,3% và nữ là 1,1% [2]. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá (còn gọi là hút thuốc thụ động) cũng đã được khoa học chứng minh là gây ra các bệnh chết người. Đặc biệt, thai phụ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tiếp xúc với khói thuốc lá. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Bá Phúc nguyên tại bệnh viện trung ương Huế cho thấy số trẻ mắc hen phế quản và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có hút thuốc lá thụ động là 85,3%[4]. Khói thuốc lá được chứng minh là gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe trẻ em. Trẻ nhỏ sống phụ thuộc vào gia đình nên sự hiểu biết cũng như thái độ của cha mẹ sẽ quyết định tỷ lệ hút thuốc lá thụ động cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ. Nghiên cứu này nhằm mục tiêu: Mô tả kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống hút thuốc lá thụ động của cha mẹ trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên năm 2021. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần trong việc giáo dục phòng chống tác hại của hút thuốc lá thụ động ở trẻ em.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu: Cha mẹ có trẻ bị mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.

Tiêu chuẩn chọn:

Cha mẹ có trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính điều trị tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

Đồng ý tham gia vào nghiên cứu.

Có khả năng đọc và hiểu tiếng Việt.

Tiêu chuẩn loại trừ:

Cha mẹ trẻ đã từng tham gia nghiên cứu khác về tác hại thuốc lá hoặc được tập huấn về tác hại của thuốc lá.

Địa điểm và thời gian:

Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 6 năm 2021 đến tháng 9 năm 2021.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả với thiết kế cắt ngang

Cỡ mẫu và cách chọn mẫu:

Cỡ mẫu: Toàn bộ 195 cha mẹ trẻ có con dưới 5 tuổi điều trị nội trú tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong thời gian tiến hành nghiên cứu.

Phương pháp chọn mẫu: Chọn chủ đích đối tượng nghiên cứu đáp ứng đủ tiêu chuẩn lựa chọn.

Chỉ tiêu nghiên cứu:

Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu: Tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, khu vực sinh sống, tình trạng phơi nhiễm với khói thuốc của trẻ…

Kiến thức, thái độ, thực hành của cha mẹ trẻ về hút thuốc lá thụ động

Phương pháp thu thập số liệu: Đối tượng nghiên cứu được giải thích và phát bộ câu hỏi đã soạn sẵn dưới sự giám sát và hỗ trợ của nhóm nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu nhận lại bộ câu hỏi đã trả lời, kiểm tra và thu thập thêm thông tin (nếu cần thiết).

Xử lý số liệu: Sử dụng phần mềm SPSS 23.0 với các phương pháp thống kê mô tả.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đặc điểm chung về đối tượng nghiên cứu

Bảng 1. Thông tin chung của đối tượng nghiên cứu (n=195)

Đặc điểm

n

%

Giới

Nam

52

26,7

Nữ

143

73,3

Tuổi

29,16 ± 3,76 (Min: 21; Max: 41)

Nghề nghiệp

Làm ruộng

10

5,1

Công nhân

81

41,5

Buôn bán

42

21,5

Cán bộ viên chức

48

24,6

Thất nghiệp, nội trợ

14

7,2

Gia đình có người hút thuốc lá

Không có ai

77

39,5

Có 1 người

102

52,3

Có từ 2 người trở lên

16

8,2

Trong 195 đối tượng tham gia vào nghiên cứu, tỷ lệ nam là 26,7% và nữ là 73,3%. Độ tuổi trung bình là 29,16 ± 3,76, lớn nhất là 41 tuổi và nhỏ nhất là 21 tuổi.

Tỷ lệ gia đình có người hút thuốc là 60,5%.

Trong vòng 30 ngày qua có 51,3% trẻ có tiếp xúc với khói thuốc lá, 48,7% không tiếp xúc với khói thuốc lá.

Kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống hút thuốc lá thụ động của cha mẹ Kiến thức về hút thuốc lá thụ động.

86,2% đối tượng cho rằng HTLTĐ nguy hại với cơ thể như hút thuốc lá trực tiếp, 10,2% cho rằng ít nguy hại hơn và 3,6% không biết về mức độ nguy hại của HTLTĐ. 95,9% đối tượng nghiên cứu cho rằng hút thuốc lá thụ động có thể gây ra các bệnh nguy hiểm ở trẻ.

Bảng 2. Tỷ lệ hiểu biết về các bệnh lý có thể gặp ở trẻ hút thuốc lá thụ động (n=195).

Bệnh do HTLTĐ có thể gây ra ở trẻ

n

%

Nhẹ cân

4

2,1

Viêm tai

16

8,2

Bệnh tim

24

12,3

Dị ứng

41

21

Hen

157

80,5

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp

171

87,7

Đột tử sơ sinh

14

7,2

Không biết

12

6,2

Nhận xét: 87,7% cha mẹ cho rằng HTLTĐ có thể làm trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Hai nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh và gây nhẹ cân ở trẻ được biết đến với tỷ lệ khá thấp, lần lượt là 7,2% và 2,1%. Bên cạnh đó có 6,2% không biết các bệnh lý có thể gây ra do trẻ HTLTĐ.

Thái độ về hút thuốc lá thụ động

Bảng 3. Thái độ về hút thuốc lá thụ động (n=195)

Thái độ

n

%

Khi có người hút thuốc lá tại gia đình hoặc nơi công cộng

Rất khó chịu

99

50,7

Khó chịu

76

39

Không khó chịu

20

10,3

Nhận xét: 50,7% cha mẹ cảm thấy rất khó chịu khi có người hút thuốc lá, 39% thấy khó chịu. Có 71,3% cha mẹ cho rằng không đươc phép hút thuốc lá tại gia đình nơi có trẻ đang ở, 24,6% trả lời không được phép nhưng chấp nhận được.

Tại nơi công cộng, 87,7% nghĩ rằng không được phép hút thuốc lá, 7,2% cho rằng không được phép nhưng chấp nhận được. 5,1% trả lời không có luật quy định.

Thực hành về phòng chống hút thuốc lá thụ động.

Bảng 4. Hành động để chấm dứt hút thuốc lá tại gia đình (n=195)

Hành vi

n

%

Mua thuốc lá giúp người thân trong gia đình

72

36,9

Không

123

63,1

Nhắc nhở khi có người hút thuốc lá tại gia đình

Luôn luôn

39

20

Thường xuyên

90

46,2

Thỉnh thoảng

48

24,6

Hiếm khi

16

8,2

Không bao giờ

2

1,0

Hành động để chấm dứt việc hút thuốc lá tại gia đình

Tỏ thái đổ gay gắt và yêu cầu dừng hút

63

32,3

Huy động sự ủng hộ của những người xung quanh

25

12,8

Yêu cầu người hút vào phòng riêng hoặc ra khu vực riêng

149

76,4

Không làm gì cả

22

11,3

Đưa trẻ cách xa nơi có người hút thuốc lá

187

95,8

Không

8

4,1

Nhận xét: Trong nghiên cứu, có 36,9% cha mẹ có hành vi mua thuốc lá giúp người thân trong gia đình. Khi có người hút thuốc tại gia đình 46,2% thường xuyên nhắc nhớ, nhưng tỷ lệ này ở cộng đồng chỉ đạt 20,5% . Khi được hỏi về các hành động khác để chấm dứt hút thuốc lá tại nhà, 76,4% yêu cầu người hút vào phòng riêng; 32,3% tỏ thái độ gay gắt và yêu cầu dừng hút; 12,8% huy động sự giúp đỡ của người xung quanh; 11,3% không làm gì cả.

BÀN LUẬN

Tỷ lệ trẻ có tiếp xúc với khói thuốc lá trong vòng 30 ngày qua là 51,3%. Theo quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế, 2018), tại Việt Nam có 53,5% người không hút thuốc (tương đương 28,5 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình. Kết quả trong nghiên cứu này thấp hơn nghiên cứu của tác giả Nguyễn Bá Phúc Nguyên tại bệnh viện trung ương Huế cho thấy số trẻ mắc hen phế quản và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính có hút thuốc lá thụ động là 85,3%[4]. Các nghiên cứu khác ở Hoa Kỳ cho thấy tỉ lệ trẻ em phơi nhiễm với khói thuốc lá dao động từ 35 – 80%, phụ thuộc vào phương pháp đo lường và quần thể nghiên cứu [3]. Hút thuốc lá dù là chủ động hay thụ động đều gây ra các tổn thất về sức khỏe và kinh tế. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế năm 2011 cũng cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá [7].

Đánh giá sự hiểu biết về khái niệm của hút thuốc lá thụ động và tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với sức khỏe của trẻ, kết quả cho thấy có 95,9% cha mẹ trả lời đúng khái niệm về hút thuốc lá thụ động, 86,2% cho rằng HTLTĐ nguy hại với cơ thể như hút thuốc lá trực tiếp, 95,9% đối tượng nghiên cứu cho rằng hút thuốc lá thụ động có thể gây ra các bệnh nguy hiểm ở trẻ. Từ nhận thức đúng đắn này sẽ góp phần tạo điều kiện cho việc thực thi các chương trình can thiệp truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá thụ động đạt hiệu quả tốt. Hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có bố mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khoẻ. Hút thuốc thụ động ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác. Người mẹ hít phải khói thuốc lá nhiều trong thời gian mang thai dễ bị sảy thai, tăng nguy cơ thai chết lưu, con sinh ra thường thiếu cân, kém thông minh[8]. Đánh giá hiểu biết về quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng, tỷ lệ cha mẹ biết về các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và trong khuôn viên khá cao với 91,8% biết cấm hút ở cơ sở y tế; 84,6% cấm hút ở cơ sở giáo dục… Thái Nguyên là 1 trong các tỉnh được Chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) triển khai dự án “Xây dựng mô hình môi trường không khói thuốc” từ năm 2010, đây cũng là yếu tố tích cực, góp phần tăng hiểu biết về các chính sách, văn bản trong phòng chống tác hại thuốc lá tại tỉnh.

Đánh giá thái độ về hút thuốc lá, 50,7% cha mẹ cảm thấy rất khó chịu khi có người hút thuốc lá, 39% thấy khó chịu, qua đó chứng tỏ thái độ của phần lớn cha mẹ là rất đúng, phù hợp với kiến thức hiện có. Tuy nhiên vẫn còn 10,3% không cảm thấy khó chịu khi người thân, bạn bè hút thuốc, thực tế nghiên cứu cho thấy bản thân nhóm đối tượng này là những người đang hút thuốc, có thời gian tiếp xúc với khói thuốc từ lâu nên có thái độ đồng tình. Trong nghiên cứu của Đoàn Thị Ngọc Trâm và cộng sự tại Đà Nẵng [5], khi được hỏi về việc ủng hộ quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, thái độ của các đối tượng thể hiện với các mức độ khác nhau: 69,70% ủng hộ, 19,70% không ủng hộ và 10,61% không quan tâm.

Trong nghiên cứu, có 36,9% cha mẹ có hành vi mua thuốc lá giúp người thân trong gia đình. Khi có người hút thuốc tại gia đình 46,2% thường xuyên nhắc nhở, nhưng tỷ lệ này ở cộng đồng chỉ đạt 20,5%. Thực trạng này cho thấy hành vi về phòng chống hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động của cha mẹ trẻ chưa thực sự tốt có thể do cha mẹ chỉ mới nghe qua thông tin về tác hại do thuốc lá gây ra đối với sức khỏe của trẻ một cách rời rạc, mà chưa được tiếp cận thường xuyên, đầy đủ và hệ thống. Hoặc chưa được tiếp cận với các hướng dẫn về hành động cụ thể cần làm để phòng chống phơi nhiễm khói thuốc lá cho chính bản thân mình và trẻ. Một lý do nữa có thể tác động đến kết quả này là thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cha mẹ, đặc biệt ở nhóm đối tượng đã và đang có sử dụng thuốc lá.

KẾT LUẬN

Tỷ lệ trẻ có tiếp xúc với khói thuốc lá trong vòng 30 ngày qua là 51,3%.

Có 95,9% đối tượng nghiên cứu cho rằng hút thuốc lá thụ động có thể gây ra các bệnh nguy hiểm ở trẻ. 86,2% cho rằng HTLTĐ nguy hại với cơ thể như hút thuốc lá trực tiếp. Nhóm bệnh lý có thể gặp ở trẻ hút thuốc lá thụ động mà cha mẹ biết đến nhiều nhất là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính với 87,7% và hen với 80,5%. Bên cạnh đó 6,2% không biết các bệnh lý có thể gây ra do trẻ HTLTĐ.

36,9% cha mẹ có hành vi mua thuốc lá giúp người thân trong gia đình. Tỷ lệ cha mẹ không có hành động gì để ngăn chặn hành vi hút thuốc lá tại nhà là 11,3% và tại cộng đồng là 17,4%.

KHUYẾN NGHỊ

Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe về tác hại của thuốc lá và hút thuốc thụ trong cộng đồng dân cư và các cơ sở làm việc, tập chung chủ yếu vào việc hướng dẫn các hành động cụ thể cần thực hiện để phòng chống phơi nhiễm khói thuốc lá cho trẻ.

Tài liệu tham khảo

1. World Health Organization. (‎2018)‎. WHO global report on trends in prevalence of tobacco smoking 2000-2025, 2nd ed. World Health Organization.

2. Ha Noi Medical University, Ministry of health of Viet Nam, General statistics office (2015), "Global Adult Tobacco Survey", Centers for disease control and prevention, World Health Organization.

3. Robert West (2017). Tobacco smoking: Health impact, prevalence, correlates and interventions. Psychology & Health, Volume 32, 2017 - Issue 8, Pages 1018-1036

4. Nguyễn Bá Phúc Nguyên (2012). “Nghiên cứu tình hình hút thuốc lá thụ động ở trẻ em nhập viện vì hen và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính tại khoa Nhi Bệnh viện Trung Ương Huế”. Luận văn thạc sĩ y học.

5. Đoàn Thị Ngọc Châm (2016). Kiến thức, thái độ, thực hành và một số yếu tố liên quan đến hút thuốc lá ở nam thanh niên từ 15 – 24 tuổi tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Vol. 105, No. 8 (2016).

6. Huỳnh Văn Thanh (2018). Kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống hút thuốc lá thụ động của học sinh trường trung học phổ thông nguyễn đình chiểu thành phố mỹ tho và một số yếu tố liên quan năm 2018. Luận văn thạc sĩ y tế công cộng, Trường Đại Học Y Tế Công Cộng.

7. Chương trình Phòng chống Tác hại Thuốc lá Quốc gia (Vinacosh) (2014), Gánh nặng bệnh tật và tổn thất kinh tế của việc sử dụng thuốc lá. Bộ Y tế, 2014

8. Qũy phòng, chống tác hại của thuốc lá (2018). Hỏi và đáp về phóng chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế, 2018.

Creative Commons License

công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-phi thương mại-NoDerivatives 4.0 License International .

Bản quyền (c) 2023 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược