Mục lục
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Thai to có ảnh hưởng lớn cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và kết cục thai kỳ. Phát hiện và đánh giá nguy cơ thai to có ý nghĩa quan trọng trong chăm sóc, quản lý thai nghén và tiên lượng cuộc đẻ. Mục tiêu: Xác định một số yếu tố liên quan đến thai to đủ tháng ở sản phụ đến sinh tại Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang thực hiện tại khoa sản bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ 01/2020 đến 12/2020. Đối tượng nghiên cứu gồm 1050 trường hợp thai đủ tháng đến sinh. Biến số nghiên cứu: tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, BMI, tiền sử đẻ thai to, glucose máu, giới tính con. Cách thu thập số liệu: hồi cứu trên bệnh án. Kết quả: Có 1050 thai phụ đủ tháng đến sinh đưa vào nghiên cứu, 232 trường hợp thai to chiếm 22,1%. Các yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê với thai to là: tuổi ≥ 35, BMI ≥ 23, glucose máu ≥ 6,5, giới tính trẻ. Kết luận: Cần quản lý tốt cân nặng mẹ, glucose máu để tránh thai to gây bất lợi cho mẹ và thai nhi.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Các nghiên cứu cho thấy một số yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi như: tuổi thai khi sinh, đái tháo đường thai kì, chủng tộc, cân nặng và chiều cao của bố/ mẹ, chế độ ăn uống sinh hoạt...trong mang thai 2. Thai to có nhiều yếu tố thuận lợi để giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, tinh thần và vận động sau này. Tuy nhiên, ở những trường hợp đẻ thai to có thể xảy ra nhiều nguy cơ cho cả bà mẹ và trẻ sơ sinh. Phát hiện và đánh giá nguy cơ thai to có ý nghĩa quan trọng trong chăm sóc, quản lý thai nghén và tiên lượng cuộc đẻ. Vì vậy chúng tôi tiến hành thực hiện nghiên cứu “ Các yếu tố liên quan đến thai to đủ tháng tại Khoa Sản Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (BVTWTN)” với mục tiêu: Xác định một số yếu tố liên quan đến thai to đủ tháng ở sản phụ đến sinh tại khoa sản BVTWTN.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu
Tất cả thai phụ đủ tháng đến sinh đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
Tiêu chuẩn chọn mẫu
- Thai phụ mang thai đủ tháng tuổi thai từ 37 đến hết 41 tuần (tính theo ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng nếu kinh nguyệt đều, hoặc dự kiến sinh lúc thai 9-12 tuần).
- Một thai, thai sống.
- Không xác định được tuổi thai.
- Tiền sản giật để tránh yếu tố nhiễu khi đánh giá kết quả xử trí.
- Thai chậm phát triển trong tử cung để tránh các yếu tố nhiễu khi xác định yếu tố nguy cơ của thai to.
- Có tiền sử mổ lấy thai hay các phẫu thuật vào tử cung.
- Có bất thường thai nhi và phần phụ của thai (thai dị dạng, rau tiền đạo, rau bong non, đa ối, thiểu ối, thai to từng phần bụng cóc, não úng thủy…)
- Không đầy đủ các thông tin nghiên cứu.
Nghiên cứu được thực hiện tại Khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ ngày 01/ 01/2020 đến ngày 31/12/2020.
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu
Nghiên cứu tuyển chọn được 1050 thai phụ mang thai đủ tháng đến sinh tại Khoa Sản, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, trong đó có 818 thai bình thường và 232 thai to.
Biến số nghiên cứu
Tuổi mẹ (tính theo dương lịch) chia thành hai nhóm ≥ 35 và < 35. Địa chỉ chia thành hai nhóm nông thôn và thành thị.
Nghề nghiệp chia thành 3 nhóm nông dân, công nhân viên chức và tự do.
BMI tại thời điểm nhập viện chia thành 2 nhóm ≥ 23 và < 23.
Tiền sử sinh con to chia thành 2 nhóm có và không.
Glucose máu mẹ tại thời điểm bất kì (mmol/l) chia thành 2 nhóm ≥ 6,5 mmol/l và < 6,5 mmol/l.
Giới tính con sau sinh chia thành 2 nhóm trai và gái.
Phương pháp thu thập và xử lý số liệu
Các thông tin của nghiên cứu được thu thập theo mẫu bệnh án thống nhất. Thu thập thông tin chung của bệnh nhân dựa vào bệnh án. Thu thập số liệu theo mẫu phiếu thu thập số liệu nghiên cứu.
Các số liệu thu thập được xử lý, làm sạch, mã hóa nhập vào phần mềm Thống kê y học SPSS phiên bản 20.0. Các kết quả trình bày dưới dạng tỷ lệ phần trăm. Phân tích một số yếu tố liên quan đến thai to đủ tháng bằng tỷ xuất chênh OR (odd ratio), với khoảng tin cậy là 95% (95%CI).
Đạo đức trong nghiên cứu
Nghiên cứu chỉ nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho đối tượng nghiên cứu và cộng đồng. Đề tài được hội đồng y đức của BVTWTN đồng ý. Là một nghiên cứu hồi cứu trên hồ sơ bệnh án không can thiệp vào người bệnh. Đảm bảo giữ bí mật không tiết lộ bất cứ thông tin gì về tên của thai phụ và các đặc điểm cá nhân liên quan của người bệnh.
KẾT QUẢ
Bảng 1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm | n= 1050 | % | |
---|---|---|---|
Tuổi |
| 44 | 4.2 |
21 - 35 tuổi | 804 | 76.6 | |
>35 tuổi | 202 | 19.2 | |
Địa chỉ | Thành thị | 498 | 47.4 |
Nông thôn | 552 | 52.6 | |
Nghề nghiệp | Nông dân | 112 | 10.7 |
Công nhân viên chức | 594 | 56.6 | |
Tự do | 344 | 32.8 |
Đa số sản phụ trong mẫu nghiên cứu có độ tuổi tập trung từ 21 đến 35 tuổi chiếm 76.6%. Các sản phụ cư trú ở thành thị chiếm 47,4%. Nghề nghiệp của các sản phụ trong mẫu nghiên cứu công nhân viên chức chiếm 56.6%.
Bảng 2. Mối liên quan giữa tuổi mẹ với tình trạng thai to
Nhóm tuổi | Thai to | Thai có trọng lượng bình thường | n | OR (95%CI) | ||
n | % | n | % | |||
≥35 | 68 | 33.7 | 134 | 66.3 | 202 | 2.1 (1.51-2.97) |
<35 | 164 | 19.3 | 684 | 80.7 | 848 | |
Tổng số | 232 | 22.1 | 818 | 77.9 | 1050 | |
p < 0.01 |
Tuổi mẹ có liên quan đến tỷ lệ đẻ thai to của mẹ có ý nghĩa thống kê với P < 0.001. Nguy cơ đẻ thai to ở nhóm tuổi ≥ 35 gấp 2.1 lần so với nhóm < 35 với OR= 2.1 (95% CI: 1.51-2.97).
Bảng 3. Mối liên quan giữa khu vực sống và nghề của mẹ với tình trạng thai to
Thai to | Thai có trọng lượng bình thường | OR (95%CI) | ||||
n | % | n | % | |||
Địa chỉ | Thành thị | 115 | 23.1 | 383 | 76.9 | 1.1 (0.83-1.49) |
Nông thôn | 117 | 21.2 | 435 | 78.8 | ||
p1 = 0.459 | ||||||
Nghề | Công nhân viên chức | 138 | 23.2 | 456 | 76.8 | 1.2 (0.87-1.57) |
Nông dân & nghề khác | 94 | 20.6 | 362 | 79.4 | ||
p2 = 0.311 | ||||||
Tổng | 232 | 22.1 | 818 | 77.9 |
Khu vực sống không có mối liên quan đến tỷ lệ đẻ thai to của mẹ, sự khác biệt giữa 2 nhóm không có ý nghĩa thống kê với p1 = 0.459 > 0.05.
Nghề nghiệp không có mối liên quan đến tỷ lệ đẻ thai to của mẹ, sự khác biệt giữa 2 nhóm không có ý nghĩa thống kê với p2 = 0.311> 0.05.
Bảng 4. Mối liên quan giữa BMI của mẹ với tình trạng thai to
Thai to | Thai có trọng lượng bình thường | OR (95%CI) | ||||
n | % | n | % | |||
BMI | ≥23 | 153 | 28.2 | 390 | 71.8 | 2.1 (1.57-2.88) |
<23 | 79 | 15.6 | 428 | 84.4 | ||
Tổng | 232 | 22.1 | 818 | 77.9 | ||
p < 0.001 |
BMI có mối liên quan đến tỷ lệ đẻ thai to của mẹ có ý nghĩa thống kê với p < 0.001. Nguy cơ đẻ đẻ thai to ở nhóm BMI ≥ 23 gấp 2.1 lần so với nhóm BMI < 23 với OR=2.1 (95%CI:1.57-2.88).
Bảng 5. Mối liên quan giữa tiền sử đẻ thai to của mẹ với tình trạng thai to
(Đã loại trừ 448 trường hợp con so)
Tiền sử đẻ thai to | Thai to | Thai có trọng lượng bình thường | n | OR ( 95%CI) | ||
n | % | n | % | |||
Có | 31 | 33.3 | 62 | 66.7 | 93 | 1.9 (1.19-3.11) |
Không | 105 | 20.6 | 404 | 79.4 | 509 | |
Tổng số | 136 | 22.6 | 466 | 77.4 | 602 | |
p = 0.007 |
Tiền sử đẻ thai to có mối liên quan đến tỷ lệ đẻ thai to của mẹ có ý nghĩa thống kê với P = 0.007 < 0.05. Nguy cơ đẻ thai to ở nhóm có tiền sử đẻ thai to cao gấp 1.9 lần so với nhóm không có tiền sử thai to (OR=1.9; 95% CI: 1.19- 3.11).
Bảng 6. Mối liên quan giữa glucose máu mẹ với tình trạng thai to
Glucose máu (mmol/l) | Thai to | Thai có trọng lượng bình thường | n | OR (95%CI) | ||
n | % | n | % | |||
≥ 6.5 | 42 | 31.8 | 90 | 68.2 | 132 | 1.8 (1.19-2.67) |
< 6.5 | 190 | 20.7 | 728 | 79.2 | 918 | |
Tổng số | 232 | 22.1 | 818 | 77.9 | 1050 | |
p= 0.004 |
Glucose máu mẹ ≥ 6.5 có mối liên quan đến tỷ lệ đẻ thai to có ý nghĩa thống kê với P = 0.004 < 0.05. Nguy cơ đẻ thai to ở nhóm có Glucose máu ≥ 6.5 gấp 1.8 lần so với nhóm Glucose máu < 6.5 với OR=1.8 (95%CI: 1.19-2.67).
Bảng 7. Mối liên quan giữa giới tính thai nhi với tình trạng thai to
Giới tính con | Thai to | Thai có trọng lượng bình thường | n | OR (95%CI) | ||
n | % | n | % | |||
Trai | 141 | 25.5 | 413 | 74.5 | 554 | 1.5 (1.13-2.05) |
Gái | 91 | 18.3 | 405 | 81.7 | 496 | |
Tổng số | 232 | 22.1 | 818 | 77.9 | 1050 | |
p = 0.006 |
Giới tính thai nhi có mối liên quan đến tỷ lệ đẻ thai to của mẹ có ý nghĩa thống kê với P = 0.006 < 0.05. Nguy cơ đẻ thai to ở thai trai cao hơn 1.5 lần so với nhóm các bà mẹ đẻ trẻ gái với OR = 1,5 (95% CI:1.13-2.05).
Sau khi phân tích các yếu tố liên quan đến tình trạng thai to chúng tôi nhận thấy có 05 yếu tố liên quan đến thai to là tuổi mẹ, BMI, tiền sử sinh con to, glucose máu, giới tính con. Đưa vào phân tích hồi quy đa biến chúng tôi có kết quả:
Bảng 8. Phân tích hồi quy đa biến các yếu tố liên quan đến tình trạng thai to
Yếu tố | Thai | p | |||
---|---|---|---|---|---|
Thai to | Thai có trọng | ||||
n | % | n | % | ||
Tuổi mẹ | |||||
≥35 | 68 | 33.7 | 134 | 66.3 | 0.001 |
< 35 | 164 | 19.3 | 684 | 80.7 | |
BMI | |||||
≥23 | 153 | 28.2 | 390 | 71.8 | < 0.001 |
<23 | 79 | 15.6 | 428 | 84.4 | |
Tiền sử đẻ thai to | |||||
Có | 31 | 33.3 | 62 | 66.7 | 0.74 |
Không | 105 | 20.6 | 404 | 79.4 | |
Glucose máu (mmol/l) | |||||
≥ 6.5 | 42 | 31.8 | 90 | 68.2 | 0.004 |
< 6.5 | 190 | 20.7 | 728 | 79.2 | |
Giới tính con | |||||
Trai | 141 | 25.5 | 413 | 74.5 | 0.008 |
Gái | 91 | 18.3 | 405 | 81.7 |
Khi đưa vào mô hình phân tích hồi quy đa biến để loại bỏ tác động phụ từ các yếu tố liên quan khác thì chúng tôi nhận thấy có 04 yếu tố liên quan đến tình trạng thai to là tuổi mẹ, BMI, glucose máu, giới tính con.
BÀN LUẬN
Khi đưa vào phân tích hồi quy đa biến thì tuổi mẹ ≥ 35 là yếu tố chính ảnh hưởng đến thai to. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Quốc Hiền tại Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên ghi nhận nhóm bà mẹ ở lứa tuổi > 35 có nguy cơ sinh con to cao gấp 4,7 lần so với nhóm bà mẹ ở lứa tuổi ≤ 20 với OR=4,7 (95% CI=1,26-17,27) 3. Nghiên cứu của Quan Kim Phụng tại Bệnh viện Phụ Sản Cần Thơ cho thấy những sản phụ ≥ 35 tuổi có liên quan đến thai to sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05 4. Nghiên cứu của Mahin Najafian ghi nhận 60% các bà mẹ sinh con to ≥ 35 tuổi 5, tỷ lệ cao hơn nghiên cứu của chúng tôi có thể giải thích do phụ nữ nước ngoài có xu hướng lập gia đình và sinh con trễ hơn.
Khu vực sống nông thôn hay thành thị và nghề nghiệp của mẹ không ảnh hưởng đến tình trạng thai to. Điều này giống với các nghiên cứu của Nguyễn Thị Quốc Hiền 3, nghiên cứu của Quan Kim Phụng ghi nhận nơi cư trú không liên quan với tỷ lệ sinh thai to với p > 0,05 4. Hiện nay mức sống của người dân nông thôn và thành thị không có sự chênh lệch nhiều vì vậy việc dinh dưỡng cho thai kì gần như không quá khác biệt. Nghiên cứu của Xie tại Trùng Khánh Trung Quốc cũng cho kết quả nơi cư trú không có mối liên quan đến tỷ lệ thai to với p = 0.07 6.
BMI ≥ 23 có liên quan đến nguy cơ đẻ thai to của mẹ với p < 0.001. Ảnh hưởng của tăng cân của thai phụ lên trọng lượng thai còn tùy thuộc vào tình trạng dự trữ của thai phụ trước lúc mang thai. Dự trữ này phản ánh qua chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số khối cơ thể càng cao thì ảnh hưởng của sự tăng cân lên trọng lượng thai càng lớn 6. Tăng cân của thai phụ trong mỗi quý có ảnh hưởng khác nhau lên tăng trọng lượng của thai. Quý II của thai kỳ là lúc mức tăng cân ảnh hưởng lớn nhất 6. Nghiên cứu năm 2011 của Nguyễn Thị Quốc Hiền tại Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên đã chứng minh sự tăng cân thai phụ trong thai kỳ có liên quan với trọng lượng trẻ sơ sinh. Nhóm bà mẹ tăng > 12 kg có nguy cơ đẻ thai to cao gấp 6.2 lần so với nhóm bà mẹ tăng ≤ 12 kg 3. Trong nghiên cứu của Quan Kim Phụng tại Bệnh viện Phụ Sản Cần Thơ năm 2016 cho thấy thai phụ tăng từ 12 - < 20 kg trong toàn bộ thai kì thì có nguy cơ sinh con to cao gấp 2,5 lần so với thai phụ tăng < 12 kg 4. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên quan tương tự như nghiên cứu của Xie 6, Stotland 8.
Kết quả nghiên cứu ở bảng 5 tiền sử sinh con to cũng là một yếu tố có mối liên quan đến sinh con to. Nguyễn Thị Quốc Hiền nhận thấy sản phụ có tiền sử sinh con to có nguy cơ sinh con to ở lần mang thai tiếp theo gấp 3 lần sản phụ không có tiền sử sinh con to 3. Khi phân tích bằng tỷ xuất chênh OR (odd ratio), với khoảng tin cậy là 95% (95%CI) tiền sử sinh con to có liên quan đến tỷ lệ thai to với p = 0.007, OR = 1.9 (1.19-3.11). Tuy nhiên khi đưa vào phân tích hồi quy đa biến ở bảng 8 chúng tôi lại ghi nhận tiền sử sinh con to không có mối liên quan tới tỷ lệ thai to với p = 0.74 > 0.05. Bảng 6 cho thấy mối liên quan giữa glucose máu mẹ và thai to có ý nghĩa thống kê. Glucose được vận chuyển qua nhau thai bằng khuyếch tán có điều kiện qua chất mang GLUT1, trong quá trình mang thai chất mang này tăng gấp 2-3 lần. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kì (ĐTĐTK) không được điều trị tốt thì thai nhi phải đối mặt với nồng độ đường huyết cao liên tục do đó thai nhi phải tăng sản xuất insullin ( Insullin của mẹ không thể đi qua nhau thai). Cơ chế kích thích tăng trưởng của insullin sẽ làm cho thai phát triển quá mức - thai to. Sau khi sinh cơ thể đứa trẻ mất sự cung cấp đường huyết cao từ mẹ, cơ thể trẻ vẫn tiếp tục sản xuất insullin dẫn đến hạ đường huyết 1. Theo Nguyễn Thị Quốc Hiền nguy cơ sinh con to ở nhóm đường máu > 6,5mmol/l là cao hơn hẳn so với nhóm đường máu < 6,5 mmol/l ( OR=9,1; 95%CI: 5,97-14,01) có ý nghĩa thống kê p < 0,001 3. Theo Quan Kim Phụng Glucose huyết ≥ 6,4 mmol/l không có liên quan có ý nghĩa thống kê đến thai to p > 0,05 4. Nghiên cứu của Xie cho thấy nguy cơ sinh con to ở nhóm đường máu > 6,5mmol/l gấp 9.1 lần nhóm đường máu < 6,5 mmol/l (OR=9,1; 95% CI: 5,97-14,01) có ý nghĩa thống kê p < 0,001 6.
Thai nhi nam lớn hơn thai nhi nữ ở bất cứ tuổi thai nào nên chúng chiếm tỷ lệ lớn hơn trong số thai to. Kết quả ở bảng 7 cho thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giới tính con và thai to. Các nghiên cứu cũng có kết quả tương tự như nghiên cứu của Quan Kim Phụng tại Bệnh viện Phụ Sản Cần Thơ mối liên quan có ý nghĩa thống kê với p < 0.05 và nguy cơ gặp thai to ở trẻ trai cao gấp 2.1 lần trẻ gái 4.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy các yếu tố liên quan đến nguy cơ thai to có ý nghĩa thống kê là tuổi mẹ ≥35, chiều cao >160, BMI ≥ 23, tiền sử đẻ thai to, glucose máu ≥ 6.5 và giới tính trẻ trai. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa thai to với khu vực sống hay nghề nghiệp của mẹ.
KHUYẾN NGHỊ
Cần quản lý tốt yếu tố BMI của mẹ, glucose máu trong quá trình mang thai có thể làm giảm nguy cơ thai kì mang thai to. Các yếu tố như tuổi mẹ, chiều cao, tiền sử đẻ thai to có thể gợi ý đến thai kỳ mang thai to giúp tiên lượng, có thái độ theo dõi và xử trí phù hợp nhằm hạn chế được các kết cục bất lợi của thai to cho cả mẹ và trẻ sơ sinh.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Thị Hoa Hồng. Tính chất thai nhi và phần phụ đủ tháng. 22-33 (Nhà xuất bản y học, 2016).
2. Nohr, E. A., Vaeth, M., Baker, J. L., Sorensen, T., Olsen, J. & Rasmussen, K. M. Combined associations of prepregnancy body mass index and gestational weight gain with the outcome of pregnancy. Am J Clin Nutr 87, 1750-9 (2018).
3. Nguyễn Thị Quốc Hiền. Nghiên cứu thực trạng và một số yếu tố liên quan đến sơ sinh đủ tháng quá cân đẻ tai bệnh viện Gang Thép từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2011. Luận văn tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II, Trường đại học Y dược Thái Nguyên (2010-2011).
4. Quan Kim Phụng. Tỷ lệ thai to và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện Phụ Sản Cần Thơ. Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ y học, Trường đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh (2016).
5. Cheraghi, M. Occurrence of fetal macrosomia rate and its maternal and neonatal complications: a 5-year cohort study. ISRN Obstet Gynecol 2012, 353791. (2016).
6. Xie, Y. J., Peng, R., Han, L., Zhou, X., Xiong, Z., Zhang, Y., Li, J., Yao, R., Li, T. & Zhao, Y. Associations of neonatal high birth
7. eight with maternal pre-pregnancy body mass index and gestational weight gain: a case-control study in women from Chongqing, China. BMJ Open 6, e010935 (2016).
8. Trần Thị Hoàn. Nghiên cứu tình hình trẻ sơ sinh thừa cân tại khoa sản bệnh viện trung ương Huế. Tạp chí sản khoa- sơ sinh 15, số 3, 114-118 (2017).
9. Stotland, N. E., Caughey, A. B., Breed, E. M. & Escobar, G. J. Risk factors and obstetric complications associated with macrosomia. Int J Gynaecol Obstet 87, 220-6 (2014).

công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-phi thương mại-NoDerivatives 4.0 License International . p>
Bản quyền (c) 2022 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược