THỰC TRẠNG KIẾN THỨC CỦA ĐIỀU DƯỠNG VỀ PHÒNG TÉ NGÃ CHO NGƯỜI BỆNH VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN NĂM 2021
Nghiên cứu | Tập 1 Số 1 (2022)
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược, Tập 1 Số 1 (2022)
Nghiên cứu

THỰC TRẠNG KIẾN THỨC CỦA ĐIỀU DƯỠNG VỀ PHÒNG TÉ NGÃ CHO NGƯỜI BỆNH VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN NĂM 2021

Tải xuống

Dữ liệu tải xuống chưa có sẵn.

Toàn văn

PDF | 10 | 80
HTML | 1 | 80
1.
Đào T. Q. & Lương , T. H. THỰC TRẠNG KIẾN THỨC CỦA ĐIỀU DƯỠNG VỀ PHÒNG TÉ NGÃ CHO NGƯỜI BỆNH VÀ CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN NĂM 2021. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược 1, 131–143 (2022).
PDF | 10 | 80
HTML | 1 | 80
DOI: 10.19982/jstmp.2022.1.12
10.19982/jstmp.2022.1.12
Đào Trọng Quân
Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên
Lương Thị Hoa
Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Té ngã là một sự cố không mong muốn phổ biến ở nhiều cơ sở y tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Kiến thức của điều dưỡng đóng vai trò rất quan trong trong việc phòng ngừa té ngã và các sự cố y khoa khác. Mục tiêu: Mô tả thực trạng kiến thức của điều dưỡng về phòng té ngã cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên năm 2021; Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến kiến thức của điều dưỡng về phòng té ngã cho người bệnh. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên 96 điều dưỡng được lựa chọn thuận tiện tại các khoa Nội, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Kết quả: Phần lớn điều dưỡng tham gia nghiên cứu có kiến thức về dự phòng té ngã cho người bệnh ở mức độ kém, chiếm 52,1%, Tỷ lệ điều dưỡng có mức độ trung bình chiếm 35,4%, tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức tốt về dự phòng té ngã cho người bệnh chiếm 12,5%.  Kiến thức của điều dưỡng về dự phòng té ngã cho người bệnh có liên quan đến độ tuổi, thâm niên công tác, trình độ chuyên môn và việc đào tạo về dự phòng té ngã cho người bệnh, p<0,001. Kết luận: Tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức về dự phòng té ngã ở mức độ kém khá cao. Độ tuổi, thâm niên công tác, trình độ chuyên môn và việc đào tạo là những yếu tố liên quan đến kiến thức của điều dưỡng về dự phòng té ngã.

Từ khóa:  Té ngã; điều dưỡng; dự phòng té ngã; kiến thức

ĐẶT VẤN ĐỀ

Té ngã là một sự cố không mong muốn phổ biến ở nhiều cơ sở y tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo một thống kê tại Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh năm 2017, té ngã chiếm 92,31% trong các sự cố Y khoa thường có trong bệnh viện 1.

Với vai trò là người trực tiếp chăm sóc người bệnh, điều dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm thiểu các sự cố y khoa, trong đó té ngã 2. Để đáp ứng vai trò đó người điều dưỡng cần có kiến thức, hiểu biết về vấn đề này. Trên thực tế, ở Việt Nam chỉ có ít nghiên cứu nói về kiến thức của điều dưỡng về phòng chống té ngã. Hiện tại theo nghiên cứu của Nguyễn Xuân Thiêm và cộng sự (2016) về kiến thức và thực hành về an toàn người bệnh của 203 điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho thấy, tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức đạt về an toàn người bệnh (≥28/55 điểm) là 78,3%, trong đó, kiến thức phòng ngừa người bệnh ngã 82,8% 3. Tác giả Nguyễn Thị Thúy năm 2019 cũng đã chỉ ra rằng, có 61,7% điều dưỡng có kiến thức dự phòng té ngã ở mức độ không đạt, chỉ có 38,3% điều dưỡng có kiến thức ở mức độ đạt 4.

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là Bệnh viện Đa khoa hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Y tế với quy mô 1.300 giường bệnh kế hoạch, gồm 29 khoa lâm sàng. Tuy nhiên, các nghiên cứu về kiến thức của điều dưỡng về phòng té ngã cho người bệnh còn hạn chế. Vì vậy, nhằm có bằng chứng khoa học hơn về vấn đề này, chúng tôi thực hiện nghiên cứu Thực trạng kiến thức của điều dưỡng về phòng té ngã cho người bệnh và các yếu tố liên quan tại Bệnh viện trung ương Thái Nguyên năm 2021” với 2 mục tiêu:

  1. Mô tả thực trạng kiến thức của điều dưỡng về phòng té ngã cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên năm 2021.
  2. Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến kiến thức của điều dưỡng về phòng té ngã cho người bệnh.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là các điều dưỡng chăm sóc người bệnh tại 7 khoa nội, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

Tiêu chuẩn lựa chọn

  • Điều dưỡng trực tiếp chăm sóc người bệnh.
  • Đồng ý tham gia nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại trừ

  • Điều dưỡng vắng mặt trong thời gian nghiên cứu.

Nghiên cứu được thự hiện tại 7 khoa Nội, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 02 đến tháng 7 năm 2021.

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.

Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu

Cỡ mẫu: Nghiên cứu chọn toàn bộ điều dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chọn mẫu

Phương pháp chọn mẫu: Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện để chọn mẫu tham gia nghiên cứu

Biến số nghiên cứu

Biến số nghiên cứu và cách đo lường chỉ số nghiên cứu bao gồm:

- Thông tin chung về tuổi, giới, trình độ chuyên môn, thâm niên công tác, đào tạo về dự phòng té ngã cho người bệnh.

- Kiến thức được đánh giá bằng bộ câu hỏi tự điền gồm 14 câu hỏi nhiều đáp án đúng (tổng số có 33 đáp án đúng), được xây dựng dựa trên bộ câu hỏi đánh giá kiến thức của điều dưỡng về dự phòng té ngã của tổ chức Agency for Healthcare Research and Quality. Số điểm cho mỗi lựa chọn đúng là 1 điểm, trả lời sai sẽ không tính điểm, tổng cộng tối đa là 33 điểm tương ứng với 33 lựa chọn đúng, tối thiểu là 0 điểm. Dựa vào tổng điểm đó sẽ chia ra 3 mức đánh giá: Tốt tương ứng với 25 – 33 điểm (tương ứng với trả lời đúng 75% trở lên); Trung bình tương ứng với 17 – 24 điểm (tương ứng trả lời đúng 50% đến 74%); Kém tương ứng với 16 điểm trở xuống (tương ứng trả lời đúng dưới 50%). Bộ câu hỏi được dịch theo kỹ thuật dịch ngựợc (Back Translation) và được đánh giá độ tin cậy trên 30 điều dưỡng với độ tin cậy KR 20 đạt 0,9. Thang điểm được chia theo mức phân loại thang kiến thức của Bloom Taxanomy.

Phương pháp thu thập và xử lý số liệu

Số liệu sau khi được thu thập sẽ được phân tích dựa trên phần mềm SPSS 23.0. Các biến trong nghiên cứu được phân tích bởi các phân tích thống kê mô tả tần số và tỷ lệ %. Chi-square test dùng đề kiểm định mối liên quan giữa các yếu tố với kiến thức phòng té ngã cho người bệnh của điều dưỡng.

Đạo đức trong nghiên cứu

Đối tượng tham gia nghiên cứu được giải thích về mục đích, phương pháp, các quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia nghiên cứu. Các thông tin thu thập được bảo mật và chỉ nhằm mục đích nghiên cứu chứ không nhằm mục đích nào khác. Đối tượng tham gia nghiên cứu có quyền từ chối nếu không đồng ý và có quyền bỏ cuộc ở bất cứ giai đoạn nào của nghiên cứu mà không bị ảnh hưởng đến bất cứ quyền lợi nào của mình.Nghiên cứu đã được thông qua Hội đồng đạo đức của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.

KẾT QUẢ

Độ tuổi trung bình của điều dưỡng trong nghiên cứu là 33,9 tuổi, trong đó, đa số điều dưỡng trong độ tuổi từ 31-45 tuổi, chiếm 57,3%. Thâm niên công tác trung bình là 11,9 năm, trong đó, đa số điều dưỡng có thâm niên công tác trên 10 năm, chiếm 58,3%. Có 47,9% điều dưỡng có trình độ trung cấp, 33,3% có trình độ cao đẳng và 18,8% có trình độ đại học.

Biểu đồ 1. Phân bố điều dưỡng theo giới

Đa số điều dưỡng trong nghiên cứu là nữ giới, chiếm 81,2% và nam giới chiếm 18,8%

Bảng 1. Tình trạng đào tạo về dự phòng té ngã cho người bệnh

Nội dung thông tin

n

%

Đã từng được đào tạo dự phòng té ngã

43

44,8

Chưa từng được đào tạo dự phòng té ngã

53

55,2

Tỷ lệ điều dưỡng chưa được đào tạo về dự phòng té ngã cho người bệnh chiếm 55,2%, cao hơn tỷ lệ điều dưỡng đã được đào tạo, chiếm 44,8%.

Bảng 2. Kiến thức chung của điều dưỡng về dự phòng té ngã

Kiến thức

n

%

Tốt

12

12,5

Trung bình

34

35,4

Kém

50

52,1

Tổng

96

100

Min-Max: 6-30 ; ± SD: 16,7 ± 5,8

Phần lớn điều dưỡng tham gia nghiên cứu có kiến thức về dự phòng té ngã cho người bệnh ở mức độ kém, chiếm 52,1%, tỷ lệ điều dưỡng có mức độ trung bình chiếm 35,4%, tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức tốt về dự phòng té ngã cho người bệnh chiếm 12,5%.

Bảng 3. Phân bố kiến thức theo khoa

Kiến thức

Kém

Trung bình

Tốt

n

%

n

%

n

%

Nội Tim mạch

6

37,5

7

43,8

3

18,7

Nội Nội tiết

1

12,5

4

50,0

3

37,5

Nội Tiêu hóa

8

57,1

2

14,3

4

28,6

Nội Hô hấp

6

60,0

4

40,0

0

0

Nội Thận-tiết niệu

13

50,0

12

46,2

1

3,8

Nội Cơ xương khớp

8

66,7

3

25,0

1

8,3

Lão khoa

8

80,0

2

20,0

0

0

Tỷ lệ điều dưỡng có mức độ kiến thức kém chiếm tỷ lệ cao nhất ở khoa Lão khoa- Bảo vệ sức khỏe với 80%, tiếp đến là khoa nội cơ xương khớp (chiếm 66,7%); Tỷ lệ thấp nhất là ở khoa nội Nội tiết (chiếm 12,5%). Tỷ lệ điều dưỡng có mức độ kiến thức tốt cao nhất ở khoa nội Nội tiết, chiếm 37,5%.

Bảng 4. Phân bố kiến thức theo giới

Kiến thức

Kém

Trung bình

Tốt

p

n

%

n

%

n

%

Nam

7

38,9

10

55,6

1

5,6

>0,05

Nữ

43

55,1

24

30,8

11

14,1

Tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức tốt là nữ giới cao hơn ở nam giới, chiếm 14,1% so với 5,6%. Tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05)

Bảng 5. Mối liên quan giữa kiến thức phòng té ngã với độ tuổi

Kiến thức

Kém

Trung bình

Tốt

p

n

%

n

%

n

%

≤ 30 tuổi

26

83,9

4

12,9

1

3,2

< 0,001

31-45

22

40,0

26

47,3

7

12,7

> 45 tuổi

2

20,0

4

40,0

4

40,0

Kiến thức của điều dưỡng về dự phòng té ngã cho người bệnh có liên quan đến độ tuổi của họ (p < 0,001). Trong đó, tỷ lệ kiến thức tốt ở nhóm tuổi trên 45 tuổi cao nhất, chiếm 40%, cao hơn ở nhóm tuổi từ 31- 45 tuổi (chiếm 12,7) và nhóm < 30 tuổi (chiếm 3,2%).

Bảng 6. Mối liên quan giữa kiến thức phòng té ngã với trình độ chuyên môn

Kiến thức

Kém

Trung bình

Tốt

p

n

%

n

%

n

%

Trung cấp

18

39,1

19

41,3

9

19,6

< 0,05

Cao đẳng

24

75,0

7

21,9

1

3,1

Đại học

8

44,4

8

44,4

2

11,2

Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa kiến thức của điều dưỡng về dự phòng té ngã với trình độ chuyên môn của họ với p < 0,05.

Bảng 7. Mối liên quan giữa kiến thức phòng té ngã với thâm niên công tác của điều dưỡng

Kiến thức

Kém

Trung bình

Tốt

p

n

%

n

%

n

%

< 10 năm

32

80,0

6

15,0

2

5,0

< 0,001

≥ 10 năm

18

32,1

28

50,0

10

17,9

Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa thâm niên công tác của điều dưỡng với kiến thức của họ về dự phòng té ngã cho người bệnh, với p <0,001. Trong đó, tỷ lệ kiến thức tốt ở điều dưỡng có thâm niên trên 10 năm chiếm tỷ lệ 17,9%, cao hơn nhiều so với những người có thâm niên < 10 năm (chiếm 5,0%)

Bảng 8. Mối liên quan giữa kiến thức phòng té ngã với đào tạo về dự phòng té ngã của điều dưỡng

Kiến thức

Kém

Trung bình

Tốt

p

n

%

n

%

n

%

Chưa được đào tạo

38

71,7

11

20,8

4

7,5

<0,001

Đã được đào tạo

12

27,9

23

53,5

8

18,6

Kiến thức của điều dưỡng có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với việc đào tạo về dự phòng té ngã cho người bệnh, p < 0,001. Trong đó, tỷ lệ những điều dưỡng đã được đào tạo về dự phòng té ngã có kiến thức tốt cao hơn ở những người chưa được đào tạo (18,6% so với 7,5%)

BÀN LUẬN

Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Tỷ lệ điều dưỡng chưa được đào tạo về dự phòng té ngã cho người bệnh chiếm 55,2%, cao hơn tỷ lệ điều dưỡng đã được đào tạo, chiếm 44,8%. Kết quả của nghiên cứu này tương tự với kết quả nghiên cứu của Faltas S.F.M và cộng sự tại Ai Cập. Trong nghiên cứu này, có đến 65,8% điều dưỡng chưa được đào tạo về dự phòng té ngã 5. Việc điều dưỡng chưa được tham gia các khóa đào tạo về dự phòng té ngã sẽ ảnh hưởng đến việc tích lũy kiến thức về dự phòng té ngã của họ. Đồng thời điều này cũng cho thấy họ cần có thêm các khóa đào tạo liên quan đến dự phòng té ngã cũng như các sự cố y khoa khác trong quá trình chăm sóc người bệnh.

Thực trạng kiến thức về phòng té ngã cho người bệnh của điều dưỡng

Theo kết quả nghiên cứu, phần lớn điều dưỡng tham gia nghiên cứu có kiến thức về dự phòng té ngã cho người bệnh ở mức độ kém, tỷ lệ kiến thức ở mức độ trung bình và tốt còn thấp. Tỷ lệ điều dưỡng có mức độ kiến thức kém chiếm tỷ lệ cao nhất ở khoa Lão khoa- Bảo vệ sức khỏe và khoa nội cơ xương khớp.

Kết quả trên có thể do một số lý do sau: Thứ nhất, dự phòng té ngã và an toàn người bệnh là một vấn đề được quan tâm ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng như một số bệnh viện khác. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo về dự phòng té ngã cho điều dưỡng và bác sỹ còn chưa được triển khai rộng rãi đến toàn thể nhân viên y tế. Thực tế là ngành Y tế nước ta trong những năm gần đây đã chú trọng hơn đến các chính sách vĩ mô về an toàn người bệnh cũng như cải tiến chương trình đào tạo điều dưỡng ở các trường chuyên nghiệp, tuy nhiên cần phải có thời gian để chính sách này đi vào cuộc sống và cũng cần phải có sự vào cuộc tích cực của hệ thống quản lý điều dưỡng các cấp.

Thứ hai, tình trạng quá tải bệnh viện cũng khiến cho người điều dưỡng ít dành thời gian cho việc đào tạo và cập nhật những kiến thức về dự phòng té ngã cho người bệnh. Người điều dưỡng thường chỉ quan tâm đến an toàn người bệnh trong các khâu thực hiện chăm sóc và điều trị cho người bệnh như thực hiện 5 đúng, tránh nhiễm khuẩn bệnh viện chứ chưa quan tâm nhiều đến vấn đề như phòng ngừa yếu tố nguy cơ và đề phòng té ngã cho người bệnh.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với kết quả nghiên cứu của tác giả Hoàng Thị Minh Thái năm 2020, có 9,4% điều dưỡng có kiến thức tốt về dự phòng té ngã, 44,7% có kiến thức ở mức độ trung bình và 44,1% có kiến thức kém và 1,8% chưa có kiến thức về dự phòng té ngã cho người bệnh 6. Tuy nhiên, tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức tốt trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn trong nghiên cứu của Lim S.G và cộng sự năm 2016, có 55% điều dưỡng có kiến thức phòng té ngã ở mức độ tốt7. Kết quả so sánh này cho thấy, tại các bệnh viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều điều dưỡng chưa có kiến thức tốt về phòng ngừa té ngã cho người bệnh cũng như các sự cố y khoa khác.

Các yếu tố liên quan đến kiến thức về phòng té ngã cho người bệnh của điều dưỡng

Mối liên quan giữa độ tuổi, thâm niên công tác với kiến thức của điều dưỡng về dự phòng té ngã cho người bệnh

Kết quả nghiên cứu cho thấy, kiến thức của điều dưỡng về dự phòng té ngã cho người bệnh có liên quan đến độ tuổi và thâm niên công tác của họ (p < 0,001). Kết quả này cho thấy, những điều dưỡng có độ tuổi càng cao với thâm niên lâu năm có kiến thức về dự phòng té ngã tốt hơn những điều dưỡng khác. Điều này là do, những điều dưỡng có thâm niên họ sẽ được tham dự nhiều các chương trình đào tạo dài hạn và ngắn hạn có liên quan đến các kiến thức về phòng té ngã cũng như an toàn người bệnh. Đồng thời, họ cũng có thể tích lũy nhiều kinh nghiệm về phòng ngừa té ngã cũng như đảm bảo an toàn người bệnh trong quá trình chăm sóc người bệnh.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng có phần tương đồng với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thúy, tỷ lệ những điều dưỡng có độ tuổi trên 45 tuổi có kiến thức phòng ngừa té ngã ở mức độ đạt (chiếm 75%) cao hơn ở nhóm tuổi từ 30-45 (chiếm 31,6%) và ở nhóm tuổi dưới 30 tuổi (chiếm 60%). Đồng thời, tỷ lệ những người có thâm niên công tác trên 20 năm có kiến thức đạt (chiếm 66,7%) cao hơn ở những người có thâm niên công tác từ 10-20 năm (chiếm 24,0%) và nhóm < 10 năm (50%). Tuy nhiên cả 2 sự khác biệt này đều không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05) 4.

Mối liên quan giữa trình độ chuyên môn, đào tạo với kiến thức của điều dưỡng về phòng ngừa té ngã

Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa kiến thức của điều dưỡng về dự phòng té ngã với trình độ chuyên môn và việc đào tạo về dự phòng té ngã, p < 0,05. Kết quả này cho thấy, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho điều dưỡng có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện kiến thức không những về phòng ngừa té ngã mà còn về phòng ngừa các sự cố y khoa khác. Việc cập nhật các kiến thức và áp dụng các bằng chứng khoa học trong việc chăm sóc, phòng ngừa các sự cố y khoa nên được thực hiện thường xuyên và có hệ thống trong tất cả các khoa ở bệnh viện, đặc biệt là những khoa có người bệnh có nhiều nguy cơ té ngã như lão khoa, cơ xương khớp, chấn thương chỉnh hình hoặc thần kinh. Về trình độ chuyên môn, tỷ lệ có điều dưỡng đại học có kiến thức tốt cao hơn so với điều dưỡng có trình độ cao đẳng, nhưng lại thấp hơn tỷ lệ của điều dưỡng có trình độ trung cấp. Điều đó là do, rất nhiều điều dưỡng có trình độ trung cấp có thâm niên công tác lâu năm và có kinh nghiệm trong việc phòng ngừa té ngã và các sự cố y khoa khác cho người bệnh. Bên cạnh đó, những điều dưỡng này có thể đã được tham gia các khóa đào tạo về dự phòng té ngã và các sự cố y khoa khác.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Hà và cộng sự năm 2021. Tác giả này chỉ ra rằng, những nhân viên y tế có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở xuống thường có xu hướng có kiến thức an toàn người bệnh không đúng, cao hơn so với nhóm Cao đẳng/Đại học trở lên. Sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê (p < 0,05)8.

KẾT LUẬN

Phần lớn điều dưỡng tham gia nghiên cứu có kiến thức về dự phòng té ngã cho người bệnh ở mức độ kém, chiếm 52,1%, tỷ lệ điều dưỡng có mức độ trung bình chiếm 35,4%, tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức tốt về dự phòng té ngã cho người bệnh chiếm 12,5%. Tỷ lệ điều dưỡng có mức độ kiến thức kém chiếm tỷ lệ cao nhất ở khoa Lão khoa - Bảo vệ sức khỏe với 80%, tiếp đến là khoa nội cơ xương khớp (chiếm 66,7%). Kiến thức của điều dưỡng về dự phòng té ngã cho người bệnh có liên quan đến độ tuổi, thâm niên công tác, trình độ chuyên môn và việc đào tạo về dự phòng té ngã cho người bệnh, p < 0,001.

Bệnh viện cần liên tục tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho nhân viên y tế, trong đó có một lực lượng không nhỏ là điều dưỡng, về tăng cường an toàn người bệnh cũng như hạn chế các sự cố y khoa có thể xảy ra.

Tài liệu tham khảo

1. Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. An toàn người bệnh. (Thành Phố Hồ Chí Minh, 2017).

2. Bộ Y tế. Tài liệu đào tạo liên tục an toàn người bệnh. (Nhà Xuất Bản Y Học, 2014).

3. Nguyễn, X. T., Nguyễn, H. T. & Nguyễn, V. H. Kiến thức, thực hành về an toàn người bệnh của điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông năm 2016. Tạp chí y học dự phòng 27, 152 (2016).

4. Nguyễn, T. T. & Trần, V. L. Thực trạng kiến thức và thực hành về phòng ngừa té ngã cho người bệnh của điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam năm 2019. Tạp chí Khoa học Điều dưỡng 2, 55-60 (2019).

5. Faltas, S. F. M. Effect of Nursing Guideline on Performance of Nurses regarding Prevention of Patients' Fall in Intensive Care Units. Journal of Nursing and Health Science 7, 1-8 (2018).

6. Hoàng, T. M. T. Kiến thức của điều dưỡng về phòng ngừa té ngã cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định năm 2020. Tạp chí Y học Việt Nam 500, 24-27 (2021).

7. Lim, S. G. & Yam, S. W. The level of knowledge and competency in the use of the Morse Fall Scale as an assessment tool in the prevention of patient falls. International e-Journal of Science, Medicine and Education 10, 14-23 (2016).

8. Nguyễn, T. H.. H. Kiến thức, thái độ và một số yếu tố liên quan đến an toàn người bệnh của nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu năm 2019. Tạp chí Khoa học và công nghệ- Đại học Thái Nguyên 226, 112-119 (2021).

Creative Commons License

công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-phi thương mại-NoDerivatives 4.0 License International .

Bản quyền (c) 2022 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược