THỰC TRẠNG KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ THỰC HÀNH VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN CỦA PHỤ NỮ TRONG ĐỘ TUỔI SINH ĐẺ TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN
Nghiên cứu | Tập 2 Số 2 (2023)
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược, Tập 2 Số 2 (2023)
Nghiên cứu

THỰC TRẠNG KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ THỰC HÀNH VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN CỦA PHỤ NỮ TRONG ĐỘ TUỔI SINH ĐẺ TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN

Tải xuống

Dữ liệu tải xuống chưa có sẵn.

Toàn văn

HTML | 9 | 205
PDF | 42 | 205
1.
Ngô, T. V. H., Hoàng , T. M. N. & Bùi, N. L. THỰC TRẠNG KIẾN THỨC, THÁI ĐỘ THỰC HÀNH VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN CỦA PHỤ NỮ TRONG ĐỘ TUỔI SINH ĐẺ TẠI BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG THÁI NGUYÊN. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược 2, (2024).
HTML | 9 | 205
PDF | 42 | 205
DOI: 10.19982/jstmp.2023.2.16
10.19982/jstmp.2023.2.16
Ngô Thị Vân Huyền
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên
Hoàng Thị Mai Nga
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên
Bùi Nhật Linh
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Nhận thức sớm và có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giúp các phụ nữ thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất, dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn về sau. Mục tiêu: Nghiên cứu này đánh giá kiến thức, thái độ, thực hành và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Phương pháp: Thiết kế mô tả cắt ngang đã được sử dụng trong nghiên cứu này trên 385 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Kết quả: Có kiến thức chưa đạt (37,7 ± 4,5 điểm/52 điểm), có thái độ tích cực (11,1 ± 1,4 điểm/14 điểm) và thực hành chưa đạt (9,4 ± 2,6 điểm/ 20 điểm) về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Có sự khác biệt về về kiến thức, thái độ và thực hành Chăm sóc sức khỏe sinh sản giữa các nhóm tuổi, nhóm trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, số lần khám sản phụ khoa trước đó và đã từng nhận thông tin (p < 0,05). Kết luận: Kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn kém.

Từ khóa:  Sức khỏe sinh sản; Chăm sóc; Độ tuổi sinh đẻ; Biện pháp tránh thai; Bạo hành.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hiện số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam hơn 24,2 triệu người, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng một triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cao nhất vào năm 2027 - 20281.

Sự phát triển của xã hội cũng đồng thời tạo ra những thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Đây là một trong các vấn đề ngày nay rất được quan tâm trên phạm vi toàn thế giới nhằm đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho con người trong lĩnh vực sinh sản và tình dục.

Theo kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện năm 2019, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi từ 15 đến 49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn. Chính vì lẽ đó, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng trong công tác dân số, nhất là chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ bảo đảm đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai. Bên cạnh đó kỹ năng làm mẹ an toàn cũng chưa được quan tâm đúng đắn. Hơn nữa tỷ lệ phụ nữ ở độ tuổi sinh sản mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản (20%) và nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục cao (25%).

Việc CSSK là việc làm rất cần thiết và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nó không chỉ giúp người sắp kết hôn bước vào cuộc sống vợ chồng một cách tự tin, mà còn giúp hạn chế, ngăn ngừa những nguy cơ dị tật, khuyết tật ở con cái, góp phần nâng cao chất lượng dân số2,4. Bên cạnh đó, nên có một cách nhìn mới về vấn đề này, coi việc chăm sóc SKSS cũng cần thiết như việc chăm sóc sức khỏe các giai đoạn khác trong cuộc đời nó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong xã hội. Điều này cần được toàn xã hội, mọi người dân nhận thức và góp phần thực hiện.

Tại Thái Nguyên, về kiến thức, thái độ, thực hành về chăm sóc SKSS của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn hạn chế. Nhằm góp phần vào công tác chăm sóc SKSS chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Thực trạng kiến thức, thái độ, thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tai Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên” nhằm mục tiêu: Mô tả thực trạng kiến thức, thái độ, thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến khám tại phòng khám sản, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và xác định một số yếu liên quan đến kiến thức, thái độ, thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến khám tại phòng khám sản, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng, địa điểm, thời gian

Đối tượng nghiên cứu

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến khám tại phòng khám sản, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Tiêu chuẩn chọn:

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến khám tại phòng khám sản, đến khám thai chỉ lấy lần đầu, đồng ý tham gia vào nghiên cứu.

Địa điểm và thời gian: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 02 năm 2022.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang.

Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu

Nghiên cứu này tiến hành trên toàn bộ bệnh nhân đủ tiêu chuẩn lựa chọn vào nghiên cứu.

Chỉ tiêu nghiên cứu

Đặc điểm nhân khẩu học của bà mẹ.

Kiến thức, thái độ và thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ, thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Tiêu chuẩn và cách đánh giá

Bộ câu hỏi soạn sẵn: Sau khi xây dựng, bộ câu hỏi được thử nghiệm trên 30 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đến khám tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để xác định độ tin cậy của bộ công cụ trước khi đưa vào nghiên cứu với Cronbach α = 0,80.

Cách đánh giá: Mỗi câu trả lời đúng sẽ được 1 điểm, sai là 0 điểm. Sau đó, sẽ tính tổng điểm của mỗi phần kiến thức.

Kiến thức (52 điểm): 0-38 điểm -> Kiến thức không tốt; Từ 39 điểm trở lên -> Kiến thức tốt.

Thái độ (14 điểm): 0-10 điểm -> Thái độ tiêu cực; Từ 11 điểm trở lên -> Thái độ tích cực.

Thực hành (20 điểm): 0-14 điểm -> Thực hành không tốt; Từ 15 điểm trở lên -> Thực hành tốt.

Phương pháp thu thập số liệu: Đối tượng nghiên cứu được giải thích và phát bộ câu hỏi đã soạn sẵn dưới sự giám sát và hỗ trợ của nhóm nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu nhận lại bộ câu hỏi đã trả lời, kiểm tra và thu thập thêm thông tin trong phạm vi của nghiên cứu (nếu cần thiết).

Xử lý số liệu: Lựa chọn các test thống kê phù hợp cho nghiên cứu mô tả và đặc điểm số liệu.

Đạo đức nghiên cứu

Nghiên cứu đã được thông qua Hội đồng đạo đức Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên. Thông tin người bệnh được giữ bảo mật và chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 1. Kiến thức, thái độ và thực hành về Chăm sóc sức khỏe sinh sản

Điểm trung bình

Tốt

Không tốt

n

%

n

%

Kiến thức

37,7 ± 4,5

145

37,7

240

62,4

Thái độ

11,1 ± 1,4

288

74,8

97

25,2

Thực hành

9,4 ± 2,6

0

0

385

100

Kết quả bảng 1 cho thấy, trong 385 phụ nữ tham gia nghiên cứu nhìn chung có kiến thức chưa đạt, có thái độ tích cực và thực hành chưa đạt về chăm sóc SKSS.

Bảng 2. Các yếu tố liên quan đến kiến thức về Chăm sóc sức khỏe sinh sản (n=269)

Đạt (n)

Không đạt (n)

p

≤ 18 tuổi

0

26

19 - 29 tuổi

130

175

Nhóm tuổi

0,000

Trên 30 tuổi

15

13

Từ 40 tuổi trở lên

0

26

THPT

48

179

Trình độ học vấn

Cao đẳng/Đại học

49

50

0,000

Sau đại học

48

11

Chưa

0

31

Tình trạng hôn nhân

Đã kết hôn

97

208

0,000

Đơn thân/ Ly hôn

48

1

Nông dân

37

97

Công nhân/ Cán bộ viên chức

49

49

Nghề nghiệp

0,000

Tự do/Nội trợ

0

72

Sinh viên

59

22

Chưa

0

48

0,000

Tổng số lần khám sản phụ khoa

Dưới 5 lần

0

194

Từ 5 lần trở lên

97

46

Chưa

48

97

Đã từng nhận thông tin

0,151

97

143

Kết quả bảng 2 cho thấy, có sự khác biệt về chăm sóc SKSS giữa các nhóm tuổi, nhóm trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, số lần khám sản phụ khoa trước đó (p < 0,05).

Bảng 3. Các yếu tố liên quan đến thái độ về Chăm sóc sức khỏe sinh sản (n=269)

Đạt (n)

Không đạt (n)

P

≤ 18 tuổi

26

0

19-29 tuổi

223

82

Nhóm tuổi

0,000

Trên 30 tuổi

13

15

Từ 40 tuổi trở lên

26

0

THPT

179

48

Trình độ học

vấn

Cao đẳng/Đại học

50

49

0,000

Sau đại học

59

0

Chưa

11

0

Tình trạng hôn

nhân

Đã kết hôn

228

97

0,000

Đơn thân/Ly hôn

49

0

Nông dân

108

26

Công nhân/Cán bộ viên chức

49

49

Nghề nghiệp

0,000

Tự do/Nội trợ

72

0

Sinh viên

59

22

Chưa

48

0

0,000

Tổng số lần khám sản phụ khoa

Dưới 5 lần

194

0

Từ 5 lần trở lên

46

97

Đã từng nhận thông tin

Chưa

97

48

0,005

191

97

Kết quả bảng 3 cho thấy, có sự khác biệt về thái độ Chăm sóc sức khỏe sinh sản giữa các nhóm tuổi, nhóm trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, số lần khám sản phụ khoa trước đó và đã từng nhận thông tin (p < 0,05).

BÀN LUẬN

Những năm qua, chăm sóc SKSS phụ nữ luôn được coi là vấn đề ưu tiên giải quyết hàng đầu của Việt Nam và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế, kiến thức, thái độ và thực hành về chăm sóc SKSS ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, tỷ lệ phá thai tăng, nạn bạo hành gia đình vẫn còn tiếp diễn.

Kiến thức về chăm sóc SKSS ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong nghiên cứu của chúng tôi nhìn chung có kiến thức chưa đạt với trung bình 37 điểm trên tổng số 52 điểm, đạt 62,4%. Trong đó, kiến thức về KHHGĐ cho thấy trong tổng số 385 phụ nữ có 75,1% người chưa biết hết về các biện pháp tránh thai (BPTT) và 74,5% người chưa biết chính xác thời điểm phụ nữ nên dùng BPTT. Để thực hiện chăm sóc SKSS thì kiến thức về các BPTT là cần thiết. Theo tác giả Nguyễn Thanh Phong, năm 20175 cho thấy tỷ lệ sinh viên biết ít nhất 2 BPTT chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, ở nghiên cứu của chúng tôi, do phần đông là phụ nữ trên 20 tuổi, đây là độ tuổi cần có hiểu biết nhiều hơn về các BPTT vì khi họ hiểu biết rõ từng BPTT, họ sẽ lựa chọn được BPTT cho mình một cách phù hợp nhất. Thời điểm phụ nữ nên dùng BPTT sau sinh phải được áp dụng ngay khi bắt đầu sinh hoạt tình dục trở lại chứ không phải sau 6 tháng sau sinh (không kể cho con bú hay không). Đây cũng là một suy nghĩ sai lầm mà rất nhiều người mắc phải. Họ nghĩ rằng khi cho con bú là có thể tránh thai được gần như tuyệt đối, hoặc trong 6 tháng đầu sau sinh thường chưa có kinh trở lại nên họ chủ quan về vấn đề này. Nghiên cứu của chúng tôi có kết quả tương đồng với nghiên cứu của tác giả Ayele năm 2018 tại Tây Bắc Ethiopia với kiến thức của phụ nữ về KHHGD đạt 42,3%6.

Ngoài ra, về kiến thức bạo hành và chống bạo hành, do phạm vi nghiên cứu còn hẹp nên chúng tôi đưa ra những câu hỏi thật sự cơ bản và mang tính thời sự. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 50% phụ nữ không biết hết về các khía cạnh bạo hành và 75,3% người không biết đầy đủ về nguyên nhân bạo hành. Việt Nam là quốc gia đã đưa ra Chương trình phòng, chống nạn bạo hành gia đình từ nhiều năm về trước. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì nạn bạo hành gia đình cũng để lại những hậu quả nặng nề đối với nạn nhân và con trẻ.

Về thái độ trong chăm sóc SKSS của phụ nữ tham gia nghiên cứu, nhìn chung họ có thái độ tích cực. Có 100% phụ nữ ngại đi xét nghiệm HIV/AIDS, 75,1% phụ nữ ngại đi khám và điều trị bệnh lây qua đường tình dục và 62,6% người chưa hài lòng về BPTT hiện tại. Rào cản lớn nhất không phải từ ai mà là từ chính bản thân người phụ nữ. Khi ngại đi kiểm tra, họ sẽ không thể bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho người tình và cho cộng đồng. Vì vậy, việc tuyên truyền mỗi người phụ nữ, thêm vào sự đồng lòng, chia sẻ của nam giới và chung tay hỗ trợ của cộng đồng sẽ xóa bỏ được sự kỳ thị, soi mói mà người phụ nữ lo sợ. Trong nghiên cứu này, số đông phụ nữ vẫn chưa hài lòng về BPTT hiện tại. Có thể do họ còn chưa hiểu biết hết về những ưu, nhược điểm của từng BPTT cũng như chưa nắm rõ được bản thân cơ thể mình nên chưa lựa chọn được biện pháp phù hợp nhất. Qua đây, chúng tôi tin tưởng vào kết quả tốt của việc tư vấn, giáo dục sức khỏe về các BPTT an toàn cho phụ nữ.

Về thực hành chăm sóc SKSS, nhìn chung nhóm đối tượng nghiên cứu có thực hành chưa đạt. Đặc biệt trong việc thực hành về nạn bạo hành và chống bạo hành. Sự lo sợ và rào cản về thái độ đã khiến cho họ không thể có thực hành đúng. Tuy nhiên, ngày nay, thực tế cho thấy rằng chống bạo hành đang từng bước được đưa vào đời sống của mỗi tổ chức, mỗi gia đình và mỗi cá nhân. Chúng tôi tin rằng, trong thời gian tới, nạn bạo hành sẽ ngày càng bị đẩy lùi.

Nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt về kiến thức, thái độ và thực hành chăm sóc SKSS giữa các nhóm tuổi, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, số lần khám sản phụ khoa trước đó và đã từng nhận thông tin (p<0,05).

Hầu hết các phụ nữ trong nghiên cứu thuộc nhóm tuổi dưới 35 tuổi, đây là nhóm tuổi mà phụ nữ có đủ sức khỏe và trí tuệ khỏe mạnh để đảm bảo CSSK. Nhóm tuổi này thường xuyên được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc trước sinh cũng như CSSK bà mẹ và trẻ em, có khả năng nhạy bén trong nắm bắt thông tin mới, kiến thức y khoa nói chung và kiến thức chăm sóc SKSS nói riêng. Phụ nữ thuộc nhóm trên 40 tuổi thường bị chi phối bởi thời gian cho công việc và gia đình đồng thời áp lực về tuổi tác hoặc định kiến xã hội (có thể có) là rào cản để họ tìm hiểu và nâng cao kiến thức về chăm sóc SKSS. Có thể do người phụ nữ thường bị chi phối bởi những hiểu biết hay thói quen được truyền lại từ thế hệ trước, đặc biệt là khi chung sống trong gia đình nhiêu thế hệ. Tuy nhiên, những người thế hệ trước thường có quan điểm hay kinh nghiệm được tích lũy hoặc truyền miệng từ dân gian nên còn có rất nhiều sai lầm, hạn chế. Hay như lứa tuổi dưới 20 tuổi, là lứa tuổi vị thành niên. Ở độ tuổi “chưa chín muồi” về cả thể chất cũng như tâm lý, họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, thái độ còn lệch lạc dẫn đến có thể có những thực hành còn chưa đúng. Nghiên cứu chúng tôi cũng như trên thực tế, nhóm tuổi dưới 18 tuổi, họ thường bị chi phối bởi các bậc phụ huynh, còn những rào cản xã hội và lý tưởng và thực hành còn chưa phù hợp: thiếu sót và sai lầm.

Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra sự khác biệt có ý nghĩa giữa các nhóm trình độ học vấn, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân. Phần lớn, phụ nữ trong nghiên cứu có trình độ học vấn ở mức THPT, nghề nghiệp nông dân. Đây cũng là nhóm xã hội chiếm số đông nói chung của Việt Nam, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ban ngành. Đối với nhóm phụ nữ đã từng được nhận thông tin về chăm sóc SKSS có kiến thức, thái độ và thực hành tốt hơn. Có thể dễ dàng thấy hiện nay đời sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, các dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển. Đây là nền tảng để cung cấp và nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Thực tế cho thấy sự tin tưởng đối với nhân viên y tế của các bà mẹ và cho phép chúng tôi hy vọng vào một kết quả tốt của chương trình truyền thông, giáo dục sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

KẾT LUẬN

Thực trạng kiến thức, thái độ và thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản

Nghiên cứu trên 385 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhìn chung có kiến thức chưa đạt (37,7 ± 4,5 điểm/ 52 điểm), có thái độ tích cực (11,1 ± 1,4 điểm/ 14 điểm) và thực hành chưa đạt (9,4 ± 2,6 điểm/ 20 điểm) về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Các yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ và thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản

Nhóm tuổi, nhóm trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, số lần khám sản phụ khoa trước đó và đã từng nhận thông tin là các yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ và thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản (p < 0,05).

KHUYẾN NGHỊ

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, truyền thông, GDSK về chăm sóc SKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt về các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nạn bạo hành.

Lồng ghép chương trình GDSK chăm sóc SKSS tại các phòng khám sản phụ khoa, Nhà trường... đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin (facebook, Zalo, website...) nhằm nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Tài liệu tham khảo

1. WHO. Global Strategy for Prevention and Control of Sexually Transmitted Infections 2006–2015, World Health Organization, Geneva (2007).

2. Nguyễn Thị Nga và cộng sự. Kiến thức, thái độ, thực hành về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của vị thành niên và phụ nữ 15-49 tại huyện Na Rì, Bắc Kan. Tạp chí Y tế công cộng 26 (2012).

3. Cao Ngọc Thành và cộng sự. Nghiên cứu kiến thức, thái độ, thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản ở nữ vị thành niên người dân tộc thiểu số, tỉnh Thừa thiên Huế. Tạp chí Y Dược học - Trường Đại học Y dược Huế, tập 7, 4 (2017).

4. Trần Thị Thắm. Kiến thức, thái độ, thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (2010).

5. Nguyễn Thanh Phong. Nghiên cứu kiến thức, thái độ, thực hành về các biện pháp tránh thai của sinh viên một số trường đại học/ cao đẳng thành phố Hà Nội và hiệu quả giải pháp can thiệp. Luận án Tiến sĩ Y học, Trường Đại học Y Hà Nội (2017).

6. Semachew Kasa, A., Tarekegn, M. & Embiale, N. Knowledge, attitude and practice towards family planning among reproductive age women in a resource limited settings of Northwest Ethiopia. BMC Res Notes 11, 577 (2018).

7. Vi Thị Hồng Hạnh. Vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các em nữ độ tuổi vị thành niên và vai trò của công tác xã hội. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội (2014).

Creative Commons License

công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-phi thương mại-NoDerivatives 4.0 License International .

Bản quyền (c) 2023 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược