THỰC TRẠNG SỬ DỤNG NHÀ TIÊU Ở NGƯỜI DÂN TỘC DAO TẠI XÃ HÙNG ĐỨC HUYỆN HÀM YÊN TỈNH TUYÊN QUANG
Nghiên cứu | Tập 2 Số 4 (2023)
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược, Tập 2 Số 4 (2023)
Nghiên cứu

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG NHÀ TIÊU Ở NGƯỜI DÂN TỘC DAO TẠI XÃ HÙNG ĐỨC HUYỆN HÀM YÊN TỈNH TUYÊN QUANG

Tải xuống

Dữ liệu tải xuống chưa có sẵn.

Toàn văn

HTML | 1 | 45
PDF | 9 | 45
1.
Lê, T. T. H., Trương, V. T., Nguyễn , T. P. L. & Nguyễn , T. Q. H. THỰC TRẠNG SỬ DỤNG NHÀ TIÊU Ở NGƯỜI DÂN TỘC DAO TẠI XÃ HÙNG ĐỨC HUYỆN HÀM YÊN TỈNH TUYÊN QUANG. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược 2, 6–17 (2023).
HTML | 1 | 45
PDF | 9 | 45
Lê Thị Thu Huế
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên
Trương Viết Trường
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên
Nguyễn Thị Phương Lan
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên
Nguyễn Thị Quỳnh Hoa
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Vệ sinh môi trường bao gồm rất nhiều vấn đề như vấn đề về nước sạch, xử lý rác thải… Nhưng vấn đề sử dụng nhà tiêu đặc biệt được quan tâm nhất là ở những vùng sâu vùng xa, vùng nhiều đồng bào Dân tộc thiểu số. Mục tiêu: Đánh giá thực trạng sử dụng nhà tiêu của hộ gia đình người Dao tại xã Hùng Đức huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang năm 2021. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang. Kết quả: Tỷ lệ các hộ gia đình người dân tộc Dao không có nhà tiêu là 27,2 %. Trong các loại nhà tiêu mà các  hộ gia đình đang sử dụng thì nhà tiêu hai ngăn là 12,3%. Nhà tiêu tự hoại là 22,73%. Đối với loại nhà tiêu hai ngăn, nhà tiêu chìm có ống thông hơi 100% các hộ gia đình sử dụng nhà tiêu đều không đạt hợp vệ sinh là; Nhà tiêu thấm dội nước là 84,6% hộ gia đình sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh, 15,4% hộ gia đình sử dụng bảo quản nhà tiêu không đạt hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình có nhà tiêu tự hoại và đều đạt nhà tiêu hợp vệ sinh. Các tiêu chí đánh giá nhà tiêu có xây dựng cách nguồn nước ăn uống, sinh hoạt từ 10m trở lên là 52,6%; Cửa lấy mùn phân luôn được trát kín đạt 31,6%, phải có nắp đậy kín các lỗ tiêu là 7,9%, các tiêu chí còn lại đều không đạt. Trong số 8 tiêu chí phụ về sử dụng, bảo quản nhà tiêu hai ngăn theo quy định của Bộ Y 100% các hộ gia đình đều không đạt hợp vệ sinh. Kết luận: Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu là 72,8%; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng các loại nhà tiêu: Hai ngăn 12,33%, tự hoại 22,73%; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh là 0%, nhà tiêu chìm có ống thông hơi hợp vệ sinh là 0%, nhà tiêu thấm dội nước hợp vệ sinh là 84,6%, nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh là 100%.

Từ khóa:  Dân tộc Dao; Nhà tiêu; Hợp vệ sinh

ĐẶT VẤN ĐỀ

Vệ sinh môi trường bao gồm rất nhiều vấn đề như vấn đề về nước sạch, xử lý rác thải… Nhưng vấn đề sử dụng nhà tiêu đặc biệt được quan tâm nhất là ở những vùng nông thôn. Ở đó vệ sinh môi trường còn kém, các công trình vệ sinh còn đơn sơ, chưa đúng tiêu chuẩn, chất thải của người và gia súc chưa được xử lý đúng cách, chưa đảm bảo vệ sinh, tập quán dùng phân người và gia súc để bón ruộng và hoa màu vẫn còn tồn tại góp phần làm phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Nhiều nghiên cứu về thực trạng sử dụng nhà tiêu cho thấy số hộ gia đình (HGĐ) có nhà tiêu và số HGĐ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) còn chiếm tỷ lệ thấp. Theo kết quả nghiên cứu của Hoàng Anh Tuấn thì tỷ lệ HGĐ người Dao ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên có nhà tiêu chiếm 29,4%, tỷ lệ số HGĐ có nhà tiêu hai ngăn chiếm 11,4%, nhà tiêu tự hoại 2,0%, nhà tiêu thấm dội nước 0,6% và tỷ lệ HGĐ có nhà tiêu HVS mới chỉ đạt 16,7%5. Hùng Đức là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Yên địa hình chủ yếu là đồi núi chia cắt phức tạp, trình độ dân trí thấp, kinh tế phát triển chậm. Sinh sống tại xã bao gồm dân tộc Kinh, Cao Lan, Tày, Hoa, Dao, trong đó riêng người Dao chiếm tỉ lệ 70%. Kết quả báo cáo chương trình vệ sinh môi trường thống kê qua các năm của xã: 2017 (35%), 2018 (38%), 2019 (42%). Tháng 01/2020 (46%), 12/2020 (50%). Những hộ gia đình không có nhà tiêu người dân vẫn phóng uế ra vườn, đồi quanh nhà, bờ suối... những phong tục tập quán lạc hậu như vậy vẫn tồn tại. Hậu quả của việc người dân phóng uế bừa bãi ra môi trường không sử dụng nhà tiêu có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân đặc biệt là người già và trẻ em, trong khi tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD) của xã là 26% cao nhất trong huyện. Từ thực trạng trên tôi cùng các đồng nghiệp mong muốn tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm chung, thói quen sử dụng nhà tiêu tại các HGĐ người Dao, tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng nhà tiêu không HVS của bà con tại xã, từ đó có những giải pháp hiệu quả, phù hợp làm thay đổi nhận thức của người Dân nơi đây nâng tỷ lệ nhà tiêu HVS xã Hùng Đức trong những năm tới. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Thực trạng sử dụng nhà tiêu ở hộ gia đình người Dao tại xã Hùng Đức huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang” với mục tiêu: Đánh giá thực trạng sử dụng nhà tiêu của hộ gia đình người Dao tại xã Hùng Đức huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang năm 2021.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng, địa điểm, thời gian nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Nhà tiêu của hộ gia đình người Dao có người được phỏng vấn.

Địa điểm nghiên cứu: Xã Hùng Đức huyện Hàm Yên là xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang có nhiều người dân tộc Dao sinh sống nhất trong tất cả các xã của huyện, chiếm tỷ lệ cao từ >60%.

Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 03 năm 2021 đến tháng 11 năm 2021.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang.

Cỡ mẫu và chọn mẫu:

Cỡ mẫu:

Công thức cỡ mẫu: Sử dụng công thức tính cỡ mẫu ước tính 1 tỉ lệ của quần thể

C:\Users\HK\Desktop\a1.png

Trong đó:

- p: Tỉ lệ HGĐ sử dụng nhà tiêu KHVS: p= 0,91 (Theo kết quả tỉ lệ HGĐ sử dụng nhà tiêu KHVS là 91% trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Thuý năm 2015.

- Z2(1-α/2): Hệ số giới hạn tin cậy, chọn mức tin cậy 95% thì Z2(1-α/2): =1,96.

- ε: độ chính xác tương đối, chọn ε = 0,03.

Áp dụng công thức tính được cỡ mẫu ta được n = 423 hộ. Tổng số hộ gia đình người Dao trong nghiên cứu là 423 hộ.

Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu có chủ đích các hộ gia đình người dân tộc Dao.

Các chỉ số nghiên cứu

- Thông tin chung về đối tượng nghiên cứu.

- Tỷ lệ các loại nhà tiêu HGĐ đang sử dụng.

- Tỷ lệ loại nhà tiêu hai ngăn HGĐ đang sử dụng.

- Tỷ lệ loại nhà tiêu chìm có ống thông hơi HGĐ đang sử dụng.

- Tỷ lệ loại nhà tiêu thấm dội nước HGĐ đang sử dụng.

- Tỷ lệ loại nhà tiêu tự hoại HGĐ đang sử dụng.

- Tỷ lệ HGĐ sử dụng nhà tiêu theo tiêu chí đánh giá bảng kiểm quan sát đối với nhà tiêu (Khô) hai ngăn.

- Tỷ lệ HGĐ sử dụng nhà tiêu theo tiêu chí đánh giá bảng kiểm quan sát đối với nhà tiêu (sử dụng nước) nhà tiêu thấm dội nước.

Phương pháp thu thập thông tin

Điều tra viên quan sát đánh giá nhà tiêu tại các hộ gia đình dựa vào bảng kiểm theo “Quy chuẩn kĩ thuật Quốc gia về nhà tiêu - điều kiện đảm bảo hợp vệ sinh” quy định tại thông tư số 27/2011/TT- BYT ban hành ngày 24/06/2011 của Bộ Y tế.

Xử lý số liệu

Nhập liệu trên phần mềm Epidata, số liệu được phân tích, xử lý trên phần mềm SPSS 26.0.

Đạo đức trong nghiên cứu

Nghiên cứu này không làm ảnh hưởng đến phong tục, tập quán của các hộ gia đình người dân tộc Dao. Đề tài được thông qua Hội đồng đạo đức của Trường Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng 1. Tỷ lệ các loại nhà tiêu HGĐ đang sử dụng tại xã Hùng Đức huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang

Loại nhà tiêu

n

%

Không có nhà tiêu

115/423

27,2

Có nhà tiêu

308/423

72,8

Trong đó

Một ngăn

153/308

49,67

Nhà tiêu đào

26/308

8,44

Hai ngăn

38/308

12,33

Nhà tiêu chìm có ống thông hơi

8/308

2,59

Thấm dội nước

13/308

4,22

Tự hoại

70/308

22,73

Kết quả Bảng 1 cho thấy: Tỷ lệ các hộ gia đình người dân tộc Dao không có nhà tiêu là 27,2 %. Trong các loại nhà tiêu mà các hộ gia đình đang sử dụng thì nhà tiêu một ngăn là nhiều nhất 49,67%. Nhà tiêu tự hoại chiếm22,73%.

Bảng 2. Đánh giá việc sử dụng nhà tiêu của các hộ gia đình Dao tại xã Hùng Đức huyện Hàm Yên

Đánh

giá

Nhà tiêu hai ngăn

Nhà tiêu chìm có ống thông hơi

Nhà tiêu tự hoại

Nhà tiêu thấm dội nước

n

%

n

%

n

%

n

%

HVS

0

0

0

0

70

100

11

84,6

Không HVS

38

100

8

100

0

0

2

15,4

Tổng số

38

100

8

100

70

100

13

100

Kết quả Bảng 2 cho thấy: Đối với loại nhà tiêu hai ngăn, nhà tiêu chìm có ống thông hơi 100% các hộ gia đình sử dụng nhà tiêu đều không đạt hợp vệ sinh. Nhà tiêu Thấm dội 84,6% hộ gia đình sử dụng, bảo quản nhà tiêu HVS, vẫn còn 15,4% HGĐ sử dụng bảo quản nhà tiêu không đạt HVS. 100% hộ gia đình có nhà tiêu tự hoại đều đạt nhà tiêu HVS.

Bảng 3. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu theo tiêu chí đánh giá bảng kiểm quan sát đối với nhà tiêu hai ngăn tại xã Hùng Đức huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang

TT

Các tiêu chí

n

%

Tiêu chí chính vệ sinh trong xây dựng

1

Không xây dựng ở nơi thường bị ngập, úng

37

97,4

2

Cách nguồn nước ăn uống, sinh hoạt từ 10m trở lên

20

52,6

3

Không để nước mưa tràn vào bể chứa phân

21

55,3

4

Tường và đáy ngăn chứa phân kín, không bị rạn nứt, rò rỉ

6

15,8

5

Cửa lấy mùn phân luôn được trát kín

12

31,6

6

Mặt sàn nhà tiêu và rãnh thu dẫn nước tiểu nhẵn, không đọng nước, không trơn trượt, không bị nứt, vỡ, sụt lún; nước tiểu được dẫn ra dụng cụ chứa, không chảy vào bể chứa phân

17

44,7

7

Có nắp đậy kín các lỗ tiêu

3

7,9

8

Có mái lợp ngăn được nước mưa, cửa và xung quanh nhà tiêu được che chắn kín đáo, bảo đảm mỹ quan

28

73,7

9

Ống thông hơi có đường kính trong ít nhất 90mm, cao hơn mái nhà tiêu ít nhất 400mm và có lư­ới chắn côn trùng, chụp chắn nước mưa

0

0

Tiêu chí phụ vệ sinh trong sử dụng và bảo quản

10

Sàn nhà tiêu khô, sạch

0

0

11

Không có mùi hôi, thối; không có ruồi, nhặng, gián trong nhà tiêu

0

0

12

Không để vật nuôi đào bới phân trong nhà tiêu

0

0

13

Không có bọ gậy trong dụng cụ chứa nước và dụng cụ chứa nước tiểu

0

0

14

Bãi phân phải được phủ kín chất độn sau mỗi lần đi tiêu

0

0

15

Giấy vệ sinh sau khi sử dụng bỏ vào lỗ tiêu (nếu là giấy tự tiêu) hoặc bỏ vào dụng cụ chứa giấy bẩn có nắp đậy

0

0

16

Đối với nhà tiêu khô nổi có từ hai ngăn trở lên: Lỗ tiêu ngăn đang sử dụng luôn được đậy kín, các ngăn ủ được trát kín

0

0

Kết quả Bảng 3 cho thấy: Trong số 9 tiêu chí chính về nhà tiêu hai ngăn theo quy định của Bộ Y tế đạt tỷ lệ rất thấp chỉ có tiêu chí nhà tiêu không xây dựng ở nơi thường bị ngập, úng đạt tỷ lệ cao là 97,4%. Xây dựng cách nguồn nước ăn uống, sinh hoạt từ 10m trở lên chỉ đạt 52,6%. Cửa lấy mùn phân luôn được trát kín đạt 31,6%. Phải có nắp đậy kín các lỗ tiêu chỉ đạt 7,9%. Các tiêu chí còn lại đều không đạt.

Trong số 8 tiêu chí phụ về sử dụng, bảo quản nhà tiêu hai ngăn theo quy định của Bộ Y 100% các HGĐ đều không đạt HVS.

BÀN LUẬN

Hàm Yên là một huyện miền núi thuộc phía tây tỉnh Tuyên Quang địa hình chủ yếu là đồi núi chia cắt phức tạp, diện tích đất tự nhiên chủ yếu là đất nông nghiệp và lâm nghiệp, kinh tế chậm phát triển, cuộc sống của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Toàn huyện có 17 xã và 1 thị trấn, trong đó xã Hùng Đức là xã đặc biệt khó khăn cách trung tâm huyện trên 20km, dân số đông: 9.739 nhân khẩu, 2.247 hộ gia đình, chia 22 thôn, gồm 5 dân tộc cùng chung sống trong đó >70% là người dân tộc Dao, Tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ trẻ <5 tuổi SDD cao, vấn đề tảo hôn vẫn còn.

Tại xã người Dao vẫn sống ở những khe núi, đồi thấp hoặc quanh chân núi, dọc khe suối nên việc tiếp cận với các thông tin về việc sử dụng nhà tiêu còn nhiều hạn chế. Người dân chủ yếu tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ người dân tham gia sản xuất nông nghiệp chiếm đến (97,9%). Những ngành nghề khác chiếm tỷ lệ rất thấp: Công nhân (0,2%), cán bộ công chức (0,9%), khác (0,5%), buôn bán (0,5%). Điều này phù hợp với địa bàn nghiên cứu vì đây là vùng nông thôn. Tỷ lệ này tương đương với nghiên cứu của Nguyễn Thị Thúy với tỷ lệ nông dân là 99%8. Điều này cho thấy người dân tộc Dao ở đây thực sự chưa phát triển, chưa có sự thay đổi nhiều về nhận thức, khả năng tiếp nhận các thông tin bị hạn chế.

Nhiều năm trở lại đây đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành nhằm tìm hiểu về vấn để xây dựng và sử dụng nhà tiêu, đặc biệt là nhà tiêu HVS, về giải quyết các vấn đề ảnh hưởng của phân người đến sức khỏe con người, cũng như tìm hiểu mô hình bệnh tật ở các vùng khác nhau liên quan đến tỷ lệ và tình trạng sử dụng nhà tiêu HVS. Đặc biệt là những vùng đông DTTS sinh sống. Các nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp và nhằm cải thiện mô hình bệnh tật liên quan đến phân người. Nhận thức được vấn đề đó Đảng, Nhà nước cùng ngành y tế cũng đã có nhiều chủ trương, đề ra biện pháp nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nhà tiêu HVS của người dân. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu trước đây vấn đề xây dựng nhà tiêu HVS là rất khó khăn. Tỷ lệ nhà tiêu HVS nhìn chung vẫn còn thấp, nhất là các khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ hộ gia đình Dao có nhà tiêu ở xã nghiên cứu là 72,8%. Tỷ lệ này thấp hơn khi so sánh với kết quả nghiên cứu của Hoàng Thị Thu Hà tại tỉnh Thái Nguyên (91%)11. Nhưng cao hơn so với kết quả của nghiên cứu của tác giả Lê Văn Thái trên đối tượng người dân tộc Mông tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (63,7%)9. Qua nghiên cứu có thể thấy điều kiện về vị trí địa lý, thực trạng tình hình kinh tế xã hội, cũng như điều kiện về môi trường sống của người dân có ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận, thích nghi, thực hành về sử dụng nhà tiêu HVS cũng như các vấn đề về chăm sóc sức khoẻ, vấn đề này góp phần khẳng định tình hình yếu kém về xây dựng và sử dụng công trình vệ sinh tại xã. Do đó để nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân cư phải thông qua việc nâng cao đời sống kinh tế kết hợp với tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức người dân.

Trong số 72,8% hộ gia đình có nhà tiêu thì tỷ lệ HGĐ có nhà tiêu một ngăn là nhiều nhất. Các loại nhà tiêu HVS theo quy định của Bộ Y tế chiếm tỷ lệ thấp: Nhà tiêu hai ngăn (12,3%), nhà tiêu thấm dội nước (4,22%), nhà tiêu tự hoại (22,7%).

Trong số 9 tiêu chí chính về nhà tiêu hai ngăn theo quy định của Bộ Y tế đạt tỷ lệ rất thấp chỉ có tiêu chí Nhà tiêu không xây dựng ở nơi thường bị ngập, úng đạt cao là 97,4%. Các tiêu chí quan trọng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cá nhân và môi trường đó là: Xây dựng cách nguồn nước ăn uống, sinh hoạt từ 10m trở lên chỉ đạt 52,6%, cửa lấy mùn phân luôn được trát kín đạt 31,6%, phải có nắp đậy kín các lỗ tiêu chỉ đạt 7,9%, các tiêu chí còn lại đều không đạt.

Trong số 8 tiêu chí phụ về sử dụng, bảo quản nhà tiêu hai ngăn theo quy định của Bộ Y tế 100% các HGĐ đều không đạt HVS. Đây là thực trạng báo động cho môi trường ô nhiễm nặng nề tại xã trong những năm tiếp theo, do vậy chính quyền địa phương, ngành y tế các cấp, các ngành cần đặc biệt quan tâm.

Việc giữ gìn nhà tiêu của gia đình sạch sẽ, mặt sàn sạch, không đọng nước là việc mỗi thành viên trong gia đình hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên vẫn còn những hộ gia đình chưa thực hiện được tiêu chí này cũng nên xem lại thói quen sinh hoạt và ý thức khi sử dụng nhà tiêu. Việc hộ gia đình có nhà tiêu là điều rất tốt, nhưng khi đã xây dựng được nhà tiêu của gia đình mình rồi thì vấn đề là sử dụng làm sao cho nhà tiêu luôn sạch sẽ, đạt tiêu chuẩn là nhà tiêu HVS cần quan tâm thường xuyên.

Trong các tiêu chí về sử dụng nhà tiêu thấm dội nước theo quy định của Bộ Y tế hầu hết các tiêu chí đạt tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ cao, trong đó có tiêu chí đạt 100%, đó là sàn nhà tiêu, bệ xí sạch, không dính đọng phân, nước tiểu. Tuy nhiên có 3 tiêu chí còn mất điểm đó là không có ruồi, côn trùng trong nhà tiêu và có đủ nước dội (01 HGĐ), dụng cụ chứa nước dội không có bọ gậy (01 HGĐ). Giấy vệ sinh sau khi sử dụng bỏ vào lỗ tiêu (nếu là giấy tự tiêu) hoặc bỏ vào dụng cụ chứa giấy bẩn có nắp đậy (01HGĐ). Đặc biệt tiêu chí số 05 về SDBQ chỉ đạt 61,5% được biết người dân chưa từng sử dụng nhà tiêu qua nhiều năm để hút bùn hoặc đầy và lấp đi nên tiêu chí này người dân đánh giá theo cảm tính chủ quan của mình chưa có thực tế. Từ kết quả này chúng tôi cũng đặt ra những nội dung tuyên truyền cụ thể trong công tác thăm HGĐ và có những hướng dẫn minh chứng chi tiết hơn để người dân hiểu chính xác hơn.

Qua đó ta thấy rằng việc có nhà tiêu nhưng sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh cũng vẫn gây ra những tác hại cho người sử dụng. Bởi khi các hộ gia đình đã đầu tư xây dựng được nhà tiêu nhưng không thực hiện đầy đủ các tiêu chí vệ sinh thì nhà tiêu của họ vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt về sử dụng nhà tiêu nước và nhà tiêu khô. Trên thực tế các phụ kiện, quy trình sử dụng nhà tiêu nước đơn giản, thuận tiện, dễ sử dụng, dễ lau rửa sạch sẽ hơn nhà tiêu khô. Do vậy các HGĐ có nhà tiêu sử dụng nước đạt tỷ lệ HGĐ có nhà tiêu HVS cao hơn nhà tiêu khô.

KẾT LUẬN

- Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu là 72,8%.

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng các loại nhà tiêu: Hai ngăn 12,33%, tự hoại 22,73%.

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh 0%, nhà tiêu chìm có ống thông hơi hợp vệ sinh 0%, nhà tiêu thấm dội nước hợp vệ sinh 84,6%, nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh 100%.

KHUYẾN NGHỊ

Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những lợi ích của việc sử dụng nhà tiêu.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế - Cục Quản lý môi trường Y tế. QCVN 01 : 2011/BYT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà tiêu- Điều kiện đảm bảo hợp vệ sinh. Hà Nội 2010.

2. Bộ Y tế - Cục quản lý môi trường y tế. Tài liệu hướng dẫn xây dựng, xây dựng, sử dụng bảo quản nhà tiêu hộ gia đình. Hà Nội 2012.

3. Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thuỵ Điển SIDA. Nhà tiêu sinh thái. Hà Nội 2010.

4. Bộ Y tế - Cục Quản lý môi trường Y tế. Tài liệu hướng dẫn Xây dựng, sử dụng, bảo quản NT HGĐ. Hà Nội 2010. Hội Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet Organization – WTO)

5. Bộ Y tế - Cục Y tế dự phòng và môi trường. Vệ sinh môi trường ở một số dân tộc thiểu số Việt Nam. Hà Nội 2010.

6. Báo cáo VSMT TTYT Hàm Yên 2017-2020

7. Cổng thông tin điện tử Chính phủ, “Khái quát văn hóa Việt Nam”, Truy cập tháng 02/2019

8. Nguyễn Thị Thuý (2015)“Thực trạng và sử dụng nhà tiêu ở người dân tộc Dao tại một số xã ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng”,

9. Lê Văn Thái (2014) Thực trạng nhà tiêu hợp vệ sinh của gia đình người dân tộc Mông tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên;

10. Hoàn Anh Tuấn, Đàm Khải Hoàn, Nguyễn Văn Hiến (2011) Thực trạng kiến thức, thái độ và thực hành về vệ sinh môi trường của người Dao tại một số xã đặc biệt khó khăn tỉnh Thái nguyên.

11. Hoàng Thị Thu Hà (2011), Thực trạng nhà tiêu hợp vệ sinh của gia đình và các yếu tố ảnh hưởng tại hai xã của tỉnh Thái Nguyên và Hà Nam năm 2011, Luận văn thạc sỹ y học, Đại học Y Hà Nội.

Creative Commons License

công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-phi thương mại-NoDerivatives 4.0 License International .

Bản quyền (c) 2023 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược