THỰC TRẠNG SỬ DỤNG DỊCH VỤ Y TẾ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI TẠI MỘT SỐ XÃ HUYỆN PHÚ LƯƠNG TỈNH THÁI NGUYÊN NĂM 2021 VÀ YẾU TỐ LIÊN QUAN
Nghiên cứu | Tập 2 Số 2 (2023)
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược, Tập 2 Số 2 (2023)
Nghiên cứu

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG DỊCH VỤ Y TẾ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI TẠI MỘT SỐ XÃ HUYỆN PHÚ LƯƠNG TỈNH THÁI NGUYÊN NĂM 2021 VÀ YẾU TỐ LIÊN QUAN

Tải xuống

Dữ liệu tải xuống chưa có sẵn.

Toàn văn

HTML | 4 | 167
PDF | 22 | 167
1.
Bùi , T. V. H., Nguyễn, T. T. U. & Nguyễn, T. H. THỰC TRẠNG SỬ DỤNG DỊCH VỤ Y TẾ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI TẠI MỘT SỐ XÃ HUYỆN PHÚ LƯƠNG TỈNH THÁI NGUYÊN NĂM 2021 VÀ YẾU TỐ LIÊN QUAN. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược 2, 123–135 (2024).
HTML | 4 | 167
PDF | 22 | 167
DOI: 10.19982/jstmp.2023.2.11
10.19982/jstmp.2023.2.11
Bùi Thị Việt Hà
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên
Nguyễn Thị Tố Uyên
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên
Nguyễn Thu Hoài
Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Đến năm 2049 Việt Nam sẽ có khoảng 10 triệu người cao tuổi cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, một vấn đề đó là nhiều người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc nhưng chưa được đáp ứng hoặc không đáp ứng được như mong muốn, nhất là nhu cầu về việc sử dụng dịch vụ y tế. Mục tiêu: Mô tả thực trạng sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi, xác định một số yếu tố liên quan đến việc sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi tại Phú Lương, Thái Nguyên năm 2021. Phương pháp: Mô tả cắt ngang, cỡ mẫu: 400 người cao tuổi. Số liệu được thu thập dựa trên phỏng vấn trực tiếp theo bộ câu hỏi có cấu trúc được thiết kế sẵn. Số liệu thu thập được nhập trên Epi data 3.1 và xử lý bằng SPSS 20.0 thông qua tính tỷ lệ và test ᵡ2 để xác định mối liên quan. Kết quả: Trong một tháng trước điều tra tỷ lệ người cao tuổi ốm đau là 64%. Trong số đó chỉ có 62,1% đến khám chữa tại cơ sở y tế, còn lại là tự điều trị. Phần lớn người cao tuổi lựa chọn khám chữa bệnh ở cơ sở y tế nhà nước (95,6%). Lý do mà người cao tuổi đưa ra khi lựa chọn cơ sở y tế để khám chữa bệnh khi ốm đau là: chi phí hợp lý (89,3%) và gần nhà (86,8%), cán bộ y tế chuyên môn tốt (76,1%), thái độ nhiệt tình (67,9%), cơ sở vật chất tốt (57,2%), không phải chờ đợi (49,1%), con cháu lựa chọn và đưa đi (72,3%). Một số yếu tố liên quan (p < 0,05) đến việc sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi: tuổi, giới, nguồn thu nhập, bảo hiểm y tế, khoảng cách đến cơ sở y tế, và tình trạng sống. Kết luận: Tỷ lệ người cao tuổi sử dụng dịch vụ y tế khi ốm đau còn thấp, để nâng cao tỷ lệ này chúng ta phải quan tâm hơn đến đối tượng người cao tuổi cũng như phát huy vai trò của người cao tuổi, tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế, cần quan tâm hơn đến những đối tượng người cao tuổi neo đơn, không sống cùng con cháu. Cải thiện những yếu tố này sẽ giúp cho người cao tuổi dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế.

Từ khóa:  Người cao tuổi; Dịch vụ y tế; Yếu tố liên quan

ĐẶT VẤN ĐỀ

Quá trình già hoá dân số đang diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng tại Việt Nam, theo kết quả của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thì tổng thời gian dân số Việt Nam già hóa nhanh so với mức chung của thế giới là khoảng 96 năm5. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên 73,6 tuổi (2019) ngược về năm 1999, con số này là 68,6 tuổi. Kết quả này cho thấy thành tựu trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội đã góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt. Tuy tuổi thọ trung bình tăng, nhưng số năm sống khoẻ mạnh của dân số lại thấp. Phụ nữ có trung bình 11 năm sống trong bệnh tật, trong khi ở nam giới khoảng 8 năm. Ðiều tra quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam năm 2011 cho thấy hơn 60% số NCT cho biết tình trạng sức khỏe là yếu hoặc rất yếu cần chăm sóc. Thực tế, NCT phải đối mặt với nhiều bệnh mạn tính do suy giảm chức năng của nhiều cơ quan, tổ chức. Theo nguồn từ Bộ Y tế và nhóm đối tác y tế (2018) dự báo thì số lượng NCT có nhu cầu chăm sóc ngày càng tăng cao, đến năm 2049 sẽ có khoảng 10 triệu NCT (trong tổng số khoảng 27 triệu NCT- tương đương gần 40%) có nhu cầu được chăm sóc. Tuy nhiên, một vấn đề đó là nhiều NCT có nhu cầu chăm sóc nhưng chưa được đáp ứng hoặc không đáp ứng được như mong muốn, nhất là nhu cầu về việc sử dụng dịch vụ y tế. Nhóm dân số NCT là nhóm có tỷ lệ bệnh tật cao và dễ bị tổn thương nhất và cùng với đó là nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế cũng cao hơn những nhóm khác. Theo các nghiên cứu trong nước và quốc tế cho thấy có rất nhiều yếu tố liên quan đến việc sử dụng dịch vụ y tế của NCT có thể kể đến đó là các yếu tố nhân khẩu học (tuổi, giới, dân tộc, khu vực sống, thu nhập…) và các yếu tố khác như: khoảng cách tới cơ sở y tế, tình trạng bảo hiểm y tế, tình trạng bệnh… đều ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi1,6,8. Phú Lương là huyện miền núi, hầu hết NCT sống cùng con cháu, tỷ lệ NCT có lương hưu hay thu nhập ổn định chiếm tỷ lệ thấp, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn, đồng thời cũng đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép”, do đó nhu cầu chăm sóc sức khoẻ và sử dụng dịch vụ y tế cao. Vậy thực trạng sử dụng dịch vụ y tế của NCT ở Phú Lương hiện nay như thế nào? Yếu tố nào liên quan đến việc sử dụng dịch vụ y tế của NCT hiện nay? Để trả lời cho câu hỏi đó chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu này với mong muốn kết quả nghiên cứu sẽ làm minh chứng cho việc cải thiện tình trạng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của NCT, góp phần nâng cao sức khoẻ NCT.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng: Người cao tuổi (≥ 60 tuổi) tại một số xã miền núi, huyện Phú Lương, Thái Nguyên.

Tiêu chuẩn lựa chọn: Người từ 60 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú tại xã nghiên cứu; Có đầy đủ năng lực hành vi, không bị liệt hoặc có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.

Tiêu chuẩn loại trừ: Người dưới 60 tuổi, không có hộ khẩu thường trú tại xã nghiên cứu; Không đủ năng lực hành vi, đang bị liệt hoặc có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.

Thời gian và địa điểm nghiên cứu: Từ tháng 04/2021 – tháng 04/2022 tại các xã: Động Đạt, Phủ Lý, Ôn Lương, Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang

Cỡ mẫu:

Trong đó

Với α = 0,05, d = 0,05, p = 0,54 (Tỷ lệ NCT có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế theo nghiên cứu của Phạm Phương Liên năm 2015).

Thay vào công thức tính cỡ mẫu: Ta tính được cỡ mẫu tối thiểu cho nghiên cứu là 381 người. Điều tra thực tế 400 NCT.

Chọn mẫu: Chọn có chủ đích 4 xã thuộc huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Mỗi xã lập danh sách chọn ngẫu nhiên 100 NCT.

Chỉ số và biến số nghiên cứu

Nhóm biến số nhân khẩu học: Tuổi, giới, dân tộc, trình độ học vấn, tình trạng kinh tế, tình trạng hôn nhân, khoảng cách từ nhà đến cơ sở y tế, tình trạng bảo hiểm y tế, tình trạng sống chung/sống riêng với con cái.

Tỷ lệ NCT có bệnh trong tháng qua. Tỷ lệ NCT sử dụng dịch vụ y tế.

Tỷ lệ lựa chọn các địa điểm sử dụng dịch vụ y tế của NCT. Các yếu tố liên quan đến việc sử dụng dịch vụ y tế của NCT.

Thu thập và xử lý số liệu: Số liệu sẽ được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp theo bộ câu hỏi có cấu trúc được thiết kế sẵn. Sau đó làm sạch và nhập liệu, xử lý thống kê trên phần mềm SPSS 22.

Đạo đức nghiên cứu: Nghiên cứu đã được hội đồng đạo đức của Trường Đại học Y – Dược, Đại học Thái Nguyên thông qua trước khi tiến hành nghiên cứu theo quy trình rút gọn.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thông tin về đối tượng nghiên cứu

Bảng 1. Thông tin chung của NCT tham gia nghiên cứu

Kết quả Bảng 1 cho thấy: Tỷ lệ NCT nữ tham gia nghiên cứu chiếm tỷ lệ cao hơn nam đôi chút (56,8%). Nhóm tuổi có tỷ lệ cao nhất là 70 tuổi- 79 tuổi (45,7%). Phân bố dân tộc: dân tộc Tày chiếm 43,3%, Kinh, Nùng lần lượt là 34,5% và 18,7%. Mô hình sống chung với con cháu phổ biến với 72,8%. Trình độ học vấn chủ yếu là trung học cơ sở và thấp hơn (trên 80%). Tỷ lệ nghèo cận nghèo chiếm 14%. Nguồn thu nhập chính của NCT do con cái hỗ trợ và còn lao động tự túc chiếm tỷ lệ gần tương đương trên 30%, có lương hưu 25,5%. Tỷ lệ có bảo hiểm y tế chiếm 86,8% người cao tuổi.

Thực trạng sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi

Bảng 2. Tình hình sức khoẻ và hành vi khám sức khoẻ định kỳ

Kết quả Bảng 2 cho thấy: Tỷ lệ NCT có bệnh mãn tính tương đối cao 51,3%. Những bệnh mãn tính thường gặp: bệnh xương khớp (48,3%), tăng huyết áp (43%), rối loạn tiền đình (34,5%), đái tháo đường (19,5%) và COPD (16,8%). Trong vòng một tháng trước thời điểm điều tra NCT có bệnh, triệu chứng bệnh chiếm tỷ lệ khá cao 64%, chủ yếu là viêm họng (58,8%), tăng huyết áp (52%), đái tháo đường (11,3%), đặc biệt có 19 người cao tuổi mắc COVID-19 và một tỷ lệ nhỏ các bệnh/triệu chứng khác. Hành vi khám sức khoẻ định kỳ 3-6 tháng 1 lần của NCT chiếm tỷ lệ khiêm tốn khoảng 17,3%.

Bảng 3. Địa điểm khám chữa bệnh và lý do lựa chọn địa điểm khám chữa bệnh

Nội dung

n

%

Khám chữa bệnh khi bị ốm

Không khám chữa, hoặc tự điều trị

97

37,9

Khám chữa tại cơ sở y tế

159

62,1

TYT xã

84

52,8

Địa điểm khám chữa bệnh (n=159)

BVĐK Huyện

37

23,3

BVĐK tuyến tỉnh

10

6,3

BV Trung ương

21

13,2

PK, BV tư

7

4,4

Nơi đăng ký KCB ban đầu

98

61,6

Chi phí chấp nhận được

142

89,3

Gần nhà

138

86,8

Lý do lựa chọn

địa điểm khám chữa bệnh đó (n=159)

Con cháu lựa chọn

115

72,3

Không phải chờ đợi

78

49,1

CBYT chuyên môn tốt

121

76,1

Thái độ nhiệt tình

108

67,9

Cơ sở vật chất tốt

91

57,2

Lý do không khám, điều trị (n=97)

Thấy không nghiêm trọng/không cần thiết

97

100

Xa cơ sở y tế

15

15,5

Không có người đưa đi

38

39,2

Chi phí cao

49

50,5

Không có BHYT

25

25,8

Tự mua thuốc chữa được

72

74,2

Kết quả Bảng 3 cho thấy: Trong số NCT có bệnh/triệu chứng ốm đau trong một tháng trước thời điểm nghiên cứu thì tỷ lệ NCT đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế là 62,1%, vẫn còn tới 37,9% NCT không đi khám chữa bệnh mà tự điều trị. NCT chủ yếu lựa chọn khám ở cơ sở y tế công, phổ biến nhất là khám tại trạm y tế xã (52,8), sau đó là bệnh viện tuyến huyện với 23,3%, một tỷ lệ rất nhỏ chọn khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân 4,7%.

Bảng 4. Loại hình dịch vụ y tế mà NCT sử dụng và sự hài lòng đối với cơ sở y tế

Nội dung

n

%

Loại hình khám chữa bệnh (n=159)

Khám, điều trị ngoại trú

143

89,9

Điều trị nội trú

16

10,1

Hài lòng với cơ sở y tế

Hài lòng

129

81,1

Chưa thực sự hài lòng

30

18,9

Cơ sở vật chất chưa tốt

11

36,7

Chất lượng khám chữa bệnh hạn chế

8

26,7

Lý do chưa hài lòng (n=30)

Chi phí cao

19

63,3

Thuốc trong bảo hiểm không đủ

29

96,7

Thái độ phục vụ chưa tốt

5

16,7

Phải chờ đợi lâu

25

83,3

Kết quả Bảng 4 cho thấy: Một số ít NCT phải điều trị nội trú (10,9%), còn phần lớn là điều trị ngoại trú (89,9%). Trên 80% NCT hài lòng với dịch vụ y tế mà mình được cung cấp, còn một phần chưa thực sự hài lòng. Lý do khiến NCT chưa hài lòng phổ biến nhất là việc thuốc trong bảo hiểm nghèo nàn (96,7%), thời gian chờ đợi lâu (83,3%), chi phí khám, chữa bệnh còn cao (63,3%), và rải rác một số lý do khác như cơ sở vật chất, thái độ phục vụ còn chưa tốt.

Các yếu tố liên quan đến việc sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi

Bảng 5. Mối liên quan giữa một số yếu tố với việc sử dụng dịch vụ y tế của NCT

Không khám chữa tại CSYT (97)

Khám chữa bệnh tại CSYT (159)

χ2, p

n

%

n

%

Giới tính

Nam

63

50,8

61

49,2

p<0,05

Nữ

34

25,8

98

74,2

Tuổi

Trên 70

68

43,0

90

57,0

p<0,05

60-70

29

29,6

69

70,4

Dân tộc

Thiểu số

59

41,3

84

58,7

p>0,05

Kinh

38

33,6

75

66,4

THCS trở xuống

78

40,0

117

60,0

Trình độ học vấn

Từ THPT trở lên

19

31,1

42

68,9

p>0,05

Kinh tế

Nghèo, cận nghèo

15

46,9

17

53,1

p>0,05

Đủ ăn

82

36,6

142

63,4

Nguồn thu chủ yếu

Nguồn khác

78

32,9

159

67,1

p<0,05

Lương hưu

19

21,6

69

78,4

BHYT

Không có BHYT

25

58,1

18

41,9

p<0,05

Có BHYT

72

33,8

141

66,2

Khoảng cách từ nhà đến CSYT gần nhất

Trên 5km

45

50,6

44

49,4

Dưới 5km

52

31,1

115

68,9

p<0,05

Tình trạng gia đình

Sống riêng

30

53,6

26

46,4

p<0,05

Sống với con cái

67

34,0

130

66,0

Kết quả Bảng 5 cho thấy: Các yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) tới việc sử dụng dịch vụ y tế của NCT bao gồm: Giới tính, tuổi, bảo hiểm y tế, khoảng cách tới cơ sở y tế, mô hình sống chung hay sống riêng. Khi có bệnh, nữ đi khám nhiều hơn nam, tuổi càng cao thì sử dụng dịch vụ y tế càng nhiều, người có lương hưu có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế nhiểu hơn, người có bảo hiểm y tế sử dụng dịch vụ y tế nhiều hơn, sống cùng con cháu thì sử dụng dịch vụ y tế dễ hơn, khoảng cách đến cơ sở y tế gần thì việc sử dụng dịch vụ y tế cũng dễ dàng hơn.

BÀN LUẬN

Thực trạng sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi

Trong vòng 1 tháng trước thời điểm nghiên cứu tỷ lệ NCT bị ốm, đau chiếm tỷ lệ khá cao với 64%, tỷ lệ này trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn một chút so với nghiên cứu của Đàm Viết Cương (60%), cao hơn tương đối nhiều so với nghiên cứu của Đàm Thị Tuyết (48,96%) và một số nghiên cứu khác2,3,6.

NCT bị bệnh lựa chọn tự điều trị tương đối cao chiếm 37,9%, trong số này thì tất cả đều cho rằng bệnh nhẹ nên không cần thiết phải đi khám chữa, và một số cho rằng chi phí cao, không có bảo hiểm, khoảng cách cơ sở y tế lại xa không có người đưa đi, một phần cũng là do tâm lý ngại phiền con cháu của NCT.

NCT lựa chọn cơ sở y tế công để khám chữa bệnh chiếm tỷ lệ cao với trên 95%, chủ yếu là lựa chọn trạm y tế xã và bệnh viện huyện. Lý do lựa chọn cơ sở y tế được NCT chia sẻ chủ yếu là do đó là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, gần nhà, chi phí phải chăng, do con cháu lựa chọn, hoặc do chuyên môn cán bộ y tế tốt, không phải chờ đợi lâu. Những lý do này cũng tương đồng với các lý do lựa chọn cơ sở y tế trong một số nghiên cứu khác về chủ đề này2,3,6. Tuy nhiên, không phải tất cả NCT đều hài lòng với việc khám chữa bệnh, tỷ lệ chưa thực sự hài lòng chiếm 18,9%, chủ yếu do thuốc trong bảo hiểm không đủ, đặc biệt ở tuyến xã. Còn tuyến trên thì phải chờ đợi lâu, đôi khi thái độ phục vụ còn hạn chế.

Một số yếu tố liên quan đến việc sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi

Các yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê (p < 0,05) tới việc sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi bao gồm: Giới tính, tuổi, bảo hiểm y tế, khoảng cách tới cơ sở y tế, mô hình sống chung hay sống riêng. Các yếu tố liên quan trong nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đương với một số nghiên cứu khác, như nghiên cứu trên quy mô lớn của tác giả Giang Thanh Long trên 3324 NCT2,4,6. Điều này cũng cho thấy sự tương đồng trong tâm lý của NCT, các cụ bà thường quan tâm đến sức khoẻ nhiều hơn, và tuổi càng cao thì càng nhiều bệnh tật, nhu cầu chăm sóc y tế càng lớn. Và bảo hiểm y tế cho đối tượng NCT những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế nhiều hơn những nhóm tuổi khác là rất cần thiết. Thêm vào đó, nếu cơ sở y tế xa cũng là rào cản cho việc tiếp cận dịch vụ y tế của NCT, nhất là những NCT không sống chung hoặc sống gần với con cháu.

KẾT LUẬN

Thực trạng sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi: Tỷ lệ người cao tuổi bị ốm đến khám chữa tại cơ sở y tế là 62,1%. Trong đó lựa chọn khám chữa bệnh tại trạm y tế chiếm 52,8%, bệnh viện đa khoa tuyến huyện 23,3%, bệnh viện tuyến Trung ương 13,2%, bệnh viện tuyến tỉnh 6,3%, bệnh viện – phòng khám tư nhân 4,4%. Lý do lựa chọn cơ sở y tế để khám chữa bệnh: chi phí hợp lý (89,3%) và gần nhà (86,8%), ngoài ra còn do cán bộ y tế chuyên môn tốt (76,1%), thái độ nhiệt tình (67,9%) hay cơ sở vật chất tốt (57,2%), không phải chờ đợi (49,1%), do con cháu lựa chọn và đưa đi (72,3%).

Một số yếu tố liên quan đến việc sử dụng dịch vụ y tế của người cao tuổi: Tuổi, giới, nguồn thu nhập chủ yếu, tình trạng bảo hiểm y tế, khoảng cách từ nhà đến cơ sở y tế, và tình trạng sống riêng hay sống chung với con cái (p < 0,05).

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y Tế (2016), Đề án chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025.

2. Đàm Viết Cương và cộng sự (2007), Nghiên cứu đánh giá tình hình chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi Việt Nam.

3. Phạm Phương Liên và cộng sự (2015), “Sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh của người cao tuổi và một số yếu tố liên quan tại quận Hoàng Mai, Hà Nội năm 2015”. Tạp chí Y tế công cộng, tập 1 số 1/2017, tr 44-52.

4. Giang Thanh Long (2020), Người cao tuổi Việt Nam: Sức khoẻ, sử dụng dịch vụ y tế và các vấn đề chính sách, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.

5. Tổng cục thống kê (2020), Báo cáo tổng điều tra dân số và nhà ở 01/04/2019.

6. Đàm Thị Tuyết và cộng sự (2013), “Thực trạng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ của người cao tuổi tại xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên”, Tạp chí Y học thực hành (866) – số 4/2013, tr 52-55.

7. Uỷ ban quốc gia về người cao tuổi (2012), Báo cáo điều tra quốc gia về người cao tuổi VNAS.

8. UNFPA and HelpAge International (2012), Ageing in the Twenty-First Century – A Celebration and A Challenge.

Creative Commons License

công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-phi thương mại-NoDerivatives 4.0 License International .

Bản quyền (c) 2023 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược