Mục lục
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là một trong những bệnh phổ biến và là nguyên nhân từ vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển và đặt ra thách thức với hệ thống y tế những nước này. Tại Việt Nam, theo ước tính mỗi năm có khoảng 32 – 40 triệu lượt trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Hạn chế trong kiến thức, thái độ, thực hành dự phòng bệnh của bà mẹ là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh vẫn còn cao. Mục tiêu: 1) Đánh giá thực trạng kiến thức, thái độ và thực hành về phòng chống bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi ở một số xã huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên năm 2021. 2) Phân tích một số yếu tố liên quan đến thực hành phòng chống bệnh của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi ở một số xã huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên năm 2021. Phương pháp: Mô tả cắt ngang, chọn chủ đích 4 xã, tại mỗi xã chọn ngẫu nhiên theo hệ thống 100 bà mẹ. Kết quả: 70,5% bà mẹ có kiến thức tốt, 87,5% các bà mẹ có thái độ tốt và 78,0% các bà mẹ có hành vi tốt về phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Các yếu tố liên quan đến hành vi phòng chống bệnh gồm: Lứa tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình và số con trong gia đình. Kết luận: Tiếp tục tăng cường giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh. Chú trọng truyền thông cho các bà mẹ lớn tuổi, người dân tộc thiểu số, người có trình độ học vấn thấp, người có hoàn cảnh khó khăn và gia đình đông con.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo tổ chức Y tế thế giới, mỗi trẻ trung bình mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) từ 4-9 lần trong 1 năm, ước tính trên toàn cầu mỗi năm có khoảng 2 tỷ lượt trẻ mắc NKHHCT trong đó khoảng 40 triệu lượt là viêm phổi1. Ở Việt Nam, hiện nay mỗi năm có từ 32 đến 40 triệu lượt trẻ mắc NKHHCT, chiếm khoảng 39,75% ở tại cộng đồng và từ 22 đến 24 nghìn trẻ tử vong do viêm phổi3. Bệnh NKHHCT có thể có các biểu hiện bệnh ở các mức độ khác nhau. Mức độ nhẹ thì chăm sóc trẻ tại nhà, nếu nặng thì cần phải được điều trị tại cơ sở y tế, nếu không đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời, có thể sẽ dẫn đến tử vong. Các yếu tố nguy cơ như ô nhiễm môi trường, nhà ở chật trội, khói bếp, khói thuốc lá, trẻ đẻ thấp cân, suy dinh dưỡng, tiêu chảy, thay đổi khí hậu… nên trẻ mắc NKHHCT vẫn còn cao4-5 trong khi hành vi phòng chống bệnh NKHHCT của các bà mẹ và người chăm sóc trẻ còn chưa tốt3,8-10.
Đại Từ là một huyện thuộc tỉnh Thái Nguyên có khoảng 20.000 trẻ dưới 5 tuổi. Theo các báo cáo của Trung tâm y tế (TTYT) huyện và các Trạm y tế (TYT) xã công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em nói chung và phòng chống bệnh NKHHCT nói riêng tương đối tốt, tuy nhiên tỷ lệ trẻ em mắc bệnh NKHHC vẫn khá cao. Vậy kiến thức, thái độ, thực hành phòng chống bệnh NKHHC cho trẻ em dưới 5 tuổi của các bà mẹ trẻ ở Đại Từ hiện nay như thế nào? Yếu tố nào liên quan đến hành vi phòng chống bệnh của các bà mẹ hiện nay? Do vậy, nghiên cứu tiến hành với mục tiêu:
- Đánh giá thực trạng kiến thức thái độ thực hành về phòng chống bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi ở một số xã huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên năm 2021.
- Phân tích một số yếu tố liên quan đến thực hành phòng chống bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi ở một số xã huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu: Bà mẹ có con dưới 5 tuổi.
Tiêu chuẩn lựa chọn: Bà mẹ có con dưới 5 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại địa bàn nghiên cứu, đủ năng lực hành vi tham gia, đồng ý tham gia nghiên cứu.
Tiêu chuẩn loại trừ: Bà mẹ không có con dưới 5 tuổi, không có hộ khẩu thường trú tại địa bàn nghiên cứu hoặc không có mặt trong thời gian nghiên cứu, không đủ năng lực hành vi tham gia, không đồng ý tham gia nghiên cứu
Địa điểm nghiên cứu: 4 xã miền núi huyện Đại Từ: Cù Vân, Hà Thượng, Bản Ngoại và Hùng Sơn.
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang.
Phương pháp chọn mẫu
Cỡ mẫu: Cỡ mẫu cho nghiên cứu mô tả được tính theo công thức:
Trong đó:
n: cỡ mẫu điều tra
Z (1-α/2): độ tin cậy đạt ở ngưỡng xác suất 5%, với (Z (1-α/2)
=1,96).
P: tỷ lệ bà mẹ có thực hành chưa tốt về phòng chống NKHHC là 56,4% - theo nghiên cứu của Bùi Đức Dương6; d là 0,05.
Thay vào công thức tính được cỡ mẫu tối thiểu là 378 bà mẹ. Thực tế điều tra 400 bà mẹ.
Kỹ thuật chọn mẫu:
Chọn xã: Chủ đích 4 xã miền núi.
Chọn đối tượng: Mỗi xã chọn ngẫu nhiên 100 bà mẹ theo ngẫu nhiên hệ thống với khoảng cách mẫu k theo số lượng bà mẹ tương ứng của từng xã.
Biến số nghiên cứu
Nhóm chỉ số đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu: Giới, tuổi, dân tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế…
Nhóm chỉ số kiến thức, thái độ và thực hành về phòng chống NKHHC.
Đánh giá kiến thức: Tốt: ≥70% Chưa tốt : <70%
Đánh giá thái độ: Tốt : ≥ 70% Chưa tốt : < 70%
Kỹ thuật thu thập số liệu: Phỏng vấn trực tiếp đối tượng kết hợp quan sát.
Xử lý số liệu: Thống kê y học. Sử dụng test 2, xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0.
Đạo đức trong nghiên cứu: Nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Bảng 1. Thông tin chung của đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm | n | % | |
<25 | 48 | 12,0 | |
Tuổi | 25-34 | 272 | 68,0 |
≥35 | 80 | 20,0 | |
Kinh | 280 | 70,0 | |
Dân tộc | |||
DTTS | 120 | 30,0 | |
Tiểu học trở xuống | 12 | 3,0 | |
Trình độ học vấn | Trung học cơ sở | 60 | 15,0 |
THPT trở lên | 328 | 82,0 | |
Làm ruộng | 160 | 40,0 | |
Nghề nghiệp | Cán bộ nhà nước | 64 | 16,0 |
Khác | 176 | 44,0 | |
Nghèo | 8 | 2,0 | |
Điều kiện kinh tế | Cận nghèo | 12 | 3,0 |
Đủ ăn | 380 | 95,0 | |
≤2 | 304 | 76,0 | |
Số con | |||
>2 | 96 | 24,0 | |
Phương tiện truyền thông | Có | 400 | 100,0 |
Không | 0 | 0,0 |
Kết quả Bảng 1 cho thấy: Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu ở độ tuổi 25-34 (68,0%), trình độ học vấn từ THPT trở lên (82,0%), nghề làm ruộng (40%), kinh tế đủ ăn (95,0%), 2 con (76,0%) và có phương tiện truyền thông (100%).
Bảng 2. Kiến thức phòng chống NKHHC của bà mẹ có con dưới 5 tuổi
Kiến thức | n | % |
Biết ít nhất một nguyên nhân gây ra bệnh NKHHC | 320 | 80,0 |
Biết về thời gian thường gặp bệnh NKHHC trong năm | 332 | 83,0 |
Biết ít nhất 3 yếu tố làm trẻ dễ mắc bệnh NKHHC | 112 | 28,0 |
Biết ít nhất 2 cơ quan bệnh khi NKHHC | 224 | 56,0 |
Đã biết về đường lây truyền của bệnh NKHHC | 354 | 88,5 |
Biết ít nhất 3 biểu hiện có thể có khi bị NKHHHC | 245 | 61,3 |
Biết về khả năng bị lại của bệnh NKHHHC | 279 | 59,8 |
Biết ít nhất 3 biểu hiện cần lập tức đưa trẻ đến viện | 287 | 71,8 |
Biết ít nhất 3 cách phòng bệnh NKHHC | 221 | 55,3 |
Biết ít nhất 2 cách hạ sốt | 312 | 78,0 |
Kiến thức tốt về phòng chống bệnh NKHHC | 282 | 70,5 |
Kiến thức chung | ||
Kiến thức chưa tốt về phòng chống NKHHC | 118 | 29,5 |
Tổng cộng | 400 | 100,0 |
Kết quả Bảng 2 cho thấy: Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức tốt về phòng chống bệnh NKHHC khá cao (70,5%), tốt nhất là kiến thức về đường lây truyền của bệnh NKHHC (88,5%), tiếp theo là biết về thời gian thường gặp bệnh NKHHC trong năm (83,0%), thấp nhất là biết từ 3 yếu tố làm trẻ dễ mắc bệnh NKHHC (28,0%) trở lên, biết ít nhất 3 cách phòng bệnh NKHHC (55,3%) trở lên.
Bảng 3. Thái độ phòng chống NKHHC của bà mẹ có con dưới 5 tuổi
Thái độ | n | % |
Thái độ đúng về mức độ nguy hiểm của bệnh NKHHCTC | 330 | 82,5 |
Thái độ đúng về việc cần thiết giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh | 345 | 86,3 |
Thái độ đúng về việc dùng bếp than, củi trong nhà để sưởi ấm cho trẻ về mùa đông | 280 | 70,0 |
Thái độ đúng về việc theo dõi nhịp thở trong phòng chống NKHHC của trẻ | 287 | 71,8 |
Thái độ đúng về cách ly trẻ với nguồn lây bệnh | 385 | 96,3 |
Thái độ đúng về việc đưa trẻ đi khám sớm khi có biểu hiện của bệnh khi có các biểu hiện của NKHHCT | 342 | 85,5 |
Thái độ đúng về việc vệ sinh mũi họng tại chỗ bằng nhỏ thuốc cho trẻ bị bệnh NKHHC | 344 | 86,0 |
Thái độ đúng về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ khi bị bệnh NKHHC | 321 | 80,3 |
Thái độ đúng về việc đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch | 380 | 95,0 |
Thái độ đúng về việc tham gia buổi truyền thông về PC NKHHC | 360 | 90,0 |
Thái độ đúng về việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu | 278 | 69,5 |
Thái độ tốt về phòng chống NKHHC | 350 | 87,5 |
Thái độ chung | ||
Thái độ chưa tốt về phòng chống NKHHC | 50 | 12,5 |
Tổng cộng | 400 | 100,0 |
Kết quả Bảng 3 cho thấy: Qua khảo sát về thái độ của các bà mẹ về phòng chống bệnh NKHHC ở trẻ dưới 5 tuổi cho thấy tỷ lệ các bà mẹ đều có thái độ tốt đối với việc phòng chống bệnh NKHHC khá cao (87,5%), cao nhất là thái độ đúng về cách ly trẻ với nguồn lây bệnh (96,3%), tiếp là thái độ đúng về việc đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch (95,0%). Yếu nhất là thái độ đúng về việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (69,5%).
Bảng 4. Thực hành phòng chống NKHHC của bà mẹ có con dưới 5 tuổi
Nội dung | n | % |
Đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch | 390 | 97,5 |
Đưa con đi uống vitamin A theo lịch 6 tháng/ lần | 398 | 99,5 |
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng sau khi sinh | 268 | 67,0 |
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ | 330 | 82,5 |
Không sử dụng bếp than/củi để sưởi ấm trong nhà vào mùa đông | 365 | 91,3 |
Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh | 387 | 96,8 |
Vệ sinh mũi họng cho trẻ tại chỗ bằng cách nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý | 221 | 55,3 |
Tránh cho trẻ tiếp xúc khói thuốc lá/thuốc lào | 222 | 55,5 |
Xử trí đúng khi trẻ có các biểu hiện bệnh NKHHC | 211 | 52,8 |
Tự mua và sử dụng kháng sinh khi trẻ có các biểu hiện NKHHC | 211 | 52,8 |
Cho trẻ ăn tăng cường dinh dưỡng khi trẻ bị bệnh NKHHC | 378 | 94,5 |
Thực hành phòng chống NKHHC tốt | 312 | 78,0 |
Thực hành chung | Thực hành phòng chống NKHHC chưa tốt | 88 | 22,0 |
Tổng cộng | 400 | 100,0 |
Kết quả Bảng 4 cho thấy: Thực hành phòng chống NKHHCT của bà mẹ có con dưới 5 tuổi khá tốt (78,0%), tốt nhất là đưa con đi uống vitamin A theo lịch 6 tháng/ lần (99,5%), tiếp theo đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch (97,5%). Hành vi yếu nhất là tự mua và sử dụng kháng sinh khi trẻ có các biểu hiện NKHHC và xử trí đúng khi trẻ có các biểu hiện bệnh NKHHC (52,8%).
Bảng 5. Mối liên quan giữa các yếu tố nhân khẩu học với thực hành của bà mẹ trong việc phòng chống NKHHC ở trẻ em dưới 5 tuổi
Hành vi | |||||||
Chưa tốt | Tốt | Tổng số | p | ||||
n | % | n | % | ||||
Tuổi | < 25 | 30 | 62,5 | 18 | 37,5 | 48 | <0,05 |
≥25 | 58 | 16,5 | 294 | 83,5 | 352 | ||
Dân tộc | Thiểu số | 49 | 40,8 | 71 | 59,2 | 120 | <0,05 |
Kinh | 39 | 13,9 | 241 | 86,1 | 280 | ||
Trình độ học vấn | ≤THCS | 58 | 80,5 | 14 | 19,5 | 72 | <0,05 |
≥THPT | 30 | 9,1 | 298 | 90,9 | 328 | ||
Nghề nghiệp | Làm ruộng | 75 | 46,9 | 85 | 53,1 | 160 | <0,05 |
Khác | 13 | 5,4 | 227 | 94,6 | 240 | ||
Điều kiện kinh tế | Hộ nghèo, cận nghèo | 15 | 75,0 | 5 | 25,0 | 20 | <0,05 |
Hộ đủ ăn | 73 | 19,2 | 307 | 80,8 | 380 | ||
Số con | >2 | 64 | 66,7 | 32 | 33,3 | 96 | <0,05 |
≤2 | 24 | 7,9 | 280 | 92,1 | 304 | ||
Tổng số | 88 | 22,0 | 312 | 78,0 | 400 |
Kết quả Bảng 5 cho thấy: Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa lứa tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình và số con trong gia đình của các bà mẹ với hành vi phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở trẻ em dưới 5 tuổi (p<0,05).
Bảng 6. Mối liên quan giữa kiến thức và thái độ của bà mẹ về NKHHCT với thực hành phòng chống bệnh
Chưa tốt | Tốt | Tổng số | P | ||||
n | % | n | % | ||||
Kiến thức | Chưa tốt | 10 | 55,6 | 8 | 44,4 | 18 | <0,05 |
Tốt | 78 | 27,7 | 69 | 72,3 | 282 | ||
Thái độ | Chưa tốt | 30 | 60,0 | 20 | 40,0 | 50 | <0,05 |
Tốt | 58 | 16,6 | 292 | 83,4 | 350 | ||
Tổng số | 88 | 22,0 | 312 | 78,0 | 400 |
Kết quả Bảng 6 cho thấy: Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa kiến thức, thái độ của các bà mẹ với hành vi phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở trẻ em của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi (p<0,05).
BÀN LUẬN
70,5% bà mẹ có kiến thức tốt về phòng chống bệnh NKHHC, tốt nhất là kiến thức về đường lây truyền của bệnh NKHHC (88,5%) và một tỷ lệ cao (83%) biết thời gian mà trẻ thường mắc bệnh trong năm. Những kiến thức này có lẽ do bà mẹ đã từng có kinh nghiệm nên tỷ lệ biết đạt cao. Tỷ lệ bà mẹ biết ít nhất 3 yếu tố làm trẻ dễ mắc bệnh NKHHC tương đối thấp chỉ đạt 28,0%, điều này có thể là do những thông tin bà mẹ nhận được về khía cạnh này còn hạn chế. Kiến thức tốt trong nghiên cứu của chúng tôi cũng cao hơn nhiều so với nghiên cứu của Đàm Thị Tuyết (23,4% kiến thức tốt), có lẽ do chúng tôi nghiên cứu trên nhóm phụ nữ nói chung có đặc thù dân tộc hơi khác so với trong nghiên cứu của Đàm Thị Tuyết chỉ tiến hành trên nhóm bà mẹ dân tộc thiểu số (DTTS)11.
87,5% các bà mẹ đều có thái độ tốt đối với việc phòng chống bệnh NKHHC khá cao, cao nhất là thái độ về cách ly trẻ với nguồn lây bệnh (96,3%), tiếp là việc đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch (95,0%). Yếu nhất là thái độ về việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (mới đạt 69,5%). Trên thực tế, chúng ta cũng thấy rằng chế độ cho bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu của bà mẹ còn hạn chế, một phần có thể là do hiểu biết còn hạn chế, cũng như tác động từ những yếu tố khác như điều kiện sống, sinh hoạt…
78,0% các bà mẹ có hành vi tốt về phòng chống NKHHC, tốt nhất là đưa con đi uống vitamin A theo lịch 6 tháng/ lần (99,5%), tiếp theo đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch (97,5%). Hành vi yếu nhất là tự mua và sử dụng kháng sinh khi trẻ có các biểu hiện NKHHC và xử trí đúng khi trẻ có các biểu hiện bệnh NKHHC (52,8%). Kết quả này cho thấy thực trạng chung của các bà mẹ hiện nay đó là hành vi tự ý mua và sử dụng kháng sinh bừa bãi rất phổ biến trong cộng đồng, dẫn đến việc ngày càng có nhiều trường hợp trẻ kháng kháng sinh, gây khó khăn rất nhiều trong quá trình điều trị NKHHC nói riêng và các bệnh có sử dụng kháng sinh nói chung cho trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ thực hành phòng chống NKHHC tốt của chúng tôi trong nghiên cứu này cũng cao hơn nhiều so với nghiên cứu của Bùi Đức Dương (43,6% thực hành phòng bệnh tốt)5 và nghiên cứu của Nguyễn Thị Thuỳ Hương8. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với các kết quả nghiên cứu về hành vi phòng chống bệnh NKHHC của các bà mẹ của các tác giả như Nguyễn Thị Thuỳ Hương, Dương Hồng Danh, Bùi Thanh Nghị ở một số địa phương khác4,8,10.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa lứa tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình và số con trong gia đình của các bà mẹ với hành vi phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở trẻ em dưới 5 tuổi (p<0,05). Các bà mẹ có hành vi tốt hơn các bà mẹ lớn tuổi hay các bà mẹ người Kinh thường có hành vi tốt hơn các bà mẹ người DTTS, hay các bà mẹ là cán bộ viên chức nhà nước thường có hành vi tốt hơn các bà mẹ nghề làm ruộng, hay các bà mẹ ở các gia đình có điều kiện kinh tế tốt thì có hành vi tốt hơn các bà mẹ trong các gia đình nghèo, cận nghèo, hay các bà mẹ ít con có hành vi tốt hơn các bà mẹ đông con. Như vậy, từ kết quả nghiên cứu chúng ta có thể thấy những yếu tố nhân khẩu học tác động không nhỏ đến thực hành phòng chống bệnh của đối tượng. Kết quả này của chúng tôi cũng tương đồng với nghiên cứu của Lý Văn Cảnh(2006)3.
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa kiến thức, thái độ của các bà mẹ với hành vi phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở trẻ em của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi (p<0,05). Tức là các bà mẹ có kiến thức tốt thì có hành vi tốt hơn các bà mẹ có kiến thức chưa tốt và các bà mẹ có thái độ tốt thì có hành vi tốt hơn các bà mẹ có kiến thức chưa tốt.
Về lý luận hành vi của con người chịu tác động bởi yếu tố bên trong như kiến thức thái độ hay bên ngoài như các điều kiện thực hiện hành vi3,7. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng nằm trong qui luật đó. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với các kết quả nghiên cứu về hành vi phòng chống bệnh NKHHC của các bà mẹ của các tác giả như Nguyễn Thị Thuỳ Hương , Dương Hồng Danh ở một số địa phương khác4,8.
KẾT LUẬN
70,5% bà mẹ có kiến thức tốt; 87,5% các bà mẹ đều có thái độ tốt và 78,0% các bà mẹ có hành vi tốt về phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
Các yếu tố liên quan đến hành vi phòng chống bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi ở một số xã huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên đó là lứa tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình và số con trong gia đình của các bà mẹ và kiến thức, thái độ về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính với hành vi phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp ở trẻ em dưới 5 tuổi (p<0,05).
KHUYẾN NGHỊ
Tiếp tục tăng cường giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cho các bà mẹ và người chăm sóc trẻ. Chú trọng truyền thông và các bà mẹ lớn tuổi, người dân tộc thiểu số, người có trình độ học vấn thấp, người có hoàn cảnh khó khăn và gia đình đông con.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ y tế (2002),"Quyết định số 35/2001/QĐ-TTG ngày 19/3/2001 của Thủ tường Chính phủ về việc phê duyệt "Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001- 2010", các chính sách và giải pháp thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, Nhà xuất bản y học Hà Nội.
2. Bộ Y Tế (2003), Xử trí nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em ở bệnh viện huyện, Hà Nội.
3. Lý Văn Cảnh (2006),"Huy động cộng đồng truyền thông - giáo dục sức khỏe một số nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân xã Tân Long - huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên ", Luận văn thạc sỹ y học p. 9 - 10, 46 - 47.
4. Dương Hồng Danh "Khảo sát kiến thức của bà mẹ có con dưới 5 tuổi về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và một số yếu tố liên quan đến kiến thức tại huyện long thành, tỉnh Đồng Nai năm 2018 - 2019". Tạp chí Y học thực hành, số 9, năm 2021.
5. Bùi Đức Dương (2007) "Nghiên cứu kiến thức và thực hành về sự phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của bà mẹ có con dưới 5 tuổi", Tạp chí Y học thực hành, số 4, năm 2007.
6. Hà Nguyễn Thanh Hà (2002). Nguy cơ dinh dưỡng liên quan đến nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em dưới một tuổi và một số giải pháp can thiệp, Luận án tiến sỹ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
7. Đàm Khải Hoàn (2006), Giáo trình truyền thông giáo dục sức khỏe, Nhà xuất bản y học Hà Nội.
8. Nguyễn Thị Thuỳ Hương (2012),"Kiến thức, thái độ, thực hành phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp của bà mẹ có con dưới 5 tuổi nhập viện tại khoa nhi bệnh viện Ninh Phước, Ninh Thuận", Tạp chí y học thành phố Hồ Chí Minh, tập 16, số 3, 2012.
9. Nguyễn Hữu Kỳ (2003),"Nghiên cứu tình hình và một số yếu tố nguy cơ chủ yếu đến nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ dưới 5 tuổi.", Tạp chí Y hoc Việt Nam 2(281), p. 11-15, Hà Nội.
10. Bùi Thanh Nghị (2009), "Đánh giá kiến thức các bà mẹ có con dưới 5 tuổi về bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính tại huyện Việt Yên - tỉnh Bắc Giang ", Tạp chí Y học thực hành, 646 + 647 p. 113
11. -119, Hà Nội.
12. Đàm Thị Tuyết (2010), Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ và hiệu quả can thiệp đối với nhiễm khuẩn hô hấp dưới cấp tính của trẻ em từ 0 đến 5 tuổi tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, Luận án Tiến sỹ y học, Trường đại học Y Dược Thái Nguyên.

công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-phi thương mại-NoDerivatives 4.0 License International . p>
Bản quyền (c) 2023 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược