Mục lục
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận. Tăng huyết áp có thể dự phòng được khi người bệnh kiểm soát được các yếu tố nguy cơ. Nghiên cứu được thực hiện tại tỉnh Tuyên Quang, trên nhóm đối tượng từ 40 trở lên. Mục tiêu: Đánh giá thực trạng kiến thức thái độ thực hành phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng nguy cơ tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2020 và phân tích một số yếu tố liên quan. Phương pháp: Đối tượng là người 40 tuổi trở lên, thiết kế mô tả cắt ngang cỡ mẫu 1500. Kết quả: Hành vi phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng nguy cơ tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2021 có 48,9% đối tượng có hành vi dự phòng tăng huyết áp tốt. Một số yếu tố liên quan đó là: Giới, nhóm tuổi ≥ 60, người có đo huyết áp trong 1 tháng và kiến thức, thái độ của đối tượng nguy cơ. Kết luận: Hành vi phòng chống tăng huyết áp của cộng đồng chưa tốt. Cần tăng cường truyền thông – giáo dục sức khoẻ cho các đối tượng nguy cơ.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Tổ chức Y tế thế giới hiện nay khoảng ¼ dân số thế giới đang đối mặt với gánh nặng tăng huyết áp (THA), các biến chứng thường gặp hàng đầu là tai biến mạch máu não ngoài ra còn có suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim... Vì thế còn gọi THA là “kẻ giết người thầm lặng”1. Ở Việt Nam theo thống kê của Bộ Y tế tỷ lệ THA hiện nay khoảng 20%. Như vậy, với dân số theo kết quả tổng điều tra 2019 ước tính 100 triệu sẽ có khoảng 8 triệu người bị THA, nếu không có các biện pháp dự phòng hữu hiệu thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 10 triệu người bị THA. Theo Viện Tim mạch Việt Nam có các yếu tố nguy cơ THA như tuổi, giới, chỉ số khối cơ thể tăng, béo bụng, chỉ số vòng bụng/vòng mông tăng, rối loạn đường máu, rối loạn mỡ máu, uống nhiều rượu, tiền sử gia đình huyết thống trực hệ có người THA2. Trong khi tỷ lệ người dân hiểu biết đúng tất cả các yếu tố nguy cơ THA chỉ có 23% và người ta cho rằng yếu tố hành vi phòng chống THA là hết sức quan trọng3.
Tại Tuyên Quang, kết quả nghiên cứu tại một số cộng đồng của Nguyễn Thị Hà ở Yên Sơn, Bùi Thị Hoàn ở Na Hang (2014) cho thấy tỷ lệ THA khá cao và tỷ lệ người dân có hành vi tốt trong phòng chống THA còn khá thấp4,5. Vậy thực trạng hành vi phòng chống THA của các đối tượng nguy cơ hiện nay ở Tuyên Quang ra sao? Yếu tố nào liên quan đến hành vi phòng chống THA? …Xuất phát từ các giả thuyết và câu hỏi nghiên cứu trên chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài này với các mục tiêu sau:
1. Đánh giá thực trạng kiến thức thái độ thực hành phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng 40 tuổi trở lên tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2020.
2. Phân tích một số yếu tố liên quan thực hành phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng nghiên cứu tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên.
Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2021.
Địa điểm nghiên cứu: Tại 5 huyện 10 xã của tỉnh Tuyên Quang.
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả diện điều tra cắt ngang.
Cỡ mẫu và kỹ thuật chọn mẫu
Cỡ mẫu: Áp dụng công thức tính cỡ mẫu cho một tỷ lệ
Trong đó:
- n: cỡ mẫu tối thiểu.
- Z2(1 - α/2): Với độ tin cậy 95% thì Z2(1 - α/2)= 1,96.
- p = 0,18 là tỷ lệ THA ở người cao tuổi từ nghiên cứu của Lại Đức Trường – Văn phòng WHO Việt Nam6).
- d: Độ chính xác mong muốn, chọn d = 0,02.
Thay vào công thức tính được: n = 1.417 làm tròn là 1.500.
Kỹ thuật chọn mẫu: Chọn 5 huyện thành phố đó là thành phố Tuyên Quang, các huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa và huyện Na Hang là chọn chủ đích vì đại diện cho các vùng của tỉnh Tuyên Quang. Chọn xã: Mỗi huyện thành phố chọn ngẫu nhiên 2 xã/phường. Chọn người trưởng thành (≥40 tuổi) ở 1 xã, đây chính là đơn vị mẫu theo khuyến cáo của WHO, chọn theo khoảng cách mẫu dựa trên danh sách các đối tượng ở xã.
Các chỉ số và biến số nghiên cứu
Hành vi về phòng chống THA:
- Kiến thức về phòng chống THA: Tốt, Chưa tốt
- Thái độ về về phòng chống THA: Tốt, Chưa tốt
- Thực hành về phòng chống THA: Tốt, Chưa tốt
Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi phòng chống THA: Yếu tố về bản thân (Tuổi, giới, nghề nghiệp, trịnh độ học vấn…), yếu tố kiến thức, thái độ về phòng chống THA của đối tượng và nguồn truyền thông.
Phương pháp thu thập và xử lý số liệu
- Phương pháp thu thập số liệu: Phỏng vấn các đối tượng tại hộ gia đình theo phiếu điều tra KAP. Phỏng vấn trực tiếp kết hợp quan sát để thu thông tin.
- Thông kê y học theo chương trình SPSS 16.0.
Đạo đức nghiên cứu Nghiên cứu chỉ tiến hành khi được phép của Hội đồng khoa học của UBND tỉnh Tuyên Quang và được Sở Y tế tỉnh cho phép thực hiện nghiên cứu.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Hành vi của đối tượng nghiên cứu
Bảng 1. Kiến thức thái độ chung về phòng chống THA của các đối tượng (n=1500)
Kiến thức, thái độ | n | % |
Kiến thức tốt | 420 | 28,0 |
Kiến thức chưa tốt | 1.080 | 72,0 |
Thái độ tốt | 1.252 | 83,5 |
Thái độ chưa tốt | 248 | 16,7 |
Kết quả Bảng 1 cho thấy: Nhìn chung kiến thức của các đối tượng chưa tốt, còn thái độ thì khá hơn.
Bảng 2. Hành vi về dự phòng THA
Thực hành tốt | n | % |
Đo HA định kỳ | 809 | 53,9 |
Không uống rượu, bia | 1.336 | 89,1 |
Không hút thuốc lá, thuốc lào | 1.415 | 94,3 |
Vận động thường xuyên | 609 | 40,6 |
Thường xuyên dùng dầu ăn | 364 | 24,3 |
Không dùng nhiều nước mắm, muối, gia vị, xì dầu... | 1.182 | 78,8 |
Hành vi tốt | 733 | 48,9 |
Hành vi chưa tốt | 767 | 51,1 |
Kết quả Bảng 2 cho thấy: Có 48,9% đối tượng thực hành dự phòng THA tốt, tốt nhất là hành vi không hút thuốc (94,3%), tiếp theo là không uống rượu bia (89,1%). Yếu nhất là hành vi dùng dầu ăn (24,3%), 1 tháng qua có được đo HA (53,9%).
Các yếu tố liên quan đến hành vi phòng chống tăng huyết áp
Bảng 3. Mối liên quan giữa đặc điểm cá nhân tới hành vi phòng chống THA
HA Chỉ số | Biến số | Hành vi tốt | Hành vi chưa tốt | OR (CI95%) | p | ||
n | % | n | % | ||||
Nhóm tuổi | ≥60 | 384 | 57,3 | 259 | 42,7 | OR=1,773 (1.439-2,184) | <0,05 |
<60 | 385 | 43,1 | 508 | 56,6 | |||
Giới | Nữ | 534 | 54,4 | 447 | 45,6 | OR= 1,921 (1,546-2.387) | <0,05 |
Nam | 199 | 38,3 | 320 | 61,7 | |||
Nghề nghiệp | Làm ruộng | 444 | 46,3 | 515 | 53,7 | OR=0,752 (0,609-0,929) | <0,05 |
Khác | 289 | 53,4 | 252 | 46,6 | |||
Học vấn | ≥THPT | 330 | 55,7 | 262 | 44,3 | OR=1,578 (1,281-1,944) | <0,05 |
≤THCS | 403 | 44,4 | 505 | 55,6 | |||
Kinh tế gia đình | Nghèo, Cận nghèo | 49 | 45,6 | 59 | 54,6 | OR=0,861 (0,581-1,284) | >0,05 |
Đủ ăn | 683 | 49,1 | 708 | 50,9 |
Kết quả Bảng 3 cho thấy: Các yếu tố như nhóm tuổi, giới, nghề nghiệp và trình độ học vấn liên quan chặt chẽ đến hành vi dự phòng THA (p<0,05).
Bảng 4. Mối liên quan kiến thức, thái độ với hành vi phòng chống THA
HA Chỉ số | Biến số | Hành vi tốt | Hành vi chưa tốt | OR (CI95%) | p | ||
n | % | n | % | ||||
Kiến thức | Tốt | 295 | 70,2 | 125 | 29,8 | OR=3,459 (2,716-4,406) | <0,05 |
Chưa tốt | 438 | 10,6 | 642 | 59,4 | |||
Thái độ | Tốt | 642 | 51,2 | 610 | 28,8 | OR= 2,219 (1,927-2,602) | <0,05 |
Chưa tốt | 91 | 36,7 | 157 | 53,3 |
Kết quả Bảng 4 cho thấy:
- Về kiến thức dự phòng THA: Có mối liên quan giữa kiến thức với thực hành. Người có kiến thức tốt thì thực hành dự phòng THA tốt cao hơn hơn người có kiến thức không tốt (OR=3,459 (2,716-4,406), p<0,05).
- Về thái độ dự phòng THA: Có mối liên quan giữa thái độ với thực hành (p<0,05).
Bảng 5. Mối liên quan giữa nguồn truyền thông với hành vi phòng chống THA
HA Chỉ số | Biến số | Hành vi tốt | Hành vi chưa tốt | OR (CI95%) | p | ||
n | % | n | % | ||||
Nguồn TT | CBYT | 195 | 70,4 | 82 | 29,6 | OR=3,025 (2,285-4,013) | <0,05 |
Nguồn TT khác | 538 | 44,0 | 685 | 56,0 |
Kết quả Bảng 5 cho thấy: Những người được cán bộ y tế truyền thông thì thực hành dự phòng THA tốt cao hơn so với những người tiếp cận các nguồn truyền thông khác (OR=3,025 (2,285-4,013), p< 0,05).
BÀN LUẬN
Thực trạng kiến thức thái độ thực hành phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng nguy cơ tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2021
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mới có 28% đối tượng nghiên cứu có kiến thức tốt về phòng chống THA, tốt nhất là biết những biện pháp giúp phát hiện THA (74,1%), tiếp đến là biết yếu tố làm cho dễ bị THA (66,1%), yếu nhất là biết các biến chứng hay gặp của THA (3,9%), biết biểu hiện THA (7,1%). So với kết quả nghiên cứu của Chu Hồng Thắng ở Thái Nguyên 2015 cho thấy kiến thức của người Nùng trưởng thành về phòng chống THA còn thấp (21,1%)7 thấp hơn kiến thức người dân Tuyên Quang trong nghiên cứu của chúng tôi (28%). Kết quả nghiên cứu cho thấy các đối tượng tham gia nghiên cứu có thái độ tốt dự phòng THA khá cao chiếm tỷ lệ 83,5%, trong đó tốt nhất là thái độ về đột quỵ (83,9%), về kiểm tra HA (82,9%)... Yếu nhất lại là thái độ về quan tâm thường xuyên đến THA của cá nhân (55,4%). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn kết quả thái độ chung của người Nùng về phòng chống THA của Chu Hồng Thắng: Tỷ lệ người Nùng có thái độ tốt còn thấp (47%)7. Kết quả của chúng tôi cao hơn vì đối tượng của chúng tôi có nhiều dân tộc trong đó có nhiều người kinh và là nghiên cứu sau 6 năm (2021), khi đời sống kinh tế văn hoá xã hội của nhân dân đã thay đổi tốt lên nhiều so với 2015.
Kết quả nghiên cứu cho thấy mới có 48,9% đối tượng có hành vi dự phòng THA tốt, tốt nhất là hành vi không hút thuốc (94,3%), tiếp theo là không uống rượu bia (89,1%). Yếu nhất là hành vi dùng dầu ăn (24,3%), 1 tháng qua có được đo HA (53,9%). Còn theo Nguyễn Duy Phong có tới 13% bệnh nhân THA cho rằng hút thuốc lá không ảnh hưởng tới tim mạch và 22% bệnh nhân không biết rằng hút thuốc là ảnh hưởng tới tim mạch. Tỷ lệ bệnh nhân cho rằng ăn mặn không ảnh hưởng tới huyết áp chiếm 11,5% và có 29,5% bệnh nhân không biết rằng ăn mặn liên quan đến huyết áp. Có 28% bệnh nhân cho rằng uống rượu bia không ảnh hưởng hoặc không biết uống rượu bia ảnh hưởng đến huyết áp. Bên cạnh đó, kiến thức về điều trị THA của bệnh nhân còn hạn chế: Chỉ có 36% bệnh nhân cho rằng THA cần điều trị thường xuyên, còn 38,5% bệnh nhân cho rằng THA không cần điều trị thường xuyên và 25,5% bệnh nhân không biết về vấn đề này8. Như vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi đều cao hơn các nghiên cứu của các tác giả trên có lẽ do địa bàn tiến hành nghiên cứu của chúng tôi còn nghèo nàn, người dân ít được thăm khám sức khoẻ định kỳ và công tác truyền thông giáo dục ở nơi đây cũng chưa thực hiện tốt.
Một số yếu tố liên quan thực hành phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng nguy cơ tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang hiện nay
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nhóm tuổi từ 60 tuổi trở lên thực hành dự phòng THA tốt cao hơn nhóm tuổi dưới 60 tuổi với OR=1,773 (1,439-2,184), p<0,05.
Giới nữ có thực hành dự phòng THA tốt cao hơn so với nam giới rõ rệt với OR=1,921 (1,546-2,387), p<0,05.
Các đối tượng tham gia nghiên cứu làm ruộng thực hành dự phòng THA tốt thấp hơn so với các đối tượng khác với OR=0,752 (0,609-0,929), p<0,05.
Những người có học vấn từ THPT trở lên dự phòng THA tốt cao hơn so với những người có trình độ học vấn từ THCS, và tiểu học với OR=1,578 (1,281-1,944), p<0,05.
- Về kiến thức dự phòng THA: Có mối liên quan giữa kiến thức với thực hành. Người có kiến thức tốt thì hành vi dự phòng THA tốt cao hơn hơn người có kiến thức không tốt (OR=3,459 (2,716-4,406), p<0,05).
- Về thái độ dự phòng THA: Có mối liên quan giữa thái độ với thực hành (p>0,05). Người có thái độ tốt thì hành vi dự phòng THA tốt cao hơn hơn người có thái độ không tốt (OR= 2,219 (1,927-2,602), p<0,05).
- Những người được cán bộ y tế truyền thông thì thực hành dự phòng THA tốt cao hơn so với những người tiếp cận các nguồn truyền thông khác (OR=3,025 (2,285-4,013), p< 0,05).
Năm 2002, Phạm Gia Khải và cộng sự điều tra 5.012 người từ tuổi 25 trở lên ở 4 tỉnh miền Bắc (Nghệ An, Thái Bình, Thái Nguyên, Hà Nội) có 23% số người biết đúng yếu tố nguy cơ của THA. Trong 818 người THA chỉ có 94 người dùng thuốc và tỷ lệ khống chế là 19,1%3. Theo một điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch Việt Nam tại 8 tỉnh, thành phố cho thấy: Tỷ lệ THA của những người dân từ 25 tuổi trở lên là 25,1%, nghĩa là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người bị THA. Trong đó có 52% không biết mình bị THA, 30% số người biết bị THA nhưng không điều trị, 64% số người biết bị THA đã được điều trị nhưng không đạt huyết áp mục tiêu3. Kết quả của chúng tôi tốt hơn vì nghiên cứu của chúng tôi mới 2021 còn của các tác giả trên đã từ lâu (2002).
KẾT LUẬN
Thực trạng hành vi phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng nguy cơ tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2021 như sau: 48,9% đối tượng có hành vi dự phòng tăng huyết áp tốt, tốt nhất là hành vi không hút thuốc (94,3%), tiếp theo là không uống rượu bia (89,1%). Yếu nhất là hành vi dùng dầu ăn (24,3%), 1 tháng qua có được đo huyết áp (53,9%).
Một số yếu tố liên quan thực hành phòng chống tăng huyết áp của các đối tượng tại cộng đồng tỉnh Tuyên Quang hiện nay đó là: Giới, nhóm tuổi ≥ 60, người có đo huyết áp trong 1 tháng và kiến thức thái độ phòng chống tăng huyết áp.
KHUYẾN NGHỊ
Cán bộ y tế cơ sở cần tăng cường hoạt động truyền thông trong các hoạt động phòng chống tăng huyết áp cho các đối tượng nguy cơ ở cộng đồng.
Tài liệu tham khảo
1. Patricia M Kearney and et al. Global burden of hypertension: analysis of worldwide data, Lancet 365, tr. 217-223, (2015)
2. Phạm Gia Khải, Nguyễn Lân Việt và CS. Tần suất THA và các yếu tố nguy cơ ở các tĩnh miền bắc Việt Nam năm 2001- 2012. Tạp chí tim mạch học Việt Nam, pp. 8- 34, (Hà Nội 2003).
3. Hội Tim mạch học Việt Nam. Khuyến cáo về các bệnh tim mạch & các bệnh chuyển hóa giai đoạn (2006-2010), (Hà Nội 2006).
4. Nguyễn Thị Hà. Thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của chương trình phòng chống tăng huyết áp ở huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang. Chuyên đề tốt nghiệp Chuyên khoa I Y tế công cộng, Đại học Thái Nguyên, Trường đại học Y dược Thái Nguyên, (2015).
5. Nguyễn Thị Hoàn. Thực trạng bệnh tăng huyết áp ở người cao tuổi dân tộc Tày ở xã Năng Khả huyện Na Hang tỉnh Tuyên Quang và các yếu tố liên quan. Chuyên đề tốt nghiệp Chuyên khoa I Y tế công cộng, Đại học Thái Nguyên, Trường đại học Y dược Thái Nguyên, (2015).
6. Lại Đức Trường. Nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Thái Nguyên và hiệu quả của nâng cao sức khỏe và dinh dưỡng hợp lý. Luận án Tiến sĩ Y học, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Hà Nội, (2010).
7. Chu Hồng Thắng. Đặc điểm dịch tễ bệnh tăng huyết áp ở người Nùng trưởng thành tại tỉnh Thái Nguyên và hiệu quả một số giải pháp can thiệp. Luận án tiến sĩ y học, Đại học Thái Nguyên, Đại học Y dược Thái Nguyên, (2017).
8. Nguyễn Duy Phong, Hồ Văn Hải. Hành vi nguy cơ ở bệnh nhân tăng huyết áp điều trị tại Trung tâm y tế huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2009. Tạp chí Y tế công cộng 6 (2), tr. 11-15, Hà Nội 2009.

công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-phi thương mại-NoDerivatives 4.0 License International . p>
Bản quyền (c) 2024 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược