Outline
Abstract
Background: Anxiety, depression and stress are very common in COVID-19 patients Objectives: To investigate depression, anxiety, and stress in COVID-19 patients. Methods: A prospective descriptive study on 150 COVID-19 patients treated at Tuberculosis and Lung Disease Hospital. The assessment was done five days after the admission. Results: The average age of the patients was 32.8 ± 9.28 years old. The oldest was 83 years old. The rates of anxiety, depression and stress were 2.8%, 4.4%, and 7.2%. 100% of the patients had mild disorders and stress and the proportion of patients with mild anxiety was 72.7%. Boredom and disappointment, breathing disorders (rapid breath, shortness of breath even without heavy work...) and overthinking were the most common symptoms in COVID-19 patients. These rates were 71.6%, 48.4%, and 39.6%, respectively. Conclusions: The incidence of anxiety, depression and stress disorders in COVID-19 patients was low. Patients with anxiety, depression, and stress disorders were all mild. Boredom and disappointment, breathing disorders (tachypnea, dyspnea even without heavy work...), and overthinking were the most common symptoms in COVID-19 patients.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đại dịch COVID-19 trong những năm qua đã gây ra những tổn thất to lớn cho toàn nhân loại, cướp đi sinh mạng của hơn 4,5 triệu người, gây tổn thất nặng nề về kinh tế, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ thể chất của con người cùng những nỗi đau vô hình không đong đếm nổi đó là những sang chấn, tổn thương về mặt tinh thần dẫn đến nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần ở bệnh nhân COVID-19 như lo âu, trầm cảm và phản ứng stress1. Theo thống kê của WHO cho thấy: 13% bệnh nhân có lo âu, 12% chán nản, trầm cảm, 7% bệnh nhân cần chăm sóc liên quan đến sức khoẻ tâm thần và 6% bệnh lý tâm thần5.
Ở Việt nam, theo số liệu tổng hợp trong báo cáo của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có 13% bệnh nhân có lo âu, 12% chán nản, trầm cảm, 7% bệnh nhân cần chăm sóc liên quan đến sức khoẻ tâm thần và 6% bệnh lý tâm thần2.
Thực tiễn hàng ngày điều trị và tư vấn cho bệnh nhân mắc COVID-19 chúng tôi nhận thấy lo âu, chán nản và stress rất thường gặp và các biểu hiện lo âu, chán nản thường nặng hơn trên người lớn tuổi, người có bệnh nền, bố mẹ có con nhỏ chưa tiêm vacxin và gia đình có người thân hoặc xung quanh có người tử vong vì COVID-19... Chúng tôi nhận thấy vấn đề lo âu, chán nản, trầm cảm của người bệnh rất đáng được quan tâm, quan trọng và cấp thiết. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu: Mô tả đặc điểm rối loạn trầm cảm, lo âu và stress ở bệnh nhân COVID - 19 điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Thái Nguyên năm 2021.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
250 Bệnh nhân được chẩn đoán COVID - 19 mức độ nhẹ và vừa theo quyết định số 250/QĐ – BYT ngày 28 tháng 1 năm 2022 của Bộ Y Tế về việc ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19”.
Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân: Bệnh nhân trên 18 tuổi. Thời gian điều trị từ ngày thứ 5. Đồng ý tham gia nghiên cứu.
Tiêu chuẩn loại trừ: Bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu; có các rối loạn về tâm thần, không có khả năng đọc viết hoặc làm chủ hành vi và không đồng ý tham gia nghiên cứu.
Địa điểm và thời gian nghiên cứu
Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 02/2021 đến 04/2021.
Địa điểm nghiên cứu: Khoa Nội 2 Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Thái Nguyên.
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, thiết kế cắt ngang.
Cỡ mẫu: Toàn bộ.
Kỹ thuật chọn mẫu: Chọn mẫu có chủ đích. Chọn 250 bệnh nhân mắc COVID – 19 điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên.
Chỉ số nghiên cứu và cách đánh giá chỉ số nghiên cứu
- Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu:
+ Tuổi: Được phân chia thành 3 nhóm: < 40 tuổi; từ 40 - 60 tuổi và > 60 tuổi.
+ Giới: nam và nữ. Dân tộc: kinh và dân tộc khác.
+ Nghề nghiệp: Cán bộ; công nhân; tự do
+ Trình độ văn hoá: THPT; THCS; Tiểu học
+ Tình trạng hôn nhân: Đã kết hôn; chưa kết hôn; li dị
+ Thời gian mắc bệnh: Tính từ thời điểm bắt đầu được chẩn đoán bệnh đến thời điểm bắt đầu tham gia vào nghiên cứu (đơn vị là ngày).
- Tỷ lệ lo âu, trầm cảm và stres.
- Mức độ lo âu, trầm cảm và tress: nhẹ, vừa, nặng, rất nặng
- Các triệu chứng lo âu, trầm cảm và stress thường gặp.
- Thang điểm DASS 21: gồm 21 câu hỏi với mức cho điểm từ 0-3 cho mỗi câu trả lời. Với các tiểu mục phần DASS Stress (1, 6, 8, 11, 12, 14, 18), phần DASS lo âu (2, 4, 7, 9, 15, 19, 20), phần DASS trầm cảm (3, 5, 10, 13, 16, 17, 21) sẽ được nhân 2. Dựa vào tổng điểm để đánh giá mức độ lo âu, trầm cảm và stress là bình thường, nhẹ, vừa, nặng và rất nặng. Cụ thể như sau:
Mức độ | Lo âu | Trầm cảm | Stress |
Bình thường | 0 - 7 | 0 - 9 | 0 - 14 |
Nhẹ | 8 - 9 | 10 - 13 | 15 - 18 |
Vừa | 10 - 14 | 14 - 20 | 19 - 25 |
Nặng | 15 - 19 | 21 - 27 | 26 - 33 |
Rất nặng | ≥20 | ≥28 | ≥34 |
Phương pháp thu thập và xử lý số liệu
- Phương pháp thu thập số liệu: tiến cứu, phỏng vấn trực tiếp đối tượng nghiên cứu.
- Các số liệu của đề tài được nhập liệu bằng phần mềm Epidata 3.0 và phân tích theo thuật toán thống kê y học bằng chương trình SPSS 20.0. Số liệu thu được n, tính tỷ lệ %.
Nghiên cứu được thực hiện sau khi Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học chấp thuận.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm về tuổi: Bệnh nhân có độ tuổi 18 - 40 chiếm nhiều nhất với 43,2%%. Tuổi trung bình 32.8 ± 9.28, người nhiều tuổi nhất là 83 tuổi.
Đặc điểm về giới: Tỷ lệ nam/nữ ≈ 1/1 (Nam: 46,8%%, nữ: 53,2%).
Bệnh nhân chủ yếu là người dân tộc kinh (78%); Trình độ PTTH (69,2%) và là công nhân (51,2%).
Tỷ lệ, mức độ rối loạn trầm cảm, lo âu, stress ở bệnh nhân COVID-19
Bảng 1. Tỷ lệ rối loạn trầm cảm, lo âu và stress ở bệnh nhân COVID-19 (n=250)
Nhóm bệnh | n | % |
Trầm cảm | 7 | 2,8% |
Lo âu | 11 | 4,4% |
Stress | 18 | 7,2% |
Tổng | 36 | 14,4% |
Kết quả Bảng 1 cho thấy: Tỷ lệ mắc một số rối loạn tâm thần là 14,4%, trong đó cao nhất là phản ứng stress (7,2%), lo âu (4,4%) và trầm cảm (2,8%).
Bảng 2. Mức độ trầm cảm, lo âu và stress ở bệnh nhân COVID-19
Mức độ bệnh | Trầm cảm (n =7) | Lo âu (n =11) | Stress (n =18) | |||
n | % | n | % | n | % | |
Nhẹ | 7 | 100% | 8 | 72,7% | 18 | 100% |
Vừa | 0 | 0 | 3 | 27,3% | 0 | 0 |
Nặng | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
Tổng | 7 | 100% | 11 | 100% | 18 | 100% |
Kết quả Bảng 2 cho thấy: Trong số những bệnh nhân mắc COVID -19 bị trầm cảm và Stress thì 100% ở mức độ nhẹ. Tỷ lệ ở nhóm bệnh nhân lo âu là 72,7%. Còn lại 27,3% người bệnh lo âu mức độ vừa.
Đặc điểm rối loạn trầm cảm, lo âu, stress ở bệnh nhân COVID-19
Bảng 3. Đặc điểm rối loạn trầm cảm, lo âu, stress ở bệnh nhân COVID-19
Các đặc điểm | Trầm cảm (n=7) | Lo âu (n =11) | Stress (n =18) | ||||
n | % | n | % | n | % | ||
Tuổi | 18 – 40 tuổi | 5 | 71,4 | 3 | 27,3 | 11 | 61,1 |
40 – 60 tuổi | 2 | 28,6 | 4 | 36,4 | 6 | 33,3 | |
> 60 tuổi | 0 | 0 | 4 | 36,4 | 1 | 5,6 | |
Dân tộc | Kinh | 7 | 100 | 9 | 81,8 | 16 | 88,9 |
Khác | 0 | 0 | 2 | 18,2 | 2 | 11,1 | |
Giới | Nam | 0 | 0 | 2 | 18,2 | 0 | 0 |
Nữ | 7 | 100 | 9 | 81,8 | 18 | 100 | |
Trình độ văn hoá | Tiểu học | 0 | 0 | 2 | 18,2 | 4 | 22,2 |
THCS | 0 | 0 | 2 | 18,2 | 5 | 27,8 | |
PTTH | 7 | 100 | 7 | 63,6 | 9 | 50 | |
Nghề nghiệp | Cán bộ | 1 | 14,3 | 2 | 18,2 | 2 | 11,1 |
Công nhân | 6 | 85,7 | 5 | 45,4 | 12 | 66,7 | |
Tự do | 0 | 0 | 4 | 36,4 | 4 | 22,2 |
Kết quả Bảng 3 cho thấy: Trầm cảm và stress gặp nhiều ở độ tuổi từ 18 - 40 tuổi với tỷ lệ lần lượt 71,4% và 61,1%. Dân tộc kinh, nữ giới và trình độ học vấn từ THPH gặp các rối loạn trầm cảm, lo âu và stress nhiều hơn các đối tượng còn lại. Tỷ lệ này ở công nhân cũng gặp nhiều hơn lần lượt là 85,7%; 45,4% và 66,7%.
Bảng 4. Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân COVID - 19 theo DASS 21 (n=250)
Kết quả Bảng 4 cho thấy: Chán nản, thất vọng, rối loạn nhịp thở (thở gấp, khó thở dù không làm gì nặng...) và suy nghĩ quá nhiều là các triệu chứng thường gặp nhất với tỷ lệ lần lượt là 71,6%, 48,4%, 39,6%
BÀN LUẬN
Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Qua nghiên cứu 250 bệnh nhân mắc COVID – 19 trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2022 tại Khoa Nội 2 chúng tôi nhận thấy độ tuổi từ 18 - 40 chiếm nhiều nhất với 43,2%, tuổi cao nhất mắc Covid tại thời điểm thu thập mẫu là 83 tuổi. Bệnh nhân là nữ gặp nhiều hơn nam với tỷ lệ lần lượt là 53,2% và 46,8%. Bệnh nhân là người dân tộc kinh chiếm chủ yếu với 78%. Có 69,2% Bệnh nhân có trình độ học vấn từ THPT trở lên và 51,2% là công nhân. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi là Bệnh viện Thu Dung và điều trị Covid số 1 của tỉnh Thái Nguyên, Bệnh viện có vị trí địa lý gần khu công nghiệp Glonic nên bệnh nhân chủ yếu là người trẻ, nghề nghiệp làm công nhân, số lượng người bệnh là nữ chiếm chủ yếu theo chúng tôi là phù hợp.
Tỷ lệ, mức độ rối loạn trầm cảm, lo âu, stress ở BN COVID-19
Tỷ lệ rối loạn trầm cảm, lo âu và stress ở BN COVID-19
Tỷ lệ rối loạn lo âu, trầm cảm và stress trong nghiên cứu của chúng tôi lần lượt là: 4,4%; 2,8% và 7,2%. Kết quả trên cho thấy tỷ lệ rối loạn lo âu, trầm cảm và stress trong nghiên cứu của chúng tôi ở mức thấp và thấp hơn các nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Chaomen Liu và CS (2021) tổng hợp từ 22 nghiên cứu khác với tổng số 4.318 bệnh nhân. Tỷ lệ chung của các triệu chứng trầm cảm, lo âu và mất ngủ lần lượt là 38%, 38% và 48%9. Nghiên cứu của Zandifar A và CS (2020) cho thấy 97,2% bệnh nhân mắc Covid-19 bị trầm cảm ở một mức độ nào đó. Tất cả bệnh nhân đều có lo âu quá mức; 97,1% bệnh nhân bị căng thẳng ở một mức độ nào đó4.
Ở Việt nam, theo số liệu tổng hợp trong báo cáo của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có 13% bệnh nhân có lo âu, 12% chán nản, trầm cảm 7% bệnh nhân cần chăm sóc liên quan đến sức khoẻ tâm thần và 6% bệnh lý tâm thần. Nghiên cứu của tác giả Lương Công Thức cho thấy: Tỷ lệ trầm cảm, lo âu và stress là 16,74%, trong đó: trầm cảm là 3,26%; lo âu là 5,12%, stress là 8,37%2.
Tỷ lệ rối loạn lo âu, trầm cảm và stress trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn báo cáo của các tác giả là do khác nhau về đối tượng nghiên cứu và thời điểm nghiên cứu. Chúng tôi tiến hành nghiên cứu sau tác giả 1 năm khi dịch COVID – 19 bùng phát lần thứ 4 (năm thứ 2 của dịch), khi đó hầu hết bệnh nhân đã được tiêm Vacxin COVID – 19 mũi thứ 2 hoặc 3, khi thuốc và phác đồ điều trị đã được thế giới đưa ra và Việt Nam cũng đưa ra hướng dẫn phòng bệnh và điều trị hiệu quả hơn nên người dân yên tâm hơn, tin tưởng vào hệ thống y tế hơn và có sự chuẩn bị kỹ hơn về cả vật chất, tâm lý khi bị bệnh. Ngoài ra theo chúng tôi mức độ bùng phát dịch, tỷ lệ tử vong, tốc độ kiểm soát dịch cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ rối loạn lo âu, trầm cảm và stress.
Mức độ trầm cảm, lo âu và stress ở bệnh nhân COVID – 19
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 100% người bi rối loạn trầm cảm và stress ở mức độ nhẹ, tỷ lệ này ở người bệnh lo âu là 72,7%. Tỷ lệ này của chúng tôi thấp hơn rất nhiều các nghiên cứu khác cả ở trong và ngoài nước đã đưa ra. Nghiên cứu của Lương Công Thức tỷ lệ stress mức độ nhẹ là 77,78%, lo âu là 63,64% và trầm cảm là 42,86%. Các nghiên cứu ở nước ngoài cho tỷ lệ trầm cảm, lo âu, stress mức đô nặng là rất cao thậm trí có nghiên cứu 100% bệnh nhân vào viện có rối loạn lo âu, trong đó tất cả là mức độ nặng và rất nặng như tác giả Lim J: 84,5% phản ứng stress mức độ nặng7. Sự khác biệt này theo chúng tôi là do khác nhau về thời điểm nghiên cứu đồng thời sự cách ly kéo dài, tình trạng thiếu thông tin, tình trạng thất vọng chán nản và sự kỳ thị, tốc độ bùng phát dịch cũng ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân.
Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân COVID – 19 theo DASS 21
Chán nản, thất vọng; rối loạn nhịp thở (thở gấp, khó thở dù không làm gì nặng...) và suy nghĩ quá nhiều là các triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân COVID - 19 với tỷ lệ lần lượt là 71,6%, 48,4%, 39,6%. Kết quả nghiên cứu của Lương Công Thức cho thấy: triệu chứng của trầm cảm gặp nhiều nhất ở bệnh nhân COVID - 19 là chán nản, thất vọng (24,65%), mất hứng thú với mọi việc (18,13%), cho rằng mình là người vô tích sự (14,41%)…triệu chứng lo âu ở bệnh nhân COVID - 19 gặp nhiều nhất là ra nhiều mồ hôi (46,47%), bối rối trước công việc không đâu (43,72%), nhịp tim đập nhanh (26,51%), rối loạn nhịp thở (21,39%); triệu chứng thường gặp của phản ứng stress là bệnh nhân suy nghĩ quá nhiều (46,04%), dễ cáu kỉnh bực bội (28,83%), dễ bị kích động (23,25%), luôn trong tình trạng căng thẳng (18,60%). Tỷ lệ bệnh nhân chán nản, thất vọng trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn của tác giả Lương Công Thức mặc dù đối tượng nghiên cứu của chúng tôi tương đồng nhau theo chúng tôi là do khác nhau về thời điểm nghiên cứu. Tại thời điểm nghiên cứu của chúng tôi, tất cả bệnh nhân đều ở mức độ nhẹ hoặc vừa nhưng đến ngày điều trị thứ 5 hầu hết các triệu chứng đã ổn định, dịch bệnh cũng đã được kiểm soát nhưng bệnh nhân vẫn bị cách ly rất dài. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc cách ly quá lâu trong không gian chật hẹp cùng với tình trạng thiếu thông tin là một trong các nguyên nhân khiến bệnh nhân chán nản, ngoài ra khi nhiễm virút tác động lên hệ thống hô hấp cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới các rối loạn cảm xúc ở bệnh nhân khiến bệnh nhân cảm thấy chán nản, thất vọng.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu đặc điểm rối loạn lo âu, trầm cảm và stress ở bệnh nhân COVID – 19 chúng tôi rút ra kết luận: Tỷ lệ rối loạn lo âu, trầm cảm và stress trong nghiên cứu của chúng tôi lần lượt là: 4,4%; 2,8% và 7,2%. Trong số những bệnh nhân mắc COVID -19 bị trầm cảm và stress thì 100% ở mức độ nhẹ. Tỷ lệ ở nhóm bệnh nhân lo âu là 72,7%. Còn lại 27,3% người bệnh lo âu mức độ vừa. Các triệu chứng lo âu, trầm cảm và stress thường gặp ở BN COVID - 19 theo DASS 21 là chán nản, thất vọng; rối loạn nhịp thở (thở gấp, khó thở dù không làm gì nặng...) và suy nghĩ quá nhiều với tỷ lệ lần lượt là 71,6%, 48,4%, 39,6%.
References
1. Ali Ahiskalioglu, et al. Lumbar Erector Spinae Plane Block as a Main Anesthetic Method for Hip Surgery in High Risk Elderly Patients: Initial Experience with a Magnetic Resonance Imaging. Eurasian J Med. 52(1), 16-20 (2020).
2. Byung-Woo Min, MD, et al. Perioperative Pain Management in Total Hip Arthroplasty: Korean Hip Society Guidelines. Hip & Pelvis. 28(1), 15-23 (2016).
3. Choi P BM, Scott J, Douketis JD. Epidural analgesia for pain relief following hip or knee replacement. Cochrane Database of Systematic Reviews. Issue 3 (2003).
4. Duarte LT BP SR. Effects of epidural analgesia and continuous lumbar plexus block on functional rehabilitation after total hip arthroplasty. Rev Bras Anestesiol, 59, 531 – 534 (2009).
5. Dahlia Townsend, et al. Lumbar Erector Spinae Plane Block for Total Hip Arthroplasty Comparing 24-Hour Opioid Requirements: A Randomized Controlled Study. Anesthesiology Research and Practice, Article ID 9826638, 8 pages (2022).
6. FJ Singelyn TF MM, D Joris. Effects of intravenous patient-controlled analgesia with morphine, continuous epidulal analgesia and continuous femoral nerve sheath block on rehabilitation after unilatelal total hip arthroplasty. Reg Anesth Pain Med. 30, 452-457 (2005).
7. M. Anger, T. Valovska. PROSPECT guideline for total hip arthroplasty: a systematic review and procedure-specific postoperative pain management recommendations. Anaesthesia. 76, 1082–1097 (2021).
8. Singh S., Ranjan R., Lalin D. A new indication of erector spinae plane block for perioperative analgesia is total hip replacement surgery-a case report. Indian Journal of Anaesthesia. 63(4), 310 (2019).
9. Sakura Kinjo, et al. Continuous lumbar erector spinae plane block for postoperative pain management in revision hip surgery: a case report. Brazilian Journal of Anesthesiology; 69, Issue 4, p. 420-422 (2019).
10. Tulgar S., Senturk O. Ultrasound guided erector spinae plane block at L-4 transverse process level provides effective postoperative analgesia for total hip arthroplasty. Journal of Clinical Anesthesia. 44, 68 (2018).

This work is licensed under a Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License.
Copyright (c) 2023 Journal of Science and Technology in Medicine and Pharmacy