Current situation of sleep quality of patients post-COVID 19 at Thai Nguyen University of Medicine and Pharmacy ospital examination
Original article | Vol. 3 No. 1 (2024)
Journal of Science and Technology in Medicine and Pharmacy, Vol. 3 No. 1 (2024)
Original article

Current situation of sleep quality of patients post-COVID 19 at Thai Nguyen University of Medicine and Pharmacy ospital examination

Downloads

Download data is not yet available.

Fulltext

PDF (Tiếng Việt) | 12 | 1364
HTML (Tiếng Việt) | 3 | 1364
1.
Luu , T. A. T., Mai , D. D. & Hoang , T. M. N. Current situation of sleep quality of patients post-COVID 19 at Thai Nguyen University of Medicine and Pharmacy ospital examination. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược 3, 142–153 (2024).
PDF (Tiếng Việt) | 12 | 1364
HTML (Tiếng Việt) | 3 | 1364
DOI: 10.19982/jstmp.2024.1.13
10.19982/jstmp.2024.1.13
Luu Thi Anh Tuyet
Thai Nguyen University of Medicine and Pharmacy
Mai Duc Dung
Thai Nguyen University of Medicine and Pharmacy
Hoang Thi Mai Nga
Thai Nguyen University of Medicine and Pharmacy

Abstract

Background: The quality and duration of sleep play a key role in maintaining physical and mental health, If the patient has poor sleep quality, it will cause many negative impacts on the patient's health and psychology, and can even affect the patient's own safety as well as that people around. Objectives: The study was conducted to assess the sleep quality status of patients post- COVID-19 at Thai Nguyen University of Medicine and Pharmacy hospital examination. Method: Cross-sectional descriptive study method based on PSQI scale for 50 patients post- COVID-19. Results: the rate of poor sleep quality in patients post- COVID-19 accounted for 74%, of which it was mainly found in women with the rate of 78.7%; 46% of patients need from 30 to 60 minutes to start sleeping; The participants who slept from 5 to 6 hours per night accounted for 62%; 70% of respondents self-evaluated that they had a fairly poor sleeping quality, but no one sought help from sleeping pills to sleep better at night. Conclusion: Clinicians need have to appropriate interventions and support to improve sleep quality in patients post- COVID-19.

Keywords:  Covid 19; Sleep disturbance; Sleeping quality

ĐẶT VẤN ĐỀ

Chất lượng và thời lượng giấc ngủ đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sức khoẻ thể chất và tinh thần. Nếu không ngủ đúng cách và đủ thời lượng thì sẽ làm suy giảm khả năng tập trung, phán đoán trong các hoạt động hàng ngày và dễ gây tình trạng kích thích căng thẳng1. Thậm chí rối loạn giấc ngủ còn là yếu tố nguy cơ và tác nhân gây ra một loạt các rối loạn trong đó có các bệnh khác bao gồm trầm cảm, đột quỵ, viêm mãn tính, ung thư2… COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc sau đó lan rộng ra toàn thế giới và trở thành đại dịch toàn cầu3. Hậu Covid là bệnh lý mới nổi, chưa được hiểu biết đầy đủ nhưng có thể gây nên tình trạng sức khoẻ nghiêm trọng, hậu Covid không phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh Covid ban đầu và khoảng thời gian của các triệu chứng trong giai đoạn cấp tính, hậu Covid có thể ảnh hưởng đến cả sức khoẻ thể chất và tinh thần và các bệnh lý hậu Covid xảy ra ở cả bệnh nhân COVID-19 nhập viện hoặc không nhập viện trong giai đoạn cấp tính của bệnh4. Các rối loạn hậu Covid thường gặp như rối loạn trí nhớ, giảm sự tập trung, đau đầu thường xuyên, thay đổi cảm giác da, mệt kéo dài, khó thở và rối loạn giấc ngủ, trong đó rối loạn về giấc ngủ là một trong ba triệu chứng thường gặp nhất với tỷ lệ mắc chiếm từ 20 đến 37%5,6. Rối loạn giấc ngủ xuất hiện ở nhiều nhóm tuổi khác nhau trong đó gặp cả ở những bệnh nhân dưới 50 tuổi mà trước đó hoàn toàn khoẻ mạnh, hoạt bát, đa phần biểu biện các triệu chứng nhẹ trong giai đoạn cấp tính và không phải nhập viện. Ngoài nguyên nhân do covid thì stress kéo dài, lo lắng, trầm cảm... cũng gây rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân hậu Covid7,8. Việc chẩn đoán khó khăn do đa số không có biểu hiện tổn thương não bộ trên phim CT/MRI sọ não. Chính vì vậy để khảo sát tình trạng rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân sau mắc COVID-19, chúng tôi sử dụng bộ câu hỏi PSQI, đây là bộ câu hỏi nhất quán, đáng tin cậy, dễ sử dụng và được sử dụng rộng rãi trên thế giới để đánh giá chất lượng giấc ngủ của nhiều mặt bệnh khác nhau với mục tiêu: Thực trạng chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân sau mắc COVID-19 khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Người bệnh xác định hậu Covid theo tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở người lớn” ban hành kèm theo Quyết định số 2122/QĐ-BYT ngày 01 tháng 08 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Các triệu chứng cơ năng thường gặp ở tim mạch do hậu COVID-19 ở người lớn bao gồm: Đau ngực; khó thở; hồi hộp, trống ngực...

Tiêu chuẩn lựa chọn:

- Bệnh nhân được chẩn đoán hậu COVID-19 trên 18 tuổi.

- Đồng ý tham gia nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại trừ:

- Bệnh nhân có các rối loạn về tâm thần, không có khả năng đọc viết hoặc làm chủ hành vi.

- Bệnh nhân mắc các bệnh lý mãn tính nặng: Suy tim nặng, xơ gan cổ chướng, suy thận lọc máu chu kì, ung thư giai đoạn cuối gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

- Các bệnh nhân có tổn thương thần kinh trung ương trước đó như đột quy não, các tổn thương thực thể ở não như viêm, u não hoặc có tiền sử rối loạn giấc ngủ trước khi mắc COVID-19.

Thời gian và địa điểm nghiên cứu:

- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2022.

- Địa điểm nghiên cứu: Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên.

Phương pháp nghiên cứu:

Thiết kế nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu mô tả, thiết kế nghiên cứu cắt ngang.

Cỡ mẫu nghiên cứu: Toàn bộ.

Kỹ thuật chọn mẫu: Chọn mẫu có chủ đích. Chọn toàn bộ bệnh nhân hậu COVID-19 đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên đáp ứng đủ tiêu chuẩn chọn lựa. Trong thời gian nghiên cứu có 50 bệnh nhân đáp ứng tiêu chuẩn chọn lựa.

Công cụ nghiên cứu:

Nghiên cứu sử dụng thang đo chất lượng giấc ngủ PSQI (Pittsburgh Sleep Quality Index)9. Thang đo gồm 4 câu hỏi mở và 14 câu hỏi khi trả lời cần dựa trên tần suất sự kiện (Không, ít hơn 1 lần/tuần, 1-2 lần/tuần, 3 hoặc trên 3 lần/tuần) đánh giá mức độ của các vấn đề liên quan đến giấc ngủ như: Thời gian ngủ, tỉnh giấc giữa đêm, mức độ khó ngủ, hiệu suất giấc ngủ (Tỷ lệ toàn bộ thời gian ngủ và thời gian nằm trên giường), mức độ ảnh hưởng đến hoạt động ban ngày do thiếu ngủ, sử dụng thuốc ngủ (Bao gồm cả thuốc được kê đơn và không kê đơn), tự đánh giá chất lượng giấc ngủ (Theo chủ quan của đối tượng)…

Tiêu chuẩn đánh giá: Tổng điểm mà người bệnh có thể đạt được dao động từ 0 – 21.

- PSQI ≤5: Không có rối loạn giấc ngủ (Chất lượng giấc ngủ tốt).

- PSQI > 5: Có rối loạn giấc ngủ (Chất lượng giấc ngủ kém).

Trong đó: Tổng điểm PSQI từ 6-10: Rối loại giấc ngủ nhẹ. Từ 11-15: Rối loạn giấc ngủ trung bình và >15: Rối loạn giấc ngủ nặng.

Quản lý và xử lý số liệu nghiên cứu: Số liệu được nhập bằng phần mềm Epidata 3.0 sau đó được phân tích bằng phần mềm SPSS 20.0.

Đạo đức nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện sau khi Hội đồng y đức Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên thông qua.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Mô tả đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Bảng 1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Đặc điểm

n

%

Tuổi

18 – 40 tuổi

7

14

40 – 60 tuổi

41

82

> 60 tuổi

2

4

Dân tộc

Kinh

50

100

Khác

0

0

Giới

Nam

3

6

Nữ

47

94

Trình độ văn hoá

Tiểu học

0

0

THCS

0

0

PTTH

50

100

Nghề nghiệp

Cán bộ

13

26

Công nhân

7

14

Tự do

30

60

Kết quả bảng 1 cho thấy: Đối tượng tham gia nghiên cứu đa số là bệnh nhân nữ chiếm 94%. Nhóm tuổi từ 18 đến 40 gặp nhiều nhất chiếm 82%. 100% bệnh nhân hậu Covid đến khám là người dân tộc kinh và có trình độ văn hoá từ phổ thông trung học trở lên. Nghề nghiệp của đối tượng nghiên cứu chủ yếu là lao động tự do chiếm 60%, cán bộ chiếm 26%, công nhân chiếm 14%.

Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu khi mắc COVID-19

Bảng 2. Đặc điểm về bệnh khi mắc COVID-19

Triệu chứng bệnh

n

%

Sốt

50

100

Ho

50

100

Đau rát họng

38

76

Mất ngủ

32

64

Đau đầu

50

100

Triệu chứng khác

50

100

Thời gian bệnh về âm tính

7-10 ngày

45

90

11-13 ngày

5

10

>14 ngày

0

0

Kết quả bảng 2 cho thấy: 100% đối tượng nghiên cứu khi mắc COVID-19 đều có các triệu chứng điển hình như ho, sốt, đau đầu. Các triệu chứng khác kèm theo như đau rát họng chiếm 76%, mất ngủ chiếm 64%. 90% đối tượng nghiên cứu có kết quả âm tính sau 7-10 ngày.

Chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân sau mắc COVID-19

Bảng 3. Giờ đi ngủ, thời gian chờ ngủ, thời gian thức dậy

Đặc điểm

n

%

Giờ đi ngủ

21,2 ± 1,3

Thời gian chờ ngủ

< 15 phút

9

18

15 – 30 phút

11

22

30 – 60 phút

23

46

> 60 phút

7

14

Giờ thức giấc buổi sáng

5,1 ± 1,7

Kết quả Bảng 3 cho thấy: Giờ đi ngủ trung bình đối với bệnh nhân hậu COVID-19 là 21,2 ± 1,3 và thức giấc vào lúc 5,1 ± 1,7 giờ. Thời gian chờ ngủ từ 30-60 phút chiếm 46%.

Bảng 4. Chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân hậu COVID-19

Chất lượng giấc ngủ

n

%

Chất lượng giấc ngủ chung

Tốt

13

26

Kém

37

74

Điểm PSQI

7,25 ± 4,76

Chất lượng giấc ngủ ở nam giới

Tốt

3

100

Kém

0

0

Điểm PSQI

4,24 ± 4,55

Chất lượng giấc ngủ ở nữ giới

Tốt

10

21,3

Kém

37

78,3

Điểm PSQI

10,67 ± 4,54

Kết quả bảng 4 cho thấy: Chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân hậu COVID-19 có điểm PSQI là 7,25 ± 4,76. Tỷ lệ chất lượng giấc ngủ kém chung cho cả 2 giới là 74% trong đó tỷ lệ giấc ngủ kém ở nữ giới chiếm 78,3%. Tất cả nam giới đều có chất lượng giấc ngủ tốt.

Bảng 5. Các thành phần của giấc ngủ

Thành phần giấc ngủ

n

%

Số giờ ngủ được mỗi đêm

< 5 giờ

13

26

5 – 6 giờ

26

52

6 – 7 giờ

8

16

> 7 giờ

3

6

Hiệu quả giấc ngủ

< 65%

28

56

65 – 74%

10

20

75 – 84%

8

16

> 85%

4

8

Sử dụng thuốc ngủ

0

0

Không

50

100

Rối loạn chức năng ban ngày

Khó khăn để giữ đầu óc tỉnh táo

19

38

Không

31

62

Khó khăn duy trì hứng thú hoàn thành công việc

25

50

Không

25

50

Tự đánh giá chất lượng giấc ngủ

Rất tốt

0

0

Tương đối tốt

15

30

Tương đối kém

35

70

Rất kém

0

0

Kết quả Bảng 5 cho thấy: Phần lớn đối tượng nghiên cứu cho rằng chất lượng giấc ngủ của họ ở mức tương đối kém (Chiếm 70%). Thời gian ngủ trung bình mỗi đêm từ 5-6 giờ chiếm 52%, nhóm có thời gian ngủ từ 6-7 giờ chiếm 16%, nhóm có thời gian ngủ ít hơn 5 giờ chiếm 26%. Có 38% bệnh nhân thấy khó khăn trong việc giữ đầu óc tỉnh táo, 50% bệnh nhân thấy khó khăn duy trì hứng thú hoàn thành công việc. Về hiệu quả của giấc ngủ, đa số bệnh nhân có hiệu quả giấc ngủ < 65% (Chiếm 56%), nhóm 65-74% (Chiếm 20%). Chưa có bệnh nhân nào cần sử dụng đến thuốc ngủ để có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.

A graph with text and numbers

Description automatically generated

Biểu đồ 1. Các triệu chứng làm gián đoạn giấc ngủ

Kết quả Biểu đồ 1 cho thấy: Triệu chứng làm gián đoạn giấc ngủ gặp nhiều nhất là không thể ngủ được trong 30 phút đầu với 100% và 41% cho rằng tỉnh dậy nửa đêm là lý do làm gián đoạn giấc ngủ.

BÀN LUẬN

Đặc điểm về tuổi, giới, dân tộc, trình độ văn hoá và nghề nghiệp

Qua nghiên cứu 50 bệnh nhân đến khám hậu COVID-19 trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2022 tại Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên chúng tôi nhận thấy bệnh nhân tuổi từ 40- 60 chiếm nhất với 82%. Bệnh nhân nữ gặp nhiều hơn nam với tỷ lệ lần lượt là 94% và 6%. 100% bệnh nhân là người dân tộc kinh và có trình độ học vấn là từ THPT trở lên, 60% người bệnh tham gia nghiên cứu đều làm nghề tự do. Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên nhận khám và điều trị bệnh nhân sau mắc Covid cho nhân dân toàn Tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận, tuy nhiên thực tế cho thấy bệnh nhân đến khám hậu Covid phần nhiều là tự nguyện, thời gian đi khám chủ yếu là cuối tuần, bệnh nhân chủ yếu là người trẻ trung niên, trình độ học vấn cao từ THPT trở lên chiếm chủ yếu. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với nghiên cứu của Ayesha AC và cs (2021), độ tuổi trung bình của bệnh nhân tham gia nghiên cứu là 42 ± 106.

Đặc điểm về bệnh

Kết quả nghiên cứu ở Bảng 2 cho thấy: 100% bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng sốt, ho, đau đầu và một vài triệu chứng khác như mệt mỏi, khó tập trung, hụt hơi, lo âu.... Tỷ lệ đau rát họng chiếm 76% và mất ngủ là 64%. Có 45 bệnh nhân mắc bệnh âm tính sau 7-10 ngày, chiếm 90%. Không có trường hợp nào về âm tính sau 14 ngày. Theo các báo cáo của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai cũng như theo tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 phiên bản 8 năm 2022 của Bộ Y tế4 thì các triệu chứng thường gặp khi mắc COVID-19của nhóm bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi là phù hợp. Kết quả nghiên cứu thời gian bệnh trở về âm tính tương đồng kết quả nghiên cứu của Lechien và cộng sự vào năm 201910.

Chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân sau mắc COVID-19

Giờ đi ngủ, thời gian chờ ngủ, thời gian thức dậy

Kết quả nghiên cứu ở Bảng 3 cho thấy: Giờ đi ngủ trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 21,2 ± 1,3 giờ và thức giấc vào lúc 5,1 ± 1,7 giờ. Thời gian chờ ngủ là thời gian người bệnh bắt đầu đi ngủ cho đến khi ngủ được. Trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian chờ ngủ chủ yếu từ 30-60 phút (Chiếm 46%), thời gian chờ chủ yếu < 15 phút (Chiếm 18%) và thời gian chờ ngủ >60 (Chiếm 14%). Theo khuyến cáo của hội y học giấc ngủ Việt Nam thời gian ngủ của người bình thường từ 7-8h trung bình một đêm (Trung bình giao động từ 4-11h), thời gian đi ngủ tốt nhất từ 21-22h và thức dạy 5-7h. Như vậy, trong nghiên cứu của chúng tôi, thời gian đi ngủ và thời gian thức dậy trung bình là hợp lý với nhóm tuổi cao > 60 nhưng chưa phù hợp với phần lớn nhóm bệnh nhân nghiên cứu do phần lớn nhóm bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi là người trẻ và trung niên. Thời gian chờ ngủ ở người trẻ thường ít hơn ở người già, theo các nhà lâm sàng học về giấc ngủ thì thời gian chờ ngủ ở người trẻ trung bình < 30 phút (> 30 phút là khó ngủ) còn ở người già thì dài hơn, trung bình  > 30 phút ở 32% nữ giới và 15% ở nam giới > 65 tuổi. Như vậy thời gian chờ ngủ ở nhóm bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi kéo dài hơn theo khuyến cáo.

Chất lượng giấc ngủ ở bệnh nhân hậu COVID 19

Rối loạn giấc ngủ là một trong những vấn đề sức khỏe của cộng đồng. Rối loạn giấc ngủ sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc có các rối loạn giấc ngủ sẽ làm gia tăng mắc các bệnh mạn tính, gây ra các bệnh về tâm thần và cũng là nguyên nhân của những vụ tai nạn giao thông do thiếu tỉnh táo. Kết quả nghiên cứu ở Bảng 4 cho thấy: Có 37 bệnh nhân có chất lượng giấc ngủ kém (74%), tỷ lệ bệnh nhân có chất lượng giấc ngủ tốt chỉ chiếm 26%. Điểm PSQI trung bình là 7,25 ± 4,76. Nam giới có chất lượng giấc ngủ tốt hơn nữ giới với 100% nam giới có chất lượng giấc ngủ tốt điểm PSQI trung bình là 4,24 ± 4,55. Chỉ có 10 bệnh nhân chiếm 21,3% ở nữ giới có chất lượng giấc ngủ tốt. Điểm PSQI trung bình ở nữ giới tương đối cao 10,67 ± 4,54. Theo Ayesha AC và cs (2021) nghiên cứu trên 219 bệnh nhân sau mắc COVID-19 cho thấy: Tỷ lệ người bệnh có chất lượng giấc ngủ kém chiếm 45,1%, trong đó 12,1% đối tượng tham gia nghiên cứu báo cáo chất lượng giấc ngủ kém trước khi mắc Covid6. Một nghiên cứu khác ở Trung Quốc thực hiện trong 6 tháng trên 1733 bệnh nhân sau mắc COVID-19 cho thấy tỷ lệ người bệnh có chất lượng giấc ngủ điểm PSQI > 5 chiếm 26%10,11. Ngoài ra nghiên cứu của Orrù G và cộng sự đã chứng minh rằng những người mắc Covid kéo dài thì tỷ lệ mất ngủ tăng và chất lượng cuộc sống giảm12. Tỷ lệ người bệnh có chất lượng giấc ngủ kém trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn các nghiên cứu kể trên theo chúng tôi là phù hợp, do sự khác nhau về thời điểm nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu và khu vực nghiên cứu.

Các thành phần của giấc ngủ

Theo khuyến cáo của hội giấc ngủ y học Việt Nam, một người bình thường ngủ trung bình 7-8h mỗi đêm (Giao động từ 4-11h), thời gian ngủ ở người già thường ít hơn từ 6-6,5 giờ mỗi đêm. Kết quả nghiên cứu ở Bảng 5 cho thấy: Chỉ có 3 bệnh nhân ngủ được > 7h mỗi đêm chiếm tỉ lệ 6%; Đa số đối tượng nghiên cứu ngủ từ 5-7h trở lên chiếm 68% và có 13 trường hợp ngủ dưới 5h mỗi đêm chiếm 26%. Có 70% đối tượng nghiên cứu cho rằng chất lượng giấc ngủ của họ ở mức tương đối kém, 30% cho rằng họ có giấc ngủ tốt và không có ai cho rằng giấc ngủ của họ rất kém hay rất tốt, tuy nhiên không có ai cần sử dụng thuốc ngủ. Chất lượng giấc ngủ kém ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày của bệnh nhân, thậm chí các rối loạn giấc ngủ gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực như: Buồn ngủ vào ban ngày, mệt mỏi và suy giảm nhận thức, tăng nguy cơ té ngã và gãy xương, tăng tỷ lệ tai nạn và tử vong, giảm chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Đặc biệt, chất lượng giấc ngủ kém là yếu tố dự báo về ý định tự tử, các triệu chứng trầm cảm của người cao tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 38% thấy khó khăn trong việc giữ đầu óc tỉnh táo và 50% họ thấy có khó khăn để duy trì hứng thú hoàn thành công việc. Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thời gian ngủ trung bình mỗi đêm của nhóm đối tượng nghiên cứu ít hơn người bình thường theo khuyến cáo.

Các triệu trứng làm gián đoạn giấc ngủ

Có rất nhiều nguyên nhân làm gián đoạn giấc ngủ, trên mỗi nhóm đối tượng khác nhau thì nguyên nhân lại khác nhau. Ở người già thức dậy đi vệ sinh là nguyên nhân thường gặp nhất. Một số nghiên cứu trên nhóm đối tượng là sinh viên thì thức đêm, áp lực thi, uống chất có cồn...là nguyên nhân thường gặp. Trong nghiên cứu của chúng tôi, kết quả ở Biểu đồ 1 cho thấy: Không thể ngủ được trong 30 phút đầu là triệu chứng làm gián đoạn giấc ngủ mà tất cả bệnh nhân đều gặp. Có 41 bệnh nhân chiếm 82% cho rằng tỉnh dậy nửa đêm là lý do làm gián đoạn giấc ngủ; 34% bệnh nhân cho rằng thức dậy đi vệ sinh cũng là nguyên nhân làm gián đoạn giấc ngủ. Các lý do gặp ít hơn như cảm thấy lạnh hoặc nóng bất thường, không thể thở thoải mái, có giấc mơ không vui... chiếm tỷ lệ giao động từ 6-14%.

KẾT LUẬN

Tỷ lệ chất lượng giấc ngủ kém ở bệnh nhân hậu COVID-19 đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Thái Nguyên là 74%, trong đó chủ yếu gặp ở nữ giới với tỉ lệ là 78,7%. Thời gian chờ ngủ từ 30-60 phút chiếm 46% và đây cũng là một trong những triệu chứng làm gián đoạn giấc ngủ mà 100% các bệnh nhân hậu COVID-19 đều gặp phải. Thời gian ngủ trung bình từ 5-6h chiếm 68%. 70% đối tượng nghiên cứu cho rằng chất lượng giấc ngủ của họ ở mức tương đối kém, tuy nhiên chưa ai cần sử dụng đến thuốc ngủ. Dựa trên những phát hiện của chúng tôi, chúng tôi đề nghị những cá nhân đã khỏi bệnh COVID-19 nên được khám sàng lọc để phát hiện sớm các triệu chứng hậu COVID-19 và được điều trị kịp thời. Các bác sỹ lâm sàng cần có các biện pháp can thiệp và hỗ trợ phù hợp để nâng cao chất lượng giấc ngủ cho bệnh nhân hậu COVID-19.

References

1. Uchmanowicz, I., Markiewicz, K., Uchmanowicz, B., Kołtuniuk, A. & Rosińczuk, J. The relationship between sleep disturbances and quality of life in elderly patients with hypertension. Clinical interventions in aging, 155-165 (2019).

2. Zhang, H. et al. The association between PSQI score and hypertension in a Chinese rural population: the Henan Rural Cohort Study. Sleep medicine 58, 27-34 (2019).

3. WHO. Coronavirus disease (COVID-19) situation reports, <https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/situation-reports> (2020).

4. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19. Report No. QĐ 250/BYT-QĐ ngày 28 tháng 1 năm 2022, (Bộ Y tế, 2022).

5. Augustin, M. et al. Post-COVID syndrome in non-hospitalised patients with COVID-19: a longitudinal prospective cohort study. The Lancet Regional Health–Europe 6 (2021).

6. Choudhry, A. A. et al. Impact of COVID-19 infection on quality of sleep. Cureus 13 (2021).

7. Richter, K., Kellner, S., Hillemacher, T. & Golubnitschaja, O. Sleep quality and COVID-19 outcomes: the evidence-based lessons in the framework of predictive, preventive and personalised (3P) medicine. EPMA Journal 12, 221-241 (2021).

8. El Sayed, S., Gomaa, S., Shokry, D., Kabil, A. & Eissa, A. Sleep in post-COVID-19 recovery period and its impact on different domains of quality of life. The Egyptian Journal of Neurology, Psychiatry and Neurosurgery 57, 1-10 (2021).

9. DJ, B. The Pittsburgh Sleep Quality Index: a new instrument for psychiatric practice and research. Psychiatry Res. 28, 193-213 (1989).

10. Lechien, J. R. et al. Clinical and epidemiological characteristics of 1420 European patients with mild‐to‐moderate coronavirus disease 2019. Journal of internal medicine 288, 335-344 (2020).

11. Huang, C. et al. 6-month consequences of COVID-19 in patients discharged from hospital: a cohort study. The Lancet 401, e21-e33 (2023).

12. Orrù, G. et al. Long-COVID syndrome A study on the persistence of neurological psychological and physiological symptoms. Healthcare 9, 575 (2021).

Creative Commons License

This work is licensed under a Creative Commons Attribution-NonCommercial-NoDerivatives 4.0 International License.

Copyright (c) 2024 Journal of Science and Technology in Medicine and Pharmacy