Mục lục
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Bệnh Lao một bệnh lây nhiễm, do Vi khuẩn Lao gây ra và Lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh nhiễm trùng. Mục tiêu: Mô tả thực trạng phát hiện và kết quả điều trị Lao tại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2021. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả, thiết cắt ngang, hồi cứu Bệnh nhân Lao điều trị nội trú tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên. Kết quả: Trong vòng 5 năm, có 73.294 người dân được làm xét nghiệm đờm để phát hiện Bệnh Lao, chiếm 1,14% tổng dân số. Số Bệnh nhân mắc Lao Phổi mới AFB (-) chiếm tỷ lệ cao nhất, 39,90%. Tỷ lệ Bệnh nhân Lao Phổi mới AFB (+) được điều trị khỏi là 91,97%. Tỷ lệ bệnh nhân hoàn thành điều trị chiếm tỷ lệ cao 96,69%. Kết luận: Hoạt động quản lý và điều trị Bệnh Lao tại Thái Nguyên đã có những cải thiện trong giai đoạn 2017-2021.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Bệnh Lao là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu. Phòng chống Lao là một trong các mục tiêu nằm trong dự án phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến thuộc chương trình y tế quốc gia. Với tầm nhìn đến năm 2030, tiếp tục giảm số người chết do Bệnh Lao và giảm số người mắc Bệnh Lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 người dân và hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn Bệnh Lao. Thế nhưng mới chỉ tính đến năm 2020, số ca tử vong do Lao hàng năm trên toàn cầu tuy giảm nhưng không đủ mạnh so với mục tiêu năm 2020 là giảm 35%, mức giảm từ 2015 – 2019 là 14% chưa đến một nửa so với mục tiêu đề ra. Ước tính tại Việt Nam mỗi năm có 170.000 ca mắc mới (báo cáo WHO 2020)8. Từ khi đại dịch COVID – 19 bùng phát trên toàn thế giới, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch này, tỷ lệ phát hiện Bệnh nhân Lao giảm 3,1% cho thấy sự khó khăn trong công tác quản lý và điều trị Bệnh Lao tại Việt Nam3.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tuy đã có một số nghiên cứu trước đây về thực trạng quản lý và điều trị Bệnh Lao nhưng trong 5 năm trở lại đây, cụ thể là giai đoạn 2017 – 2021 chưa có nghiên cứu nào về thực trạng này nên chúng tôi thực hiện đề tài này để làm rõ hơn về thực trạng quản lý cũng như điều trị Bệnh Lao trên toàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2021 với mục tiêu: Mô tả thực trạng phát hiện và kết quả điều trị lao tại tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2021.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu: Sổ sách, báo cáo, biểu mẫu tổng hợp số liệu thống kê về tình hình quản lý và điều trị Lao của hệ thống y tế tỉnh Thái Nguyên trong thời gian từ 2017 - 2021.
Địa điểm, thời gian nghiên cứu: Tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Thái Nguyên từ 03/2022 đến 10/2022.
Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu mô tả.
Thiết kế nghiên cứu hồi cứu, cắt ngang.
Cỡ mẫu nghiên cứu: Toàn bộ.
Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu chủ đích các mẫu nghiên cứu đáp ứng mục tiêu đề ra.
Chỉ tiêu nghiên cứu
- Tỷ lệ phát hiện Lao qua 5 năm: AFB (+) mới, tái phát và các thể Lao khác.
- Các chỉ số phát hiện Lao AFB (+) mới so với ước tính qua 5 năm.
- Các kết quả điều trị Bệnh nhân Lao qua 5 năm: Bệnh nhân quản lý, khỏi, tái phát, hoàn thành điều trị, bỏ điều trị, tử vong, điều trị thất bại, điều trị lại, chuyển, không đánh giá.
Phương pháp xử lý số liệu: Nhập liệu bằng phần mềm Epidata 3.1. Xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0.
Đạo đức nghiên cứu: Nghiên cứu được thông qua Hội đồng y đức Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Phát hiện lao bằng xét nghiệm đờm trực tiếp
Bảng 1. Phát hiện lao bằng xét nghiệm đờm trực tiếp
Năm | Dân số | Số người xét nghiệm | Tỷ lệ %/dân số | BN lao phổi AFB (+) được phát hiện | Số người XN tìm được 1 BN lao phổi AFB (+) |
2017 | 1.256.124 | 18.422 | 1,47 | 437 | 42 |
2018 | 1.273.558 | 15.355 | 1,21 | 393 | 39 |
2019 | 1.290.945 | 18.328 | 1,42 | 378 | 48 |
2020 | 1.307.871 | 11.170 | 0,85 | 276 | 40 |
2021 | 1.323.152 | 10.019 | 0,76 | 263 | 38 |
Tổng | 6.451.650 | 73.294 | 1,14 | 1747 | 42 |
Kết quả Bảng 1 cho thấy: Trong vòng 5 năm, có 73.294 người dân được làm xét nghiệm đờm để phát hiện Bệnh Lao, chiếm 1,14% tổng dân số.
Số người xét nghiệm đờm tìm được 1 ca AFB (+) thấp nhất vào năm 2021 là 38 người, cao nhất vào năm 2019 là 48 người, trung bình cho cả 5 năm là 42 người.
Bảng 2. Tỷ lệ Bệnh nhân Lao các thể được phát hiện trên 100.000 dân
Thể Lao | Lao phổi AFB (+) | Lao phổi AFB (-), LNP | Tổng | ||
Lao mới | Lao cũ | ||||
Năm | Dân số | n (n/105) | n (n/105) | n (n/105) | n (n/105) |
2017 | 1.256.124 | 319 (25,40) | 54 (4,30) | 569 (45,30) | 942 (74,99) |
2018 | 1.273.558 | 292 (22,93) | 47 (3,69) | 507 (39,81) | 846 (66,43) |
2019 | 1.290.945 | 292 (22,62) | 46 (3,56) | 509 (39,43) | 847 (65,61) |
2020 | 1.307.871 | 302 (23,09) | 56 (4,28) | 492 (37,62) | 850 (64,99) |
2021 | 1.323.152 | 272 (20,56) | 44 (3,33) | 419 (31,67) | 735 (55,55) |
Tổng | 6.451.650 | 1477 (22,89) | 247 (3,83) | 2496 (38,69) | 4220 (65,41) |
Kết quả Bảng 2 cho thấy: Tỷ lệ phát hiện Lao Phổi mới AFB (+) cao nhất là 25,40/100.000 dân vào năm 2017, thấp nhất là 20,56/100.000 dân vào năm 2021 và trung bình 5 năm là 22,89/100.000 dân.
Tương tự, tỷ lệ Lao Phổi AFB (-), Lao ngoài Phổi cao nhất vào năm 2017 và thấp nhất vào năm 2021 với tỷ lệ lần lượt là 45,30/100.000 dân và 31,67/100.000 dân và trung bình 5 năm là 38,69/100.000 dân.
Trong khi đó, số Bệnh nhân Lao Phổi AFB (-), Lao ngoài Phổi được phát hiện nhiều nhất vào năm 2020 với tỷ lệ 37,62/100.000 dân, thấp nhất vào năm 2021 với tỷ lệ 31,67/100.000 dân và trung bình 5 năm là 38,69/100.000 dân.
Biểu đồ 1. Xu hướng Bệnh nhân Lao được phát hiện qua các năm
Kết quả Biểu đồ 1 cho thấy: Tỉ lệ phát hiện Lao Phổi mới AFB (+) có xu hướng tăng nhẹ từ 22,62/100.000 dân năm 2019 lên 23,09/100.000 dân năm 2020. Tuy nhiên lại có xu hướng giảm mạnh vào năm 2021 là 20.56/100.000 dân. Tỉ lệ phát hiện Bệnh nhân Lao Phổi âm, Lao ngoài Phổi có xu hướng giảm xuống từ 45,3/100.000 dân năm 2017 xuống 31,67/100.000 dân năm 2021. Tỉ lệ phát hiện Bệnh nhân Lao cũ có xu hướng tăng trong 2 năm 2019-2020 và có xu hướng giảm trong năm 2021.
Bảng 3. Bệnh nhân Lao các thể được phát hiện giai đoạn 5 năm
Các thể Lao | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | Tổng | |
Phổi mới AFB (+) | n | 319 | 292 | 292 | 302 | 272 | 1477 |
% | 33,33 | 33,95 | 34,19 | 34,71 | 36,51 | 34,46 | |
Tái phát | n | 54 | 47 | 46 | 56 | 44 | 247 |
% | 5,64 | 5,47 | 5,39 | 6,44 | 5,91 | 5,76 | |
Điều trị lại (Thất bại, ĐTL sau bỏ trị, tiền sử ĐT khác) | n | 15 | 14 | 7 | 20 | 10 | 66 |
% | 1,57 | 1,63 | 0,82 | 2,30 | 1,34 | 1,54 | |
Phổi mới AFB (-) | n | 387 | 312 | 363 | 373 | 275 | 1710 |
% | 40,44 | 36,28 | 42,51 | 42,87 | 36,91 | 39,90 | |
Ngoài phổi | n | 182 | 195 | 146 | 119 | 144 | 786 |
% | 19,02 | 22,67 | 17,10 | 13,68 | 19,33 | 18,34 | |
Tổng | 957 | 860 | 854 | 870 | 745 | 4286 (100%) |
Kết quả Bảng 3 cho thấy: Từ năm 2017 đến năm 2021, trên toàn tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện và đăng ký thu nhận vào điều trị 4286 Bệnh nhân Lao các thể. Trong đó, số bệnh nhân mắc Lao Phổi mới AFB (-) chiếm tỷ lệ cao nhất 39,9%.
Kết quả điều trị của Bệnh nhân Lao phổi mới AFB (+)
Bảng 4. Kết quả điều trị của Bệnh nhân Lao phổi mới AFB (+)
Kết quả | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | Tổng n (%) |
Khỏi | 335 | 304 | 310 | 330 | 290 | 1569 (91,97%) |
HTĐT | 14 | 13 | 18 | 10 | 8 | 63 (3,69%) |
Chết | 7 | 1 | 0 | 0 | 0 | 8 (0,47%) |
Thất bại | 10 | 10 | 6 | 9 | 4 | 39 (2,29%) |
Không theo dõi được | 3 | 4 | 4 | 3 | 2 | 16 (0,94%) |
Không đánh giá | 5 | 2 | 0 | 2 | 2 | 11 (0,64%) |
Tổng | 374 | 334 | 338 | 354 | 306 | 1706 |
Kết quả Bảng 4 cho thấy: Tổng số Bệnh nhân Lao Phổi mới AFB (+) trong 5 năm qua là 1706 bệnh nhân. Trong đó, tỷ lệ Bệnh nhân Lao Phổi mới AFB (+) được điều trị khỏi là 91,97%.
Bảng 5. Kết quả điều trị của Bệnh nhân Lao phổi cũ AFB (+) (Bao gồm tái phát, điều trị lại sau bỏ trị, thất bại, dương tính khác)
Kết quả | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | Tổng n (%) |
Khỏi | 7 | 9 | 5 | 9 | 8 | 38 (25,50) |
HTĐT | 13 | 18 | 20 | 34 | 14 | 99 (66,44) |
Chết | 0 | 2 | 0 | 0 | 0 | 2 (1,34) |
Thất bại | 0 | 2 | 0 | 0 | 0 | 2 (1,34) |
Không theo dõi được | 1 | 1 | 0 | 2 | 0 | 4 (2,69) |
Không đánh giá | 2 | 0 | 0 | 2 | 0 | 4 (2,69) |
Tổng | 23 | 32 | 25 | 47 | 22 | 149 |
Kết quả Bảng 5 cho thấy: Trong số 149 Bệnh nhân Lao Phổi cũ AFB (+) có tỷ lệ điều trị hoàn thành chiếm cao nhất là 66,44%. Số bệnh nhân chết và thất bại bằng nhau và có tỷ lệ thấp nhất là 1,34%.
Bảng 6. Kết quả điều trị Bệnh nhân Lao Phổi AFB (-), Lao ngoài Phổi và các thể khác
Kết quả | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | Tổng n (%) |
Hoàn thành điều trị | 595 | 530 | 524 | 533 | 443 | 2625 (96,69%) |
Điều trị thất bại | 0 | 0 | 2 | 0 | 0 | 2 (0,07%) |
Chết | 5 | 13 | 8 | 8 | 3 | 37 (1,36%) |
Không theo dõi được | 11 | 10 | 9 | 8 | 0 | 38 (1,40%) |
Không đánh giá | 5 | 4 | 4 | 2 | 0 | 13 (0,48%) |
Tổng | 616 | 557 | 547 | 551 | 446 | 2715 |
Kết quả Bảng 6 cho thấy: Kết quả điều trị cho 2715 Bệnh nhân Lao Phổi AFB (-), Lao ngoài Phổi cho thấy tỷ lệ bệnh nhân hoàn thành điều trị chiếm tỷ lệ cao 96,69%.
BÀN LUẬN
Từ 2017 đến 2021, qua kết quả từ Bảng 1 thấy rằng số người dân được xét nghiệm bằng đờm để phát hiện ra Bệnh Lao là 73.294 người, chiếm 1,14%, thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Ngô Thị Thu Tiền (2016) với 76.490 người, tỷ lệ %/dân số xét nghiệm đờm là 1,3% giai đoạn 2011-20157. Trong tổng số 73.294 người dân được xét nghiệm đờm trong 5 năm thì số xét nghiệm AFB (+) được phát hiện là 1.747 người (tương đương 42 người xét nghiệm/người AFB (+)). Mặc dù số người được đi xét nghiệm đờm để phát hiện bệnh lao thấp hơn so với báo cáo trước đó nhưng tỷ lệ phát hiện AFB (+) lại cao hơn. Điều đó chứng tỏ công tác sàng lọc những người nghi ngờ Lao bằng xét nghiệm đờm đã đạt hiệu quả cao hơn trong 5 năm qua.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong 5 năm qua đã phát hiện và đăng ký thu nhận vào điều trị 4286 Bệnh nhân Lao các thể. Trong đó số bệnh nhân mắc lao phổi AFB (-) là nhiều nhất với 1710 bệnh nhân, chiếm 39,90%. Xếp ngay sau đó là 34,46% số bệnh nhân mắc Lao Phổi AFB (+) mới được phát hiện. Kết quả này thấp hơn so với mục tiêu của CTCLQG (Phát hiện ít nhất 70% số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới). Nhìn chung, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân mắc Lao Phổi các thể đều có xu hướng giảm dần từ 2017 nhưng tăng trở lại vào năm 2020 và giảm vào năm 2021. Tương ứng với tình hình chung trên cả nước, số Bệnh nhân Lao các thể được phát hiện năm 2018 đạt 49.422 ca, giảm 2.468 ca, tương ứng với 4,76% so với năm 20176. Trong sáu tháng đầu năm 2019, CTCLQG đã phát hiện 50.645 Bệnh nhân Lao các thể2. Tỷ lệ phát hiện Bệnh nhân Lao trong 10 tháng đầu năm 2021 giảm 23,52% so với cùng kỳ năm 20203. Từ đây, ta có thể thấy được tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19 gây nên đối công tác phát hiện Lao không chỉ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mà còn trên phạm vi cả nước. Bệnh nhân Lao ngoài Phổi trong 5 năm được phát hiện ra 784 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 18,34%, tuy nhiên tỷ lệ Bệnh nhân Lao ngoài Phổi được phát hiện không đều giữa các năm.
Biểu đồ 1 cho thấy tỷ lệ phát hiện các thể Lao có xu hướng giảm trong năm 2020-2021. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh đại dịch COVID bùng phát. Hầu hết các Bệnh viện Phổi toàn quốc chuyển thành Bệnh viện COVID gây khó khăn cho công tác phát hiện và quản lý điều trị Bệnh Lao.
Bảng 3 cho thấy kết quả điều trị khỏi của Bệnh nhân Lao Phổi AFB (+) mới trong 5 năm là 91,97%. Kết quả này đã vượt mục tiêu của CTCLQG (điều trị khỏi cho ít nhất 85% số bệnh nhân lao phổi AFB (+) đã phát hiện). So sánh với nghiên cứu của Lưu Văn Bính (2012) tại Tuyên Quang có kết quả quản lý điều trị Lao Phổi mới AFB (+) khỏi là 72,73%1, nghiên cứu của Ngô Thị Thu Tiền (2016) tại Thái Nguyên là 89,0%7, nghiên cứu của Nguyễn Lộc (2020) tại Tân Phú là 76,74 %5 thì kết quả của chúng tôi cao hơn nhưng lại thấp hơn so với nghiên cứu của Hoàng Hà (2019) tại tỉnh Bắc Giang với tỷ lệ điều trị khỏi là 95,82%4. Tỷ lệ bệnh nhân chết, không theo dõi được, không đánh giá chưa đến 1%. Trong đó, tỷ lệ chết là thấp nhất với 0,47% trung bình 5 năm, đặc biệt, trong 3 năm liên tiếp trở lại đây, không có bệnh nhân nào tử vong. Điều đó cho thấy công tác điều trị lao tại Thái Nguyên đã được nâng cao và đang được thực hiện rất tốt trong những năm gần đây.
Bảng 5 cho thấy, tỷ lệ điều trị hoàn thành giữa 149 Bệnh nhân Lao Phổi AFB (+) cũ là 66,44%, chiếm tỷ lệ cao nhất, cao hơn hẳn so với kết quả từ nghiên cứu của Ngô Thị Thu Tiền (2016) là 4%7. Tuy nhiên, kết quả điều trị khỏi của chúng tôi lại thấp hơn khi chỉ có 25,5% so với 87,4% của nghiên cứu trước đó. Trong 5 năm, tỷ lệ bệnh nhân không theo dõi được và không đánh giá được đều bằng 2,69%. Thấp nhất là kết quả điều trị thất bại ngang với kết quả tử vong là 1,34%. Nổi bật trong 3 năm liên tiếp gần đây, không có bệnh nhân nào chết và thất bại. Bảng kết quả đã cho thấy khả năng điều trị và kiểm soát Bệnh Lao ngày càng được nâng cao, điều đó cần được duy trì và đẩy mạnh trong những giai đoạn tiếp theo.
Với 2715 Bệnh nhân Lao Phổi AFB (-), Lao ngoài Phổi và các thể khác chúng tôi có tỷ lệ điều trị hoàn thành chiếm cao nhất với 96,69% trong khi đó tỷ lệ điều trị khỏi là 0%. Số bệnh nhân được điều trị hoàn thành cao hơn 11,62% so với kết quả của Lưu Văn Bính (2012)1, hơn 1,59% so với kết quả của Ngô Thị Thu Tiền (2016)7. Qua kết quả trên, hoạt động quản lý và điều trị Bệnh Lao tại Thái Nguyên đã có những cải thiện trong giai đoạn 2017-2021.
KẾT LUẬN
- Tỷ lệ phát hiện lao các thể trung bình qua 5 năm tại Thái Nguyên là: Lao các thể đạt 65,41/100.000 dân; Lao Phổi mới 22,89/100.000 dân; Lao Phổi cũ là 3,83/100.000 dân, Lao ngoài Phổi và Lao Phổi AFB (-) là 38,69/100.000 dân.
- Kết quả điều trị: Kết quả Bệnh nhân Lao Phổi mới AFB (+) điều trị khỏi đạt 91,97%, Bệnh nhân Lao Phổi AFB (-), Lao ngoài Phổi và các thể Lao khác HTĐT là 96,69%.
Tài liệu tham khảo
1. Lưu Văn Bính. Thực trạng phát hiện, quản lý điều trị bệnh nhân lao và kết quả tập huấn nâng cao năng lực phòng chống lao cho cán bộ y tế cơ sở tỉnh Tuyên Quang Luận án bác sỹ chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên (2012).
2. Bộ Y tế. Chương trình Chống lao Quốc gia: Giao ban sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2019. (Bộ Y tế, Hà Nội, 2019).
3. Bộ Y tế. Đại dịch COVID-19 khiến nhiều mục tiêu phòng chống lao không thể 'cán đích'. (Bộ Y tế, Hà Nội, 2021).
4. Hoàng Hà và cộng sự. Thực trạng quản lý và điều trị lao tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2018, TNU Journal of Science and Technology 225.05, 32-37 (2020).
5. Nguyễn Lộc và cộng sự. Nghiên cứu tình hình và đánh giá kết quả điều trị lao phổi AFB (+) mới tại trung tâm y tế huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai năm 2018-2019, (2020).
6. Sở Y tế. Tỷ lệ phát hiện bệnh lao các thể trên toàn quốc đều giảm trong 6 tháng đầu năm 2018. (Sở Y tế, Hà Nội, 2018).
7. Ngô Thị Thu Tiền. “Thực trạng phát hiện, quản lý điều trị lao tại Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015 và đề xuất một số giải pháp can thiệp”, ( 2016)
8. World Health Organization. Global tuberculosis report 2020, World Health Organization, Geneva, Switzerland, (2020).

công trình này được cấp phép theo Creative Commons Attribution-phi thương mại-NoDerivatives 4.0 License International . p>
Bản quyền (c) 2023 Tạp chí Khoa học và Công nghệ Y Dược